Friday, October 3, 2014

Giới của các hàng tại gia có nhiều loại giới





Theo truyền thống Phật giáo, đối với các hàng tại gia cư sĩ là người cận sự nam, cận sự nữ, sau khi thọ phép quy y Tam Bảo xong, tiếp theo thọ trì giới. 

Giới của các hàng tại gia có nhiều loại giới như:
*         Ngũ giới cho tất cả mọi người tại gia.
*         Ngũ giới hành phạm hạnh cho bậc Thánh Bất Lai tại gia.
*         Bát giới ājīvaṭṭhamakasīla cho tất cả mọi người tại gia và bậc xuất gia.
3 loại giới này nên được giữ gìn cho được trong sạch và trọn vẹn suốt ngày đêm.
*         Bát giới uposathasīla và cửu giới uposathasīla mỗi tháng quy định có 4 ngày, hoặc 6 ngày, hoặc 8 ngày giới... Nếu người cận sự nam, cận sự nữ nào có khả năng, thì thọ trì bát giới uposathasīla, hoặc cửu giới uposathasīla trong những ngày đó. Nếu không có khả năng, thì không bắt buộc phải thọ trì giới ấy.

*         Thập giới của người tại gia, đối với người tại gia là cận sự nam, cận sự nữ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, chưa có cơ hội xuất gia lâu dài, mà chỉ có rảnh rỗi thời gian ngắn, người ấy đến chùa xin thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì thập giới của người tại gia trong khoảng thời gian ngắn.

*         Thập giới của bậc xuất gia Sadi, đối với vị Sadi, thập giới này là giới cần phải giữ gìn cho được trong sạch và trọn vẹn suốt ngày đêm trong cả cuộc đời của vị Sadi.
*         Giới của bậc xuất gia Tỳ khưu không phải thọ trì như các hàng tại gia cư sĩ và bậc xuất gia Sadi. Giới của Tỳ khưu được thành tựu đồng thời một lúc với lễ thọ Tỳ khưu tụng Ñatticatutthakammavācā xong.

Hành giới như thế nào?

Người có tác ý thiện tâm giữ gìn, bảo vệ những điều giới của mình cho được trong sạch và trọn vẹn, nghĩa là tác ý thiện tâm giữ gìn thân tránh xa mọi ác nghiệp và giữ gìn khẩu tránh xa mọi ác nghiệp, đồng thời thành tựu thân thiện nghiệp, khẩu thiện nghiệp.
Giới trong sạch nghĩa là tác ý thiện tâm giữ gìn bảo vệ giới của mình không bị ô nhiễm bởi phiền não.

Và trọn vẹn nghĩa là giữ gìn các điều giới mà mình đã thọ trì được trong sạch và đầy đủ, không để giới bị đứt, giới bị thủng, giới bị đốm, giới bị đứt lan.
Người có tác ý thiện tâm giữ gìn giới của mình được trong sạch và trọn vẹn, có nghĩa là giữ gìn, bảo vệ nhân cách trong sạch của mình, tôn trọng nhân phẩm con người của mình.
Thật ra, người ta có thể biết người khác là người thiện hay kẻ ác do nhờ giới của người ấy được biểu hiện nơi thân và khẩu.

Người có giới là người thiện, bởi do tác ý thiện đã tạo thân thiện nghiệp là tránh xa sự sát sinh, tránh xa sự trộm cắp, tránh xa sự tà dâm; và đã tạo khẩu thiện nghiệp là tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), tránh xa sự nói lời vô ích...

Người phạm giới là người ác, bởi do tác ý ác đã tạo thân ác nghiệp là sát sinh, trộm cắp, tà dâm; và đã tạo khẩu ác nghiệp là nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), nói lời vô ích...

*         Người có giới hưởng được 5 quả báu tốt lành:
-           Có nhiều của cải quý giá do không có tính dể duôi.
-           Có danh thơm, tiếng tốt lan truyền khắp cả 10 phương.
-           Có tâm thiện dũng cảm, không e ngại sợ sệt khi đi vào nơi hội đoàn gia chủ, hội đoàn Vua Chúa, hội đoàn Samôn,  hội đoàn Bàlamôn.
-           Có tâm thiện bình tĩnh sáng suốt lúc lâm chung.
-           Sau khi chết, thiện nghiệp cho quả tái sinh trong cõi thiện giới là: Cõi người, các cõi trời dục giới.

*         Người phạm giới, người không có giới phải chịu 5 quả xấu:
-           Của cải bị tiêu hao, khánh kiệt do tính dể duôi.
-           Có tiếng xấu lan truyền khắp cả 10 phương.
-           Có tâm e ngại, sợ sệt khi đi vào hội đoàn gia chủ, hội đoàn Vua Chúa, hội đoàn Samôn, hội đoàn Bàlamôn.

-           Có tâm ác tối tăm, mê muội lúc lâm chung.
-           Sau khi chết, ác nghiệp cho quả tái sinh trong cõi ác giới: Cõi địa ngục, cõi atula, cõi ngạ quỷ, cõi súc sinh.

Trong Chú giải bài kinh Sakkapañhasutta, có đoạn đề cập đến những người có giới trong sạch có thể lựa chọn được cảnh tái sinh 1 trong 6 cõi trời dục giới như:
“Parisuddhasīlā nāma chasu devalokesu yatthicchanti, tattha nibbattanti” [1] .
(Những người có giới trong sạch, lúc lâm chung tâm muốn tái sinh vào cõi trời nào trong 6 cõi trời dục giới, sau khi chết, do thiện nghiệp có giới ấy cho quả tái sinh trong cõi trời ấy, và hưởng được mọi sự an lạc trong cõi trời ấy cho đến hết tuổi thọ).

Muốn tái sinh lên các cõi trời sắc giới hoặc cõi trời vô sắc giới, hành giả không những có giới trong sạch mà còn phải chứng đắc các bậc thiền hữu sắc, hoặc bậc thiền vô sắc. Sau khi chết, chính bậc thiền cao nhất mà hành giả đã chứng đắc sẽ cho quả tái sinh lên cõi trời sắc giới hoặc cõi trời vô sắc giới, tùy theo bậc thiền sở đắc của hành giả.

Người phạm giới, người không có giới sẽ có tâm mê muội lúc lâm chung. Sau khi chết, ác nghiệp cho quả tái sinh trong cõi ác giới: Cõi địa ngục, hoặc cõi atula, hoặc cõi ngạ quỷ, hoặc cõi súc sinh tùy theo quả của ác nghiệp mà họ đã tạo, phải chịu khổ trong cõi ác giới ấy cho đến khi mãn quả của ác nghiệp ấy. Nếu thiện nghiệp chưa có cơ hội cho quả thì ác nghiệp lại cho quả tái sinh trở lại trong cõi ác giới.

Như vậy, người có giới trong sạch hưởng được quả báu tốt lành trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai. Ngược lại, người phạm giới, người không có giới phải chịu quả xấu, quả khổ ngay trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai.

Vậy chúng ta nên suy xét rằng: “Sự giữ gìn giới cho trong sạch và sự phạm giới, trong 2 sự việc này, sự việc nào dễ làm và sự việc nào khó làm?”.

Để giải đáp vấn đề này một cách trung thực và khách quan, chúng ta nên phân tích ra từng mỗi giới, rồi suy xét kỹ mỗi sự việc, lúc đó, mới có được một nhận thức đúng đắn, trung thực và khách quan.

1-       Giới tránh xa sự sát sanh
a)                Người có tác ý thiện tâm tránh xa sự sát sanh, nghĩa là không sát sanh, không cố gắng sát hại sinh mạng một chúng sinh nào dù lớn dù nhỏ, biết tôn trọng sinh mạng của mỗi chúng sinh như biết tôn trọng sinh mạng của mình. Do tự suy xét rằng: “Chính ta không muốn ai sát hại sinh mạng của ta, thì ta cũng không nên sát hại sinh mạng của chúng sinh khác, với bất cứ hình thức nào”. Đó là lẽ công bằng giữa mình với chúng sinh khác.

Như vậy, người có tác ý thiện tâm tránh xa sự sát sanh, không sát hại sinh mạng của chúng sinh. Đó là việc thiện dễ làm hay là việc thiện khó làm?

b)               Người có tác ý bất thiện, rồi cố gắng suy tính tìm mọi cách để sát hại chúng sinh, bằng cách tự mình giết hại sinh mạng chúng sinh, hoặc sai khiến người khác sát hại sinh mạng chúng sinh,... Chúng sinh ấy chết do bởi sự cố gắng của mình.
Như vậy, người có tác ý bất thiện sát hại sinh mạng của chúng sinh khác, dù lớn dù nhỏ. Đó là việc ác dễ làm hay là việc ác khó làm?

1. Sa-di phải đọc tụng điều giới thứ nhất như sau: "Pāṇātipātā veramaṇī sikkhāpadaṃ samādiyā-mi, con xin thọ trì điều học kiêng tránh sự sát sanh."

Gọi là "sự sát sanh" tức là làm chết hay cắt đứt mạng sống của một sinh vật. Sự cố ý sát sanh hội đủ 5 chi (aṅga) là :
a. Pāṇo, sinh vật tức là vật có thức tánh.
b. Pāṇasaññitā, biết rõ đó là sinh vật.
c. Vadhakacittaṃ, có tâm muốn sát hại.
d. Upakkamo, cố sức giết bằng mọi cách.
e. Tena maranaṃ, sinh vật đã chết do sự cố sát ấy.

Hội đủ năm chi này mới gọi là đứt giới, phạm điều học; nếu chỉ hành động thiếu một hai chi thì gọi là giới lủng rách, giới bất tịnh thôi.
Sa-di phạm điều giới sát sanh tròn đủ chi bị tội trục xuất (nāsanaṅga).
Mặt khác, điều giới sát sanh bị phạm đều do 2 sở hành (payoga), tức là: phạm do tự mình hành động (Sahatthikappayoga), và cũng phạm do bảo kẻ khác làm (āṇattikappayoga) ở đây có nghĩa là Sa-di tự mình sát sanh hay xúi bảo người khác sát sanh cũng đều gọi là phạm giới sát sanh. Nên điều học này có tên là sāṇattika, tức là điều giới cũng phạm do ra lệnh cho kẻ khác.

[1] Bộ Chú giải Dī. Mahāvaggaṭṭhakathā, kinh Sakkapañhasutta.
[2] Vinayapiṭaka, Parivārapāḷi, Cūḷasaṅgāma (288).

Xin đọc thêm:
HÀNH GIỚI (SĪLĀCĀRA) Tỳ khưu Hộ Pháp (Dhammarakkhita Bhikkhu)
Trang web BuddhaSasana

http://goo.gl/QiEqR     Google blogger  Sư Giới Tịnh đọc thêm nhiều tài liệu.
http://www.songthien.org     Địa chỉ trang WEB mp3 Sư Giới Tịnh…