Friday, November 7, 2014

Người ngu tư duy tà vạy cho rằng, người có con, vui với con, có của vui với của, do đó người ngu phải khổ.

 Ðại đức Ananđa thuyết giảng.
- Này các đạo hữu, Ðức Từ phụ của chúng ta dạy:

Người ngu tư duy tà vạy, cho rằng, người có con, vui với con, có của vui với của, do đó người ngu phải khổ. Vì thực tế, chính cái thân cũng là vô ngã. Tất cả những nỗi thống khổ đều bắt nguồn từ sự phân biệt nhất là sự phân biệt ấy do tà niệm chủ động. Chính tà niệm cấu tạo tất cả phiền não và phiền não lôi cuốn ta chạy theo. Càng chạy theo càng khổ. Càng khổ lại càng đeo đuổi. Cũng như cá cắn mồi chạy theo lưỡi câu vì càng cưỡng lại là càng đau đớn.

Trần ái là chuyện nóng nảy. Ăn uống là việc liệu lường, danh vọng là điều xan xẻ. Người đời chỉ thích chuyện hình thức, nhưng quên rằng bản chất của hình thức không có tánh cách cố định và vĩnh cữu. Do đó, chúng sanh bị nóng nảy thường trực, triền miên. Càng nóng nảy càng lăn lộn, vẫy vùng. Nhưng vẫy vùng trong lò lửa thì cũng chỉ chuốc thêm sự nóng nãy mà thôi. Nhắm mắt tự xô đẩy cuộc đời vào lò lửa tham, sân, si cũng đồng nghĩa với hành động ngăn trở sự tiến thủ của cuộc sống lý tưởng giải thoát. Mang một tâm trạng bịnh hoạn, nóng nảy như vậy thì dù sống trên ngai vàng cũng không tìm được hạnh phúc.

Này đạo hữu, cuộc sống xưa kia giữa cung son nhung gấm và cuộc sống hiện tại giữa núi rừng u tịch này, đạo hữu thấy cuộc sống nào hạnh phúc hơn.

- Bạch Ðại đức, tôi xin thưa với Ðại đức rằng trong cảnh núi rừng u tịch, trong cái thảo lư nghèo nàn này đã chứa đựng tất cả sự thanh tịnh và an lạc của đời tôi.
- Này hiền hữu, vậy bần đạo có thể kết luận được rằng: không có an lạc ngoài thanh tịnh cũng như không có sự thanh tịnh nào là không an lạc.


Vậy đạo hữu hãy chọn một trong hai hạng người sau đây:
- Hạng người tầm thường, thấp kém nhưng có nhiều hạnh phúc và
- Hạng người sang trọng, quí phái nhưng không có hoặc ít có hạnh phúc.


- Bạch Ðại đức, tôi chọn hạng người thứ nhất.
- Ðúng vậy đạo hữu, người thành công trong cuộc sống hạnh phúc không phải là người cao sang, quyền quí mà là người tìm được sự an tịnh và vắng lặng trong tâm hồn, sự an tịnh của người tỉnh thức chớ không phải của người say ngủ, sự vắng lặng của cuồng phong phiền não chớ không phải sự vắng lặng của tịch liêu. Người đã nếm được hương vị của đời sống ẩn dật và tịch tịnh là người vô ưu, vô nhiễm.

Ðại đức Ananđa nằm nghiêng tay mặt, chân trái đè lên chân mặt, tay trái xuôi theo thân mình và kê đầu lên tay mặt.
Giấc ngủ đã đến với Ðại đức nhẹ nhàng, an tịnh nhưng không phải cái nhẹ nhàng an tịnh của đứa bé nằm trong chiếc võng mà là sự nhẹ nhàng, an tịnh của trái đất nằm trên mặt nước.
Ðến khi thọ được 120 tuổi, Ðại đức tự thấy tuổi đời đã cao, tuổi đạo cũng nhiều và sức khỏe càng suy giảm, nên tự quyết định Niết bàn. Nhưng tịch diệt tại đâu cho được nhiều lợi lạc.
Nghĩ kỹ, Ðại đức quyết chọn con sông Rô-hí-ni (Rohini) làm địa điểm Niết bàn, vì nội tổ thuộc dòng Thích ca thì ở hữu ngạn, còn ngoại tổ thuộc Cô-lí-dá (Koliya) thì ở tả ngạn con sông này.
Ðại đức dùng thần thông bay lên hư không, phát nguyện sau khi ta tịch diệt, xin cho xá lợi tự động chia đôi: phân nửa rớt về hữu ngạn cho nội tổ và phân nửa rớt về tả ngạn cho ngoại tổ.
Ðây là cách Niết bàn của Ðại đức Ananđa. Ðức Phật chọn Cú-sí-na-ra (Kusinara) làm địa điểm Niết bàn thì Ðại đức chọn dòng sông Rô-hí-ni (Rohini) làm nơi tịch diệt.
Suốt bốn mươi năm sau Phật Niết bàn, Ðại đức Ananđa đã đóng vai sứ giả Như Lai, một vai trò vô cùng cao trọng, một tiêu biểu tuyệt vời. Phương danh Ngài ngào ngạt khắp bốn phương và sống mãi qua nhiều thế hệ. Ðời Ngài là tấm gương sáng, là dòng suối ngọt. Những lời dạy của Ngài là trận mưa pháp rưới xuống trần gian đang ngút lửa hận thù, là giọt nước cam lồ rót vào chót lưỡi của người đã tê mùi tân khổ.

Trích từ: BuddhaSasana
Tình đời, Ý đạo Hòa thượng Hộ Giác
(Cuộc đời Thánh tăng Ananda)