Chúng ta không có lý do gì để phải
có cảm giác xa cách với bất cứ một việc gì hay một ai bởi vì chúng ta đã từng
là tất cả và đã từng làm tất cả những điều đó. Làm sao chúng ta có thể tự cho
là mình lúc nào cũng đúng hay được loại trừ không giống một ai đó hay không hề
làm một hành động nào đó? Không có một chỗ nào trên trái đất này mà chúng ta đã
không cười, khóc, sinh ra và chết đi. Vì vậy ở một khía cạnh nào đó, mỗi nơi mà
chúng ta đi qua đều là nhà.
Mọi người chúng ta gặp chúng ta đều
có quen. Mỗi việc đã được làm ta đều có khả năng làm điều đó. Đó là lý do tại
sao chúng ta không được hiểu nghiệp quả một cách hạn hẹp. Nó là một tầm nhìn vô
cùng rộng rãi về cuộc đời. Nếu trong một giây phút nào đó mà chúng ta phải hái
cái quả của một hành động trong quá khứ, cho dù là quả lành hay dữ, kinh nghiệm
đó của chúng ta chính là kinh nghiệm của tất cả chúng sinh. Nếu chúng ta thấy
một kinh nghiệm xảy ra bên ngoài chúng ta, chúng ta hiểu rằng đây cũng chính là
kinh nghiệm của chúng ta, tựa như trong một giấc mơ mà trong đó mỗi một nhân
vật đều là phản ảnh của tâm chúng ta.
Nếu bạn không cảm nhận được giáo lý
về nhiều kiếp sống này, bạn vẫn có thể hiểu được tính chất rất căn bản này về
việc con người không thể tách biệt ra khỏi mọi con người đang tổn tại và mọi việc
đang diễn biến bằng cách nhìn vào bên trong con người bạn. Cho dù bạn có tin
vào luân hồi hay không, bạn có thể thấy tất cả những trạng thái đang xảy ra bên
trong con người bạn. Bạn không cần phải cảm thấy tách biệt khi chúng xảy ra bên
trong bạn; bạn không cần phải sợ hãi. Và bạn cũng không cần phải cảm thấy tách
biệt khi chúng xảy ra bên ngoài bạn; tất cả chỉ phản ánh cái tâm với tất cả mọi
thứ mà tâm có khả năng tạo ra. Cho dù bất cứ điều gì xảy ra, bên ngoài hay bên
trong, cho dù bạn gặp bất cứ ai, tất cả cái đó chỉ là thêm một cách khác mà bạn
tự nhìn chính mình.
Cách đây nhiều năm tôi đang là một
sinh viên y tá, và trong một buỗi thực tập tại bệnh viện, có một đứa trẻ bị bố
mẹ ngược đãi được mang vào săn sóc cùng đi với bà mẹ đã ngược đãi nó. Lúc nó có
mặt khoảng 30 sinh viên y tá và các nhân viên bệnh viện. Các sinh viên và nhân
viên đa số đã đối xử với bà mẹ một cách lạnh nhạt và cao ngạo, như thể muốn nói
"Ồ, cách cư xử của bà thật là thú vật, làm sao bà có thể làm một điều như
vậy được?". Cùng ngày sau đó, khi các sinh viên y tá tụ họp lại, có người
phê bình với một cách tương tự. Tôi đã trả lời, "Ồ, tôi có thể hiểu được
tại sao bà ta làm như vậy. Tôi cũng đã từng thấy những cơn giận dữ, sợ hãi và
tức bực nỗi lên trong trí óc tôi mà có thể đưa đến một hành động khủng khiếp
như vậy. Tôi chắc chắn là tôi sẽ không làm điều đó, bởi vì tôi có những khả
năng, như sự tỉnh thức, mà tôi có thể sử dụng để chịu đựng những giây phút như
vậy, nhưng tôi cảm thấy không hoàn toàn tuyệt đối khác xa với bà mẹ đó". Sau
khi tôi nói điều này, ba mươi cặp mắt đã quay về phía tôi và mọi người hoàn
toàn im lặng. Tôi ngồi đó và tự hỏi, "Có phải tôi đã nói sai điều gì
chăng?". Nhưng hiển nhiên rằng cho dù cả nhóm có phật lòng, thì đó vẫn là
sự thật.
Có một ý thức trực giác về nghiệp
quả - một sự hiểu biết rằng hạnh phúc, và bất hạnh của chúng ta tùy thuộc vào
hành động của chúng ta và vì vậy chúng ta hoàn toàn chịu trách nhiệm về định
mệnh của chúng ta - điều này đã đặt cuộc đời chúng ta trong một vị trí có sức
mạnh. Nếu chúng ta hiểu rằng tất cả mọi thứ, tất cả không chừa một việc gì, đều
xảy ra do từ một nguyên nhân thì chúng ta sẽ hiểu thế nào là an toàn. Như vậy,
khi có một sự đau khỗ, mâu thuẫn, hiểm nguy, đau đớn, hay một vấn đề xảy ra
trong cuộc đời chúng ta, chúng ta không chỉ đơn thuần tìm cách tiêu diệt nó.
Tốt hơn là chúng ta nên can đảm thay đỗi những điều kiện tạo môi trường cho
việc đó xảy ra và nuôi dưỡng hay duy trì sự tồn tại của nó.
Sharon
Salzberg
Diệu Nguyệt dịch
Đây là bài thứ 3 trong đoạn
văn trích trong quyển "Từ bi - Một nghệ thuật cách mạng để sống hạnh
phúc" (Lovingkindness - The Revolutionary Art of Happiness) của bà Sharon
Salzberg.