Vào những ngày này, chúng ta lại đang chuẩn bị đón một năm mới với những tất bật, xốn xang của riêng mình. Và, TẾT lại sắp về, XUÂN sắp sang!
Dù chỉ là 1 trong 24 “tiết khí” của Trời/Đất – tiết lập
Xuân, nhưng đây là dịp người ta phải chuẩn bị đầy đủ nhất, chu đáo nhất để
nghênh đón thời điểm quan trọng này – TẾT NGUYÊN ĐÁN. Mặc dù chỉ chính thức diễn
ra trong 3 ngày: mồng một Tết, mồng hai Tết và mồng ba Tết, nhưng không khí và
dư âm của nó đã kéo dài trước và sau đó khá lâu, ít nhất là trong 2 tuần: từ 23
tháng Chạp đến ngày mồng 7 Tết. Còn với người dân Trung Quốc – theo Bách khoa tự
điển Trung Quốc - Tết Nguyên Đán thường
kéo dài từ ngày 8 tháng 12 âm lịch đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch và cũng là
ngày tết dài nhất, quan trọng nhất của họ.
Có nhiều lễ thức được thực hiện trong khoảng thời gian này
và phần lớn trong số đó đã trở thành phong tục truyền thống cũng như nét văn
hóa đặc sắc của người Việt Nam. Nhưng trong cuộc sống hiện nay, do nhiều nguyên
nhân, nhiều người trong chúng ta, nhất là giới trẻ, dường như đang lãng quên
cái không khí đầm ấm chỉ riêng có của những ngày TẾT. Vì thế, bài viết muốn giới
thiệu một số phong tục đẹp mà chúng ta cần giữ gìn, để Tết Nguyên đán mãi là Tết
Cả của người Việt Nam:
1. Tục tống cựu nghênh tân:
Tống cựu nghênh tân nghĩa là bỏ đi những cái cũ và đón cái mới
( tức là bỏ đi tất cả những điều không may mắn của năm cũ để đón những điều tốt
lành từ năm mới). Vì thế, các thành viên trong gia đình thường cùng nhau dọn dẹp
sạch sẽ nhà cửa, trang trí bàn thờ, rồi cùng làng xóm dọn dẹp đường sá và các
công trình công cộng của làng, xã như đình, chùa…Đối với bà con làng xóm, dù
trong năm cũ có điều gì không vừa ý cũng đều bỏ qua cho nhau. Và, dù sự bỏ qua
đó có thật lòng hay không nhưng mọi người đều không còn để bụng, không ai nói
khích bác hoặc bóng gió, ác ý gì trong những ngày đầu năm.
2. Mời tổ tiên về ăn Tết
Theo quan niệm dân gian, mặc dù ông bà, tổ tiên đã mất,
nhưng linh hồn vẫn ở bên cạnh người sống và luôn phù hộ cho con cháu mạnh khỏe,
làm ăn phát đạt. Do đó, những dịp lễ Tết, người ta thường mời ông bà về chung
vui với gia đình. Từ sau ngày Tết ông Công ông Táo (23 tháng Chạp) đến chiều 30
Tết, các gia đình thường ra mộ phần để thỉnh mời ông bà, tổ tiên về ăn Tết, vui
Xuân cùng con cháu. Từ sau bữa cơm tất niên, theo đúng lễ thức, mỗi ngày người
ta đều cúng cơm cho đến hết Tết – sau khi làm lễ tiễn ông bà (lễ hóa vàng) thì
việc thờ cúng gia tiên trong ngày Tết mới coi là đã hoàn tất. Đây là một trong
những phong tục rất đẹp của người Việt Nam, không chỉ thể hiện sự “hiếu đễ” theo tính thần Nho giáo, mà còn là một trong
những biểu hiện của truyền thống “uống nước nhớ nguồn” được lưu truyền từ ngàn
đời nay. Chỉ hiềm một nỗi, khi kinh tế ngày càng phát triển, chất lượng đời sống
ngày càng cao, thì phong tục này dường như càng có nguy cơ bị xem nhẹ. Hiện
nay, xu hướng đi du lịch (cả trong nước và nước ngoài) vào dịp Tết đang ngày
càng trở nên phổ biến trong các gia đình, nhất là ở đô thị. Để kịp cho chuyến
đi, thường là chỉ trong ngày mồng Một, họ đã vội vàng làm lễ hóa vàng để “tiễn”
các cụ ra khỏi nhà để “yên tâm” lên đường. Vậy là các cụ vừa về lại đã phải đi
ngay mà chưa kịp hưởng hương vị Tết cùng con cháu. Thật chạnh lòng trong những
trường hợp này!
3. Tục cúng tất niên (cúng Giao thừa trong nhà)
Trước kia, đến đúng thời khắc giao thừa, cùng với mâm cỗ
cúng ngoài sân để đón các Thiên binh (12 vị Hành khiển), người Việt còn có mâm
cỗ đặt lên bàn thờ gia tiên, rồi tất cả con cháu cùng tề tựu đông đủ để thắp
hương tưởng niệm, khấn vái ông bà, tổ tiên. Thức cúng là mâm cơm với các sản vật
ngày Tết và mâm ngũ quả được bày biện gọn gàng, đẹp mắt trên một chiếc đĩa to,
đặt ở nơi trang trọng ở bàn thờ. Trong một năm, đây là thời điểm quan trọng nhất,
đoàn tụ đầy đủ nhất của gia đình bởi mọi thành viên trong gia đình, dù có ở xa
đến mấy cũng cố gắng về đến nhà để đón Tết trước thời khắc giao thừa, dù có bận
đến mấy cũng dành thời gian để sắp mâm cơm cúng tất niên. Và hình ảnh cả gia
đình ngôi quây quần bên nhau, bên chiếc bánh chưng còn đang nghi ngút khói vừa
vớt ra khỏi nồi để dâng cúng tổ tiên có lẽ chưa thể phai nhạt trong tâm trí mỗi
người chúng ta khi nhớ về quá khứ, nhất là trong cuộc sống hiện nay, khi mọi
người dường như không còn cả thời gian để nghĩ đến mình, chứ chưa nói đến việc
vì mọi người, bởi vòng xoáy của công việc và bộn bề lo toan.
4. Tục chúc Tết
Sáng mồng Một Tết còn gọi là ngày Chính đán, con cháu tụ họp
ở nhà tộc trưởng để lễ tổ tiên và chúc Tết ông bà, cha mẹ và các bậc huynh trưởng.
Theo quan niệm, cứ sang năm mới là mỗi người thêm một tuổi, bởi vậy ngày mồng Một
Tết là ngày con cháu "chúc thọ" ông bà và các bậc cao niên.
Dân gian ta có câu:
Mồng Một thì ở nhà Cha
Mồng Hai nhà Mẹ, mồng Ba nhà Thầy
Ba ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán là những ngày trang trọng,
vui tươi nhất của mọi gia đình. Đây cũng là dịp để mọi người có điều kiện thăm
hỏi lẫn nhau: con cháu thăm hỏi cha mẹ, chú bác, ông bà; học trò thăm hỏi thầy
cô; gặp mặt bạn bè chúc tụng... Đó là cách ứng xử hết sức văn hoá của người Việt
Nam..
"Mồng một là Tết nhà cha": Sáng mồng một Tết, sau
khi lễ gia tiên, người con (hoặc dâu hoặc trưởng) mời cha mẹ ngồi vào hai ghế tựa
ở giữa nhà, các con cháu đứng theo thứ tự ngôi thứ: anh chị trước, các em sau,
sau cùng là các cháu, mọi người đều mừng thọ và tế sống ông bà, cha mẹ bằng hai
lạy và hai vái (người chết thì bốn lạy, bốn vái). "Mồng hai nhà Mẹ":
Sáng mồng hai Tết, cha mẹ dẫn đoàn con cháu về quê ngoại chúc tết. Tuần tự lễ
tưởng niệm tổ tiên, mừng thọ ông bà ngoại theo nghi thức ở nhà cha, mừng tuổi
bà con thân thích bên ngoại và được mừng tuổi lại. Cả hai gia đình cùng chuyện
trò vui vẻ, làm cho tình nghĩa hai gia đình càng thêm thắm thiết.
"Mồng một là Tết nhà Cha, Mồng hai nhà Mẹ..." –
phong tục này chứng tỏ, ông cha ta rất coi trọng chữ hiếu, chọn hai ngày đầu
tiên của năm để tưởng nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ hai gia đình
nội, ngoại. Đó là tính thần “lấy chữ hiếu làm đầu” và cũng làm tấm gương để răn
dạy con cháu.; "...Mồng ba Tết thầy": Công ơn cha mẹ sinh thành, dưỡng
dục, công ơn thầy giáo dục tư cách đạo đức, mở mang trí tuệ cho mình, vì thế
"công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy" đều được nhân dân ta coi trọng.
5. Tục mừng tuổi
Theo tục lệ xưa, cứ vào sáng mồng Một Tết là con cháu trong
nhà lần lượt nói lời chúc Tết, chúc thọ và tặng quà hoặc một số tiền cho ông
bà, cha mẹ mình; sau đó, con cháu được ông bà, cha mẹ “lì xì” lại một phong bao
màu đỏ, bên trong đựng một ít tiền gọi là lấy hên và mang lại niềm vui trong
ngày đầu năm mới. Tiền mừng tuổi chỉ là tiền xu, tiền hào mang tính chất tượng
trưng, tiền càng lẻ càng tốt bởi quan niệm tiền lẻ thể hiện sự sinh sôi nảy nở,
học tập, làm ăn phát đạt trong năm mới.
Không chỉ người lớn mừng tuổi con cháu, mà trứơc đây theo cổ
truyền, con cháu phải mừng tuổi ông bà trước. Ý nghĩa của tục lệ này không nằm ở số tiền đựng trong bao, mà mừng tuổi là lời chúc ông bà, cha mẹ sống
lâu trăm tuổi, chúc con cháu luôn học hành tiến bộ và thành đạt. Những đồng tiền
mừng tuổi đầu năm thường được người nhận trân trọng để dành nhằm lấy may cho cả
năm.
Tiếng ''lì xì'' có gốc là ''lợi thì'' trong tiếng Trung.
Trong tiếng Quan Thoại, tục này được gọi là "hồng bao", trong tiếng
Quảng Đông là “lợi thị” hoặc “lợi sự”. Dù được gọi với tên gọi nào, lì xì cũng
mang nghĩa là tiền hên, tiền may mắn, điều lành, điều tốt…Phong bao lì xì cũng
mang nhiều ý nghĩ tốt đẹp. Phong bao tượng trưng cho sự kín đáo - không muốn có
sự so bì dẫn đến chuyện xích mích, không vui trong ngày tết. Bao lì xì thường
có màu đỏ, vì với người Châu Á nói chung, Việt Nam nói riêng, màu đỏ là màu đem lại sự sống và may mắn.
Những năm gần đây, tục mừng tuổi đầu năm đã có những biểu hiện
lệch lạc, biến dạng, làm mai một phần nào ý nghĩa tốt đẹp của nó, bởi thay bằng
việc dùng tiền lẻ, người ta lại dùng những đồng tiền có mệnh giá lớn để mừng tuổi.
Và điều đáng nói là, tiền mừng tuổi cũng không còn đơn thuần thay cho những lời
chúc tốt đẹp vào dịp đầu năm, mà việc mừng tuổi còn bị “thương mại hóa” khi được
sử dụng nhằm phục vụ cho những mục đích, toan tính cá nhân. Người ta nhân dịp
này để “trả nghĩa”, “cảm ơn” sau khi đã xong một công việc nào đó, chứ không
quan tâm đến sự thiêng liêng và ý nghĩa của tục lệ này. Vì thế, hiểu để giữ gìn
những phong tục truyền thống tốt đẹp, bản sắc văn hóa vốn có đã tồn tại hàng
nghìn năm trong đời sống tinh thần của người Việt Nam trước một cuộc sống hiện
đại, xô bồ như ngày nay là trách nhiệm của tất cả chúng ta.
HT. Thích Bảo Nghiêm