Tuesday, February 12, 2013

Thân là khổ


Vô thường tức là khổ, là không có toại nguyện, không như ý. Bản chất của nó là luôn đem đến điều bất toại nguyện. Đang trẻ đẹp, muốn nó trẻ đẹp hoài cũng không được, bị một cơn bệnh là thân biến đổi rồi! Khi nó đang mạnh khỏe, muốn khỏe hoài nhưng cũng không được, nó cũng bệnh, không được như ý.
Hoặc là có khi bị những cái vô thường, tai nạn chết chóc đến, không thể ngờ trước được cái gì hết! Còn trẻ mà tóc bạc sớm thì có vui không? Phải nhuộm tóc. Thân này không có như ý gì hết, bản chất nó là như vậy. Trong nhà Thiền có câu chuyện, gần Tết có một bà nhà giàu đến nhờ ông thầy đồ viết cho câu liễn, bà nói: “Thầy ráng nghiệm viết cho câu thật hay, làm sao chúc phúc cho gia đình của tôi, tôi sẽ đến thưởng thầy nữa”. Ông thầy này có học đạo, khi viết xong, ông gói lại đàng hoàng và đưa bà mang về.

Về đến nhà, mở ra để treo thì bà thấy: “Ông nội chết, cha chết, con chết, cháu chết”! Nổi sân, bà liền đi nhanh đến ông thầy, sừng sộ và nói:

- Tôi hết sức tin tưởng thầy, gần Tết đến xin thầy viết cho câu liễn tốt lành đem đến những điều an vui cho tôi, mà sao thầy ghét, thầy hận tôi cái gì mà thầy nguyền rủa như vậy?

Thầy đồ hỏi:

- Nguyền rủa làm sao?

Bà liền đưa tấm liễn ra và nói:

- Thầy viết vậy coi có được không?!

Thầy đồ nói:

- Hãy từ từ, đừng vội nóng, hãy nghe tôi giải thích. Bà muốn gia đình suông sẻ, vui vẻ, hạnh phúc nhưng nếu trong gia đình bà, lỡ ông cha chết trước ông nội thì bà có thích không?

Bà đáp lại:

- Đúng phép thì ông nội già phải chết trước, còn cha mà chết trước ông nội thì bất thường rồi.

Thầy nói tiếp:

- Rồi trường hợp con hoặc cháu chết trước cha thì sao?

Bà nói:

- Đó là sự bất hạnh.

Thầy nói:

- Như vậy, tôi đã chúc tốt cho bà rồi, không phải sao?

Nghe nói như vậy, bà thấy có lý!


Thân là khổ
Thầy đồ chúc ông nội chết rồi mới tới cha chết, cha chết rồi mới tới con chết, con chết rồi mới tới cháu chết, trong gia đình mà được tuần tự theo nhau ra đi như vậy thì đó là quá hạnh phúc rồi còn gì nữa! Nếu trong gia đình lỡ con mà chết trước cha thì đúng là quá bất hạnh. Câu chuyện đó nói lên lẽ thật: cuộc đời này luôn có những điều bất hạnh xảy ra. Ai cũng muốn nó đi theo chiều thuận nhưng không hẳn như vậy. Có những trường hợp con chết trước cha, có khi là cháu chết trước ông nữa, nếu thế thì đúng là bất hạnh. Cho nên ở đây, ông thầy đồ viết như vậy là để chúc mừng, mà hễ có chúc mừng tức là biết nó luôn luôn có sự bất hạnh trong đó. Đó là lẽ khổ của thân này. Cuộc sống con người không có gì bảo đảm là chắc chắn an vui, bởi vậy mới phải cầu nguyện. Luôn luôn có nỗi lo sợ là nó sẽ thay đổi bất thường, mà có sự bất thường tức là có bất hạnh. Vì thế, khi gặp nhau người ta thường chúc hạnh phúc, chúc an vui, chúc khỏe mạnh v.v… Nếu đã thật sự hạnh phúc rồi thì cần chúc chi nữa, hoặc là nó khỏe mạnh an vui rồi thì đâu cần phải chúc. Đó để thấy rằng, bản chất của nó là luôn luôn có sự bất thường, không hẳn là an vui, là khỏe mạnh hoài.

Như vậy, bản chất thực của thân là khổ, là bất toại nguyện. Đó là bản chất thật của thân nhưng người đời thì cứ nhắm mắt lờ qua không dám nhìn đến sự thật của nó, không dám thấy rõ nên luôn gặp khổ. Vì con người không dám nhìn thẳng vào sự thật nên đến khi gặp thì bất ngờ! Còn nếu nhìn thẳng thấu rõ lẽ thật rồi thì khi nó xảy ra, biết rõ nó vốn là như vậy nên bớt khổ. Trong nhà Thiền có câu chuyện, Thiền sư Thiên Ưng – Đạo Ngô thường ngày hay nói: “Sống vui, sống vui” nhưng khi sắp tịch thì Ngài kêu lên: “Khổ! Khổ! Diêm vương tới bắt ta”. Viện chủ nghe vậy mới hỏi: “Đương thời Hòa thượng bị Tiết sử ném xuống sông mà thần sắc chẳng động, còn hôm nay sao lại thế này?”. Tức là lúc đương thời có lần quan Tiết sử đến hỏi chuyện, Ngài đáp câu gì đó quan không vừa ý nên sai lính đem Ngài quăng xuống sông, lát sau thấy Ngài ngồi xếp bằng trên nước tự nhiên! Thấy như vậy, quan hối hận mới sai người vớt lên và sám hối với Ngài. Do vậy, Viện chủ mới hỏi Ngài câu này. Lúc đó, Ngài đưa chiếc gối lên và bảo: “Ngươi nói đương thời là phải hay hôm nay là phải?”. Viện chủ không đáp được! Quý vị đáp được không? Đó là lời cảnh tỉnh mọi người phải thấy rõ bản chất thật của thân này, cuối cùng phải đi đến chỗ này. Bình thường nói vui vẻ vậy nhưng đến đây thì mới biết vui hay không vui. Thí dụ như bình thường chúng ta nói: “Tôi không sợ chết”, nhưng đi khám bệnh thì bác sĩ nói: “Anh bị bệnh ung thư, hai tháng nữa chết!” thì mới biết sợ khi cái lẽ thật này bày ra.

Cũng một câu chuyện trong nhà Thiền, có bà lão lớn tuổi thường đi đến lễ Phật và cầu: “Nam mô A-di-đà Phật, cầu Phật mau rước con về cõi Cực Lạc. Con bây giờ già khổ nên ra đi cũng vừa, ở đây thêm là khổ thêm, mong Ngài rước con đi sớm chừng nào thì đỡ chừng ấy”. Có ông Sa-di nghe được, nói thầm: “Để ta thử bà này một chuyến”. Sau đó, ông rình, từ xa vừa thấy bà cụ đi đến chùa thì ông vào núp sau lưng Phật không cho bà cụ thấy. Đến khi lễ Phật, bà cầu nguyện như mọi ngày: “Nam mô A-di-đà Phật, cầu Phật mau rước con về cõi Cực Lạc. Con bây giờ già khổ nên ra đi cũng vừa, ở đây thêm là khổ thêm, mong Ngài rước con đi sớm chừng nào thì đỡ chừng ấy”. Khi đó, trên tượng Phật phát ra tiếng: “Tốt lắm! Bà có lòng thành, vậy thì hay lắm! Hãy về chuẩn bị, chiều nay ta đến rước”. Nghe vậy, bà té xỉu! Đó để thấy, chúng ta nói như vậy chứ không phải như vậy. Bình thường thì nói nghe hay vậy, nhưng gặp chuyện thì không được vậy, đó là lẽ thật. Ở đây, Thiền sư Thiên Ưng – Đạo Ngô cảnh tỉnh cho mọi người, nên bình thường nói “Sống vui, sống vui” nhưng đến lúc đó thì mới biết làm chủ được hay không? Bản chất khổ của thân này vốn là như vậy. Đối với việc này, chúng ta phải có sự thực tu, thực chứng đàng hoàng chứ không thể lý luận hay nói suông được. Nhà Phật thường nhắc nhở người học Phật là phải khéo tiêu hóa được những lời Phật dạy là như vậy. Khi nghe nói về vô thường thì quý vị hiểu rõ nhiều nhưng gặp chuyện mới thấy nó thực vô thường hay không, lẽ thật là như vậy.

Những câu chuyện cảm động sưu tầm.