Wednesday, March 27, 2013

12 câu hỏi sẽ thay đổi cuộc sống của bạn!




 (Webtretho) Có thể bạn đang bù đầu với đủ việc phải chuẩn bị, lo toan, bạn nghĩ “thời gian đâu mà hỏi với đáp”, nhưng hãy cố gắng cho thêm một hoạt động nữa vào danh sách cần làm của mình: tĩnh tâm một chút! Thật sự thì những lúc “bấn loạn” – đặc biệt trong khoảng thời gian cận kề sang một năm hoàn toàn mới – là lúc hơn bao giờ hết bạn cần dọn dẹp, phân tích lại cuộc sống của mình để thấy được con đường trước mắt.

Vậy nên hãy cho phép mình ngừng lại một chút, để đừng có một năm nữa kết thúc mà bạn chưa kịp tìm thấy cho mình một hướng đi sáng sủa. Hãy thử bắt đầu bằng việc trả lời 12 câu hỏi dưới đây và tìm ra xem mình thật sự cần gì để hạnh phúc – cho bây giờ và cả nhiều năm về sau nhé.


Thế giới có rất nhiều điều thú vị chờ bạn tự mình khám phá  

1. Tôi sử dụng thời gian riêng tư như thế nào?

Chắc rồi, khi làm những chuyện “thường ngày ở huyện” (đi bộ buổi sáng, làm vườn…) bạn cảm thấy dễ chịu, thoải mái và có chút nào đó là sự khẳng định bản thân (“Từ lúc 18 tuổi mình đã thích chạy bộ, và mình vẫn sẽ chạy đến khi 80 tuổi”). Nhưng việc cứ dính vào với những thói quen lâu đời có thể khiến bạn cảm thấy có chút thiếu động lực, giống như 30 năm trời vẫn mặc đúng một chiếc quần vậy. Hơn nữa, bạn có nghĩ sẽ thú vị hơn nếu chính bạn bước khỏi cửa để khám phá thế giới, cho mình những trải nghiệm và thử thách mới mẻ thay vì hài lòng với những gì người khác đã chuẩn bị cho (đọc sách, xem TV…)? Hãy chuẩn bị để ngạc nhiên thôi nào!

2. Tôi có quan tâm đến những gì cơ thể mình đang cần?

Bạn có lắng nghe khi cơ thể nói rằng bạn đang làm việc quá nhiều, bạn uống rượu bia quá nhiều, hoặc bạn đang để cho cơ bắp tay mình dần nhão như tay bà lão? Hãy tưởng tượng xem chính bạn có thể được lợi đến bao nhiêu khi đối xử với cơ thể mình như với một người bạn hiểu biết, quý giá và luôn thương yêu bạn.

3. Tôi cảm thấy biết ơn những ai?

Hãy nghĩ đến người thầy đã dạy bạn cách bộc lộ suy nghĩ, người cô đã khuyên bạn nên thử những điều mới lạ, người sếp đã cho bạn nghỉ vài ngày để thu xếp việc riêng. Hãy nhớ lại sự quan tâm, động viên, hỗ trợ mà mọi người đã dành cho bạn – đó là cách tác động tích cực đến cách bạn nhìn nhận các vấn đề. Bạn sẽ nhận ra mình may mắn, bạn muốn kết nối với cảm xúc của người khác mạnh mẽ hơn, dễ dàng thấu hiểu và thông cảm với mọi người hơn. Và khi đó bạn sẽ thật sự cảm thấy hạnh phúc!

Không chỉ vậy, khi nghĩ về những điều này, bạn còn có thể khẳng định lại được những mục tiêu của chính mình. Chẳng hạn nếu bạn biết ơn một người phụ nữ mạnh mẽ mà mình đã quen, có thể bạn cũng muốn trở thành một người quả quyết như họ.

4. Tôi đã làm điều tích cực gì cho mối quan hệ với chồng, với con, với bạn bè mình?

Sự hài hước của bạn đã giúp mọi người bớt mệt mỏi? Những lời khuyên của bạn đã giúp ai đó vượt khó khăn? Bạn thường nướng những chiếc bánh thật ngon để an ủi những người thương yêu của mình khi họ buồn? Không phải là kể công, nhưng biết được những gì mình đã giúp mọi người cũng sẽ giúp bạn thêm sức mạnh vượt qua những chướng ngại gặp phải trong đời, từ công sở đến quản lý gia đình, bởi bạn đã tin tưởng vào mình hơn.


Bạn đã biết cách hài lòng và vun đắp cho cuộc sống của chính mình?  

5. Tôi có so sánh cuộc sống của mình với những người khác?

Nếu bạn đã “tiêu mất” quá nhiều tế bào não để cân đong đo đếm cuộc sống của mình với người khác – con bạn với con người ta, bếp nhà mình với bếp nhà người ta… thì đã đến lúc bạn nên giải phóng chính mình đi thôi. Bạn có biết câu “trong chăn mới biết chăn có rận”? Bạn có chắc “con rận” nhà mình là kinh khủng nhất? Thay vì so sánh và mơ mộng về cuộc sống của những người khác, bạn hãy mừng cho họ, và điều gì có thể học để cải thiện cuộc sống của mình thì học theo. Hãy thỏa mãn và chăm chút cho những gì mình đang có thay vì “thả mồi bắt bóng” nếu bạn không muốn rốt cuộc mình chỉ là người bất hạnh cứ phải chạy theo người khác.

6. Tôi có tiêu tiền để nuôi dưỡng tâm hồn mình?

Bạn có thể dành ra một số tiền nhỏ, thậm chí có tính tượng trưng thôi – chẳng hạn 200 ngàn / tháng thôi – cho điều gì đó mà bạn quan tâm nhiều, có thể là một quỹ từ thiện nhiều ý nghĩa hoặc để dành để mua cho chính bạn một tác phẩm nghệ thuật?

7. Tôi nhìn thấy gì khi soi gương mỗi sáng?

Nếu bạn thường nhăn mặt trước mỗi điểm chưa hoàn hảo thấy trên cơ thể, hoặc với lựa chọn trang phục của một hôm nào đó, sao bạn không thử thay vì đó, tặng cho mình một nụ cười thật tươi mỗi đầu ngày? Đầu tiên, bạn có thể sẽ vui vẻ hơn khi diện lên mình những bộ cánh để đi làm, và thấy vui hơn khi mặc màu mà bạn yêu thích. Bạn cảm thấy vui vẻ hơn với chính con người mình, rồi từ đó dần dần hài lòng hơn với những người xung quanh, bạn cảm thấy mọi thứ đều xinh đẹp hơn, đúng không nào?

8. Tôi đã tìm ra cách “kiểm soát” những mối quan hệ không hoàn hảo của mình?

Bạn có thường than vãn về ai đó, mâu thuẫn với ai đó, bạn có thường xuyên cố thay đổi ai đó – và rồi thất bại? Có lẽ đã đến lúc để bạn chấp nhận cô em chồng, sếp, đồng nghiệp… của mình như chính con người họ. Một khi đã chấp nhận sự thật rằng con người luôn có thiếu sót, các bạn sẽ tìm được cách để hiểu và hợp tác với nhau tốt hơn, hoặc cũng có thể “nước sông không đụng nước giếng” cho yên ổn xóm làng.

9. Tôi có niềm tin vào thứ gì đó to lớn hơn bản thân mình?

Cảm giác e sợ bạn có trước một “thế lực” nào đó to lớn hơn mình – có thể là Chúa, là Phật, là Mẹ Thiên Nhiên hay bất cứ một sức mạnh tâm linh, tinh thần nào khác – có thể khiến bạn cảm thấy mình thuộc về một cộng đồng lớn, và nhún nhường hơn. Sự nhún nhường này có thể khiến bạn bé nhỏ hơn, nhưng hơn thế nhiều lần là sẽ làm một điểm tựa vô hình cho bạn, an ủi bạn, truyền thêm cảm hứng cho bạn bằng cảm giác mình được kết nối với thứ gì đó thật vĩ đại. Dù bạn thiền, bạn khấn hay chỉ đơn giản là đi dạo dọc bờ sông, thì những khoảnh khắc ấy cũng có thể giúp bạn tìm thấy những điều kỳ diệu trong cuộc sống.

10. Trong nhà có chỗ nào để tôi làm những việc mà mình thích (vẽ, tập yoga, chơi xếp hình)?

Nếu không, sao bạn không tạo ra cho mình?


Bạn đã biết và đã có không gian cho những thú vui lành mạnh của mình?  

11. Tôi dành bao nhiêu thời gian mỗi tuần bên TV, máy tính, điện thoại của mình?

Nếu con số này có vẻ khá cao thì tuần sau hãy cố gắng giảm xuống, và thử xem cảm giác sẽ thế nào khi bạn không dính trên chiếc ghế quen thuộc vào những khoảng thời gian quen thuộc. Và hãy xem bạn sử dụng những giờ này – hay bạn đã sống – khác đi như thế nào.

12. Tôi có cảm thấy già hơn hay trẻ trung hơn so với tuổi của mình?

Bất kể bạn đã qua bao nhiêu lần sinh nhật thì cũng hãy nhớ điều này: ở tuổi nào bạn cũng có thể được hạnh phúc, có thể khai thác được tiềm năng của mình, có thể có được thân hình cân đối, có thể tìm ra những thú vui mới khiến mình phấn khích như thời còn thơ… Hoặc nếu bạn đang thầm mong mình trưởng thành hơn hoặc gì đó hơn, hãy nhìn lại khoảng 20 triệu trách nhiệm mà bạn đã nhận, và bạn sẽ thấy rằng mình đã “lớn hơn lên” mỗi ngày đó chứ.

Hãy cố gắng hiểu điều người ta thường nói: tuổi tác cũng chỉ là một con số mà thôi. Và khi đó bạn sẽ được tự do để tìm cho mình câu trả lời cho câu hỏi quan trọng nhất: mình sẽ sống cuộc sống được ban cho này ra sao?