Ở
đây, một lần nữa chúng tôi muốn giải thích thêm năm uẩn là Thánh Đế thứ nhất,
tức Khổ Thánh Đế. Trong năm uẩn có sắc uẩn và sắc này sanh khởi như những tổng
hợp sắc hay những phần tử rất nhỏ. Khi phân tích, hành giả thường thấy rằng
chúng có hai mươi tám loại sắc. Ngoài Giáo pháp của đức Phật, không có bậc đạo
sư nào có thể nói về những loại sắc này và làm thế nào để phân loại chúng. Chỉ
có đức Phật và các vị đệ tử của Ngài mới có thể làm được điều đó. Hơn nữa,
trong năm uẩn còn có bốn danh uẩn. Ngoài kiết sanh thức (tâm tục sinh), tâm hữu
phần và tâm tử ra, các hành thuộc về danh hay tâm hành này khởi lên đều phải
theo tiến trình tâm.
Đức
Phật dạy đích xác có bao nhiêu tâm sở phối hợp với một tâm trong một sát-na tâm
và Ngài còn dạy cách làm thế nào để phân biệt và phân loại chúng nữa. Không có
một bậc đạo sư nào ngoài đức Phật có thể chỉ rõ những tâm hành này được bởi vì
các ngoại đạo sư ấy không thực sự liễu tri. Song nếu một người đệ tử của đức
Phật thực hành chuyên cần và có hệ thống theo những chỉ dẫn của đức Phật, họ có
thể phân biệt được các tâm hành ấy một cách rõ ràng. Đây là một cơ hội không gì
sánh được cho hàng đệ tử. Quý vị không nên để lỡ cơ hội này.
Thêm
nữa, duyên khởi là Thánh Đế thứ hai hay Tập Thánh Đế - Thánh Đế về nguồn gốc
của khổ. Đức Phật cũng dạy cho hàng đệ tử của Ngài biết cách làm thế nào để
phân biệt duyên khởi. Khi một người đệ tử của đức Phật phân biệt được duyên
khởi đúng theo những chỉ dẫn của Ngài, họ sẽ tuệ tri mối tương quan giữa nhân
và quả. Họ sẽ có được minh sát trí biết rõ rằng nhân quá khứ tạo ra quả hiện
tại và nhân hiện tại tạo ra quả vị lai. Vị ấy tuệ tri được rằng trong ba giai
đoạn quá khứ, hiện tại và vị lai, hoàn toàn không có một sáng tạo chủ nào tạo
ra quả và cũng không có gì khởi lên mà không có nhân. Trí này cũng chỉ có được
trong Giáo pháp của đức Phật. Vì thế quý vị không nên bỏ lỡ cơ hội này.
Vả
lại, khi một người đệ tử phân biệt duyên khởi, vị ấy thấy được các kiếp quá khứ
và các kiếp vị lai. Nếu phân biệt vào nhiều kiếp quá khứ, hành giả có được minh
sát trí biết rõ loại bất thiện nghiệp nào dẫn đến tái sanh trong các khổ cảnh
và loại thiện nghiệp nào dẫn đến tái sanh trong các cõi lành.
Trí
hiểu biết về ba mươi mốt cõi và quy luật của nghiệp chỉ có thể tìm thấy trong
Giáo pháp của đức Phật. Ngoài Giáo pháp của một vị Phật, không ai có thể biết
được ba mươi mốt cõi và quy luật nghiệp báo vốn tạo ra tái sanh trong mỗi cõi
ấy. Như vậy quý vị cũng không nên bỏ lỡ cơ hội này.
Còn
nữa, nếu một người đệ tử phân biệt nhân quả trong các kiếp vị lai, vị ấy cũng
thấy được sự diệt của danh-sắc. Vị ấy tuệ tri khi nào thì danh-sắc của mình sẽ
diệt. Đây là Thánh Đế thứ ba - Diệt Thánh Đế. Trí này chỉ có thể có được trong
Giáo pháp của đức Phật. Vì thế hành giả không nên bỏ lỡ cơ hội này.
Đức
Phật cũng dạy con đường đi đến trạng thái diệt đó, tức Thánh Đế thứ tư hay
Chỉ-Quán (samatha-vipassanā). Chỉ-Quán có nghĩa là Bát Thánh Đạo. Trí
Phân Tích Danh-sắc và Trí Phân Biệt Nhân Duyên là chánh kiến. Trí (biết) về sự
diệt của danh-sắc cũng là chánh kiến. Sự chú tâm vào Tứ Thánh Đế là chánh tư
duy. Chánh kiến và chánh tư duy ở đây là minh sát (vipassanā). Muốn hành
minh sát chúng ta phải có định của thiền chỉ (samatha), tức là chánh
tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Khi chúng ta trau dồi chỉ quán, chúng ta
phải có thanh tịnh giới - chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng. Trau dồi chỉ
quán dựa trên giới, tức là trau dồi Bát Chánh Đạo và Bát Chánh Đạo này chỉ có
thể tìm thấy trong Giáo pháp của một vị Phật. Do đó, quý vị cũng không nên bỏ
lỡ cơ hội này. Vì sao? Minh sát trí về Tứ Thánh Đế đưa đến sự giải thoát khỏi
vòng tử sanh luân hồi của người đệ tử vậy.
Tôn Giả Āciṇṇa, Dhammācariya – Pháp Sư
Aggamahākammaṭṭhānācariya – Đại Trưởng Lão
Thiền Sư
Trưởng Ban Thiền Sư và Cố Vấn Thiền
Trung Tâm Rừng Thiền Phật Học Quốc Tế Pa-Auk,
Myanmar
Trích từ “Biết và Thấy” của Pa Auk Sayadaw
Bản Việt dịch của Tì kheo Pháp Thông
http://goo.gl/QiEqR Google blogger Sư Giới Tịnh đọc thêm nhiều tài liệu.