Wednesday, October 8, 2014

Đại Nguyện Sanh làm người (manussatta).





(1)          Sanh làm người (manussatta): Phát nguyện thành Phật chỉ thành công khi được thực hiện bởi một chúng sinh đã đạt đến trạng thái hiện hữu của con người, chứ không thực hiện bởi chúng sinh sanh làm loài rồng (Nāga), loài kim xí điểu (supaṇṇa) v. V…Vì sao? Bởi vì những trạng thái khác này không tương xứng với trạng thái của một vị Phật vốn luôn luôn sanh trong trạng thái con người.

Quý vị nên biết, nếu quý vị có ước nguyện hay có hoài bảo muốn thành Phật đủ mạnh, một ngày nào đó quý vị có thể thành tựu ước nguyện của mình. Nhưng ngạn ngữ có câu: ‘Nếu những điều ước là ngựa, thời những kẻ ăn xin cũng có thể (có ngựa) cưỡi.’ Điều này có nghĩa rằng nếu mọi thứ chỉ cần ước là  được, thì người nghèo chẳng mấy chốc sẽ giàu. Như vậy chỉ phát nguyện thành Phật thôi thì không đủ để đắc thành Phật quả. Quý vị phải hoàn thành mười pháp Ba-la-mật bằng cách từ bỏ những sở hữu bên ngoài, từ bỏ vợ, con, tứ chi và thậm chí cả sinh mạng nữa. Nếu quý vị thực hành được như vậy một ngày nào đó quý vị có thể đắc thành Phật quả.

(2)     Sanh làm người nam (liṅgasampatti): Đối với một người đã đạt đến trạng thái làm người, thì phát nguyện cũng chỉ thành công khi nó được thực hiện bởi một người nam, chứ không phải bởi một nữ nhân, người bị hoạn (thiến), người bán nam bán nữ, người lưỡng tính. Vì sao? Bởi vì Đức Phật luôn luôn thuộc về phái nam, và bởi vì không có sự hoàn thành những đặc tính được đòi hỏi nơi những phái khác. Như Kinh nói: ‘Sự kiện này không xảy ra, này các Tỳ-kheo, một nữ nhân có thể thành một vị Phật Chánh Đẳng Giác, đây là điều bất khả.’[1]


(3)     Nhân (hetu): Nhân ở đây là sự thành tựu của những điều kiện hỗ trợ cần thiết. Ngay cả đối với một người nam, nguyện cũng chỉ thành công với một người có đầy đủ những điều kiện hỗ trợ cần thiết, tức là chỉ dành cho người đã có được nền tảng nhân duyên thiết yếu, chứ không phải cho một ai khác.

Người nam này phải có khả năng đắc A-la-hán thánh quả trong lúc nghe một bài kệ ngắn do Đức Phật thuyết liên quan đến Tứ Thánh Đế, hoặc (đắc) vào cuối bài kệ. Người này cũng phải có đủ các ba-la-mật (pāramīs) để đắc A-la-hán  thánh quả theo cách như vậy.

Trước khi người này được một Đức Phật xác nhận sẽ là một vị bồ tát, họ phải làm thế nào để có được những ba-la-mật (pāramīs) ấy? Chú giải Kinh Trung Bộ (Majjhimā Nikāya) nói rằng:
a)   Người  ấy phải xuất gia dưới một vị Phật;
b)   Thanh tịnh giới hạnh của mình;
c)   Học giáo lý của Đức Phật;
d)   Sống một đời sống thiền định, và có được tám thiền chứng;
e)   Phát triển Minh-sát (Vipassana) lên đến hành xả trí (saṅkhārūpekkhañāṇa)
Trên đây là những điều kiện hỗ trợ cần thiết. Tất nhiên trước khi người ấy hoàn thành mười pháp ba-la-mật (pāramīs), người ấy sẽ không cố gắng để đạt đến các thánh đạo và thánh quả mà vốn sẽ chấm dứt sự nghiệp bồ-tát của mình.

(1)     Tương kiến bậc Đạo-sư hay được gặp Đức Phật (sattāradassana): Đây muốn nói tới sự có mặt của bậc Đạo-sư (Đức Phật). Phát nguyện chỉ thành công khi người ấy nguyện trước sự hiện diện của một vị Phật đang tại thế. Nếu nguyện được thực hiện sau khi Đức Thế Tôn đã nhập Niết-bàn (Nibbana) - tức trước một điện thờ, dưới cội cây Bồ-Đề, trước một ảnh tượng Phật, trước mặt các vị Độc-giác Phật (Paccekabuddha), hay các vị đệ tử của Đức Phật - lời phát nguyện đó không thành tựu. Vì sao? Bởi vì người tiếp nhận thiếu năng lực  cần thiết để xác nhận lời phát nguyện này. Như vậy lời phát nguyện chỉ thành công khi phát nguyện trước mặt các vị Phật, vì chỉ các vị mới có đủ năng lực tinh thần để xác nhận lời nguyện cao quý đó.

(2)     Xuất Gia (pabbajjā): Phát nguyện chỉ thành công khi thực hiện trước mặt Đức Phật bởi một người đã lìa xa gia đình sống đời không gia đình của một người tu sĩ, hoặc như một vị Tỳ-kheo hoặc như một đạo sĩ tin nơi giáo lý Nghiệp (Kamma) và quả của nghiệp (kammavādi, kiriyavādi, v.v… ). Lời phát nguyện sẽ không thành công đối với một người đang sống trong đời sống gia chủ. Vì sao? Bởi vì trạng thái gia chủ không tương xứng với trạng thái của một vị Phật người mà bản thân đã xuất gia vậy. Chư đại bồ-tát trong kiếp chót của mình chỉ đạt đến sự giác ngộ tối thượng sau khi đã lìa xa gia đình sống đời không gia đình, chứ không phải trong lúc các vị vẫn còn là người gia chủ. Do đó, vào lúc phát nguyện, chỉ người đã xuất gia và có đầy đủ những phẩm chất thích hợp mới có thể thành công, và những phẩm chất đặc biệt để đắc thành Phật quả ấy chỉ hiện hữu nơi một người đã xuất gia mà thôi.


(3)     Thành tựu những công đức cao quý (guṇasampatti): Đây muốn nói tới sự thành tựu của những công đức cao quý như năm thần thông, v.v… Vì sự phát nguyện chỉ thành công khi được thực hiện bởi một người đã xuất gia và có được tám thiền chứng cũng như năm thần thông hiệp thế. Tám thiền chứng là đắc bốn bậc thiền sắc giới (rūpāvacara jhānas) và bốn bậc thiền vô sắc giới (arūpavacana jhānas).

          Năm thần thông là:
a)    Biến hoá thông (iddhi-vidha);
b)    Thiên nhĩ thông (dibba-sota);
c)    Tha tâm thông (cetopariyañāṇa);
d)    Thiên nhãn thông (dibba-cakkhu);
e)    Túc mệnh thông (pubbenivāsānussati).
Như vậy nguyện không thành công đối với một người không có những công đức này. Vì sao? Bởi vì người không có những công đức ấy sẽ không có khả năng thẩm xét các ba-la-mật (pāramīs). Chính nhờ có những điều kiện hỗ trợ cần thiết và các năng lực thần thông này mà bậc Đại Nhân, sau khi đã phát nguyện, có thể tự mình thẩm xét các ba-la-mật.

(1)     Hiến dâng sinh mạng (adhikāra): Đây là sự hiến dâng tột bực. Nguyện chỉ thành công đối với một người không những có đầy đủ những phẩm chất đã nói ở trước mà vào lúc đó vị ấy còn phải có sự hiến dâng tột bực cho Đức Phật, nghĩa là vị ấy sẵn sàng từ bỏ ngay cả mạng sống này vì sự nghiệp bồ tát.


(2)     Hoài bảo mãnh liệt (chandatā): Đây là một hoài bảo thiện, một ước muốn cho sự hoàn thành tốt đẹp hạnh nguyện bồ-tát của mình. Một người đã có những phẩm chất kể trên còn phải có hoài bảo mãnh liệt, nghĩa là phải có lòng mong mỏi, khao khát thực hành những pháp (dhammas) đưa đến Phật quả. Chỉ khi đó nguyện của người ấy mới thành công, nếu không thì không được.

Những ví dụ sau đây sẽ minh hoạ tầm quan trọng của hoài bảo được đòi hỏi phải có nơi một người nguyện thành Phật. Nếu vị ấy được nghe: ‘Ai có thể vượt qua toàn thế gian ngập nước này sang đến bờ bên kia bằng chính sức mạnh đôi tay của mình, người ấy có thể thành Phật.’ - vị ấy sẽ không nghĩ rằng điều ấy là khó làm, mà sẽ làm công việc đó với lòng tràn đầy ước muốn, không chùn bước.
Nếu vị ấy được nghe: ‘Ai có thể đi qua toàn thế gian đầy than đỏ đang cháy hừng, cháy không có lửa ngọn và cháy không có khói, vượt qua đến phía bên kia bằng chính sức mạnh đôi chân của mình, người ấy có thể thành Phật.’- vị ấy sẽ không nghĩ rằng điều đó là khó làm, mà sẽ làm công việc đó với lòng tràn đầy ước muốn, không chùn bước.

Nếu vị ấy được nghe: ‘Ai có thể băng qua toàn thế gian đã trở thành một khu rừng đầy dây gai và bao phủ bởi đám tre gai dày đặc, vượt qua đến phía bên kia bằng chính sức mạnh đôi tay của mình, người ấy có thể thành Phật.’ - vị ấy sẽ không nghĩ rằng điều đó là khó làm, mà sẽ làm công việc đó với lòng tràn đầy ước muốn, không chùn bước.

Nếu vị ấy được nghe: ‘Chỉ có thể đắc thành Phật quả sau khi đã bị hành hạ trong địa ngục suốt bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp.’- vị ấy sẽ không nghĩ rằng điều đó là khó làm, mà sẽ làm công việc đó với lòng tràn đầy ước muốn, không chùn bước. Mức độ của hoài bảo được đòi hỏi phải như vậy.

Nếu quý vị nghĩ mình có hoài bảo hay ước nguyện thành Phật đủ mạnh, liệu  mức độ hoài bảo của quý vị có lớn như vậy hay không? Và quý vị có dám làm như vậy hay không?

Nguyện, được thực hiện bởi một người có đầy đủ tám yếu tố kể trên, là sự biểu hiện hoạt động của tâm thức khởi lên cùng với tám yếu tố này. Đặc tính của nó là quyết định đạt đến sự giác ngộ tối thượng một cách chân chánh. Nhiệm vụ của nó là hoài bảo, ‘Mong cho ta chứng được chánh đẳng giác (thành Phật), và đem lại an vui, hạnh phúc cho tất cả chúng sinh!’ Nguyện được thể hiện như nhân căn để cho những điều kiện cần thiết của giác ngộ. Nhân gần của nó là lòng đại bi, hay sự thành tựu của những điều kiện hỗ trợ cần thiết. Vì đối tượng của nguyện là bình diện bất khả tư nghì của chư Phật và sự an lạc của vô lượng chúng sinh, nên nó được xem như cao tột nhất, tối thượng nhất và thù thắng nhất trong các công đức, có đầy đủ khả năng, và là nhân căn để của tất cả pháp đưa đến Phật quả. Cùng với sự khởi sanh của nó, bậc Đại Nhân bước vào thực hành cỗ xe đại giác (mahābodhiyāna-paṭipatti - cỗ xe lớn đưa đến giác ngộ). Có thể nói vận mệnh của ngài đã trở thành cố định, không thể nào thay đổi, và do đó đạt được danh hiệu ‘bồ-tát’ một cách chân chính. Tâm ngài từ đây dành trọn cho sự giác ngộ tối thượng, và khả năng để hoàn thành việc tu tập các điều kiện cần thiết cho sự giác ngộ của ngài được thiết lập vững chắc. Vì khi nguyện thành công, các bậc Đại Nhân sẽ thẩm xét tất cả pháp ba-la-mật (pāramīs) với trí tự phát của mình một cách đúng đắn, đây là trí báo trước sự chứng đắc toàn giác trí trong tương lai của các ngài. Lúc đó các ngài bắt đầu đảm nhận công việc thực hành các ba-la-mật (pāramīs) của mình và hoàn thành chúng theo đúng trình tự, như đức bồ-tát Sumedho[2] đã làm sau khi ngài phát đại nguyện vậy.

Ở đây, Tôi sẽ nói cho quý vị biết đức bồ-tát của chúng ta đã có được tám yếu tố ấy như thể nào để phát đại nguyện và nhận được lời thọ ký xác định.

Trước khi đức bồ tát của chúng ta (lúc đó là đạo sĩ Sumedho) nhận được lời thọ ký xác định từ Đức Phật Nhiên Đăng (Dipaṇkara), ngài đã phát nguyện thành Phật trước cả hai tỷ Đức Phật quá khứ. Theo Yasodhrā Theri Apādāna, công chúa Da-du-đà-la (Yasodharā) tương lai cũng đã phát nguyện giúp ngài thực hành bồ-tát đạo trước số lượng chư Phật y như vậy. Và ngay cả trước khi đức bồ-tát của chúng ta nhận được lời thọ ký xác định, ngài cũng đã hoàn thành mười pháp ba-la-mật (pāramīs) bằng cách bố thí hết những vật sở hữu của ngài, kể cả vợ, con, vương vị, tứ chi và mạng sống. Con mắt mà ngài đem bố thí còn nhiều hơn cả số sao trên trời. Nếu số thân mà ngài đem bố thí đem chất đống lại có thể còn lớn hơn cả Núi Meru (núi chua Tu-di). Ngài đã xuất gia dưới nhiều vị Phật, đã thanh tịnh giới, học Phật pháp, sống đời sống thiền định và đắc được bát thiền, ngũ thông, và tu tập minh sát (vipassana) lên đến hành xả trí (saṅkhāruppekhāñāṇa). Đó là cách ngài đã thực hành mười ba-la-mật (pāramīs) để có được lời thọ ký xác định.

Khi ngài gặp Đức Phật Nhiên Đăng (Dīpaṇkara) trong kiếp làm đạo sĩ Sumedho, ngài đã có đủ tám yếu tố để thực hiện lời nguyện lớn, đó là, có được trạng thái làm người; là người nam; có nhân (hetu); gặp Đức Phật; xuất gia đạo sĩ tin nghiệp và quả của nghiệp; sự thành tựu của những phẩm chất cao quý — như tám thiền chứng và năm thần thông hiệp thế; hiến dâng thân mạng cho Đức Phật; và hoài bảo mãnh liệt đối với phật quả. Nếu ngài muốn giác ngộ ngay kiếp đó ngài có thể đạt đến A-la-hán thánh quả cùng với lục thông và tứ tuệ phân tích (paṭisambhidāñāṇa) do nghe một bài kệ Đức Phật thuyết liên quan tới Tứ Thánh Đế. Để đắc tứ tuệ phân tích (paṭisambhidāñāṇa) một người cần phải có năm yếu tố sau:
1.        Thành tựu (adhigama): đây là sự thành tựu A-la-hán Thánh Đạo và A-la-hán Thánh Quả hay thành tựu bất kỳ Đạo Quả nào.

2.        Tinh thông kinh điển (pariyatti).

3.        Nghe (savana): nghe những giải thích về Pháp một cách chăm chú và kính trọng.


4.        Hỏi (paripucchā): ở đây là thảo luận những đoạn kinh văn và những lời giải thích khó hiểu trong kinh và chú giải.

5.        Tiền nỗ lực (pubbayoga): thực hành thiền chỉ và minh sát (vipassana) tới mức hành xả trí (saṅkhāruppekhāñāṇa) trong giáo pháp của các vị Phật trước.

Yếu tố đầu tiên phải được thành tựu trong kiếp hiện tại, còn bốn yếu tố kia được hoàn thành trong các kiếp quá khứ. Như vậy, trước khi một người trở thành một vị bồ-tát họ đã thành tựu bốn yếu tố sau rồi.

Sau khi đã nhận được lời thọ ký xác định một vị bồ-tát phải thẩm xét các pháp ba-la-mật (pāramīs) sẽ phải được hoàn thành không có sự hướng dẫn của một vị thầy, cũng giống như những gì đạo sĩ Sumedho đã làm. Tại sao một vị bồ-tát có thể tự mình thẩm xét các pháp ba-la-mật (pāramīs) mà không cần một vị thầy? Bởi vì ngài đã học hỏi giáo lý của Phật trong rất nhiều kiếp quá khứ, và bởi vì ngài đã đắc được túc mệnh thông (khả năng nhớ được các kiếp quá khứ). Và khi điều kiện chín mùi, đó là khi ngài gặp một vị Phật đang tại thế và phát đại nguyện trước mặt vị Phật ấy, thì Trí Thẩm Xét các Ba-la-mật sẽ khởi lên trong tâm ngài. Sau khi đã thẩm xét đủ mười ba-la-mật (pāramīs), ngài phải hoàn thành mười balamật ấy trong ít nhât bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp. Chỉ lúc đó ngài mới có thể thành Phật.

Từ đây chúng ta có thể thấy rằng không chỉ khó thành Phật, mà muốn thành một vị bồ-tát cũng rất khó. Vì sao? Vì không dễ có được đầy đủ tám yếu tố, đó là, sanh làm người; là người nam; gặp Phật ra đời; v.v… để phát đại nguyện vững vàng và nhận được lời thọ ký xác định từ nơi Đức Phật.
Để giúp cho quý vị hiểu biết sâu xa hơn về đại nguyện, ở đây tôi sẽ giải thích bốn duyên (paccaya), bốn nhân (hetu) và bốn lực (bala) của đại nguyện.

                                       i.     Bốn duyên hay những yếu tố xa là:
a)  Khi một bậc Đại Nhân nguyện thành Phật thấy một đức Như Lai (Tathāgata) thi triển thần thông, vị ấy nghĩ: ‘Toàn Giác Trí thật là có sức mạnh vô cùng; nhờ có nó, Đức Phật đã trở thành người có bản chất kỳ diệu và tuyệt vời, và nhờ có nó mà ngài mới có năng lực không thể nghĩ bàn như vậy.’ Sau khi chứng kiến những năng lực vô song của Đức Phật bồ-tát có khuyng hướng về Toàn Giác Trí (Nhất Thiết Trí).

b)  Mặc dù không tự mình nhìn thấy những năng lực vĩ đại của đức Như Lai (Tathāgata), nhưng khi được nghe từ những người khác: ‘Đức Thế Tôn có đầy đủ năng lực như vậy, như vậy.’ ngài cũng có khuynh hướng về Toàn Giác Trí.

c)   Mặc dù không chứng kiến cũng không nghe nói đến những năng lực của đức Như Lai (Tathāgata), nhưng khi nghiên cứu kinh điển  nói về những năng lực của một vị Phật, ngài cũng có khuynh hướng về Toàn Giác Trí.


d)  Mặc dù không thấy những năng lực của đức Như Lai (Tathāgata), không nghe người khác nói, và cũng không nghiên cứu một bản kinh nào liên quan đến việc đó, song vì lẽ ngài có một tâm tính rất cao quý, nên ngài nghĩ như vầy: ‘Ta sẽ bảo vệ di sản (giáo Pháp), bảo vệ dòng dõi, truyền thống và giới luật của chư Phật.’ Do lòng kính trọng rất mực đối với Pháp này ngài có khuynh hướng về Toàn Giác Trí.

                                            i.     Bốn nhân hay bốn yếu tố gần là:
a.   Bậc Đại Nhân phải có đầy đủ sự hỗ trợ cần thiết, như đã làm các việc công đức đặc biệt (adhikāra) trong thời kỳ các Đức Phật trước.

b.   Bậc Đại Nhân bẩm sinh phải có đầy đủ lòng bi mẫn và ước muốn làm vơi nhẹ nỗi khổ của các chúng sinh ngay cả phải hy sinh thân mạng.


c.   Bậc Đại Nhân phải có đầy đủ nghị lực và sức mạnh để phấn đấu lâu dài cho tới khi thành tựu cứu cánh Phật quả của mình, không vì cái khổ trong vòng luân hồi mà cảm thấy thối chí và cũng không vì sự gian nan trong công việc đem lại an vui hạnh phúc của các chúng sinh mà nản lòng.

d.   Bậc Đại Nhân vui thích được làm bạn với người tốt, những người  biết ngăn vị ấy làm điều ác và khuyến khích vị ấy làm điều thiện.


Trong bốn nhân này, đầy đủ sự hỗ trợ cần thiết (upanissaya sampada) có nghĩa là, bởi vì Bậc Đại Nhân đã quyết định thành Phật trong tâm hay nói ra bằng lời trước sự có mặt của chư Phật quá khứ nên vị ấy luôn luôn khuynh hướng về Toàn Giác Trí; vị ấy luôn luôn khuynh hướng về công việc đem lại an vui cho các chúng sinh.
Bởi vì vị ấy có được đầy đủ sự hỗ trợ cần thiết như vậy nên vị ấy phân biệt rất rõ những ai sẽ trở thành chư Độc-giác Phật (Paccekabuddha) hoặc những ai sẽ trở thành Thinh Văn đệ tử Phật theo khả năng của họ, vị ấy phân biệt rất rõ những pháp hành nào đem lại an vui hạnh phúc cho tha nhân và sự thiện xảo trong việc phục vụ lợi ích của người khác cũng như trong việc biết rõ đúng với sai, chánh với tà.
Còn về thân cận bạn tốt, chữ ‘bạn tốt’ hay ‘bạn lành’ ở đây có nghĩa là những người có tám thuộc tính, đó là, tín, giới, đa văn, bố thí, tinh tấn, chánh niệm, thiền định và trí tuệ.

                                          ii.     Bốn đại lực là:
a.   Nội lực: khuynh hướng triệt để về Toàn Giác Trí hay Chánh Đẳng Giác (Sammāsambodhi) nhờ tin cậy vào khả năng của mình với lòng kính trọng Pháp (Dhamma). Đây là duyên cuối cùng trong bốn duyên đã đề cập ở trước. Vận dụng lực hay sức mạnh này, sau khi đã có sự tự tin và ý thức hổ thẹn khi làm điều ác, các vị bồ-tát nguyện thành Phật, hoàn thành các ba-la-mật (pāramīs) và đạt đến sự giác ngộ tối thượng.

b.   Ngoại lực: khuynh hướng triệt để về Toàn Giác Trí nhờ tin cậy vào ngoại lực, ba duyên đầu trong bốn duyên đã đề cập ở trên. Vận dụng lực này, dựa vào thế gian bên ngoài, được hỗ trợ bởi lòng tự trọng và tự tin, ‘Ta là người đã được trang bị đầy đủ với những sức mạnh để đạt đến Phật quả,’ vị bồ-tát nguyện thành Phật, hoàn thành các ba-la-mật (pāramīs) và đạt đến sự giác ngộ tối thượng.


c.   Trợ duyên lực (upanissaya-bala-thân duyên lực, sức mạnh của những điều kiện hỗ trợ) khuynh hướng triệt để về Toàn Giác Trí nhờ tin cậy vào nhân đầu tiên trong bốn nhân. Vận dụng lực hay sức mạnh này, có đầy đủ các căn bén nhạy, sự thanh tịnh tự nhiên và được hỗ trợ bởi chánh niệm, vị bồ-tát nguyện thành Phật, hoàn thành các ba-la-mật (pāramīs) và đạt đến sự giác ngộ tối thượng.

d.   Tinh tấn lực (payoga-bala, tiền phương tiện): trang bị đầy đủ với sức tinh tấn thích hợp và đủ để chứng đắc Toàn Giác Trí, đủ để kiên trì theo đuổi những điều kiện hỗ trợ và những hoạt động công đức. Vận dụng tinh tấn lực này, cộng với sự thanh tịnh của lời nói và việc làm, và không ngừng tham gia trong những hoạt động công đức, vị bồ-tát nguyện thành Phật, hoàn thành các ba-la-mật (pāramīs) và đạt đến sự giác ngộ tối thượng.

http://goo.gl/QiEqR     Google blogger  Sư Giới Tịnh đọc thêm nhiều tài liệu.
http://www.songthien.org     Địa chỉ trang WEB mp3 Sư Giới Tịnh…

CỖ XE ĐẠI GIÁC
(MAHĀBODHIYĀNA)
Tôn Giả Āciṇṇa, Dhammācariya – Pháp Sư
Aggamahākammaṭṭhānācariya – Đại Trưởng Lão Thiền Sư
Trưởng Ban Thiền Sư và Cố Vấn Thiền
Trung Tâm Rừng Thiền Phật Học Quốc Tế Pa-Auk, Myanmar
Tỳ kheo Pháp Thông dịch thuật



[1] Có những địa vị người nữ không thể đạt đến là: Phật Chánh Đẳng Giác, Chuyển Luân Vương, Đế Thích Thiên Vương, Ác Ma, Phạm Thiên v.v… (Majjhima Nikaya  III. 300. Anguttara Nikaya I. 30.)
[2] Sumedho, một vị đạo sĩ, tiền thân của Đức Phật Thích Ca, đã phát nguyện thành Phật trước mặt Đức Phật Nhiên Đăng (Dīpaṇkara) và được vị này thọ ký.