Tôn Giả Āciṇṇa, Dhammācariya – Pháp
Sư
Aggamahākammaṭṭhānācariya – Đệ Nhất
Đại Thiền Sư
Trưởng Ban Thiền Sư và Cố Vấn Thiền
Trung Tâm Rừng Thiền Phật Học Quốc Tế
Pa-Auk, Myanmar
Trả Lời Câu Hỏi 165: Tích cực giúp
người khác hay không còn tuỳ vào ước nguyện riêng của các bậc A-la-hán ấy. Thực
ra hầu hết các bậc A-la-hán đều tích cực giúp đỡ người khác, như Tôn-giả Xá-lợi-phất
(Sariputta) và Tôn-giả Mục Kiền Liên (Mahāmoggallāna) chẳng hạn. Nhưng cũng có
một số vị sống một mình trong rừng như Tôn-giả Kiều-trần-như (Koṇḍañña) không
có những việc làm tích cực giúp đỡ người khác. Tuy nhiên, ngay cả đối với những
vị A-la-hán như thế cũng vẫn đem lại lợi ích cho người khác rất nhiều, bởi vì
các bậc A-la-hán là phước điền vô thượng của thế gian này vậy. Khi các ngài đi
khất thực, những người bố thí gặt hái được phước báu thù thắng từ việc dâng
cúng vật thực cho các ngài. Ngay cả Tôn-giả Kiều-trần-như (Koṇḍañña), sống
trong rừng không đi ra ngoài khất thực, thì những chú voi và chư thiên dâng
cúng vật thực cho ngài cũng được lợi ích rất lớn.
Trong hàng Thánh Đệ Tử của Đức Phật,
bậc A-la-hán là cao tột nhất. Một trong Ba Ngôi Báu mà chúng ta quy y hay nương
tựa vào là các bậc Thánh Tăng của Đức Phật. Thánh Tăng gồm Bốn Đôi (bốn cặp người),
hay nói cách khác, Thánh Tăng gồm bốn loại Thánh đệ tử đã đạt đến bốn Đạo và bốn
Quả, đó là, Sotāpanna (Tu-đà-hoàn), Sakadāgāmī (Tư-đà-hàm), Anāgāmī (A-na-hàm),
và Arahant (A-la-hán). Bốn đôi trở thành tám khi Đạo và Quả được tính riêng ra.
Các ngài là phước điền vô thượng của thế gian. Bậc A-la-hán là tối thượng trong
số đó. Bởi thế, ngay cả chỉ kính lễ các ngài hoặc nói lời tán dương một bậc A-la-hán
người ta cũng có được lợi ích rất lớn. Như vậy cho dù một bậc A-la-hán không
tích cực giúp đỡ tha nhân, ngài cũng vẫn đem lại lợi ích cho các chúng sinh ở đời
rồi, huống nữa là nếu các ngài làm.
Tôi sẽ nêu ra đây một vài ví dụ về
các bậc A-la-hán đã tích cực giúp đỡ tha nhân và thực hành vì an lạc và hạnh
phúc của các chúng sinh như thế nào: Trong Kinh Điển Pāḷi có nhiều bài Kinh, chẳng
hạn như Đại Kinh Dụ Dấu Chân Voi (Mahāhatthipadopama, được thuyết giảng bởi
Tôn-giả Xá-lợi-phất (Sariputta). Đôi khi trong một bài Pháp do Tôn-giả thuyết,
có cả hàng trăm hay hàng ngàn người trở thành các bậc Thánh Nhân (đắc Đạo Quả).
Ngài dạy Vô Ngại Giải Đạo (Paṭisambhidāmagga), được xem là rất quan trọng đối với
thiền. Đặc biệt, mỗi khi ngài đi khất thực, ngài đứng nhập vào diệt tận định
(nirodhasamāpatti), định chứng diệt thức và sắc do tâm tạo, trước cửa nhà của
gia chủ và chỉ nhận vật thực sau khi xuất thiền. Chính vì muốn các ông những
người bố thí được lợi ích lớn và thù thắng mà ngài đã thực hành theo cách này.
Tôn-giả Mục Kiền Liên
(Mahāmoggallāna) đã đi lên các cõi trời và hỏi các vị chư thiên ở đó về những
thiện nghiệp khiến cho họ được tái sanh thiên giới. Sau đó ngài trở về cõi nhân
loại và thuyết giảng cho mọi người biết rằng nếu họ muốn được tái sanh thiên giới
họ phải thực hiện những thiện nghiệp như vầy như vầy. Có khi ngài đi xuống Địa
ngục và hỏi các chúng sinh ở đó xem do nghiệp bất thiện nào khiến cho họ phải
tái sanh nơi địa ngục. Rồi trở về cõi nhân loại ngài thuyết giảng cho mọi người
hiểu rằng nếu họ không muốn tái sanh vào Địa Ngục họ phải ngăn ngừa những nghiệp
bất thiện như vầy như vầy. Theo cách này ngài đã làm cho nhiều người tránh điều
ác và chỉ thực hiện các điều lành.
Tôn-giả Puṇṇa Mantānīputta là bậc
thuyết pháp đệ nhất trong hàng đệ tử của Đức Phật. Do cách trình bày thiện xảo
của ngài, trong nhiều buổi thuyết pháp, rất đông người nghe đắc Thánh Quả hoặc
tín tâm trong thiền của họ được thúc đẩy. Chẳng hạn, Tôn-giả Ananda trở thành bậc
Thánh Nhập Lưu sau khi nghe một thời Pháp do Tôn-giả Puṇṇa Mantānīputta thuyết.
Tôn-giả Mahākaccāna (Ma-ha
Ca-chiên-diên), được xem là đệ nhất trong số những người diễn giải đầy đủ lời dạy
tóm tắt của Đức Phật. Tôn-giả thường xuyên thyết giảng ở một trú xứ xa xôi và
vô số người đã nhận được những lợi ích lớn của Pháp do Tôn-giả giảng. Một trong
những lời dạy nổi tiếng của Tôn-giả được ghi lại trong Nettippakaraṇa, một tác
phẩm diễn giải về Pitakas (Thánh Tạng). Tác phẩm giải thích chi tiết một bài
Kinh sâu sắc và rất giá trị đối với người học Phật để hiểu rõ nhứng lời dạy của
Đức Phật.
Một điểm rất quan trọng mà chúng ta
cần phải nhớ ở đây là các bậc A-la-hán luôn truyền bá và giữ gìn Giáo Pháp của
Đức Phật. Đó là lý do tại sao ngày nay chúng ta vẫn còn có thể được nghe và thực
hành Pháp (Dhamma) trong khi Đức Phật nhập Niết-bàn (Nibbāna) đã hơn hai ngàn
năm trăm năm rồi. Tôi muốn giải thích thêm một chút về điều này:
Sau khi năm vị Tỳ-kheo được nghe
Kinh Vô Ngã Tướng (Anattalakkhana Sutta) và trở thành các bậc A-la-hán, Yasa và
năm mươi bốn người bạn đã xuất gia cũng trở thành các bậc A-la-hán kế tiếp. Như
vậy, có cả thảy sáu mươi vị A-la-hán, kể cả Đức Phật, trên thế gian. Lúc bấy giờ
Đức Phật ra lệnh cho các vị lên đường đi truyền bá Giáo Pháp với những lời như
vầy: “Này các Tỳ-kheo, Ta đã được giải thoát khỏi mọi cạm bẫy của chư thiên và
nhân loại. Các ông cũng đã được giải thoát khỏi mọi cạm bẫy của chư thiên và
nhân loại. Hãy đi, này các Tỳ-kheo! Vì lợi ích của số đông, vì hạnh phúc của số
đông, vì lòng bi mẫn đối với số đông, vì lợi ích, vì an lạc và hạnh phúc của
chư thiên và nhân loại. Chớ đi hai người một đường. Này các Tỳ-kheo, hãy thuyết
giảng Giáo Pháp, Pháp chí thiện ở đoạn đầu, ở đoạn giữa và ở đoạn cuối, pháp đầy
đủ về ý nghĩa và văn cú, hiển lộ cho thấy đời phạm hạnh là hoàn toàn trong tính
toàn diện và hoàn hảo của nó. Có những chúng sinh chỉ có ít bụi trong mắt. Nếu
họ không có cơ hội nghe Pháp này, họ sẽ
hoang phí kiếp người của họ; nếu họ được nghe Pháp, họ sẽ hiểu nó.” Như
vậy, các vị A-la-hán đó đã gánh vác công
việc hoằng pháp từ Đức Phật và làm hết sức mình để truyền bá pháp (Dhamma) ở bất
cứ chỗ nào họ đi.
Kể từ đó, khi Đức Phật còn tại thế
cũng như sau khi ngài nhập Vô Dư Niết-bàn, các bậc A-la-hán, hết thế hệ này
sang thế hệ khác, đã tiếp nối công việc hoằng pháp này không ngừng nghỉ. Cuộc Kết
Tập Tam tạng lần thứ nhất do năm trăm vị A-la-hán, lần thứ hai do bảy trăm vị
A-la-hán và lần thứ ba do một ngàn vị A-la-hán là những ví dụ điển hình ở đây.
Các ngài thậm chí không nài gian khổ để truyền bá Giáo Pháp đến những quốc gia
khác. Giới định tuệ trong sạch của các
ngài đôi lúc chói sáng làm xúc động mọi người khiến họ phát khởi đức tin và tìm
đến nương tựa nơi đạo Phật. Không có những nỗ lực liên tục của các ngài như thế
ngày nay chúng ta thậm chí không thể nào được nghe đến danh xưng Phật, Pháp,
Tăng huống nữa là thực hành thiền Minh Sát (Vipassana). Những việc làm rạng rỡ
của các ngài nhằm thúc đẩy sự an lạc và hạnh phúc của các chúng sinh là không
thể tả hết được. Những đóng góp có giá trị to lớn của các ngài trong việc bảo vệ
giáo pháp của Đức Phật vượt xa ngoài những lời tán dương. Hiểu được những sự kiện
lịch sử này, liệu quý vị vẫn còn muốn nói rằng các bậc A-la-hán là những người
chỉ lo cho sự giải thoát riêng của mình nữa không?
Thực ra chỉ trích một Bậc Thánh là tạo
một bất thiện nghiệp. Nó sẽ ngăn sự tiến bộ trong thiền của một người nếu họ
không biết sám hối. Tôi muốn liên hệ ra đây một câu chuyện để chứng minh điều
này.
Chuyện được đề cập trong Thanh Tịnh
Đạo (Visuddhimagga) như vầy: Xưa, có một vị Trưởng-lão và một Tỳ-kheo trẻ đi khất
thực trong một ngôi làng nọ. Ở nhà đầu tiên họ chỉ được một muỗng cháo nóng. Vị
Trưởng-lão đang bị đau bụng gió. Vị ấy nghĩ ‘Muỗng cháo nóng này thật là tốt
cho ta; Ta sẽ uống nó trước khi nó nguội đi’. Người nhà mang một cái ghế gỗ ra
để tại ngưỡng cửa, và ngài ngồi trên ghế húp phần cháo nóng đó. Vị Tỳ-kheo trẻ
lấy làm ghê tởm và nói ‘Ông già này đã để cho cơn đói thắng mình và làm những
gì lẽ ra ông phải cảm thấy hổ thẹn để
làm’.
Vị Trưởng-lão cứ tiếp tục đi khất thực,
và về đến chùa vị ấy mới hỏi vị Tỳ-kheo trẻ ‘Này hiền giả, ông đã được chỗ đứng
nào trong Giáo Pháp này chưa?’ — ‘Có đấy, thưa Ngài, tôi là một bậc nhập lưu.’
— ‘Vậy thì, này hiền giả, đừng cố gắng để đắc những đạo quả cao hơn nữa; một bậc
lậu tận (A-la-hán) đã bị ông xỉ vả đấy.’ Vị Tỳ-kheo liền thỉnh xin ngài Trưởng-lão
tha thứ và nhờ đó thoát khỏi chướng ngại để đắc các quả chứng cao hơn do tội chỉ
trích một bậc A-la-hán gây ra.
Nếu quý vị đã chỉ trích các bậc
A-la-hán cho rằng các ngài chỉ lo giải thoát riêng cho mình, quý vị chẳng những
không biết đến những sự kiện lịch sử về những đóng góp to lớn của họ mà còn làm
tổn hại đến sự giải thoát của quý vị nữa. Vì lợi ích lâu dài của quý vị, tôi đề
nghị quý vị nên từ bỏ quan niệm sai lầm ấy đi.