Kiêu mạn
(Màna) hay tâm lý kiêu căng tự mãn thường xem nhẹ người khác là một chứng bệnh
của những con người nông nổi, ham thích danh vọng, nặng về cái tôi, ít rung cảm
hay đồng cảm trước những cảm nhận khó khăn của người khác. Nó là dấu hiệu tăng
trưởng của cảm thức đắc ý tự mãn phát sinh do hoàn cảnh thuận lợi hay do thói
quen hay tư lường đánh giá hời hợt về mặt này mặt khác giữ mình và người khác.
Chẳng hạn ý tưởng cho rằng mình : “ ta xuất gia từ gia đình cao sang; còn các tỳ
kheo này không xuất thân từ gia đình cao sang”,. Hoăc “ ta được nhiều người biết
đến, có danh xưng ; còn các tỳ kheo khác dược ít người biết đến, không được trọng
vọng”.
Trong giáo
lý đạo Phật, kiêu mạn được xem là tâm lý không chính đáng hay phi nhân chân
pháp 2 , là tâm cấu uế 3 , pháp chướng đạo hay ác pháp cần phải loại 4 vì
nó là cảm thức tự mãn sai lầm, ngăn cản
sự tiến bộ của tâm thức trong quá trình tu tập,khiến cho hành giả tu Phật rơi
vào tình trạng mê say, tham đắm, phóng dật, đi lạc và tà đạo 5 .” Này các tỳ
kheo, có Thiện nam tử do lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia
đình. Vị ấy xuất gia như vậy, được lợi dưỡng, tôn kính, có danh vọng. do được lợi
dưỡng, tôn kính, có danh vọng này, vị ấy hoan hỷ, mãn nguyện. do được lợi dưỡng,
có danh vọng này, vị ấy khen mình, chê người: “ Ta được lợi dưỡng như vậy, được
danh vọng như vậy. Còn các tỳ kheo khác ít được biết đến, ít có uy quyền”. Vị ấy,
vì được lợi dưỡng, tôn kính, có danh vọng này, trở thành mê say, tham đắm,
phóng dật. Do sông phóng dật, vị ấy bị đau khổ” 6. Ở một mức độ tế nhi hơn, như
kiết sử thứ tám trong mười kiết sử, nó là tập khí tự mãn tiềm ẩn sâu kín trong
nội tâm, thuật ngữ đạo phật gọi là: “ Ngã hữu kiến mạn tùy miên”(asmitiditthimanànusaya),
tức một cảm thức xoay quanh ý niệm “tôi” hay “của tôi” đôi khi dấy khởi ở mỗi
người có các thực nghiệm về tâm linh, như ý nghĩ “tôi là”, “tôi thấy”, “tôi chứng”…
Cảm thức này dấy khởi cũng trở thành một chướng ngại đối với người tìm cầu giải
thoát tâm linh. Do vậy, nó được xem như một kiết sử, tức một thứ trói buộc tinh
tế cần phỉa loại trừ vì nó trói chặt tam thức con người ở trong vòng luân hồi
khổ đau.
Đức Phật xem
kiêu mạn là ác pháp hay pháp chướng đạo bởi cảm thức tự mãn quá đáng này làm
say đắm lòng người, khiến con người trở nên mê muội, “ngủ quên trong đắc ý”.
Không thấy rõ bản chất vô thường bất an của hiện hữu, không còn tinh thần tinh
tấn, bỏ qua gánh năng với thiện pháp, rơi vào phóng dật, thực hiện các hành vi
ác bất thiện về thân, vè lời, về ý dẫn đến hậu quả khổ đau. Ngài lưu ý với
chúng ta về tiến diễn nguy hại của tâm lý kiêu mạn.
“ say sưa
trong kiêu mạn của tuổi trẻ, này các tỳ kheo, kẻ vô văn phàm phu làm các ác
hành về thân, làm các ác hành về lời nói, làm các ác hành về ý, sau khi thân hoại
mạng chung, bị sanh vào cõi dữ ác thú, đọa xứ, địa ngục. say sưa trong kiêu mạn
của không bệnh, này các tỳ kheo”
Nhìn chung,
kiêu mạn là một loại cảm thức sai lầm hay một tâm lý tự mãn tai hại cần được loại
bỏ, xuất hiện ở các cấp độ khác nhau và trong các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống. Nó cảm giác tự thảo mãn hay đắc ý về
chính mình hoặc về những gì mình có được
đi đôi với tâm lý thích khoe khoang so sánh với người khác. Nó là lề thói của ý
tưởng tự tôn ngã mạn làm suy đồi tư cách đạo đức con người. Nói cách khác, nó
là cái “tôi” chủ nghĩa được thổi phồng lên khiến cho con người trở nên say sưa
mê muội, đánh mất đi các đức khiêm tốn và thận trọng cần thiết cho cuộc sống. Bởi
nó là tâm lý sai lầm hướng con người lạc vào tà đạo, ấp ủ những ý nghĩ bất
chính, nên Đức Phật kêu gọi chúng ta phải nỗ lực loại trừ kiêu mạn.
Về cách thức,
Đức Phật nói cho chúng ta biết một kinh nghiệm đối tri rất hay, đó là suy nghĩ
về bản chất vô thường bất an già – bệnh – chết
của bản thân. Ngài cho rằng khi nào con người ta có những suy nghĩ trưởng
thành và chín chắn về bản thân mình, nghĩa là quay nhìn lại chính mình và nhận
ra “tánh già năm trong tuổi trẻ, tánh bệnh ở trong sức khỏe, tánh chết nằm
trong sự sống”8 thì bấy giờ ý tưởng kiêu mạn không có lý do sanh khởi hay tồn tại9
. Ngài kể câu chuyện về cuộc đời giàu sang thuận lợi của Ngài khi còn trong
hoàng cung đi đôi với suy nghĩ chân thành xác đáng về sự kiện già-bệnh-chết
không tránh khỏi của kiếp nhân sinh như là một cách thức giúp Ngài vượt qua tâm
lý và thái độ kiêu mạn. Ở đây chúng ta có thể đọc và suy gẫm câu chuyện tự sự của
Ngài để rút ra bài học khiêm cung cho bản thân mình:
“ Này các tỳ
kheo, Ta được nuôi dưỡng tế nhị, tối thắng nuôi dưỡng tế nhị, cứu cánh nuôi dưỡng
tế nhị. Này các tỳ kheo, trong nhà phụ vương Ta, các hồ nước được xây lên,
trong một hồ có hoa sen xanh, trong một hồ có hoa sen đỏ, trong một hồ có hoa
sen trắng, tất cả đều phục vụ cho Ta. Không một hương chiên đàn nào ta dùng,
này các tỳ kheo, là không từ kàsi đến. Bằng vải kàsi là khăn Ta, này các tỳ
kheo, bằng vải kàsi là áo cánh, bằng vải
kàsi là nội y, bằng vải kàsi là thượng y. Đêm và ngày, một lọng trắng được che
cho ta để tranh xúc chạm lạnh, nóng, bụi, cỏ hay sương. Này các tỳ kheo, ba lâu
đài được dựng cho ta, một cái cho mùa đông, một cái cho mùa hạ và một cái cho
mùa mưa. Và Ta, này các tỳ kheo, tại các lâu đài mùa mưa, trong bốn tháng mưa,
được những nữ nhạc công đoanh vây, ta không có xuống dưới lầu. Trong các nhà của
người khác, các người đầy tớ, làm công được cho ăn cơm tấm và cháo chua; trong
nhà của phụ vương Ta, các người đầy tớ được cho an gạo, thịt gà và cơm nấu, với
Ta, này các tỳ kheo, được đầy đủ với giàu sang như vậy, được cứu cánh nuôi dưỡng
tế nhị như vậy, Ta suy nghĩ:
“ Kẻ vô văn
phàm phu tự mình bị già, không vượt qua khỏi già, khi thấy người khác bị già, lại
bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm, quên rằng mình cũng như vậy, ta cũng bị già, không
vượt qua khỏi già, sau khi thấy người khác già, ta có thể bực mình, hổ thẹn,
ghê tởm sao? Như vậy thật không xứng đáng cho ta”. Sau khi quan sát về Ta như vậy,
này các tỳ kheo, sự kiêu mạn của tuổi trẻ trong tuổi trẻ được đoạn trừ hoàn
toàn.
“ Kẻ vô văn
phàm phu tự mình bị bệnh, không vượt qua khỏi bệnh, khi thấy người khác bị bệnh,
lại bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm, quên rằng mình cũng như vậy, ta cũng bị bệnh,
không vượt qua khỏi bẹn, sau khi thấy người khác bệnh, ta có thể bực mình, hổ
thẹn, ghê tởm sao? Như vậy thật không xứng đáng cho ta”. Sau khi quan sát về Ta
như vậy, này các tỳ kheo, sự kiêu mạn của không bệnh trong không bệnh được đoạn
trừ hoàn toàn.
“ Kẻ vô
văn phàm phu tự mình bị chết, không vượt
qua khỏi chết, khi thấy người khác bị chết, lại bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm,
quên rằng mình cũng như vậy, ta cũng bị chết, không vượt qua khỏi chết, sau khi
thấy người khác chết, ta có thể bực mình, hổ thẹn, ghê tởm sao? Như vậy thật
không xứng đáng cho ta”. Sau khi quan sát về Ta như vậy, này các tỳ kheo, sự
kiêu mạn của sự sống trong sự sống được đoạn trừ hoàn toàn”10.
Chú thích:
1. Kinh Chân
nhân, Trung Bộ
2. Kinh Chân
nhân, Trung Bộ
3. Kinh Ví dụ
tấm vải, Trung Bộ
4. Kinh Thừa
Tự Pháp, Trung Bộ
5. Đại Kinh
Thí dụ lõi cây, Trung Bộ
6. Đại Kinh
Thí dụ lõi cây, Trung Bộ
7. Kinh Kiêu
mạn, Tăng Chi Bộ
8. Kinh Già,
Tương Ưng Bộ
9. Kinh được
nuôi dưỡng tế nhị, Tăng Chi Bộ
10. Kinh được
nuôi dưỡng tế nhị, Tăng Chi Bộ
Nguyên Hỷ
+++