Đức Phật có biểu lộ tính u mặc hay hài hước
của ngài trong một số bài Kinh, đúng không?
Trả Lời Câu Hỏi 26: Đức Phật rất nghiêm túc, nhưng hoà nhã
và đầy lòng bi mẫn. Đức Phật không bao giờ nói đùa. Ngài chỉ nói sự thực.
Có lần Đức Phật kể cho các vị Tỳ-kheo nghe một câu chuyện tiền
thân như sau:
Ngày xưa, có một người lái buôn tên là Kappaṭa. Ông có một
con lừa dùng để chuyên chở hàng gốm, mỗi ngày ông thường đi một cuộc hành trình
dài bảy lý (khoảng 30 km). Một dịp nọ Kappata chất hàng hoá lên lưng lừa và đi
đến Takkasila. Trong khi bận rộn sắp xếp những hàng hoá ra bày bán, ông để cho
con lừa được chạy đi rông thoải mái. Khi chú lừa lang thang dọc theo bờ mương,
chú nhìn thấy một chị lừa cái và chạy thẳng đến cô nàng. Chị lừa cái cho anh ta
một lời chào rất thân thiện và nói, ‘Anh từ đâu đến?’ ‘Từ Ba-na-nại (Benares)’
‘Về việc gì?’ ‘Mua bán.’ ‘Anh mang khối hàng lớn bao nhiêu?’ ‘Một khối hàng gốm
lớn.’ ‘Mang một khối hàng lớn như thế anh đi được bao nhiêu lý?’ ‘Bảy lý.’ ‘Những
nơi khác anh đến, có ai chà chân và chà lưng cho anh không?’ ‘Không.’ ‘Nếu vậy
thì, anh hẳn đã phải trải qua một thời gian cực kỳ gian khổ đấy nhỉ.’
Vì lời nói của cô nàng, mà chú lừa trở nên bất mãn. Sau khi
người lái buôn đã sắp xếp xong hàng hoá của mình, ông trở lại với chú lừa và
nói với nó, ‘Này con, Jack, chúng ta hãy đi về.’ ‘Ông đi một mình đi; tôi không
đi đâu.’ Bằng những lời dịu dàng, người lái buôn cố gắng thuyết phục chú lừa nhiều
lần; và khi, bất chấp những cố gắng của ông, chú lừa vẫn giữ thái độ bướng bỉnh,
ông quở trách nó. Cuối cùng ông nghĩ trong bụng, ‘Ta biết có cách để làm cho nó
đi,’ và nói lên bài kệ sau:
Ta sẽ làm gậy nhọn,
mũi gai mười sáu inh (-xơ);
Cắt mi thành từng miếng;
Biết điều, hỡi lừa kia.
Khi nghe như thế, chú lừa nghĩ, ‘Nếu vậy thì tôi sẽ biết
cách phải làm gì với ông.’ Và nó cũng đáp lại bằng bài kệ sau:
Ông nói làm gậy nhọn,
mũi gai mười sáu inh (-xơ).
Được lắm!
Tôi sẽ chống chân trước,
tung bổng hai chân sau,
Hất ông ngã gẫy răng;
Biết điều, hỡi Kap-pat-ta.
Khi người lái buôn nghe thế, ông tự nghĩ, ‘Gì là lý do khiến
hắn nói như thế?’ Người lái buôn nhìn tới nhìn lui, và cuối cùng ông thấy con lừa
cái. ‘À té ra!’ người lái buôn nghĩ bụng, ‘Cô nàng chắc hẳn đã dạy cho nó những
mánh lới này đây!’. Ta sẽ nói với lừa, ‘Này con, ta sẽ mang về nhà cho con một
cô vợ giống thế.’ Như vậy, nhờ dùng miếng mồi nữ nhân, ta sẽ làm cho hắn đi.’
Do đó ông tuyên bố bài kệ sau:
Một chị lừa, mặt đẹp như ngọc,
Có tất cả tướng của mỹ nhân.
Ta sẽ cho con để làm vợ;
Hãy biết điều này, hỡi lừa kia.
Khi chú lừa nghe nói vậy, lòng nó vô cùng hân hoan, và trả lời
chủ bằng bài kệ:
Lừa cái, mặt như ngọc,
Đầy đủ tướng mỹ nhân,
Cho tôi làm vợ sao!
Vậy thì, Kappata
Trước giờ đi bảy lý,
Sau này sẽ tăng lên
mười bốn lý một ngày.
‘Tốt lắm,’ Kappata nói, ‘hãy đến đây!’ Và ông dắt lừa cùng
đi với ông trở lại chỗ để xe.
Sau vài ngày con lừa nói với ông, ‘Chẳng phải là ông đã nói
với tôi, “Ta sẽ mang về cho con một người vợ sao?” Người lái buôn trả lời,
‘Đúng, ta có nói như thế, và ta sẽ không nuốt lời hứa; ta sẽ mang về nhà cho
con một cô vợ. Nhưng phải nhớ là ta sẽ chỉ cung cấp thức ăn cho một mình con.
Thức ăn ấy, có thể đủ hoặc cũng có thể không đủ cho cả hai, con và vợ con,
nhưng đó là vấn đề tự con quyết định. Sau khi hai đứa sống với nhau, những chú
lừa con sẽ được sinh ra. Thức ăn ta cung cấp cho con, cũng có thể hoặc không thể
đủ cho hai vợ chồng và con cái của con đâu đấy, nhưng vấn đề tùy thuộc một mình
con quyết định.’ Khi người lái buôn nói những lời ấy, chú lừa mất hết cả hứng
thú.
Vào cuối câu chuyện, Đức Phật nói rằng người lái buôn lúc ấy
chính là ngài, chú lừa là Nanda, và chị lừa cái là Janapadakayāṇi, người vợ sắp
cưới cũ của Nanda.
Quý vị có thể cho rằng Đức Phật đã kể một câu chuyện hài hước.
Nhưng Ngài không có ý đùa tí nào, Ngài chỉ nói sự thực.
Tôn Giả Āciṇṇa, Dhammācariya – Pháp Sư
Aggamahākammaṭṭhānācariya – Đại Trưởng Lão Thiền Sư
Trưởng Ban Thiền Sư và Cố Vấn Thiền
Trung Tâm Rừng Thiền Phật Học Quốc Tế Pa-Auk, Myanmar