Như vầy tôi nghe.
Một thời, Thế Tôn
trú giữa các giòng họ Sakka (Thích Ca), tại Kapilavatthu (Ca Tỳ La Vệ), ở tu viện
Nigrodha (Ni Câu Luật Thọ Viện). Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi
vào Kapilavatthu để khất thực. Sau khi khất thực ở Kapilavatthu, ăn xong, trên
đường đi khất thực trở về, Thế Tôn đi đến trú xứ của Thích Ca Kalakhemaka để ở
ban ngày. Lúc bấy giờ tại tu viện của Thích Ca Kalakhemaka, có sắp đặt rất nhiều
sàng tọa. Thế Tôn thấy rất nhiều sàng tọa tại trú xứ của Thích Ca Kalakhemaka,
thấy vậy Thế Tôn suy nghĩ: -- "Rất nhiều sàng tọa được sắp đặt tại tu viện
của Thích Ca Kalakhemaka. Không biết ở đây có rất nhiều Tỷ Kheo ở không?"
Lúc bấy giờ Tôn Giả
Ananda cùng với rất nhiều vị Tỷ Kheo đang làm y (civarakamma) ở trú xứ của
Thích Ca Ghataya.
Rồi Thế Tôn vào buổi
chiều, từ thiền định độc cư đứng dậy, đi đến trú xứ của Thích Ca Ghataya, sau
khi đến liền ngồi trên chổ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo Tôn Giả
Ananda:
-- "Này
Ananda, có rất nhiều sàng tọa được sắp đặt tại trú xứ của Thích Ca Kalakhemaka.
Không biết có nhiều Tỷ Kheo trú ở đấy không?"
-- "Bạch Thế
Tôn, có rất nhiều sàng tọa được đặt ở trú xứ của Thích Ca Kalakhemaka; có rất
nhiều Tỷ Kheo trú tại chỗ ấy. Bạch Thế Tôn, nay là thời chúng con làm y."
-- "Này Ananda,
một Tỷ Kheo không chói sáng (1) nếu thích thú trong hội chúng của mình (2), nếu
hân hoan trong hội chúng của mình, nếu hoan hỷ trong hội chúng của mình, nếu
thích thú trong hội chúng của người, nếu hân hoan trong hội chúng của người, nếu
hoan hỷ trong hội chúng của người.
Này Ananda, nếu Tỷ
Kheo nào thích thú trong hội chúng của mình, nếu hân hoan trong hội chúng của
mình, nếu hoan hỷ trong hội chúng của mình, nếu thích thú trong hội chúng của
người, nếu hân hoan trong hội chúng của người, nếu hoan hỷ trong hội chúng của
người, có thể là một vị chứng đắc tùy theo ý muốn, chứng đắc không khó khăn, chứng
đắc không mệt nhọc, viễn ly lạc (3), độc cư lạc (4), an tịnh lạc (5), chánh
giác lạc (6), sự kiện như vậy không xảy ra.
Nhưng này Ananda,
Tỷ Kheo nào sống một mình, xa lánh tụ hội, thời vị ấy có cơ hội chứng đắc tùy
theo ý muốn, chứng đắc không khó khăn, chứng đắc không mệt nhọc, viễn ly lạc, độc
cư lạc, an tịnh lạc chánh giác lạc, sự kiện như vậy có thể xảy ra.
Này Ananda, nếu Tỷ
Kheo nào thích thú trong hội chúng của mình, nếu hân hoan trong hội chúng của
mình, nếu hoan hỷ trong hội chúng của mình, nếu thích thú trong hội chúng của
người, nếu hân hoan trong hội chúng của người, nếu hoan hỷ trong hội chúng của
người, sẽ chứng đắc và an trú với tâm giải thoát có hạn kỳ và thoải mái (7),
hay không có hạn kỳ và bất động (8); sự kiện như vậy không xảy ra.
Nhưng này Ananda,
Tỷ Kheo nào sống một mình, xa lánh tụ hội, thời vị ấy có hy vọng sẽ chứng đắc
và an trú với tâm giải thoát có hạn kỳ và thoải mái, hay không có hạn kỳ và bất
động; sự kiện như vậy có thể xảy ra.
Này Ananda, Ta
không quán thấy một sắc pháp (9) nào, trong ấy có hoan hỷ, trong ấy có hoan lạc,
chịu sự biến dịch, chịu sự đổi khác mà không khởi lên sầu, bi, khổ não.
Nhưng sự an trú
này, này Ananda, đã được Như Lai hoàn toàn giác ngộ, tức là sau khi không tác ý
tất cả tướng (10), chứng đắc và an trú nội không (11). Và nếu này Ananda, trong
khi Như Lai an trú trong an trú này, nếu có những Tỷ Kheo, Tỷ Kheo Ni, nam cư
sĩ, nữ cư sĩ, quốc vương, đại thần, ngoại đạo, ngoại đạo đệ tử đến yết kiến,
trong khi ấy này Ananda, Như Lai với tâm hướng đến viễn ly, thiên về viễn ly, nặng
về viễn ly, sống độc cư, hoan hỷ trong ly dục, làm cho đoạn tận tất cả các pháp
dựa trên ấy các lậu hoặc an trú, nói lên tại chỗ ấy (12) những lơì thuần túy
liên hệ đến khích lệ(13). Do vậy, này Ananda, nếu Tỷ Kheo ấy ước vọng: --
"Sau khi chứng đạt nội không, ta sẽ an trú", vị Tỷ Kheo ấy, này
Ananda, cần phải an chỉ, an tọa, chuyên nhất và an định nội tâm.
Và này Ananda, như
thế nào Tỷ Kheo an chỉ, an tọa, chuyên nhất và an định nội tâm? Ở đây, này
Ananda, Tỷ Kheo ly dục, ly bất thiện pháp chứng và an trú Sơ thiền, một trạng
thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Diệt tầm và tứ, chứng và trú nhị thiền,
một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tỉnh nhất tâm ...
Tam thiền ... chứng và trú Tứ thiền. Như vậy, này Ananda, Tỷ Kheo an chỉ, an tọa,
chuyên nhất và an định nội tâm."
Vị ấy tác ý nội
không. Trong khi vị ấy tác ý nội không. tâm không thích thú, không tịnh tín,
không an trú, không hướng đến nội không. sự kiện là như vậy, này Ananda, Tỷ
Kheo biết như sau: "Trong khi ta tác ý nội không. tâm không thích thú,
không tịnh tín, không an trú, không hướng đến nội không". Ở đây, vị ấy ý
thức rõ ràng như vậy. Vị ấy tác ý ngoại không (14). Vị ấy tác ý nội ngoại không
(15). Vị ấy tác ý bất động (16). Trong khi vị ấy tác ý bất động, tâm không
thích thú, không tịnh tín, không an trú, không hướng đến bất động. Sự kiện là
như vậy, này Ananda, Tỷ Kheo biết như sau: "Trong khi ta tác ý bất động,
tâm không thích thú, không tịnh tín, không an trú, không hướng đến bất động".
Ở đây, vị ấy ý thức rõ ràng như vậy. Này Ananda, Tỷ Kheo ấy cần phải an trú, an
tọa, chuyên nhất, và an định nội tâm trong định tướng (samadhinimitte) đã đề cập
về trước ấy (17). Vị ấy tác ý nội không. Trong khi vị ấy tác ý nội không, tâm
thích thú, tịnh tín, an trú, hướng đến nội không. Sự kiện là như vậy, này
Ananda, Tỷ Kheo biết như sau: "Trong khi ta tác ý nội không, tâm thích
thú, tịnh tín, an trú, hướng đến nội không". Ở đây, vị ấy ý thức rõ ràng
như vậy. Vị ấy tác ý ngoại không. Vị ấy tác ý nội ngoại không. Vị ấy tác ý bất
động. Trong khi vị ấy tác ý bất động, tâm thích thú, tịnh tín, an trú, hướng đến
bất động. Sự kiện là như vậy, này Ananda, Tỷ Kheo biết như sau: "Trong khi
ta tác ý bất động, tâm thích thú, tịnh tín, an trú, hướng đến bất động." Ở
đây, vị ấy ý thức rõ ràng như vậy.
Này Ananda, nếu Tỷ
Kheo ấy đang an trú trong an trú này (18), tâm vị ấy hướng đến đi kinh hành, vị
ấy đi kinh hành (cankamati) và nghĩ rằng: "Trong khi ta đang đi kinh hành,
tham và ưu, các bất thiện pháp không có chảy vào". Ở đây vị ấy ý thức rõ
ràng như vậy (19). Này Ananda, nếu Tỷ Kheo ấy đang an trú trong an trú này, tâm
vị ấy hướng đến đứng lại, vị ấy đứng lại và nghĩ rằng: "Trong khi ta đang
đứng lại, tham và ưu, các bất thiện pháp không có chảy vào". Ở đây, vị ấy
ý thức rõ ràng như vậy.
Này Ananda, nếu
trong khi Tỷ Kheo ấy an trú trong sự an trú này, tâm vị ấy hướng đến ngồi, vị ấy
ngồi và nghĩ rằng: "Trong khi ta đang ngồi, tham và ưu, các bất thiện pháp
không có chảy vào." Ở đây, vị ấy ý thức rõ ràng như vậy.
Này Ananda, nếu
trong khi Tỷ Kheo ấy an trú trong sự an trú này, tâm vị ấy hướng đến nằm, vị ấy
nằm và nghĩ rằng: "Trong khi ta đang nằm, tham và ưu, các bất thiện pháp
không có chảy vào." Ở đây vị ấy ý thức rõ ràng như vậy.
Này Ananda, nếu
trong khi Tỷ Kheo ấy an trú trong sự an trú này, tâm vị ấy hướng đến nói, vị ấy
suy nghĩ như sau: "Ta sẽ không nói những câu chuyện hạ liệt, đê tiện thuộc
phàm phu, không thuộc bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích, không đưa đến yếm
ly, ly dục, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết Bàn như: Quốc vương
luận, đạo tặc luận, đại thần luận, quân luận, bố úy luận, chiến tranh luận, thực
vật luận, ẩm liệu luận, y phục luận, ngọa cụ luận, hoa man luận, hương liệu luận,
thân thích luận, xa thừa luận, thôn luận, thị trấn luận, đô thị luận, quốc độ
luận, nữ luận, anh hùng luận, hạng trung luận, thủy bình xứ luận, tiên linh luận,
sai biệt luận, thế giới luận, hải thuyết luận, hữu vô hữu luận." Ở đây, vị
ấy ý thức rõ ràng như vậy.
Nhưng này Ananda,
đối với những lời nói nào khắc khổ, khai tâm, đưa đến nhứt hướng yếm ly, ly
tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết Bàn như là: Thiểu dục luận,
tri túc luận, độc cư luận, bất chúng hội luận, tinh cần luận, giới luận, định
luận, tuệ luận, giải thoát luận, giải thoát tri kiến luận, vị ấy nghĩ: "Ta
sẽ nói các luận như vậy." Ở đây, vị ấy ý thức rõ ràng như vậy.
Này Ananda,nếu
trong khi Tỷ Kheo ấy an trú trong sự an trú này, tâm vị ấy hướng đến suy tầm
(vitakka), vị ấy suy nghĩ: "Ðối với những suy tầm hạ liệt, đê tiện, phàm
phu, không thuộc bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích, không đưa đến yếm ly,
ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí giác ngộ, Niết Bàn, như là: Dục tầm, sân
tầm, hại tầm, ta sẽ không suy nghĩ các loại tầm ấy." Ở đây, vị ấy ý thức
rõ ràng như vậy.
Nhưng này Ananda,
đối với những suy tầm này thuộc về bậc Thánh. có khả năng cầu tiến, hướng dẫn
(người suy nghĩ đến các tầm ấy) đến sự đoạn trừ hoàn toàn đau khổ, như là ly dục
tầm, vô sân tầm, bất hại tầm, vị ấy nghĩ: "Ta sẽ suy tư các loại suy tầm
này." Ở đây, vị ấy thức rõ ràng như vậy.
Này Ananda, có năm
dục trưởng dưỡng này. Thế nào là năm? Các sắc do mắt nhận thức, khả ái, khả hỷ,
khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn; các tiếng do tai nhận thức; các hương
do mũi nhận thức; các vị do lưỡi nhận thức; các xúc do thân nhận thức, khả ái,
khả hỷ, khả lạc, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Này Ananda, có năm dục trưởng dưởng
này. Từ đây Tỷ Kheo cần phải thường thường quán sát tự tâm như sau: "Trong
tâm ta, có khởi lên tâm hành gì với xứ (ayatana) này hay xứ khác của năm dục
trưởng dưỡng."
Này Anada, nếu Tỷ
Kheo trong khi quán sát như vậy, tuệ tri như rằng: "Trong tâm ta, có khởi
lên tâm hành với xứ này hay xứ khác của năm dục trưởng dưởng ...". Sự kiện
là như vậy, Tỷ Kheo tuệ tri như sau: "Dục ái (chandaraga) này đối với năm
dục trưởng dưỡng đối với ta, chưa đoạn diệt được". Ở đây, vị ấy ý thức rõ
ràng như vậy. Này Ananda, nếu Tỷ Kheo trong khi quán sát như vậy, tuệ tri rằng:
"Trong tâm ta, không có khởi lên tâm hành với các xứ khác của năm dục trưởng
dưỡng ..." Sự kiện là như vậy, Tỷ Kheo tuệ tri như sau: "Dục tham này
đối với năm dục trưởng dưỡng đối với ta, đã được đoạn diệt." Ở đây, vị ấy
ý thức rõ ràng như vậy.
"Này Ananda,
có năm thủ uẩn. Ở đây, Tỷ Kheo cần phải đoạn tận chúng, khi vị ấy tùy quán sự
sanh diệt. Ðây là sắc, đây là sự tập khởi của sắc, đây là sự đoạn diệt của sắc.
Ðây là thọ, đây là sự tập khởi của thọ, đây là sự đoạn diệt của thọ. Ðây là tưởng
[...]. Ðây là hành [...]. Ðây là thức, đây là sự tập khởi của thức, đây là sự
đoạn diệt của thức. Trong khi vị ấy an trú, tùy quán sự sanh diệt của năm thủ uẩn
này, nếu có ngã mạn nào (asmimmamo) (khởi lên) đối với năm thủ uẩn, ngã mạn ấy
được đoạn tận. Sự kiện là như vậy. Này Ananda, Tỷ Kheo tuệ tri như sau:
"Phàm có ngã mạng nào đối với năm uẩn (khởi lên) nơi ta, ta đã đoạn tận
ngã mạn ấy." Ở đây, vị ấy ý thức rõ ràng như vậy. Những pháp này, này
Ananda, thuần nhất liên hệ đến thiện (20) đều thuộc hiền, Thánh, siêu thế, vượt
ngoài tầm của ác ma.
Này Ananda, ông
nghĩ thế nào? Vì thấy lý do gì, một Thanh văn Ðệ tử tự nghĩ là xứng đáng (hợp
lý) để đi theo một Ðạo Sư dầu cho bị hất hủi (21) ? "
-- "Bạch Thế
Tôn, đối với chúng con, các Pháp dựa Thế Tôn làm căn bản, hướng Thế Tôn làm
lãnh đạo, nương tựa Thế Tôn làm y cứ. Bạch Thế Tôn, tốt lành thay nếu Thế Tôn
thuyết giảng cho ý nghĩa này. Sau khi được nghe Thế Tôn, các Tỷ Kheo sẽ hành
trì."
-- "Này Ananda, thật không xứng đáng
cho một đệ tử bám sát theo vị Ðạo Sư, nếu vì lý do được nghe giải thích khế
kinh và phúng tụng (22). Vì cớ sao? Trong một thời gian lâu dài, các pháp đã được
các ông nghe, thọ trì, đọc lớn tiếng, suy tư với ý, khéo thấu hiểu với chánh
trí. Nhưng này Ananda, đối với những lời nói nào, khắc khổ, khai tâm, đưa đến
nhất hướng viển ly, ly tham, đoạn diệt an tịnh, thắng trí giác ngộ, Niết Bàn,
như thiểu dục luận, tri túc luận, độc cư luận, bất chúng hội luận, tinh cần luận,
giới luận, định luận, tuệ luận, giải thoát luận, giải thoát tri kiến luận. Này
Ananda, do nhân duyên những loại thuyết luận như vậy, thật xứng đáng cho một
Thanh Văn Ðệ tử bám sát vị Ðạo Sư dầu cho bị hất hủi. Sự kiện là như vậy, này
Ananda, thời có sự phiền lụy (upađava) cho vị Ðạo sư; sự kiện là như vậy thời
có sự phiền lụy cho đệ tử; sự kiện là như vậy thời có sự phiền lụy cho các vị
tu Phạm hạnh. Và này Ananda, như thế nào là sự phiền lụy cho vị Ðạo Sư?
Ở đây, này Ananda,
có Ðạo sư (23) lựa một trú xứ (senasanam) xa vắng trong rừng, dưới gốc cây,
trên sườn núi, chỗ hoang vu, trong hang núi, tại bãi tha ma, tại khu rừng,
ngoài trời hay trên một đống rơm. Trong khi vị ấy sống viễn ly như vậy, các Bà
La Môn, gia chủ, cả thị dân và quốc dân bao vây xung quanh. Ðược các Bà La Môn,
gia chủ, cả thị dân và quốc dân bao vây xung quanh, vị ấy khởi lên nhiễm tâm,
rơi vào dục vọng, khởi lên tham ái, trở lui lại đời sống sung túc. Như vậy này
Ananda, được gọi là sự phiền lụy của Ðạo Sư. Vì sự phiền lụy của Ðạo Sư, các ác
bất thiện pháp, tạp nhiễm, dẫn đến tái sinh, đáng sợ hãi, đưa đến khổ quả, dẫn
đến sanh, già, chết trong tương lai, các pháp ấy tấn công vị ấy. Như vậy này
Ananda là sự phiền lụy của Ðạo Sư.
Và này Ananda, thế
nào là sự phiền lụy của đệ tử? Này Ananda, đệ tử của một Ðạo Sư, bắt chước đời
sống viễn ly của Ðạo Sư mình, lựa một trú xứ xa vắng, trong rừng, dưới gốc cây,
trên sườn núi, chổ hoang vu, trong hang núi, tại bải tha ma, tại khu rừng,
ngoài trời hay trên một đống rơm. Trong khi vị ấy sống viễn ly như vậy, các Bà
La Môn, gia chủ, cả thị dân và quốc dân bao vây xung quanh. Ðược các Bà La Môn,
gia chủ, cả thị dân và quốc dân bao vây xung quanh, vị ấy khởi lên nhiễm tâm,
rơi vào dục vọng, khởi lên tham ái, trở lui lại đời sống sung túc. Như vậy này
Ananda, được gọi là sự phiền lụy của đệ tử. Vì sự phiền lụy của đệ tử, các ác bất
thiện pháp, tạp nhiễm, dẫn đến tái sinh, đáng sợ hãi, đưa đến khổ quả, dẫn đến
sanh, già , chết trong tương lai, các pháp ấy tấn công vị ấy. Như vậy này
Ananda là sự phiền lụy của đệ tử.
Và này Ananda, như
thế nào là sự phiền lụy của các vị tu Phạm hạnh? Ở đây, này Ananda, Như Lai xuất
hiện ở đời, là bậc A La Hán, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian
Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Ngài lựa
một trú xứ xa vắng, trong rừng, dưới gốc cây, trên sườn núi, chỗ hoang vu,
trong hang núi, tại bãi tha ma, tại khu rừng, ngoài trời hay trên một đống rơm.
Trong khi Ngài sống viển ly như vậy, các Bà La Môn, gia chủ, cả thị dân và quốc
dân bao vây xung quanh. Ðược các Bà La Môn, gia chủ, cả thị dân và quốc dân bao
vây xung quanh, Ngài không khởi lên nhiễm tâm, không rơi vào dục vọng, không khởi
lên tham ái, không trở lui lại đời sống sung túc. Nhưng này Ananda, vị đệ tử của
bậc Ðạo Sư, bắt chước (theo hạnh ấy) lựa một trú xứ xa vắng, trong rừng, dưới gốc
cây, trên sườn núi, chổ hoang vu, trong hang núi, tại bãi tha ma, tại khu rừng,
ngoài trời hay trên một đống rơm. Trong khi vị ấy sống viễn ly như vậy, các Bà
La Môn, gia chủ, cả thị dân và quốc dân bao vây xung quanh. Ðược các Bà La Môn,
gia chủ, cả thị dân và quốc dân bao vây xung quanh, vị ấy khởi lên nhiễm tâm,
rơi vào dục vọng, khởi lên tham ái, trở lui lại đời sống sung túc. Như vậy, này
Ananda, được gọi là sự phiền lụy của các vị tu Phạm hạnh. Vì sự phiền lụy của
các vị tu Phạm hạnh, các ác bất thiện pháp, tạp nhiễm, dẫn đến tái sinh, đáng sợ
hãi, đưa đến khổ quả, dẫn đến sanh, già , chết trong tương lai, các pháp ấy tấn
công vị ấy. Như vậy, này Ananda, là sự phiền lụy của các vị tu Phạm hạnh.
Nhưng này Ananda,
sự phiền lụy của các vị tu Phạm hạnh là nhiều quả khổ hơn (24), nhiều quả não hại
hơn đối với phiền lụy của Ðạo Sư này và phiền lụy của đệ tử này, hơn nữa nó dẫn
đến đọa lạc. Do vậy, này Ananda, hãy đối xử với Ta, với tâm thân hữu, không với
tâm thù nghịch và như vậy các ngươi sẽ được hạnh phúc lâu dài. Và như thế nào
là các đệ tử đối xử vị Ðạo Sư với tâm thù nghịch, không với tâm thân hữu? Ở
đây, này Ananda, vị Ðạo Sư với lòng từ mẫn thuyết pháp cho các đệ tử, mong cầu
hạnh phúc cho chúng, vì lòng từ mẫn nói rằng: "Ðây là hạnh phúc cho các
ngươi, đây là an lạc cho các ngươi." Nhưng các đệ tử của vị ấy không chịu
nghe theo, không chịu lóng tai, chú tâm vào hướng khác (annan), ngược lại,
chúng đi xa lời giảng dạy của vị Ðạo Sư. Như vậy, này Ananda, là các đệ tử đối
xử với bậc Ðạo Sư, với tâm thù nghịch không với tâm thân hữu. Và như thế nào,
này Ananda, là các đệ tử đối xử với bậc Ðạo Sư với tâm thân hữu, không với tâm
thù nghịch? Ở đây, này Ananda, vị Ðạo Sư với lòng từ mẫn thuyết pháp cho các đệ
tử, tìm cầu hạnh phúc cho chúng, vì lòng từ mẫn nói rằng: "Ðây là hạnh
phúc cho các ngươi, đây là an lạc cho các ngươi." Và các đệ tử của vị ấy
chịu nghe theo, chịu lóng tai, không chú tâm vào hướng khác, và không ngược lại
đi xa lời dạy của bậc Ðạo Sư. Như vậy này Ananda là các đệ tử đối xử với bậc Ðạo
Sư, với tâm thân hữu, không phải với tâm thù nghịch. Do vậy, này Ananda, hãy đối
xử với Ta với tâm thân hữu, chớ với tâm thù nghịch và như vậy sẽ là hạnh phúc,
là an lạc lâu dài cho các ông. Ta không sách tấn các ông như người thợ gốm đối
với đồ gốm chưa nung, chưa được nung chín (25). Ta sẽ nói hết lời chỉ trích này
đến lời chỉ trích khác, hết lời tán thán này đến lời tán thán khác. Cái gì là
lõi cây, cái ấy sẽ đứng vững tồn tại."
Thế tôn thuyết giảng
như vậy. Tôn Giả Ananda hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.
Kinh Ðại Không, thứ
một trăm hai mươi hai
-oOo-
Chú thích:
(1) Trong lời
dạy của Ðức Phật
(2) Sanganika
là sự tụ họp với hội chúng của mình và gana là sự tụ họp với hội chúng của người
khác. Chỉ có Tỷ Kheo ưa thích độc cư mới sáng chói.
(3),(4) Rời khỏi
các dục.
(5) Ðưa đến sự
đoạn trừ tham, sân, si.
(6) Ðưa đến
đích giác ngộ về đạo (magga).
(7) Sàmyikà
kantà ceto vimutti: khi tâm định thời giải thoát khỏi các phiền não. Giải thích
sự giải thoát có hạn kỳ và thoải mái là sự chứng đạt 4 sắc giới và 4 vô sắc giới
Thiền.
(8) Asàmàyikì
akuppà ceto vimutti: tâmgiải thoát không hạn kỳ và bất động. Ðây chỉ cho sự giải
thoát khỏi các phiền não, không bị thời gian chi phối, sự giải thoát về 4 đạo
và 4 quả.
(9) Rùpa, gọi
là sàrira (thân).
(10) Nimitta,
các tướng của thế giới hiện tượng.
(11) Sống một
mình, dầu rằng ngồi giữa đám đông.
(12) Giữa hội
chúng ấy.
(13) Hán dịch
là Khuyến trợ
(14) Ngoại
không đối với 5 uẩn với một người khác
(15) Nội ngoại
không: khi thì tác ý nội không, khi thì tác ý ngoại không.
(16) Bất Ðộng,
nghĩ rằng, tôi sẽ giải thoát cã hai phía, vị ấy chứng đắc vô sắc và bất động,
ànaja-arupasamàpatti.
(17) Nguyên bản
là parimasmim. Nhưng đọc là purimasmim. Ðây có nghĩa là một sự cố gắng nữa để
nhập và trú nội không.
(18) An trú
trong chỉ và quán.
(19) Nghĩa là
đối với kammathàna này, nghiệp xứ hay đối tượng tu hành.
(20)
Kusalàaytikà: giải thích là kusalato àgatà, khởi lên từ thiện pháp. Nhưng nghĩa
của các bản giải thích là "đưa đến (từng bước một) cái gọi là chí thiện".
(21)
Payujjamàno, có nghĩa là cột vào, ép vào.
(22) Trong 9
loại thể văn, đây chỉ nói đến khế kinh (sutta) và phúng tụng (geya).
(23) Một Ðạo
Sư ngoại đạo.
(24) Vì ai xuất
gia theo giáo hội Sàsana phải chứng được 4 đạo, 4 quả và Niết Bàn, nhưng vì
không lảnh hội được giáo lý, Sàsana, vị ấy thất bại với 9 tầng bậc siêu thế
này.
(25) Ý nói người
thợ gốm đối với đất sét chưa nung rất nhẹ tay vì sợ bể. Nhưng Ðức Phật đối với
đệ tử không phải nhẹ tay như vậy. Nếu cần rầy la thì Ðức Phật rầy la.
Chân thành cám ơn
anh Phước Nguyễn <hi-lwa@juno.com> đã có thiện tâm đánh máy lại bài kinh
nầy, và đã đăng từng phần trên diễn đàn vn-buddhism@saigon.com trong tháng
06-1997.