Những năm gần đây, nhiều đôi bạn trẻ thương yêu nhau có tâm nguyện mong
muốn lễ thành hôn của mình – thường gọi là lễ hằng thuận – được tổ chức trang
nghiêm tại chốn thiền môn, trước Phật đài thiêng liêng, dưới sự chứng minh hộ
niệm của chư Tăng cũng như sự hoan hỷ chúc phúc của quý Phật tử và thân bằng
quyến thuộc. Đây là lối suy nghĩ chín chắn, thể hiện thái độ hiểu biết sáng suốt
của người con Phật trước một quyết định quan trọng liên quan đến đời sống hạnh
phúc gia đình.
Kết hôn là việc hệ trọng trong cuộc đời của những người quyết tâm xây dựng
mái ấm gia đình. Nó đánh dấu bước ngoặc lớn trong đời sống của người cư sĩ Phật
tử. Vì vậy mà người ta cần căn nhắc sửa soạn cho thật tốt việc kết hôn để bảo đảm
đời sống hôn nhân được han phúc vẹn toàn và tiến triển vững bền. Người Phật tử
tìm đến Phật môn để thực hiện lễ thành hôn tức là biết cách sửa soạn tốt cho đời
sống hôn nhân của mình. Có những chỉ dẫn hết sức căn bản trong giáo lý đạo Phật
mang lại nhiều lợi lạc có khả năng chắp cách cho tình yêu và khiến hôn nhân
thêm hạnh phúc vững bền.
Chẳng hạn, trong bài kinh dạy cho thanh niên Singalaka, Đức Phật đã
phân định rất rõ về”năm phận sự hiểu biết và thương yêu”mà người chồng cũng như
người vợ cần thực hiện đối với nhau trong đời sống tương quan vợ chồng. Ngài
khuyên người làm chồng cần phải: 1. có lòng tôn trọng vợ mình, 2. không bất
kính đới với vợ, 3. trung thành với vợ, 4.giao quyền hành cho vợ và 5. thỉnh
thoảng sắm tặng nàng đồ nữ trang. Đáp lại, người vợ, phải: 1. có lòng thương chồng
mình bằng cách thi hành tốt đẹp bổn phận của người làm vợ, 2. khéo tiếp đón bà
con, 3. trung thành với chồng, 4. khéo gìn giữ tài sản của chồng, 5. khéo léo
và nhanh nhẹn trong mọi việc1.
Hôn nhân chính là sự mở đầu tiến trình thể hiện tâm tưởng”đồng thuận”trong
đời sống lứa đôi, nghĩa là sự gặp gỡ đồng cảm giữa hai tâm hồn yêu mến nhau,
quyết tâm cùng nhau xây dựng mái ấm hạnh phúc gia đình. Tâm tưởng đồng thuận
càng được thể hiện thì hạnh phúc hôn nhân càng thêm sâu bền. Dân gian có câu
nói”đồng vợ đồng chồng (hay thuận vợ thuận chồng) tát biển Đông cũng cạn”, ngụ
ý sự hòa hợp giữa hai tâm hồn yêu nhau tạo nên sức mạnh, có khả năng vượt qua mọi
gian nan thử thách trong đời sống hôn nhân gia đình. Từ việc nhỏ cho tới việc lớn
mà cả hai, vợ và chồng, đều đồng tâm hiệp
lực thực hiện thì kết quả sẽ vẹn toàn. Giả dụ, sự nỗ lực nào đó chưa đạt kết quả
như mong muốn,thậm chí có thất bại đi chăng nữa, thì cả hai tâm hồn cũng biết
cách vỗ về an ủi cho nhau mà không hề ngã lòng. Nói khác đi, không hề có cảm
giác thất bại khi cả hai tâm hồn biết yêu thương, luôn luôn quan tâm chăm sóc đỡ
đần cho nhau.
Đức Phật đi xa hơn trong quan niệm về hôn nhân. Ngài xem hôn nhân không
chỉ là nhân duyên để con người kết nối hạnh phúc thương yêu mà còn là cơ hội
cho cá nhân (vợ cũng như chồng) hoàn thiện chính mình. “này các gia chủ, khi cả
hai, vợ và chồng, muốn thấy mặt nhau trong đời này , và cũng như muốn thấy mặt
đời sau nữa, và cả hai người là đòng tín, đồng giới, đồng thí, đồng trí tuệ, thời
trong đời hiện tại, các người được thấy mặt nhau”2. Ngài nhấn mạnh bốn đức tính
”đồng thuận”hướng thượng – đồng tín, đồng giới, đồng thí, đồng trí tuệ – như là
điều kiện giúp cho con người xây dựng hạnh phúc hôn nhân vững bền, đồng thời
quan niệm hôn nhân là khởi điểm của tiến trinh hoàn thiện bản thân hướng đến
giác ngộ, ở đó hai tâm hồn luôn gắn kết song hành với nhau trong tình thương
yêu và trong sự nỗ lực cùng thực hành Phật pháp, không chỉ trong đời này mà còn
nhiều đời tiếp theo, cho đến lúc cả hai cùng đạt đến mục tiêu hoàn thiện hay
giác ngộ. Trong cách nói của Ngài, Đức Phật cho rằng sự chuyên tâm hành trì.
Pháp của hai người thương yêu nhau, nghĩa là cả hai cùng tin tưởng tôn kính Tam
Bảo, cùng giữ giới hạnh của người cư sĩ Phật tử, cùng mở tâm chia sẽ bố thí,
cùng nuôi dưỡng và phát triển trí tuệ giác ngộ, chính là mối lương duyên kết nối
hạnh phúc hôn nhân trong nhiều đời kiếp không tách rời. Nó là điều kiện cho
tình yêu hôn nhân thêm gắn kết bền lâu và hướng thượng. Nói cách khác, người ta
sẻ gặp lại người mình yêu trong các đời sống tiếp theo với một trạng huống hạnh
phúc yêu thương càng sâu sắc và cao thượng hơn, nêu khéo tu dưỡng bản thân theo
đúng lời Phật dạy.
Đồng tín nghĩa là cả vợ và chồng cùng nuôi dưỡng niềm tin và lòng tôn
kính đối với Tam bảo: Phật-Pháp-Tăng.
Đồng giới tức là cùng phát nguyện sống theo các nguyên tắc đạo đức căn
bản do Đức Phật giảng dạy dành cho người tại gia cư sĩ, như ngũ giới: không sát
sanh, không lấy của người không cho, không tà hạnh, không nói dối, không uống
rượu; hoặc Bát quan trai giới hay Thập thiện giới…
Đồng thí nghĩa là cùng nhau nuôi dưỡng và phát huy tâm thái từ bi
thương người thương vật, mong muốn được chia sẻ và sẵn sàng giúp đỡ người khác
tùy theo khả năng và nhu cầu.
Đồng trí tuệ tức là cùng nuôi dưỡng và thể hiện sự hiểu biết về lẽ thiện
ác, về luật nhân quả, về cách thức hướng thiện cho cuộc sống hay phương pháp
thoát ly phiền não khổ đau cho tự thân và cho người khác…
Tóm lại, lời Phật về việc phát huy bốn phẩm chất giác ngộ – đồng tín, đồng
giới, đồng thí, đồng trí tuệ – dành cho những người thương yêu nhau đích thực
là nền tảng căn bản cho hạnh phúc lứa đôi, khiến cho đời sống hôn nhân càng
thêm vững chắc và cao đẹp. Chúng ta có thể nói rằng hôn nhân theo lời dạy của Đức
Phật chính là sự kết nối tình yêu hướng thượng, ở đấy tâm hồn con người càng trở
nên trong sáng, nhu nhuyến và hiền thiện, phẩm giá con người càng được nâng cao
và tỏa sáng. Thương yêu nhau và cùng nỗ lực dắt dìu nhau bước đi trên con đường
thánh thiện của Phật, cùng đồng tâm hiệp lực xây dựng mái ấm gia đình đúng như
lời Phật dạy thì hạnh phúc càng bền lâu và tình thương càng trở nên cao thượng.
Sau cùng, các đôi bạn trẻ nam nữ có tấm lòng thương yêu nhau quyết tâm
tiến đến hôn nhân thì nên lắng nghe và suy ngẫm kỹ bài kinh Phật có tên gọi “Xứng
đôi” hay câu chuyện đàm đạo ý nhị giữa Đức Phật và đôi phu thê tình nghĩa mặn nồng
sau đây2 để hoàn toàn yên tâm và tin tưởng về lẽ sống hôn nhân hướng thượng
theo tinh thần lời Phật dạy:
“Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Bhagga tại núi summumàra, rừng
Bhesakalà, ở vườn Nai. Rồi Thế Tôn, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi dến trú
sứ gia chủ cha Nakulà, sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Rồi gia chủ
cha Nakulà và nữ gia chủ mẹ Nakulà đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế tôn
rồi ngồi xuống một bên.
Gia chủ cha Nakulà bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, từ khi nữ gia chủ mẹ Nakulà được đem về đây cho con khi
con còn trẻ tuổi, con không bao giờ biết có điều gì xâm phạm đến vợ con, cho đến
ý nghĩ cũng không, chớ đừng nói gì đến thân. Vì rằng bạch Thế Tôn, chúng con muốn
thấy mặt nhau trong đời này, mà còn muốn thấy mặt nhau trong đời sau nữa.
Nữ gia chủ mẹ Nakulà bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, từ khi con được đem về đây cho gia chủ cha Nakulà, khi
con còn trẻ tuổi, con không bao giờ biết có điều gì xâm phạm đến gia chủ cha
Nakulà, cho đến ý nghĩ cũng không, chớ đừng nói gì đến thân. Vì rằng bạch Thế
Tôn, chúng con muốn thấy mặt nhau trong đời này, mà còn muốn thấy mặt nhau
trong đời sau nữa.
- Vậy này các Gia chủ, khi cả hai người, vợ và chồng, muốn thấy mặt
nhau trong đời này, và cũng muốn thấy mặt sau trong đời sau nữa, cả hai người
là đồng tín, đồng giới, đồng giới, đồng trí tuệ, thời trong đời hiện tại, các
người được thấy mặt nhau, và trong đời sau, các người cũng được thấy mặt nhau.
Cả hai, tín, bố thí,
Sống chế ngự, chánh mạng,
Cả hai vợ chồng ấy,
Nói lời thân ái nhau
Đời sống nhiều hạnh phúc,
Chờ đợi hai người ấy.
Kẻ ác không thích ý,
Cả hai giới hạnh lành,
Ở đây sông theo Pháp,
Giữ cấm giới đồng đẳng,
Cả hai giới hạnh lành,
Sống hoan hỷ Thiên giới,
Hưng hoan được thỏa mãn,
Đúng với điều sở cầu”.
Chú thích:
1. Kinh giáo thọ Thi Ca La Việt, Trường Bộ.
2. Kinh Xứng đôi, Tăng Chi Bộ.■