Wednesday, September 30, 2015

Mùa xuân trăm hoa khoe sắc. Điều vui thích nhất



Một thời Đức Phật ở nước Xá-vệ, có bốn vị tân Tỳ-kheo trong lúc dạo cảnh mùa xuân cùng nhau hý luận, họ hỏi nhau: “Sống ở trên đời, điều gì là đáng yêu thích khiến người ta vui vẻ sung sướng?”. Một người trả lời: “Mùa xuân trăm hoa khoe sắc, ngàn tía muôn hồng, phong cảnh hữu tình, du xuân thưởng ngoạn đó đây thật là điều vui thích”.

Người thứ hai nói: “Bà con bạn bè hội họp, chén tạc chén thù, ca múa hát xướng mới là điều vui thích nhất”.

Người thứ ba phát biểu: “Có thật nhiều tiền của, nhà cửa sang trọng, vợ đẹp con xinh, quyền cao chức trọng, ăn ngon mặc đẹp, xuống ngựa lên xe, kẻ hầu người hạ, đó là điều vui thích nhất”.

Người thứ tư đưa quan điểm của mình: “Sắc đẹp mỹ miều, yêu kiều diễm lệ, mắt long lanh như nước biếc, môi xinh thắm như hoa cười, lời nói rót mật vào lòng, đó là điều khiến người ta vui thích nhất”.

Đức Phật thấy bốn vị Tỳ-kheo này vì thất niệm mà để tâm ý dong ruổi theo vọng tình. Ngài biết có thể độ họ, bèn đi đến hỏi: “Các ông đang bàn luận chuyện gì thế?”. Bốn người thành thật kể lại cho Đức Phật nghe suy nghĩ của họ về những lạc thú trên đời. Nghe xong Đức Phật bảo:

“Những điều các ông cho là vui thích thường đưa con người đến chỗ mê muội, lo lắng, sợ hãi, khổ não, oán thù; đó không phải là pháp tuyệt đối an vui và mãi mãi hoan lạc, càng tham đắm thì càng phiền não khổ đau. Các ông cần nên quán xét, mùa xuân vạn vật tốt tươi, sang mùa thu mùa đông thì úa tàn rơi rụng. Bà con, bạn bè sum vầy vui vẻ rồi phải chịu cảnh chia ly, càng vui vẻ bao nhiêu thì càng khổ sầu bấy nhiêu. Tài sản của cải là của chung năm nhà: vua quan, trộm cướp, con cái, nạn nước trôi, nạn lửa cháy, chúng không là tài sản của riêng ai, nay trong tay người này mai vào tay kẻ khác, chúng không ở mãi với chúng ta. Thê thiếp xinh đẹp là đầu mối yêu ghét, càng nhiều thê thiếp thì càng lo âu phiền não, càng bận bịu buộc ràng; càng đắm sác mê hương thì càng hao mòn thân thể, suy tổn tinh thần. Là người xuất gia từ bỏ con đường thế tục, quyết chí cầu đạo, không đắm nhiễm lạc thú thế gian, hành đạo vô vi sẽ tự nhiên đạt được Niết-bàn an lạc, đây mới là chỗ tuyệt đối an vui”.

Bốn vị Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, trong lòng hổ thẹn ăn năn, bèn nhiếp tâm chánh niệm dứt trừ vọng tưởng, tham dục không còn, liền chứng ngay thánh quả.

Buồn và vui, hạnh phúc và đau khổ là hai trạng thái đối lập nhưng không tách rời nhau như mặt trái và mặt phải của một bàn tay. Trên đời có bao nhiêu niềm vui là có bấy nhiêu nỗi khổ, không nơi nào trên thế gian chỉ có toàn niềm vui hoặc toàn nỗi khổ.

Xét cho cùng, những niềm vui thế tục đều do các nhân tố bên ngoài mang lại, con người xem những nhân tố đó là điều kiện của hạnh phúc. Khi có những điều kiện đó thì con người mới có được niềm vui, mới có được hạnh phúc, còn như không có những điều kiện đó, hoặc những điều kiện đó có rồi nhưng bị mất đi thì hạnh phúc cũng không còn. Nhưng bản chất cuộc đời là vô thường, do đó không có gì là trường cửu bất biến, vạn sự vạn vật trên đời đều luôn đổi thay trong từng giây từng phút. Vì thế, nếu niềm vui và hạnh phúc của con người được xây dựng dựa trên những nhân tố vô thường sinh diệt thì bản chất những niềm vui hạnh phúc đó cũng không trường cửu, chúng cũng luôn đổi thay, vô thường sinh diệt. Hạnh phúc mà đa phần thế gian đang mong cầu tìm kiếm chính là thứ hạnh phúc mong manh, tạm bợ này, thứ hạnh phúc đó đến rồi đi khiến cho cuộc đời là những ngày tháng buồn vui xem lẫn.

Người ta nghĩ rằng làm gì có thứ hạnh phúc không do các điều kiện bên ngoài mang lại. Không có tiền tài danh vọng, không được ăn ngon mặc đẹp, hưởng thụ các thú vui khoái lạc thì làm sao vui? Trong xã hội tiêu thụ thực dụng, người ta đã quen tìm niềm vui trong vật dục, là những ham muốn về vật chất, nên họ không thể tin có một thứ hạnh phúc khác ngoài hạnh phúc đó. Tuy nhiên, có những người tìm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc mà không cần nhiều những yếu tố vật chất bên ngoài và không lệ thuộc tiền tài, danh vọng, quyền lực…Đó là các nhà khoa học có tâm huyết, lấy sự nghiên cứu, cống hiến cho khoa học, cho nhân loại làm hạnh phúc, làm niềm vui; các nhà giáo dục sống vì sự nghiệp giáo dục, vì tương lai thế hệ trẻ; các nhà làm nghệ thuật như nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nghệ sĩ, nhà điêu khắc…sống để làm đẹp cuộc đời, mang lại niềm vui cho mọi người; các nhà từ thiện hết lòng với việc chia sẻ nỗi khổ niềm đau và mang lại hạnh phúc cho người khốn khổ…Họ sống giản dị, đời sống vật chất nghèo nàn, nhưng họ giàu có về tâm hồn, họ tìm thấy hạnh phúc, niềm vui trong công việc, trong sự nghiệp cống hiến. Một người hỏi Carl Vinhem Scheele – nhà hóa học nổi tiếng người Thụy Điển sống vào thế kỷ XVIII – khi thấy ông sống trong cảnh nghèo nàn: “Thưa ngài, chẳng lẽ bao công trình và danh tiếng khoa học của ngài lại chỉ đem đến cho ngài cuộc sống như thế này thôi sao?”. Scheele đã trả lời rằng: “Thế ông cho rằng khoa học chỉ là phương tiện để kiếm sống thôi ư?”. Niềm vui và hạnh phúc của nhà khoa học chân chính là những thành tựu khoa học, và những cống hiến cho cuộc đời.

Đó là chưa kể đến những nhà tu hành, nguồn hạnh phúc mà họ tìm thấy càng cao quý hơn. Họ từ bỏ đời sống vật dục, sống cuộc sống thanh bần và vui với đạo để phụng sự chúng sinh, nhưng niềm hạnh phúc của họ vô biên. Niềm vui của họ là thiền duyệt – niềm vui có từ thiền định, là pháp hỷ – niềm vui có từ việc tu học Phật pháp, và cao tột là Niết-bàn – niềm vui tự tại giải thoát, không còn bất cứ phiền não khổ đau nào, trạng thái hoàn toàn an lạc. Trong lịch sử có không ít vị vua quan từ bỏ đời sống vương giả, các bậc phú hộ từ bỏ đời sống giàu sang danh vọng để đi tu; nhiều nhà khoa học, nhà chính trị, triết gia ngày nay cũng sẵn sàng từ bỏ địa vị, danh tiếng để trở thành những nhà tu hành, do họ tìm thấy được nguồn an lạc, hạnh phúc mà phía sau không có sự giấu mặt của đau khổ, là thứ hạnh phúc mà trên thế gian không có thứ hạnh phúc nào vượt lên được.

Thời Phật tại thế có Tỳ-kheo Bạt-đề, khi chưa xuất gia ông làm quan, sau khi quy-y Phật ông chuyên tu hạnh đầu đà, chỉ ngủ dưới gốc cây và tinh cần thực hành thiền quán. Một đêm, trong lúc hành thiền bỗng ông reo lên: “Hạnh phúc quá! Hạnh phúc quá!”. Những vị Tỳ-kheo đang tu tập gần đó hết sức ngạc nhiên, không ai hiểu chuyện gì. Sáng hôm sau có một vị đến trình sự việc đó với Đức Phật rằng: “Có lẽ Tỳ-kheo Bạt-đề cảm thấy không thoải mái và đang nhàm chán đời sống xuất gia, vị ấy đã nghĩ đến đời sống thế tục giàu sang danh vọng trước kia, cảm thấy thích thú mà thốt lên như thế”.Đức Phật bèn cho gọi Tỳ-kheo Bạt-đề vào hỏi nguyên do. Đứng trước chúng hội đông đảo hàng xuất gia lẫn tại gia, Tỳ-kheo Bạt-đề chấp tay bạch Phật: “Bạch Thế Tôn, ngày trước con làm quan, cuộc sống giàu sang, có quyền lực, danh vọng, địa vị, vợ đẹp con xinh, kẻ hầu người hạ, thế mà con không cảm thấy an ổn, thoải mái, không cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc, con luôn sống trong căn thẳng, lo âu, phiền muộn, sợ hãi. Lo chuyện an nguy, thịnh suy được mất, ngày ăn không ngon, đêm ngủ không yên giấc. Từ khi xuất gia, con không còn tài sản của cải, quyền lực danh vọng, không còn nhà cao cửa rộng, kẻ hầu người hạ, mỗi ngày chỉ ăn một bữa cơm thanh đạm, tối đến ngủ dưới gốc cây, thế mà lòng con cảm thấy thảnh thơi an lạc.

 Đêm hôm qua trong lúc thiền định, con cảm nhận được niềm an lạc, hạnh phúc vô biên mà trước đây chưa từng cảm nhận được, nên buộc miệng thốt lên lời vui mừng làm kinh động đến Thế Tôn và các bạn đồng tu. Con xin thành tâm sám hối!”. Đức Phật đã khen Tỳ-kheo Bạt-đề rằng: “Hay lắm Tỳ-kheo Bạt-đề! Ông đang đi những bước vững chãi, thảnh thơi an lạc trên lộ trình giải thoát. Niềm an lạc của ông, cả chư thiêng cũng ước ao huống chi là người đời!”.

Thế gian thường khổ lụy vì tham đắm năm dục: tài (tiền bạc, của cải), sắc (sắc đẹp, chủ yếu là nữ sắc), danh (danh tiếng, địa vị, sự trọng vọng), thực (uống ăn hưởng thụ), thùy (ngủ nghỉ), hay nói rộng hơn là sắc (hình sắc), thanh (âm thanh êm tai), hương (mùi thơm thích thú), vị (vị ngon khoái khẩu), xúc (tiếp xúc, xúc chạm ưng ý). Người sống trên đời lấy ngũ dục làm niềm vui, làm niềm hạnh phúc: Ăn ngon mặc đẹp khiến người ta vui; đàn đúm, rượu chè khiến người ta vui; tình cảm trai gái, sắc dục khiến người ta vui; giàu có, sang trọng khiến người ta vui; nổi tiếng, được nhiều người trọng vọng khiến người ta vui v.v. Khi không có ngũ dục hoặc không có đủ ngũ dục thì con người cảm thấy thiếu thốn, buồn tẻ, cuộc sống nhạt nhẽo, vô vị, thậm chí đau khổ. Đời sống không thể không có tài, sắc, danh, thực, thùy hay sắc, thanh, hương, vị, xúc; bởi những thứ đó làm nên xã hội, tạo nên cuộc sống, ai thoát khỏi những thứ đó thì đã không sinh ra ở cõi đời ngũ trượt này (ngoại trừ chư Phật và các bậc Bồ-tát vì bi nguyện độ sinh). Nhưng ngũ dục cũng là nguồn gốc của bất an, đau khổ trong đời này và dẫn đến sa đọa vào các cảnh khổ địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh sau khi thân này không còn nữa.

 Bởi ngũ dục thường khiến cho con người mê đắm, tham cầu, tác hại của chúng là: gây tranh đấu (tranh giành, chiếm đoạt), làm con người khổ não (vì muốn mà không được, cầu mà không thấy, hoặc vì có rồi mà bị mất mát v.v.), làm cho con người điên đảo vì chúng có đó rồi mất đó, phù du tạm bợ, vô thường, không trường cửu. Trong kinh  Bát Đại Nhân Giác có nói: “Đa dục vi khổ. Sinh tử bì lao, tùng tham dục khởi. Thiếu dục vô vi, thân tâm tự tại”, nghĩa là Tham muốn nhiều thì khổ. Sinh tử nhọc nhằn đều từ tham muốn mà ra. Ít tham muốn, vô vi (không tạo tác với ý niệm tham, sân, si) thì thân tâm tự tại.

Hầu như mọi người đều xem mục tiêu của đời mình là làm sao để tồn tại trên thế gian và hưởng thục được nhiều lạc thú, thỏa mãn những nhu cầu, tham muốn. Và người ta cật lực thực hiện điều đó bằng trí óc, bằng công sức, bằng âm mưu thủ đoạn, bằng tội ác…Nhưng có những điều mà con người ít khi lưu tâm đến, đó là: Lòng tham muốn của con người thì vô cùng vô hạn, chỉ có thể tìm thấy sự thỏa mãn tạm thời chứ không có sự thỏa mãn lâu dài, chính vì thế mà con người thường rơi vào nhàm chán, thát vọng, mệt mỏi. Vạn sự vạn vật đều vô thường, luôn biến hoại, đổi thay chính là điều bất như ý khiến cho con người khổ não. Do điên đảo tạo tác mà phải nhận lãnh hậu quả, càng điên đảo tạo tác thì đời sống càng rối ren, phức tạp, đa đoan, nhân duyên chằn chịt buộc ràng, con người càng khó tìm ra sự thảnh thơi an lạc.

Trên thế gian con người có thể tìm được niềm vui, tìm được hạnh phúc từ nhiều yếu tố, từ nhiều điều kiện nhân duyên, nhưng đâu là niềm vui, niềm hạnh phúc đích thực không có những hệ lụy, không dẫn đến bất an đau khổ, đâu là niềm vui, niềm hạnh phúc lâu dài, miên viễn? Làm sao để sống an lạc trong hiện tại và tương lai? Chỉ có con đường “không đắm nhiễm lạc thú thế gian, hành đạo vô vi” mới đạt đến chỗ tuyệt đối an vui như lời Đức Phật đã dạy.

Phan Minh Đức

Tuesday, September 29, 2015

GIÁO TRÌNH PHẬT HỌC – Chan Khoon San

(BUDDHISM COURSE)

Chan Khoon San
Biên dịch: Lê Kim Kha
Nhà xuất bản PHƯƠNG ĐÔNG 2011

PHẦN IX – QUY Y NƯƠNG TỰA
NỘI DUNG
  1. Ý Nghĩa Nơi Nương Tựa (Sarana)
  2. Nguồn Gốc Của Việc Nương Tựa
  3. Sự Quy Y Nương Tựa
  4. Tại Sao Chúng Ta Cần Quy Y Nương Tựa
  5. Ba Nơi Nương Tựa – Tam Bảo
  6. Những Yếu Tố Hỗ Trợ Việc Quy Y Nương Tựa
  7. Sự Bất Tịnh & Hủy Bỏ Trong Quy Y
  8. Những Lợi Ích Của Việc Quy Y Tam Bảo
  9. Sách & Tài Liệu Tham Khảo
1. Ý Nghĩa Nơi Nương Tựa (Sarana)
Sarana’ trong tiếng Pali có nghĩa là: “Nơi nương tựa”, và được định nghĩa như là “một nơi che chở”, “một sự hay nơi bảo vệ” con người khỏi hiểm họa, tai biến; “một người, vật hay quá trình” mang lại sự bảo vệ, sự che chở, sự an ninh.
Hòa Thượng Thiền Sư quá cố Ledi Sayadaw trong quyển “Uttama Purisa Dipani” của ngài, đã định nghĩa từ “sarana” như sau:

Nếu một người tỏ lòng tôn kính hay tôn thờ một đối tượng hay một người nào đó, và nếu hành động tôn kính hay tôn thờ đó trở thành một nghiệp thiện (kusala kamma), mà có thể cứu mình khỏi tái sinh vào cảnh giới đau khổ, thì đối tượng hay người đó trở thành một “sarana”, và như vậy xứng đáng được tôn kính hay tôn thờ”.
Ngược lại, nếu một người tỏ lòng tôn kính hay tôn thờ một đối tượng hay một người nào đó với tư tưởng là đối tượng đó hay người đó sẽ cứu mình khỏi tái sinh vào cảnh giới đau khổ, nhưng thật ra hành động tôn kính hay tôn thờ đó không trở thành một nghiệp thiện (kusala kamma), thì đối tượng hay người đó không phải là một “sarana”, và không xứng đáng được tôn kính hay tôn thờ”.

Sau đó, vị Hòa Thượng Thiền Sư này lại tiếp tục dùng một sự so sánh như sau:
Những đức hạnh giữ Giới (sila), Định tâm (samadhi), và trí Tuệ (panna) không bị thối chuyển có thể được so sánh với sự phì nhiêu của đất trồng. Những đối tượng làm nơi nương tựa như là: Phật, Pháp và Tăng có thể được so sánh như chính đất trồng có những phẩm chất phì nhiêu đó. Hành động cố ý (cetana) khởi sinh trong tâm (tâm Hành) của một người thông qua việc nương tựa Phật, Pháp, Tăng thì giống như những hạt giống được gieo trồng trên đất phì nhiêu đó”.

Những người hay đối tượng không có được những đức hạnh Giới (sila), Định (samadhi), Tuệ (panna) bất thối chuyển cũng giống như miếng đất khô cằn không một chút phì nhiêu. Nếu gặp những người hay đối tượng đó và tỏ lòng tôn kính hay tôn thờ thì chỉ giống như gieo trồng những hạt giống trên miếng đất khô cằn đó. Những người hay đối tượng đó không mang lại nghiệp thiện (kusala kamma), và vì vậy việc đó là vô ích”.

2. Nguồn Gốc Của Việc Quy Y Nương Tựa
Theo Kinh Điển Pali, ngay sau khi Giác Ngộ thành đạo, Đức Phật đã trải qua 7 tuần, trong đó có ngồi dưới gốc Cây Bồ-Đề, Cây Banyan tree, Cây Mucalinda (Mãng Xà Vương), và cuối cùng là dưới Cây Rajayatana, mỗi nơi một tuần. Khi Đức Phật ngồi dưới cây Rajayatana , lúc đó có hai anh người lái buôn tên là TapussaBhallika đến từ Ukkala (Orissa, tức Miến Điện ngày nay) dâng lên cúng dường Đức Phật bánh gạo nếp và mật ong. Sau khi Đức Phật thọ trai bữa ăn xong, hai người quỳ lạy dưới chân Người và xin được quy y nương tựa vào Đức Phật và Giáo Pháp của Người, lấy Phật & Pháp làm nơi nương tựa cho đến hơi thở cuối cùng. Họ trở thành những Phật tử cư sĩ đầu tiên, quy y vào Phật và Pháp (Nhị Bảo), bởi vì lúc đó chưa có Tăng Đoàn.

Sau đó Đức Phật đến Vườn Nai ở Sarnath ngày nay và ở đó, Người đã giảng giải “Bài Thuyết Pháp Đầu Tiên” cho năm người bạn tu khổ hạnh, mà sau này họ cũng trở thành những bậc giác ngộ A-la-hán. Họ là những Phật tử Tỳ kheo đầu tiên.
Đức Phật cũng gặp và thuyết giảng giáo pháp cho công tử Yasa và 54 người bạn của Yasa, tất cả đều thọ giới vào Tăng Đoàn và sau này đều trở thành những bậc giác ngộ A-la-hán.
Cha, mẹ và vợ của Yasa cũng chứng ngộ tầng thánh Nhập Lưu hay Tu-đà-hoàn (Sotapanna) và họ đã trở thành những Phật tử cư sĩ đầu tiên quy y nương tựa vào Phật, Pháp, Tăng (Tam Bảo), bởi vì lúc đó Tăng Đoàn (Sangha) đã ra đời.

3. Hành Động Quy Y Nương Tựa
Hành động chọn hay quy y vào nơi nương tựa là con đường dẫn đến hay bước vào Phật Pháp (Buddha Sasana).
Sau khi tụng câu Đảnh Lễ 3 lần:
Namo Tassa Bhagavato Arahato Samma-Sambuddhassa
Cúi đầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, Bậc A-la-hán, Bậc Toàn Giác”.
Thì việc Quy y nương tựa được thực hiện bằng cách tụng đọc tiếp những câu bên dưới đây 3 lần:

Buddham Saranam Gacchami
Dhammam Saranam Gacchami
Sangham Saranam Gacchami
Con xin Nương tựa vào Phật
Con xin Nương tựa vào Pháp
Con xin Nương tựa vào Tăng

Dutiyampi, Buddham Saranam Gacchami.
Dutiyampi, Dhammam Saranam Gacchami.
Dutiyampi, Sangham Saranam Gacchami.
Lần thứ hai, Con xin Nương tựa vào Phật
Con xin Nương tựa vào Pháp
Con xin Nương tựa vào Tăng

Tatiyampi, Buddham Saranam Gacchami.
Tatiyampi, Dhammam Saranam Gacchami.
Tatiyampi, Sangham Saranam Gacchami.
Lần thứ ba, Con xin Nương tựa vào Phật
Con xin Nương tựa vào Pháp
Con xin Nương tựa vào Tăng

Theo Luận GiảngTiểu Bộ Kinh (Khuddakapatha), Đức Phật đã giảng dạy nghi thức đọc tụng Quy Y này ở Vườn Nai, Isipatana nhằm mục đích chấp nhận những đệ tử mới vào Tăng Đoàn, khi Người bắt đầu phái cử 60 vị A-la-hán vừa mới giác ngộ đi về nhiều hướng khác nhau để thuyết giảng và nhận thêm những đệ tử mới quy y vào Tam Bảo. Những người được gia nhập vào Tăng Đoàn (Tỳ kheo) cũng đọc tụng 3 lần những câu nghi thức này trước khi được trở thành Tỳ kheo.

4. Tại Sao Chúng Ta Cần Nơi Nương Tựa?
Ngoại trừ những Thánh đệ tử của Đức Phật, những người đã giác ngộ Tứ Diệu Đế còn tất cả chúng sinh đều đang đắm chìm trong Vô Minh và thông thường không hề để ý hay ý thức được mình đang sống trong hiểm nguy của kiếp sống ngắn ngủi này. Chúng sinh nhận lầm vô thường, vô ngãkhổ là thường hằng, bản ngã và khoái lạc. Đức Phật xuất hiện trên thế gian này để khai giảng Tứ Diệu Đế, đó là những chân lý cao diệu mà nếu ai hiểu biết một cách đầy đủ và đúng đắn, giác ngộ được hết những chân lý đó thì sẽ dẫn đến con đường giải thoát khỏi tất cả đau khổ.

(I) Những Hiểm Họa Trong Đời Sống Hiện Tại
Theo như Tứ Diệu Đế, từ sinh ra (hay tái sinh) sẽ dẫn đến già, bệnh, chết, những buồn sầu, phiền não, đau đớn, sầu muộn và tuyệt vọng. Bản thân chúng ta với kiến thức bình thường của con người cũng dễ dàng thấy được những điều này, bởi vì những điều này, như là lẽ thật, nếu chưa xảy ra đối với chúng ta hết, thì cũng đã xảy ra với tất cả những người thân tổ tiên, ông, bà, cha, mẹ của chúng ta, không thể tránh được. Ngay lúc đang sống, thân chúng ta phải tùy thuộc và có thể bị bệnh tật, bị thương hay thậm chí bị tai nạn bất cứ lúc nào. Những thảm họa hay tai ương thiên nhiên như hỏa hoạn, lũ lụt, hạn hán và động đất có thể xảy ra bất cứ lúc nào, gây tan thương, đau khổ và chết chóc.

(Nếu bạn nghĩ rằng xã hội hiện đại, với khoa học tiên tiến và những biện pháp phòng ngừa và an sinh đã giúp con người khỏi thiên tai, thì bạn đã sai. Dù cho một đất nước văn minh, tiên tiến đến mức nào, thì cũng không thể tránh được thiên tai. Ví dụ như cơn bão Katrina kéo theo cường lũ ở Mỹ vào năm 2005 đã xóa sạch nhà cửa, tài sản và vật chất một vùng lớn hơn đất nước Việt Nam; Sóng Thần Tsunami ở Thái Lan 2007 cướp đi sinh mạng và nhà cửa bao nhiều người và những sóng thần khác đã luôn luôn rình rập những nước Indonesia, Nhật Bản, Việt Nam…, và thảm họa lũ lụt lớn nhất đã xảy ra trong nhiều tháng năm 2011 ngay thủ đô hiện đại Bangkok, ở Thái Lan. Còn bao nhiêu thiên tai lớn, nhỏ khác xảy ra khắp nơi trên thế giới trong một năm, gây ra biết bao nhiêu đau thương, mất mát và chết chóc mà con người và tất cả chúng sinh phải chịu).

Khắp nơi trong thế giới hiện đại này, con người và chúng sinh cũng phải chịu những tai nạn, thảm họa do chính con người gây ra, như tai nạn, tội ác, chiến tranh, đàn áp, bệnh dịch, suy sụp kinh tế và nhiều loại khủng hoảng về chính trị, kinh tế và nhân văn đang được nhắc đến hàng ngày.
Một sự thật là, ngay cả khi số ít hay số nhiều chúng ta và chúng sinh có thoát được hết những hiểm họa nói trên, vẫn còn một thứ chúng ta không thể nào trốn thoát được, đó là cái Chết. Và ngay cả khi chấp nhận lẽ thật phũ phàng này, chúng ta cũng chẳng biết được cái chết đối với chúng ta sẽ xảy ra lúc nào và ở đâu.

(II) Những Hiểm Họa Trong Kiếp Sống Tương Lai
Những mối hiểm họa và nguy hại bao vây chúng sinh cũng không kết thúc sau khi chúng ta chết. Theo học thuyết của Đức Phật, con người khi chết đi còn mang theo dục vọng sẽ còn dẫn dắt và tái sinh vào những cảnh giới hay kiếp sống mới. Sự tái sinh, như đã nói chi tiết trong Chương VI về Tái Sinh, sẽ rơi vào những cảnh giới phúc lành (Sugati) như cõi con người, cõi của chư thiên thần, trời; hay rơi vào những cõi xấu, đày đọa (Duggati) như cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh hay quỷ thần.

Hiểm họa của kiếp sống tương lai chính là bị tái sinh vào những cảnh giới xấu, đày đọa, đau khổ, không những chỉ vì ở đó toàn xấu, khổ, đau đớn và đày đọa nhục hình, mà là sự thoát khỏi cảnh giới đó là cực kỳ khó khăn. Sự tái sinh có may phúc được hay không là tùy thuộc vào những hành động công đức của chúng sinh đó trong kiếp sống hiện tại. Nhưng những chúng sinh bị tái sinh vào những cõi xấu như địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ… thì không có được cơ hội để làm chuyện công đức để tạo phước, vì thế dù có hết chịu đọa đày trong cõi xấu đó, thì chúng sinh đó cũng khó có cơ hội tái sinh về cõi tốt, cứ như vậy, vòng tái sinh vào cõi xấu cứ kéo dài vô cùng. Vì thế cho nên mới nói rằng, nếu đã tái sinh vào cõi xấu, thì mối nguy hiểm to lớn nhấtsự thoát khỏi những cõi xấu là cực kỳ khó khăn.

Đức Phật đã giảng giải rõ điều này bằng một ví dụ kinh điển sau:
Giả sử có một khúc gỗ được đục một cái lổ thả trôi giữa đại dương, và một con Rùa mù sống dưới biển nổi lên mặt nước sau mỗi một trăm năm. Cơ hội để con rùa mù ngoi đầu lên trúng vào lổ của khúc gỗ thì vẫn lớn hơn cơ hội để một chúng sinh trong cõi xấu có thể được tái sinh trở lại làm người”.

Vì vậy, việc tái sinh vào cõi xấu, đọa đày là một hiểm nguy kinh khủng nhất của những kiếp sống tương lai sau khi chết, cho nên chúng ta cần sự bảo vệ, cần nơi để nương tựa. Chúng ta không thể làm gì được để xóa bỏ những cảnh giới xấu, vì vậy cách duy nhất là chúng ta hãy tìm mọi cách để tránh né chúng.
Theo Quy Luật của Nghiệp (Law of Kamma), những hành động hay nghiệp tốt, thiện, lành sẽ tạo ra những kết quả tốt, thiện, lành; và ngược lại, những hành động hay nghiệp xấu, bất thiện, ác sẽ tạo ra những kết quả xấu, bất thiện, không lành. Vậy để tránh việc tái sinh sau này vào những cảnh giới xấu, không phúc lành, thì chúng ta phải tránh tạo nghiệp xấu, ác (akusala kamma).

Để làm được việc này, chúng ta cần sự hướng dẫn từ những người thật sự hiểu biết thật sự về quy luật vận hành và chi phối của Quy Luật Nghiệp Báo. Ngay cả khi chúng ta đã hiểu biết, phân biệt được những việc tốt và những việc xấu ác, hành động của chúng ta chưa chắc đã luôn luôn đi theo con đường tốt, thiện, bởi vì tâm chúng ta là cực kỳ khó kiểm soát. Và để hiểu được con đường để thực hiện những hành động hay nghiệp tốt và tránh né những nghiếp xấu, chúng ta cần sự hướng dẫn từ những người hiểu được những hành vi của tâm, giúp chúng ta kiểm soát được tâm, giải thoát được tâm ra khỏi những tâm xấu tạo nghiệp xấu. Đó là một cách diễn tả khác của việc tu tập. Và lại, những “pháp” nào sẽ giúp được chúng ta để chúng ta gọi đó là nơi nương tựa?.

(III) Những Hiểm Họa Của Vòng Luân Hồi Sinh Tử (Samsara)
Ngoài quá nhiều những tai họa, hiểm nguy mà chúng ta phải đối mặt trong đời sống hiện tại cũng như trong kiếp sống tương lai nếu rơi vào những cảnh giới xấu (Duggati), chúng ta còn phải đối mặt hay bị chi phối bởi những hiểm họa to lớn và khó xử hơn nhiều. Những nguy hại thật sự, nhìn thấy được, là khổ, luân hồi, tái sinh, già, chết, buồn đau, phiền não, đau đớn, sầu muộn và tuyệt vọng. Đó là những khổ đau từ bản chất, tức là khổ do khổ (khổ khổ), nhưng bên cạnh chúng còn những thứ khổ do biến đổi, thay đổi và những thứ khổ do điều kiện tác động, do nhân duyên trong vòng hiện hữu.
Giải pháp hay sự giải thoát này không được tìm thấy ở đâu, ngay cả trên cõi Trời Vô Sắc Giới cũng không có được, bởi vì sự sống ở những cõi đó cũng vô thườngtùy thuộc vào điều kiện, nhân duyên. Điều này hàm ý rằng, chỉ còn một cách là quay lưng lại, tránh né tất cả mọi hình thức tái sinh hay cõi sống, ngay cả những cõi sống tuyệt vời nhất trên thế giới trời thần.

Theo chân lý Tứ Diệu Đế về “Nguồn gốc Khổ”, thì chính tham muốn, dục vọng được hiện hữu, được liên tục sống (bhava-tanha) là nguyên nhân dẫn đến tái sinh, rồi tiếp tục tái sinh tạo ra ‘đất sống’ cho dục vọng tiếp tục khởi sinh và kéo dài mãi trong vòng luân hồi sinh tử (samsara).
Tâm điểm của bánh xe luân hồi chính là Vô Minh (avijja), là nguyên nhân gốc nằm bên dưới dục vọng. Vì vô minh, vì hiểu sai, vì không biết, vì chấp thủ, vì nhận lầm nên mới khởi sinh tham muốn, dục vọng.
Nên để xóa bỏ hết dục vọng (là nguyên nhân tái sinh), thì phải dẹp bỏ vô minh, xóa bỏ ngu dốt, u mê. Mà vô minh, ngu dốt, u mê thì chỉ bị xóa bỏ bằng kiến thức, bằng tri kiến, tức là trí tuệ.

Về mức độ cứu cánh, thì trí tuệ ở đây là kiến thức có thể đi sâu cho phép chúng ta “nhìn thấy được mọi sự vật như chúng là”. Để phát triển trí tuệ, chúng ta cần những phương pháp, những cách thực hành thích hợp và có những người có thể hướng dẫn chúng ta.
Từ những phân tích trên, chúng ta hiểu được rằng chúng ta nhất thiết phải cần có sự bảo vệ, nơi nương tựa để giúp chúng ta né tránh và thoát khỏi ba loại hiểm họa lớn đang “bao vây” và “rình rập” chúng ta. Nhiều luận giảng đã dùng lại từ bằng tiếng Pali là “himsati” (đè bẹp, nghiền nát) trong cách diễn tả thêm về ý nghĩa của nơi nương tựa “sarana”, như sau:
Khi quy y vào nơi nương tựa, thì chính ngay việc quy y vào nơi nương tựa đó đã đè bẹp, xua tan, phá bỏ, chặn đứng những nỗi sợ, thống khổ, những ô nhiễm và nguy cơ tái sinh vào cảnh giới xấu của họ”.

5. Ba Nơi Nương Tựa – Tam Bảo (Tisarana)
Trong Phật giáo, có 3 nơi nương tựa cùng lúc mang lại sự bảo vệ cho con người tránh được ba loại hiểm họa đã phân tích trên. Đó là: Đức Phật, Giáo Pháp (Dhamma) và Tăng Đoàn. Còn gọi là “Phật, Pháp, Tăng”. Những nơi nương tựa này không phải là ba nơi nương tựa hay ba sự bảo vệ khác nhau, mà cả ba liên quan với nhau, hữu cơ thành một “nơi nương tựa có ba yếu tố”.
Lấy một ví dụ đơn giản, nếu chúng ta bị bệnh tật và chúng ta thật sự muốn hết bệnh, chúng ta cần gặp một bác sĩ để chẩn đoán bệnh và đưa ra giải pháp hay cho toa thuốc để điều trị căn bệnh. Chúng ta cần có thuốc để chữa lành căn bệnh, và chúng ta cũng cần người chăm sóc, giúp đỡ khi chúng ta đang nằm bệnh. Vì bác sĩ và người chăm sóc không thể nào trị hết căn bệnh, mà họ chỉ chẩn đoán, đưa ra giải pháp (toa thuốc) và bảo đảm chúng ta được chăm sóc để uống thuốc, thực hiện việc điều trị một cách đúng đắn. Thuốc mới chính là giải pháp điều trị, để diệt căn bệnh và khôi phục sức khỏe.

Tương tự như vậy, để tìm ra giải pháp để diệt trừ đau khổ, chúng ta tìm đến Phật, như là một vị bác sĩ, lương y tận tình để tìm ra những nguyên nhân của “Khổ Đau” và chỉ cho chúng ta giải pháp để “điều trị” và làm hết được khổ đau. Giải pháp thì như là thuốc để trị liệu, tiêu trừ “căn bệnh” khổ đau, và Tăng Đoàn là những người chăm sóc chúng ta khi đang bệnh tật, giúp chúng ta thực hiện việc uống thuốc, điều trị đúng đắn để mau hết bệnh. Và để khỏi bệnh, chúng ta phải trực tiếp tự mình uống thuốc hay làm theo lời dặn của bác sĩ và người chăm sóc. Để hết đau khổ, để làm hết đau khổ, chúng ta phải tự mình thực hành Giáo Pháp (Dhamma), bởi vì Giáo Pháp mới chính là nơi nương tựa thật sự, là giải pháp, là thuốc thật sự, để dẫn đến sự chấm dứt Khổ.
Công hiệu hay kết quả của việc quy y vào nơi nương tựa là tùy thuộc vào mức độ tương xứng của sự hiểu biết về Tam Bảo và lòng tin của chúng ta vào Tam Bảo.

(I) Nương Tựa Phật – Phật Bảo
Về mặt lịch sử nhân loại, khi chúng ta nói đến từ “Phật” (Buddha) là chúng ta đang nói về một “con người” tên là Siddhatta Gotama (Tất-Đạt-Đa Cồ-Đàm) sống ở Ấn Độ vào khoảng thế kỷ thứ 5 trước CN. Khi chúng ta quy y nương tựa vào Phật, là chúng ta quy y nương tựa vào con người này, vì Người là người Thầy và người sáng lập ra đạo Phật. Tuy nhiên, quy y nương tựa vào Người không phải chỉ là một con người vật lý, bằng xương bằng thịt.
Phật trở thành một nơi để quy y, nương tựa bởi vì Phật là người giác ngộ tối thượng, một vị Phật Toàn Giác. Bởi vì Người cũng chính là người khai sáng, hướng dẫn người khác giác ngộ. Những ai đều giác ngộ và làm được 2 điều này thì đều được gọi là những vị Phật. Đây là khía cạnh tâm linh siêu xuất của đối tượng nương tựa này. Phật, như là nơi nương tựa, không còn là khái niệm thế tục, thế gian, mà thuộc về một đối tượng nương tựa siêu phàm thuộc tâm linh. Vì vậy, khi chúng ta quyết định nương tựa Phật, chúng ta dựa vào Phật làm nơi nương tựa vì Người đại diện cho sự Giác Ngộ tối thượng hay Phật tính, bao gồm tất cả những phẩm chất siêu phàm mà một bậc giác ngộ tối thượng có được, đó là:

v Đã diệt trừ hay đoạn trừ tất cả mọi ô nhiễm và bất tịnh. Đoạn trừ có nghĩa là mọi ô nhiễm đã được diệt trừ lần cuối, không còn bao giờ khởi sinh lại được nữa.
v Tích lũy tất cả những đức hạnh. Nói về những đức hạnh, công hạnh của một Đức Phật thì rất nhiều, nhưng hai phẩm hạnh cao quý nhất, siêu xuất nhất của Người là: Đại TríĐại Bi, là hai đức hạnh Người đã khai triển vì phúc lợi của người khác, dùng để giúp người hay ‘độ’ chúng sinh.
v Chúng ta quy y nương tựa vào Đức Phật, vì Người là thể hiện tối cao của sự thanh tịnh, trí tuệlòng bi mẫn, một bậc đạo sư vô đẳng, người có thể hướng dẫn cho chúng ta con đường đi đến an toàn, tránh xa biển dữ luân hồi sinh tử (samsara).

(II) Nương Tựa Giáo Pháp (Dhamma) – Pháp Bảo
Có hai mức độ hay hai phạm trù của Giáo Pháp (Dhamma), đó là: Giáo Pháp thế gian, là những lời dạy hay giáo lý của Đức Phật được ghi chép lại trong Kinh Tạng. Tất cả những giáo lý này được nói ra và được dùng như là những hướng dẫn vào con đường tu tập được gọi là con đường Tám Phần hay “Bát Chánh Đạo” mà chúng ta đã có dịp học từ Chương III, bao gồm con đường Đạo Thế gian và Đạo Xuất thế gian, trong đó con đường Đạo Xuất thế gian chỉ có thể đến được bằng sự hiểu biết đúng đắn, sự giác ngộ về những chân lý của Tứ Diệu Đế. (Tâm) Thức của đạo xuất thế gian bứng rễ những ô nhiễm đi kèm, Thức này chỉ khởi sinh một lần vào mỗi giai đoạn trong 4 giai đoạn chứng ngộ, đó là: Sotapanna (Nhập lưu), Sakadagamin (Nhất Lai) ), Anagamin (Bát Lai) và cuối cùng là A-la-hán (Vô Sinh).

Mỗi Thức con đường Đạo hay Thức Đạo được theo sau bằng thức Quả đánh dấu bằng sự tĩnh lặng khi những ô nhiễm bị nhổ sạch bằng những khoảng khắc đạo trước đó. Cả hai thức Đạo và thức Quả tạo ra khía cạnh hay phạm trù xuất thế gian của Giáo Pháp (Dhamma).
Những Giáo Pháp xuất thế gian là những giáo lý của Phật dạy cho chúng sanh tu tập để giải thoát khỏi luân hồi, như Tứ Diệu Đế, Mười Hai Nhân Duyên, Ba La Mật…
Bằng cách này, Giáo Pháp thật sự chính là nơi nương tựa thật sự.


(III) Nương Tựa Tăng Đoàn (Sangha) – Tăng Bảo
Theo khía cạnh truyền thống hay thế gian, thì Tăng Đoàn ở đây có nghĩa là Tăng Đoàn Tỳ Kheo (Bhikkhu Sangha), cộng đồng những tu sĩ đã thọ giới xuất gia, gồm những người tuân thủ và duy trì 227 giới luật tăng đoàn do chính Đức Phật chế ra và mọi người thấy được (chính kiến) đó là những giới luật đúng đắn. Tăng Đoàn Tỳ Kheo là đoàn thể các Tăng, Ni liên tiếp kế thừa từ 2.500 năm trước, được coi là những người gìn giữ và truyền thừa Giáo Pháp của Đức Phật. Đời sống Tỳ kheo (khất sĩ) cho phép tăng đoàn hoàn thành nhiệm vụ gìn giữ, truyền thừathực hành Giáo Pháp. Tuy nhiên, Tăng Đoàn Tỳ Kheo này không phải nơi nương tựa hay Tăng Bảo. Tăng Đoàn nơi nương tựa hay Tăng Bảo chính làTăng Đoàn Thánh Tăng (Ariya Sangha), đó là cộng đồng gồm những thánh Tăng (Ni) đã chứng ngộ ít nhất một trong 4 tầng thánh quả. Những Thánh đệ tử của Đức Phật thì ít nhất mãi mãi không còn tà kiến và nghi ngờ, Giáo lý của Đức Phật đã cắm rễ sâu trong con người họ không còn phải tùy thuộc vào người khác trong việc thực hiện những việc tu tập còn lại trên con đường đi đến mục tiêu giải thoát cuối cùng. Vì đã có đủ sự hiểu biết và chứng ngộ bên trong, những vị tăng có được những phẩm chất và đức hạnh để hướng dẫn những người khác trên con đường hướng đến mục tiêu giải thoát.

6. Những Yếu Tố Hỗ Trợ Việc Quy Y Nương Tựa
Việc quy y vào Tam Bảo là thể hiện sự nương nhờ, nương tựa vào Tam Bảo và trở thành một Phật tử chân chính, đích thực. Tuy nhiên, đây chỉ là cách nói miệng về việc quy y. Kinh điển Phật giáo có nói rõ hơn về vấn đề quy y Tam Bảo này, nó bao gồm những việc đích thực có ý nghĩa hơn là việc tụng đọc mấy câu nghi thức của lễ quy y. Kinh điển định nghĩa việc quy y là một hành động tâm linh, đó là:
“Một hành động của (tâm) thức không còn ô nhiễm, được thúc giục bởi lòng tin và lòng thành kính đối với Tam Bảo như là nơi nương tựa tối cao”.
Như vậy, việc quy y Tam Bảo chỉ nên được thực hiện khi đã có đầy đủ lòng tinlòng thành kính đối với Tam Bảo, và nhận Tam Bảo là nơi nương tựa tối cao, là nguồn che chở duy nhất trên con đường giải thoát. Có 3 yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc quy y Tam Bảo:

a) Sự Hiểu Biết
Chỉ có sự hiểu biết về chân lý hay Diệu Đế về Khổ thì một người mới tìm đến nơi nương tựa. Tâm trí của mình cũng nên hiểu rõ, nắm bắt được những tính chất, ý nghĩa (Xem thêm Chương XVI, về “Tưởng niệm về Phật, Pháp, Tăng”). Sự hiểu biết đúng đắn như vậy mới có thể giúp chúng ta càng thêm tin tưởng sâu đậm và nương nhờ vào Tam Bảo và thúc giục chính mình vào con đường tu tập, thực hành giáo Pháp.

b) Tâm Nguyện Hướng Thiện hay Thiện Tâm
Việc quyết định quy y vào một nơi nương tựa là một hành động cố ý, hành động của ý chí (hay tâm Hành), đây là một hành động tự nguyện dựa vào tâm nguyện hướng thiện về giáo Pháp (dhammachanda) để giải thoát khỏi những khổ đau và những hiểm họa. Tâm nguyện càng mạnh mẽ thì sự thúc giục tâm linh càng mạnh mẽ, giúp mình mau chóng và siêng năng thực hành theo giáo Pháp của Đức Phật.

c) Lòng Tin & Lòng Thành Kính
Căn bản của Trí Tuệ phải được cân bằng với căn bản của Lòng Tin hay lòng Thành Tín. Trí Tuệ nếu không có Lòng Tin thì dễ làm cho người ta hoài nghi hay ngờ vực, trong khi đó Lòng Tin mà không đi kèm hay dựa vào Trí Tuệ thì dễ làm cho người ta trở nên u mê. Khi quy y vào Tam Bảo, Lòng Tin của một người phải nên dựa vào sự tự tin, xác tín hay sự tín nhiệm vào năng lực bảo hộ của Tam Bảo, cùng với sự hiểu biết về những tính chất và ý nghĩa của Tam Bảo. Sự tự tin, xác tín tạo ra lòng tôn kính hay thành kính. Khi một người đã nhận thấy được hay trải qua tác động chuyển hóa của Giáo Pháp vào đời sống của mình, thì người đó mới càng thêm thức tỉnh và lòng tôn kính nơi Tam Bảo được tăng lên, tâm của người đó càng hướng mạnh mẽ về Tam Bảo và càng dấn thân, siêng năng và kiên trì thực hành giáo Pháp của Đức Phật.

7. Sự Bất Tịnh & Hủy Bỏ Trong Quy Y
Những sự không thanh tịnh hay sự lệch lạc trong vấn đề quy y nương tựa là những yếu tố làm cho việc nương tựa không còn được thanh tịnh, không chân thành, và không còn được hiệu nghiệm. Thông thường có 3 yếu tố làm ô nhiễm việc quy y nương tựa, đó là:

(1) Sự Ngu Dốt
Đó là khi một người không hiểu biết rõ về lý do của việc quy y nương tựa, ý nghĩa của việc quy y nương tựa hoặc/và những tính chất, ý nghĩa của những đối tượng mình chọn làm nơi nương tựa, chẳng hạn không hiểu biết về tính chất tối cao và ý nghĩa cứu cánh của Phật, Pháp và Tăng.

(2) Sự Ngờ Vực
Đó là khi một người không có được sự tự tin hay lòng tin tưởng vào Tam Bảo. Sự quy y hay giao phó bản thân tâm linh vào Tam Bảo lúc đó bị mai một, bị hoen ố bởi sự rối tâm, ngờ vực và không dứt khoát. Sự ngờ vực là một trong những chướng ngại cho mọi tiến bộ về tâm linh và bất kỳ sự tiến bộ nào của con người. Như vậy, điều cần thiết là phải có lòng tin, lòng xác tín để có tính quyết định. Muốn có lòng tin phải quay lại phải có sự hiểu biết, trí tuệ, vì lòng tin chính đáng, đúng đắn phải dựa vào sự hiểu biết về nguyên nhân và ý nghĩa của Tam Bảo. Nếu không có sự hiểu biết thì lòng tin đó là tin vào cái gì hay chỉ đem lại sự ngờ vực để rồi làm thối chí quy y.

(3) Quan Điểm Sai Lạc Hay Tà Kiến
Đó là những sự hiếu biết sai về việc quy y nương tựa hay về những đối tượng được làm nơi nương tựa, ở đây là Phật, Pháp, Tăng. Ở đây một người có thể nghĩ đơn giản rằng, chỉ cần chấp nhận quy y Tam Bảo là có được sự bảo đảm về giải thoát khỏi hiểm nguy sau này.
Hoặc, buồn thay, đại đa số con người ngày nay nghĩ rằng Đức Phật là một đấng thượng đế có năng lực cứu rỗi con người chứ không cần con người nỗ lực tự cứu mình;
Hoặc có người còn tin rằng Giáo Pháp dạy cho con người làm vậy để tạo “quả tốt” cho một linh hồn bất tử sau này,
Hoặc Tăng Đoàn là một đại diện trung gian để con người thông qua đó nương tựa vào Đức Phật để được giải cứu hay gia hộ.
Tuy nhiên, ngay cả khi việc quy y không được thanh tịnh, bị những yếu tố, tư tưởng lệch lạc và bất tịnh về nguyên nhân và ý nghĩa của việc quy y và về ý nghĩa của Tam Bảo, sự quy y này vẫn được xem là nguyên vẹn và người Phật tử vẫn được xem là một Phật tử cho đến khi nào người ấy còn chấp nhận Tam Bảo là nơi nương tựa tối cao duy nhất của mình, dù người đó không thật sự hiểu biết được trọn vẹn nguyên nhân và ý nghĩa thanh tịnh của viếc quy y của mình.

Tuy nhiên, sự thiếu hiểu biết hay thái độ quy y trong “tâm” như vậy là sai lạc, và những người như vậy cần sửa sai từ hiểu biết của mình cho đúng đắn bằng cách nhờ vào lời hướng dẫn, khuyên dạy của một hay những người thầy. Những người thầy (là các Tăng, Ni hay một người hiểu biết trọn vẹn) sẽ giúp cho những người đó vượt qua những bất tịnh là ngu dốt, sự ngờ vực và quan điểm sai lầm.
Đó là vấn đề những lệch lạc hay sự không thanh tịnh trong hành động quy y và trong suy nghĩ của người về những đối tượng quy y là Tam Bảo.

Còn sự Hủy Bỏ Nương Tựa hay không còn quy y Tam Bảo cũng xảy ra đối với nhiều người phàm, tại gia. Đối với những Thánh nhân hay đệ tử Đức Phật thì lòng tin và sự quy y vào Tam Bảo là bất thối chuyển, và Tam Bảo đối với họ cũng không bao giờ thay đổi được. Trong trường hợp người phàm phu, việc hủy bỏ hay không được quy y xảy ra đối với một người khi chết đi. Sự hủy ngang đó là không có lỗi, là không có ý, ngoài ý muốn.
Sự hủy bỏ quy y đáng ‘tội nghiệp’ và ‘đáng trách’ của một người là khi người đó từ chối hay không còn tôn kính Đức Phật là một nơi nương tựa tối cao, và vì nghĩ rằng có những đấng đạo sư khác cao siêu hơn Phật;
Hoặc người đó thay đổi từ con đường đạo Phật sang những tôn giáo khác và nghĩ rằng hệ thống tư tưởng của tôn giáo khác tốt đẹp hơn Giáo Pháp của Phật.
Hoặc người đó chuyển qua tham gia vào một cộng đồng hay đoàn thể tôn giáo khác và vì người ấy nghĩ rằng những cộng đồng đó tốt đẹp hơn Thánh Tăng đoàn.

Sự hủy bỏ lòng tin hay quy y vào một trong ba đối tượng của Tam Bảo thì mặc nhiên là hủy bỏ lòng tin và quy y vào tất cả Tam Bảo. Không chuyện có thể bạn quy y vào Phật mà không tin vào Giáo Pháp và Tăng Đoàn; Hoặc bạn đến chùa quy y vào Tăng sĩ mà lại không mấy tin và nương tựa vào Phật và Pháp.
Nếu ai dung dưỡng những thái độ hay suy nghĩ về một biểu tượng nào như là một nơi nương tựa tối cao về mặt tâm linh ngoài Tam Bảo, thì người đó đã tự cắt đứt sự quy y của mình vào Tam Bảo và đã tự tuyên bố mình không còn là một Phật tử nữa.
Sau đó, nếu người đó thay đổi và muốn sự quy y vào Tam Bảo có hiệu lực trở lại, thì việc quy y phải được làm lại từ đầu theo nghi thức, mặc dù nghi thức quy y là đơn giản, nhưng điều cần thiết là phải làm lại từ đầu, vì sự quy y cũng cần có những thái độ nghiêm túc khác đi kèm, như: trí tuệ hiểu biết về nguyên nhân và ý nghĩa của việc quy y Tam Bảo, lòng tin vào Tam Bảo và những tâm nguyện hướng thiện về giải thoát.

8. Ích Lợi Của Việc Quy Y Tam Bảo
Bằng việc quy y Tam Bảo, một người đã thể hiện tâm nguyện là muốn được hướng dẫn bằng những giáo lý của Đức Phật. Hướng dẫn làm gì? Hướng dẫn để bước đi trên con đường đạo, tu tập một cách thiết thực bằng hành động, vì giáo Lý của Đức Phật không phải là một học thuyết để cứu rỗi con người căn cứ trên đức tin của họ. Như đã thảo luận trước đây, việc quy y đơn giản là giúp cho một người cân bằng căn trí tuệ với lòng tin tưởng và sự thực hành giáo pháp. Đó là điều kiện cần thiết để một người có thể tiến đến giác ngộ Chân lý và Niết-bàn.

Đối với những ai thường xuyên nương tựa vào Tam Bảo bằng sự hiểu biết đúng đắn, bằng lòng tin tưởnglòng thành kính, thì việc quy y đó là hành động “đè bẹp, xua tan, phá bỏ, chặn đứng nhũng nỗi sợ, thống khổ, những ô nhiễm và nguy cơ tái sinh vào cảnh giới xấu của họ.
Đối với những người mới đến với đạo Phật, thì hành động quy y đơn giản sẽ là khởi sinh lòng tin (saddha),lòng tin là người dẫn dắt những trạng thái tâm hướng thiện. Vào những lúc gặp nhiều áp lực và nỗi sợ trong cuộc đời, một câu tụng quy y đơn giản “Buddham Saranam Gacchami” hay “Con xin nương tựa vào Phật” thì cũng đủ làm xoa dịu tâm trí, làm yên ủi lòng mình. Điều đó hoàn toàn xảy ra khi bạn tâm niệm nương tựa vào một đối tượng mạnh mẽ, tốt lành.

Những đứa trẻ của những gia đình Phật tử cũng nên được dạy để tâm trí từng đêm nương tựa vào Phật, Pháp, Tăng để tăng trưởng lòng tin và làm cho tinh thần thư thái, không gặp ác mộng hay những phiền toái trong giấc ngủ.
Khi tác giả hỏi một số thành viên trong lớp học Kinh Tạng, một số người là những người thực hành môn Yoga, rằng nếu họ đang ngồi trên một máy bay đang gặp sự cố và có thể bị rớt bất cứ giây phút nào, thì họ sẽ làm gì? Họ sẽ nhắm mắt và thiền hay niệm Tam Bảo gia hộ? Đa số đều trả lời rằng đọc niệm một câu Con xin nương tựa vào Phật là dễ làm nhất để tâm cảm thấy được yên ủi nhất. Đó là năng lực bảo vệ của Tam Bảo, mặc dù đơn giản nhưng rất có hiệu lực tốt về mặt tâm linh vào những lúc cần kíp như vậy.

9. Sách & Tài Liệu Tham Khảo
1) “Tam Bảo. Kinh Tiểu Tụng” (Khuddakaptha) và “Luận Giảng về Kinh Tiểu Tụng” (Paramatthajotika, Phần 1). Bản dịch từ tiếng Pali của Ngài Bhikkhu Nanamoli. Hội Kinh Điển Pali (PTS), London, 1978
2) “Quy Y Nương Tựa”, tác giả Ngài Bhikkhu Bodhi trong Số Phát Hành “Wheel Publication No. 282/284”, Hội Ấn Bản Phật Giáo (Buddhist Publication Society), Tích Lan.
3) “Tisarana” (Tam Bảo), tác giả Ngài thiền sư U Sein Nyo Tun (Late of the Indian Civil Service). Bài Viết này đã được đăng trên trang nibbana.com.

HÃY HỌC ĐIỀU CẦN HỌC



Chuyện Tiền thân Bahiya (Jàtaka 420) kể lại rằng: ” Thuở xưa, khi vua Bramadatta trị vì ở Ba- la-nại, Bồ tát là một vị đại thần của triều đình. Có một nữ nhân thôn quê thân thể béo mập, ăn mặc lôi thôi, làm công ăn lương, đang đi ngang qua gần sân của nhà vua, cảm thấy thân bị bức bách ngồi xuống lấy áo đắp che thân, giải tỏa sự bức bách của thân và nhanh nhẹn đứng dậy”.

Câu chuyện bắt đầu rất bình thường, nói về một hoạt động cũng … bình thường của con người ( nhưng lại ít được đề cập trong truyện, phim…) là vấn đề đi vệ sinh. Một cô gái thuộc tầng lớp nghèo đi ngang qua cung điện nhà vua và muốn… đi vệ sinh. Cô ngồi xuống, lấy áo che thân cẩn thận, đi xong và đứng dậy nhanh nhẹn. Câu chuyện chỉ có thế, rất…rất nhạt nhẽo. Thế nhưng, có điều gì cần suy ngẫm ?

Con người ta thường có hai cách xử sự. Một cách công khai, hình thức, mang tính giao tiếp. Người Anh gọi đó là cách xử sự formal. Một cách khác, mang tính riêng tư, cá nhân và không…phổ biến cho người khác. Tiếng Anh gọi đó là cách xử sự informal. Điều này thấy rõ trong các hoạt động ngoại giao. Nhà ngoại giao có thể bắt tay, trò chuyện vui vẻ, nhưng trong chỗ riêng tư có thể chửi bới, hạ nhục nhau. Nhà ngoai giao có thể bên ngoài thì khen ngợi nhưng trong bụng thì… chửi thề. Trong những ngày gần đây, Wikileaks công bố các trang tài liệu mật, phổ biến cho bàn dân thiên hạ cái thể hiện đằng sau các nghi thức ngoại giao đẹp đẽ. Tình trạng phải có các  cư xử formal và informal làm cho con người ta phải sống một cuộc sống hai mặt. Mọi người cũng quen với tình trạng đó và cho đó là bình thường, lẽ đương nhiên phải là như vậy.

Một loại suy nghĩ khác thể hiện tình trạng hai mặt. Một người khách đến nhà chơi được tiếp đón nồng hậu, lịch sự. Trong khi đó, đối xử với người nhà thì lạnh nhạt, bất lịch sự. Khách đến nhà chơi thì chỉ trong thoáng chốc, vậy mà được đối xử tử tế. Còn người cùng sống với ta, sao lại không tử tế như đối với khách để cuộc đời hạnh phúc hơn một chút.

Vậy thì cách xử sự của cô gái này có điểm gì lạ? Cô xử sự một cách formal ở nơi không ai thấy, nghĩa là trong bối cảnh informal. Đây chính là điểm đặc biệt của đoạn văn này. Nó cũng thể hiện quan điểm chung của Phật học: con người ta không nên sống hai mặt, cái thể hiện ra cũng đúng là cái ta suy nghĩ. Xử sự ở nơi công cộng cũng giống như ở một mình. Nếu bạn khen một người thì đó cũng phải là điểm đáng khen thật sự. Nếu bạn lịch sự với một người thì đó cũng phải do sự tôn trong Phật tính bên trong con người đó. Nếu bạn nói điều mà bạn không nghĩ như thế thì đó là tội nói dối. Nếu bạn tử tế với người ngoài thì cũng nên tử tế với người cùng sống với mình.

Lúc bấy giờ vua Ba-la- nại, ngang qua cửa sổ đang nhìn xuống. Vua thấy nữ nhân ấy liền suy nghĩ : Người này trong khi giải tỏa sự bức bách của thân tại sân vua như vậy, vẫn biết tránh các lỗi lầm và nguy hại của lỗi lầm, dùng áo đắp che đậy, giải tỏa bức bách xong, đứng dậy một cách nhanh nhẹn.

Nhà vua đã thấy các hành động của cô gái. Bằng kinh nghiệm trị vì của mình, vua nhận thấy các điểm đặc biệt trong hành vi của cô. Dù không có ai, cô cũng hành động  một cách thận trọng, không buông tuồng. Ngày xưa, các cụ lớn tuổi, khi dựng vợ gả chồng cho con cái cũng sự dụng biện pháp” quan sát thực tế”, hay “ coi mắt” để có thể thấy được các hành vi…. In formal của…. đối tác. Vua suy đoán:

Nữ nhân này chắc chắn khẻo mạnh, nhà cửa nữ nhân này sạch sẽ,Với nhà cửa sạch sẽ, nếu có một đứa con thì đứa con ấy sẽ được sạch sẽ và sống có giới đức. Ta phải đặt người này lên làm hoàng hậu.

Nhà vua đang thực hiện một công đoạn của một nhà tướng số. Các sách nhân tướng đều phát biểu theo dạng:” người có tướng X ” thì ” có tính tình, đặc tính Y”. Chẳng hạn, có sách ghi :” người hay rung đùi thì tán tài”. Sách nhân tướng chỉ là tập hợp các cách ”nhận dạng” như vậy. Người đọc sách tự hỏi:”  vì sao bị tán tài?” thì sách nhân tướng ấy không có câu trả lời. Hỏi đi hỏi lại, thầy tướng số sẽ trả lời:” các bậc tiên thánh, cổ nhân nói như vậy. Nghiệm đi nghiệm lại vẫn thấy đúng”. Nghĩa là:” lời cổ nhân là tiên đề , đừng hỏi nữa”. Thế là, môn tướng số trở thành loại ” khoa học huyền bí”.

Câu hỏi ” tại sao có tướng X ấy thì có đặc tính Y” không được các sách tướng số trả lời. Có chuyện kể rằng: một nhà tướng số quan sát thấy một vị chẳng có tướng gì quý, nhưng lại là người có nhiều trọng trách. Vị tướng số này thắc mắc và tìm cách thâm nhập làm gia nhân của vị kia. Cho đến một ngày, nhà tướng số thấy được quý tướng ( ví như nốt ruồi son…) ẩn tàng của vị kia, bèn” à thì ra là vậy”. Câu chuyện nghe rất hay, tuy nhiên, suy nghĩ của nhà tướng số có một số “ tiên đề “:

Mỗi người tài đều có quý tướng. – Qúy tướng đó  phải thể hiện trên thân thể.

Thế nhưng, cũng có các nhà tướng số lại lưu truyền câu:” tướng tùy tâm sinh, tướng tùy tâm diệt”. Đó là nhận xét đỉnh cao của các nhà tướng số. Nếu” tướng tùy tâm sinh” thì một câu hỏi căn bản của nhân sinh cũng được đặt ra:” bằng cách nào có được quý tướng ấy?”. Nếu ” tướng tùy tâm diệt” thì câu hỏi đặt ra cũng là ” bằng cách nào làm mất cái tướng hạ tiện mà mình đang có ”. Cái” quý tướng, tiện tướng” biến động theo tâm như vậy thì làm sao mà rút ra quy luật ? Các nhà tướng số không trả lời câu hỏi này. Họ chỉ là những nhà hiện tượng học. Câu hỏi đã đánh dấu điểm cuối của môn nhân tướng học. Muốn trả lời nó, cần phải bắt đầu một con đường khác. Điểm cuối của nhân tướng học cũng là điểm bắt  đầu của Phật học. Bài kệ đầu tiên  của kinh Pháp Cú (phẩm Song yếu) mà mọi Phật tử đều thuộc lòng, viết.

Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ ý tạo.

Suy đoán về con người theo tướng của họ cũng chỉ là một cách làm gián tiếp, không theo dõi được các diễn biến của “tâm”, nguồn gốc của các tướng. Phật học dặn rằng, đừng xem tướng mạo bên ngoài ( lầm chết được!) mà hãy quan sát trực tiếp hành vi. Đoạn văn trên trong Kinh Bổn Sanh (Chuyện tiền thân Đức Phật) Jàtaka tuy đơn giản nhưng lại đi vào điểm khác biệt sâu xa của cách xem tướng thông thường và cách xét đoán điển hình dựa trên  nhân quả của Phật học. Đức Phật nói:

“Tướng của người ngu ở trong hành động ( của mình):Tướng của người trí ở trong hành động ( của mình)…Có ba pháp này, này các Tỳ- kheo, là đặc tính của người ngu, là tướng trạng của người ngu, là ấn tích của người ngu. Thế nào là ba ? Ở đây các Tỳ- kheo, kẻ ngu suy nghĩ ác, nói ác và làm ác. Nếu người ngu này, này các Tỳ- kheo, không suy nghĩ ác, không nói ác và không làm ác, thời lấy gì người hiền trí biết được rằng:’ người này là kẻ ngu, không phải bậc chân nhân’. Có những pháp này, này các Tỳ- kheo, là đặc tính của người ngu, là tướng trạng của người ngu, là ấn tích của người ngu.
Có ba pháp này, này các Tỳ -kheo, là đặc tính của người hiền trí, là tướng trạng của người hiền trí, là ẩn tích của người hiền trí. Thế nào là ba? Ở đây các Tỳ-kheo, người hiền trí suy nghĩ thiện, nói thiện và làm thiện. Nếu người hiền trí này, này các Tỳ- kheo, không suy nghĩ thiện, không nói thiện và không làm thiện, thời lấy gì người hiền trí kia biết được:’ người này là người hiền trí, bậc chân nhân?’ vì rằng, này các Tỳ -kheo, người hiền trí suy nghĩ thiện, nói thiện và làm thiện, nên người hiền trí kia biết được:’ người này là người hiền trí, bậc chân nhân,’ có những pháp này, này các Tỳ- kheo, là đặc tính của người hiền trí, là tướng trạng của người hiền trí, là ấn tích của người hiền trí”.

( Tăng Chi Bộ Kinh, tập 1.Chương 3: Ba Pháp, phẩm Người Ngu)

Như vậy , từ một quan sát về hành vi nhỏ, nhà vua suy đoán các đặc tính về lối sống của cô gái. Việc lối sống không mang tính hai mặt là một điểm đặc biệt, không phải dễ kiếm . Vua nghĩ rằng nàng có thể làm hoàng hậu cho mình. Như thế , chỉ nhờ việc cẩn thận trong những việc nhỏ nhặt mà cô gái được nhà vua phong làm hoàng hậu.

Các suy luận thực tiễn  và hướng tới lợi ích như vậy cũng là một đặc điểm của Phật học. Ngày nay, phim, tiểu Thuyết, báo chí…luôn nói tới” tình yêu” trong việc tiến tới hôn nhân, xem đó như là điều kiện tiên quyết và là yếu tố giải quyết mọi vấn đề. nếu hỏi “ có tình yêu đễ làm gì?” câu trả lời hẳn phải là” để gia đình hạnh phúc”. Vậy thì hạnh phúc mới là cái cần phải quan tâm. Tuy nhiên, hạnh phúc cần nhiều yếu tố, mà trong đó “ tình yêu” chỉ là một. Phật học chỉ cho người ta cách suy nghĩ  thực tế hơn, quan sát nếp sống của người mà ta định chọn để lập gia đình: Người này có mạnh khỏe không? Ăn ở có sạch sẽ không? Nếp sống có giới đức hay không?

Nhà vua, sau khi biết được nữ nhân này chưa thuộc sở hữu của ai, bèn cho gọi nữ nhân ấy đến và đặt vào địa vị hoàng hậu. Nàng trở thành người vua yêu thương và ưa thích. Không bao lâu nàng sanh được người con trai. Nhà vua đặt người con trai nàng lên làm Chuyển luân vương.

Sau khi có các phỏng đoán như vậy, vua tiến hành kiểm tra các phỏng đoán này, đặc biệt là việc cô đã có gia đình hay chưa. Các suy đoán cần phải được kiểm nghiệm bằng thực tế. Sau khi đã kiểm nghiệm bằng thực tế. Sau  khi đã kiểm tra tất cả, vua cưới nàng làm vợ.

Bồ- tát khi nghe câu chuyện về sự may mắn của nàng, dùng cơ hội này thưa với nhà vua: Phàm việc gì cần phải làm cho được tốt đẹp , sao lại không cho học tập. Sự việc này, do nữ nhân này có công đức lớn khi giải tỏa sự bức bách của thân, vẫn biết tránh các lỗi lầm và nguy hại của lỗi lầm, biết dùng phương tiện che đậy, khiến nhà vua đẹp lòng và ban cho nàng phước lợi như vậy.!

Nhà vua khi cưới hoàng hậu, chỉ mới có nhận xét về đặc tính cẩn thận của nàng ở chỗ riêng tư. Bồ – tát- ở đây, trong văn cảnh của Jàtaka, chính là để chỉ một  tiền thân của Đức Phật Thích Ca- không dè bỉu, không hạ thấp sự may mắn của cô gái nhà quê. Không cho rằng cô là ….mèo mù vớ cá rán. Ngài tùy hỷ công đức, vui khi thấy người khác làm điều lành. Ngài vui khi thấy được công đức của cô gái là vui theo niềm vui của cô gái. Đây chính là con đường vương giả trong việc tích lũy công đức. Chia sẽ tài sản, cúng dường người có đức…đều đem lại công đức. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: làm sao để có công đức nhiều nhất mà cố gắng ít nhất? Phật học đã chỉ ra một phương pháp…chẳng cần làm gì cả mà vẫn có công đức. 

Đó chính là tùy hỷ công đức. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết: mỗi ngày tôi chọn một niềm vui. Nếu tùy hỷ công đức, mỗi ngày bạn sẽ không phải chỉ có một mà có vô số niềm vui vì trong ngày, chắc chắn bạn sẽ gặp nhiều niềm vui của rất nhiều người. có truyến thống Phật giáo còn định lượng hẳn hoi: nếu vui theo niềm vui của người có sự tự điều chỉnh cao hơn mình thì mình sẽ được một nửa công đức đó. Nếu vui theo niềm vui  của người có sự tự điều chỉnh, kém hơn mình thì mình sẽ có công đức… gấp đôi người đó. Bồ – tát nhân câu chuyện của hoàng hậu, nâng nó lên thành một bài học phổ quát hơn để giúp ích cho nhiều người hơn. Theo ngài, mọi việc, dù ở nơi riêng tư, cũng cần phải làm cho tốt đẹp.

Nói xong, để tán thán mọi việc cần phải làm cho được tốt đẹp, Bồ-tát nói lên bài kệ:

Hãy học điều cần học
Dầu có kẻ cứng đầu
Kẻ quê khéo tiểu tiện
Làm đẹp lòng nhà vua.
.
Bài:Tấn Nghĩa | ảnh : Trần Thanh Vỹ