Saturday, November 22, 2014

Hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu thêm chữ “DỤC” trong Kinh Tạng Pāli …




Bài viết này quá dài xin quý vị đọc nhẩn nha, mới đầu dài tới 22 trang sau khi cắt bớt con lại 16 trang. Ngẫm đến dục lạc mà ngán ngẩm, vất quách sang bên uống tách trà…
KĀM’UPĀDĀNA: bám lấy dục lạc.


KĀMA: dục, diệt trừ. Được dùng như một tâm sở (cetasika), trong trường hợp này, nó được gọi là sở hữu tham (lobha), và các từ như tanhā (ái), rāga (tham dục), abhijjhā (tham) là đồng nghĩa với nó. Tâm sở là một trạng thái đi kèm hay cùng nảy sinh với tâm. Hình ảnh của chiếc xe lửa sẽ minh hoạ cho sự tương giao giữa tâm (citta) và tâm sở (cetasika) ở đây. Trong khi tâm giống như động cơ của chiếc xe lửa, thì các tâm sở tựa như những giá chuyển hướng của nó, mỗi thứ được cấu tạo riêng biệt với những nhiệm vụ khác nhau.


Có cả thảy 52 tâm sở, mỗi tâm sở có một đặc tính riêng và một nhiệm vụ cũng khác biệt nhau v.v... Hai loại dục: Phiền não dục (kilesakāma), sự tham ái cảnh trần. Vật dục (vatthukāma), đối tượng của tâm tham như là cảnh sắc, cảnh thinh, cảnh khí, cảnh vị, cảnh xúc. Là dục có ba loại là: - Kāmabhūmi (Dục-giới): Chỉ năm trần cảnh là sắc, thinh, khí, vị và xúc. Là nơi chúng sanh thọ dụng năm trần cảnh ấy, có tính khả-hỷ, khả-lạc, khả-ái. - Vaṭṭhukāma (Vật-dục): Khi năm trần cảnh tăng trưởng, trở thành đối tượng hợp ý chúng sanh, khiến chúng sanh này phát sanh phiền-não, dính mắc trong trần cảnh ấy. Tức là năm trần cảnh được gọi là vật-dục khi chúng trở thành đối tượng (cảnh) của phiền-não dục như mong muốn sắc đẹp, tiếng du dương...


- Kilesakāma (Phiền-não dục): Chỉ cho kāmaṭaṅhā (dục-ái) là sự ham muốn hưởng thụ trong cảnh ấy. Như muốn hưởng thụ sắc đẹp... Kể như tanhā (dục kể như ái): tức là, dục được xem như một khát vọng muốn hưởng thụ, muốn sở hữu, và muốn thoả mãn lòng vị kỷ. Bởi vì khát vọng này là điều không thể thoả mãn được, nên ái đã được so sánh với một dòng sông mãi mãi trôi chảy. - Kāma kể như kilesa (dục kể như phiền não): cũng như sét, sanh ra từ sắt, ăn mòn lại nó và tiêu huỷ nó như thế nào thì kàma (dục), như một chất ăn mòn tâm, làm ô nhiễm, làm mục nát, và làm bại hoại tâm cũng như vậy. - Kāma kể như āsava (dục kể như lậu hoặc): tức là như một chất thải tinh thần làm ô nhiễm thế giới nội tâm và phá hủy hoàn toàn sự quân bình sinh thái của nó - ở đây cần phải hiểu sự quân bình sinh thái này là do các tâm thiện và nghiệp thiện tạo ra.


- Kāma kể như ogha (dục kể như bộc lưu): cũng như một trận lụt tràn ngập và nhận chìm bất cứ những gì nằm trong đường đi của nó, cũng vậy, dục tràn ngập tâm, hoàn toàn thống trị tâm và nhận chìm tâm. - Kāma kể như yoga (dục kể như ách phược), có nghĩa là trói buộc. Cho thấy, bằng cách trói chặt tâm vào sự hưởng dục mà Kāma này đã giam giữ được tâm vĩnh viễn trong cảnh tôi đòi hay ràng buộc của nó như thế nào. - Kāma kể như abhijjhā - kāyagantha (dục kể như tham thân hệ phược): tức là, dục được xem như tham, là một mối ràng buộc đã trói chặt tâm, giam giữ tâm, giống như một tù nhân của nó, trong tình cảnh vô cùng tuyệt vọng. Cũng như sợi dây lưng giữ cho quần áo được buộc chặt như thế nào thì mối ràng buộc của dục - tham, khát khao, thèm muốn không nguôi này cũng kềm chặt tâm trong gọng kềm của nó, trong tình cảnh nô lệ muôn đời cho nó như vậy. - Kāma kể như upādāna (dục kể như thủ): khi dục, dưới dạng tham ái, trở nên mạnh mẽ và nổi bật do tái diễn thường xuyên, nó sẽ phát triển thành một sự chấp thủ, bám chắc vào đối tượng, làm khơi dậy dục tham, dục vọng hay tham đắm, cũng như con đỉa bám chặt vào người để hút máu vậy. Chính dục thủ hay sự quyến luyến này được xem là nhân căn để của mọi bất thiện nghiệp trói buộc con người vào vòng luân hồi - vòng luẩn quẩn của sanh hữu (bhāva). - Kāma kể như nīvarana (dục kể như triền cái): tức là, dục được xem như một chướng ngại đối với sự tiến bộ của tâm, giống như cách một chướng ngại vật dựng trên đường cản trở mọi sự lưu thông hay di chuyển vậy. Vì lẽ nó là một chướng ngại tinh thần, nên kàma được gọi là kāmachanda - dục dục cái, một thôi thúc rất lôi cuốn, mà, nếu bị áp đảo, sẽ ngăn che hoặc cản trở sự tiến hóa của tâm.


- Kāma kể như samyojana (dục kể như kiết sử): Dục ở đây được xem như dục tham (kāma-rāga), là một kiết sử. Dục tham làm biến dạng (ranjeti) tâm, tức là, chi phối nó hoàn toàn, tác động đến nó như một chất men say, làm cho nó mê đắm tựa như con ong chết chìm trong chén mật; cũng vậy, tâm bị tóm chặt và bị tống giam, mất hết mọi khả năng phán đoán và tự do. Vì lý do đó mới có sự so sánh nó với một kiết sử. - Kāma kể như anusaya (dục kể như tiềm miên), đó là, dục được xem như một lực hay sức mạnh ngủ ngầm, chỉ cần chút quấy động nhỏ liền hoạt hóa hay thức dậy, cũng như một người khó ngủ, hơi ồn một chút là thức dậy vậy. Sự ngấm ngầm này chỉ làm mạnh thêm cho tiềm năng của nó, chỉ củng cố thêm cho cái khả năng tiềm ẩn của nó. Cũng như một cái cây, với bộ rễ đã bám chắc trong lòng đất, cho dù có chặt mãi cũng cứ đâm chồi lại; kāmanusaya (dục tùy miên) này cũng vậy, nó là tác nhân cho sự khởi lên của những tư niệm bất thiện bất cứ khi nào tâm 'có khuynh hướng muốn hưởng thụ' một đối tượng khả ái vậy.


- Kāma kể như lobhahetu (dục kể như căn - tham), ở đây, dục được xem như tham hay tham dục tác hành như nhân căn để của tất cả các bất thiện tâm hay bất thiện nghiệp. Chính tham căn này đã nuôi dưỡng và lèo lái vòng phiền não luân (kilesavatta) để tạo ra sự đồng sanh của nghiệp luân (kammavatta) rồi tới lượt đưa đến quả luân (vīpakavatta), như vậy làm xoay chuyển bất tận cái bánh xe luân hồi này. Samsāra (luân hồi) thì dẫy đầy hiểm họa; đó là lý do vì sao nó được so sánh với một đại dương mênh mông sâu thẳm, lao xao không dứt và đáng sợ hãi. Và vì lẽ kāma (dục) là sáng tạo chủ thực sự của đại dương luân hồi này, bằng sự kềm chặt ngay từ thuở ban sơ của nó đối với mọi chúng sanh, nên nó thật đáng sợ; cũng như bệnh sốt rét đem lại đau khổ bằng những triệu chứng bất bình thường của nó như thế nào, thì dục như một cơn sốt ái dục, cũng đem lại khổ đau như vậy. "Cơn sốt ái dục", "căn bệnh tham dục" là những thuật ngữ rất thường gặp trong Kinh Tạng Pāli nói lên cái tình trạng bất bình thường và không lành mạnh của chứng bệnh dục này. Dục không chỉ là một sự đau khổ đơn thuần, mà hơn thế nữa, nó là một sự bất hạnh trĩu nặng ưu phiền như khi người ta bị một đám nhọt ở trên mặt vậy.


Dục giam hãm con người trong ngục tù Tam Luân (Vaṭṭa) - phiền não luân, nghiệp luân và quả luân. Và Dục (Kāma) quả thực là dơ bẩn và đáng sợ, người sa vào đó cũng chẳng khác gì rớt xuống vũng lầy nhớp nhúa. Lối so sánh với bộ xương thực vô cùng thích hợp. Nó không chỉ nói lên cái cấu trúc gớm ghiếc của thân người được xem là hấp dẫn kia, mà còn cho thấy đó là một cái gì mà về căn bản hoàn toàn rỗng tuếch, đúng theo nghĩa bị đánh lừa và thất vọng.


Có câu chuyện kể về con chó và cục xương khô. Con chó càng ra sức nhai cục xương, nghĩ rằng đó là một món ăn hấp dẫn ngon lành, miệng nó càng trở nên đau dớn và thất vọng. Dục hoạt động ngấm ngầm, nó rập bẫy con người bằng những tính chất lừa đảo của nó. Bởi thế, Đức Phật mới nói: "Các dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều, và tiềm ẩn trong đó tai hoạ còn nhiều hơn." (Appassadakā mabahudukkha bahupayasa ādinavo ettha bhiyyo). Lối so sánh bộ xương nhằm làm nổi bật lên những sự thực về bất toại nguyện và khổ đau, về kinh hãi và hiểm nguy, sự rập bẫy và những kết thúc thất vọng của dục. Ví dụ miếng thịt, theo Chú giải, bộc lộ một sự thực vĩ đại về cuộc đời, và sự thực đó chính là, thân này không phải chỉ có ta làm chủ, mà nó còn được chia sẻ với nhiều sinh vật khác, và giống như một quán trọ bình dân (bahusā dharanatthena), nó là nơi cư ngụ chung của mọi loài và luôn luôn thay đổi. Bắt đầu với những vi sinh vật rất nhỏ, chính xác mà nói là có cả hàng trăm loại khác nhau, đó là chưa kể đến những loại vi trùng, vi rút gây bệnh và ký sinh vô số kể cũng chia sẻ tấm thân này với chúng ta và chúng sống trên khắp mọi phần của thân này. Kế đến là kết cấu của các cơ, gồm cả những chất rắn và lỏng tạo thành hình dạng con người, mà từ đó cho ta khái niệm về vẻ đẹp, và như vậy, đã rập bẫy tâm.


Nhưng thực sự, ngoài cái vẻ đẹp bề ngoài lừa đảo của nó ra, bản chất thân này là "vô chủ" hay chỉ là một sở hữu công cộng, có thể nói là vậy. Cái ý nghĩa về quyền sở hữu, mà thực chất là "vị kỷ", chỉ là sự thôi thúc chiếm giữ hay sở hữu, tạo thành một khía cạnh quan trọng khác của dục. Vào sát na chứng đạo, tuệ thấy rõ tính chất cùng sở hữu, cùng chia sẻ - khởi lên, tâm trải qua một sự chuyển biến tức thời. Khuynh hướng sở hữu và vị kỷ nhường bước cho trạng thái vô ngã và ly dục. Vì thế, tính chất "cùng chia sẻ" mà ví dụ này ngụ ý cần phải được hiểu như vậy. Lối so sánh với giấc mộng chỉ đơn giản có nghĩa là "cảnh đã qua rồi" (ittarapaccupaṭṭhāna). Vì thế, dục được xem là một cái gì đó ngắn ngủi và không bền. Những lạc thú mà dục ban tặng quả thực là phù du, không thể nào đoán trước được và chứa đầy khổ đau, do tính vô thường đem lại. Làm sao có thể có được sự thoả mãn và toại nguyện hoàn toàn trong một bối cảnh luôn biến dị và không bền như vậy được! Cũng như lửa không bao giờ cảm thấy thỏa mãn với những gì được chất vào trong đó, cho dù có cho vào nhiều bao nhiêu nó vẫn cứ muốn thêm, không thể nào thỏa mãn được.


Dục cũng như vậy, bản chất nhạy bén của nó luôn luôn thúc đẩy hoặc kích thích sự thèm khát cho nó. Không đạt được thì khát khao. Đạt được rồi lòng tham vẫn không đủ. Vì vậy, cái ảo tưởng nằm bên trong nó cứ mãi được duy trì cũng giống như cách của một giấc mộng vậy. Và dĩ nhiên, dục còn được xem là nguồn cội của sự mơ mộng nữa (mơ màng giữa ban ngày là ý nghĩa ở đây). Ở đây, chúng ta thấy có một số áp dụng của từ Kāma - dục. Đó là Kāma citta (tâm dục), trạng thái tâm bắt nguồn từ căn tham. Theo thuật ngữ thì tâm này được gọi là akusalalobha - mulika (bất thiện tâm gốc tham), tức là tám loại tâm tham thuộc dục giới (kāma loka). Cũng có năm tâm được gọi là tâm quả bất thiện vô nhân (ahetuka akusala vipāka citta). Các tâm này chỉ vận hành ở cấp độ tiềm thức, là dị thục quả của tâm quá khứ, tức là những nghiệp bất thiện trong quá khứ, được đặc biệt đề cập ở đây liên quan đến yếu tố thứ nhất (dục) của Kinh Pháp Môn Thể Nhập.


KĀMA CITTA: tâm dục, trạng thái tâm bắt nguồn từ căn tham. Theo thuật ngữ thì tâm này được gọi là akusalalobha - mulika (bất thiện tâm gốc tham), tức là tám loại tâm tham thuộc dục giới (kāma loka). Cũng có năm tâm được gọi là tâm quả bất thiện vô nhân (ahetuka akusala vipāka citta). Các tâm này chỉ vận hành ở cấp độ tiềm thức, là dị thục quả của tâm quá khứ, tức là những nghiệp bất thiện trong quá khứ, được đặc biệt đề cập ở đây liên quan đến yếu tố thứ nhất (dục) của Kinh Pháp Môn Thể Nhập.


KĀMA KỂ NHƯ ABHIJJHĀ KĀYAGANTHA: (dục kể như tham thân hệ phược): tức là, dục được xem như tham, là một mối ràng buộc đã trói chặt tâm, giam giữ tâm, giống như một tù nhân của nó, trong tình cảnh vô cùng tuyệt vọng. Cũng như sợi dây lưng giữ cho quần áo được buộc chặt như thế nào thì mối ràng buộc của dục - tham, khát khao, thèm muốn không nguôi này cũng kềm chặt tâm trong gọng kềm của nó, trong tình cảnh nô lệ muôn đời cho nó như vậy.


KĀMA KỂ NHƯ ANUSAYA: (dục kể như tiềm miên), đó là, dục được xem như một lực hay sức mạnh ngủ ngầm, chỉ cần chút quấy động nhỏ liền hoạt hóa hay thức dậy, cũng như một người khó ngủ, hơi ồn một chút là thức dậy vậy. Sự ngấm ngầm này chỉ làm mạnh thêm cho tiềm năng của nó, chỉ củng cố thêm cho cái khả năng tiềm ẩn của nó. Cũng như một cái cây, với bộ rễ đã bám chắc trong lòng đất, cho dù có chặt mãi cũng cứ đâm chồi lại; kāmanusaya (dục tùy miên) này cũng vậy, nó là tác nhân cho sự khởi lên của những tư niệm bất thiện bất cứ khi nào tâm 'có khuynh hướng muốn hưởng thụ' một đối tượng khả ái vậy.


KĀMA KỂ NHƯ ĀSAVA: (dục kể như lậu hoặc): tức là như một chất thải tinh thần làm ô nhiễm thế giới nội tâm và phá hủy hoàn toàn sự quân bình sinh thái của nó - ở đây cần phải hiểu sự quân bình sinh thái này là do các tâm thiện và nghiệp thiện tạo ra.


KĀMA KỂ NHƯ KILESA: (dục kể như phiền não): cũng như sét, sanh ra từ sắt, ăn mòn lại nó và tiêu huỷ nó như thế nào thì kàma (dục), như một chất ăn mòn tâm, làm ô nhiễm, làm mục nát, và làm bại hoại tâm cũng như vậy.


KĀMA KỂ NHƯ LOBHAHETU: (dục kể như căn - tham), ở đây, dục được xem như tham hay tham dục tác hành như nhân căn để của tất cả các bất thiện tâm hay bất thiện nghiệp. Chính tham căn này đã nuôi dưỡng và lèo lái vòng phiền não luân (kilesavatta) để tạo ra sự đồng sanh của nghiệp luân (kammavatta) rồi tới lượt đưa đến quả luân (vīpakavatta), như vậy làm xoay chuyển bất tận cái bánh xe luân hồi này.


KĀMA KỂ NHƯ NĪVARANA: (dục kể như triền cái): tức là, dục được xem như một chướng ngại đối với sự tiến bộ của tâm, giống như cách một chướng ngại vật dựng trên đường cản trở mọi sự lưu thông hay di chuyển vậy. Vì lẽ nó là một chướng ngại tinh thần, nên kàma được gọi là kāmachanda - dục dục cái, một thôi thúc rất lôi cuốn, mà, nếu bị áp đảo, sẽ ngăn che hoặc cản trở sự tiến hóa của tâm.


KĀMA KỂ NHƯ OGHA: (dục kể như bộc lưu): cũng như một trận lụt tràn ngập và nhận chìm bất cứ những gì nằm trong đường đi của nó, cũng vậy, dục tràn ngập tâm, hoàn toàn thống trị tâm và nhận chìm tâm.


KĀMA KỂ NHƯ SAMYOJANA: (dục kể như kiết sử): Dục ở đây được xem như dục tham (kāma-rāga), là một kiết sử. Dục tham làm biến dạng (ranjeti) tâm, tức là, chi phối nó hoàn toàn, tác động đến nó như một chất men say, làm cho nó mê đắm tựa như con ong chết chìm trong chén mật; cũng vậy, tâm bị tóm chặt và bị tống giam, mất hết mọi khả năng phán đoán và tự do. Vì lý do đó mới có sự so sánh nó với một kiết sử.


KĀMA KỂ NHƯ UPĀDĀNA: (dục kể như thủ): khi dục, dưới dạng tham ái, trở nên mạnh mẽ và nổi bật do tái diễn thường xuyên, nó sẽ phát triển thành một sự chấp thủ, bám chắc vào đối tượng, làm khơi dậy dục tham, dục vọng hay tham đắm, cũng như con đỉa bám chặt vào người để hút máu vậy. Chính dục thủ hay sự quyến luyến này được xem là nhân căn để của mọi bất thiện nghiệp trói buộc con người vào vòng luân hồi - vòng luẩn quẩn của sanh hữu (bhāva).


KĀMA KỂ NHƯ YOGA: (dục kể như ách phược), có nghĩa là trói buộc. Cho thấy, bằng cách trói chặt tâm vào sự hưởng dục mà Kāma này đã giam giữ được tâm vĩnh viễn trong cảnh tôi đòi hay ràng buộc của nó như thế nào.



1-KĀMACCHANDA: (Dục dục): là sự tầm cầu năm trần cảnh (sắc, thinh, hương, vị, xúc) tốt đẹp hay những pháp khả ái trong dục giới như: Vua, quan Đại thần, chư thiên … Dục dục (hay tham dục) chính là một trong năm pháp triền cái (nīvaraṇa). Đây là một loại “ao ước xấu”, đưa đến kết quả tai hại.


2- Tác dục (KATTUKAMYATĀ CHANDA): là sự “ý muốn làm”. Đây là sự “mong mỏi” của vị A La Hán đối với chúng sanh, vị A la hán “mong” chúng sanh thoát khỏi khổ, nên các Ngài có “ý muốn trợ giúp” chúng sanh bằng cách giảng pháp, hoặc tạo điều kiện cho chúng sanh thoát khỏi khổ do sự cúng dường đến các Ngài hay đảnh lễ các Ngài.

3- DHAMMACCHANDA (Pháp dục): là “mong cầu” đạt được pháp thượng nhân như thiền định, đạo quả siêu thế, Niết Bàn. Chính Pháp dục là nền tảng cho sự thành tựu những thiện pháp, đồng thời làm tăng trưởng những thiện pháp ấy cho đến khi viên mãn. Chư vị Bồ Tát dù là Bồ Tát Thinh văn, Bồ tát Độc giác hay Bồ Tát Chánh Đẳng giác đều xuất phát từ Pháp dục này. Chính pháp dục này khiến Thái tử Siddhattha lìa bỏ dục lạc thế tục xuất gia để tìm đạo thoát khổ. Pháp dục chính là Dục như ý (chandiddhipāda).


Đức Phật có dạy: “tất cả pháp lấy dục (chanda) là nền tảng”. Nghĩa là: “những mong cầu lạc thế gian, do tham dục làm nền, những mong cầu Thượng nhân pháp do Pháp dục làm nền, những việc làm của vị Thánh vô lậu là do Tác dục là nền”. Như vậy: Dục dục là bất thiện, Pháp dục là thiện, Tác dục là “không thiện cũng không bất thiện”.

Trạng thái: mong mỏi có được cảnh (kattukamyatā lakkhana).
- Phận sự: tìm kiếm cảnh (ārammaṇapariyesana raso).
- Thành tựu: Được cảnh mong mỏi (ārammaṇa atthikatā paccupaṭṭhāna).
- Nhân cần thiết: Có cảnh đáng ao ước (ārammaṇa padaṭṭhāna).

Giải thích: Trạng thái: Tâm sở Dục có sự mong mỏi cảnh, nghĩa là nói đến sự mong muốn có cảnh sắc để thấy, mong muốn có cảnh thinh để nghe… mong mỏi được nhận biết các đối tượng một cách dễ dàng. Đây là trạng thái của tâm sở Dục. Sự mong mỏi cảnh của tâm sở Dục không giống sự mong muốn của tâm sở Tham (lobha cetasika). Mong muốn của tham có sự dính mắc trong cảnh, mong muốn của Dục (chanda) không dính mắc trong cảnh. Như mong ước có tiền để làm phước, hoặc mong muốn có tài vật để phân phát ban bố. Tâm sở Dục được ví như người bắn cung mong tìm được mũi tên, khi tìm được mũi tên thì lại bắn đi chứ không cất giữ lại.

Cũng vậy, tâm sở Dục mong mỏi cảnh nhưng không nắm giử cảnh, tức là mong muốn đem lại lợi ích cho tha nhân. Nhưng không phải vì thế mà tâm sở Dục có sức mạnh kém hơn so với tâm sở tham, đôi khi Dục trở thành pháp Trưởng (adhipatidhamma). Tuy vậy, đặc tính “mong mỏi” của tâm sở Dục không hề thay đổi. Tức là, dù cho có làm Trưởng tất cả các pháp đồng sanh, nhưng sự bám chắc cảnh vẫn không hề có đối với tâm sở Dục. Ví như vị Đại Đế, tuy có quyền hành lớn nhất, nhưng không “tham quyền cố vị”.

Phận sự: Khi có sự mong muốn trong cảnh, thì tâm sở Dục phải có sự tìm kiếm cảnh đã mong muốn, để thích hợp với sự mong mỏi ấy. Nhưng sự tìm kiếm cảnh có nhiều cách khác nhau, tức là có thể tìm kiếm cảnh dục lạc, tìm kiếm cảnh pháp tánh, tìm kiếm sự hiểu biết, tìm kiếm trạng thái bất tử …Đây là phận sự của Chanda (dục). Sự tìm kiếm cảnh dục lạc tuy là phận sự của tâm sở Dục thật, nhưng lại do sức mạnh của Tham dẫn dắt. Như khi thấy, nghe … Hành giả sẽ thấy rõ sự dính mắc trong cảnh sắc, cảnh thinh… Đối với sự tầm cầu thiện pháp, sự hiểu biết, trạng thái bất tử hoặc sự tìm kiếm tài vật nhằm đem lại ích lợi cho tha nhân. Những sự tầm cầu này là do năng lực trực tiếp của tâm sở Dục khi làm trưởng. Có câu hỏi rằng: Tìm kiếm cảnh dục lạc là do sức mạnh của Tham hay tham dục (kāmachanda) dẫn đầu, nên có sự dính mắc trong cảnh.

Còn sự tìm kiếm do năng lục của Dục thì không có Tham dự vào. Nếu người tầm cầu Pháp, khi chứng đạt rồi (như chứng thiền chẳng hạn), có sự dính mắc vào trong đó, vậy có phải do năng lực của Tham không?. Đáp rằng: Sự dính mắc trong cảnh thượng pháp ấy không phải do năng lực của Tham, mà do năng lực của Dục (chanda), có Tín (saddhā) hoặc Trí (paññā) dẫn đầu. Vì sự dính mắc do sức mạnh của tham dục (kāmachanda) trong cảnh dục lạc thường dẫn đến sự nóng nảy khổ tâm cho người ấy.

Còn sự dính mắc do năng lực của Dục (chanda) thường làm cho người ấy xa lìa trạng thái nóng nảy khổ tâm. Thành tựu: Khi Hành giả quán sát thấy rõ bằng trí tuệ rằng “cảnh đáng mong mỏi” đãhiện bày. Đó là sự thành tựu của tâm sở Dục. Nhân cần thiết: Trợ sanh cho tâm sở Dục là các cảnh khác nhau như cảnh sắc chẳng hạn.


KĀMACHANDA: dục lạc, nhân sanh tham muốn, ước muốn dục lạc, hoàn toàn bất thiện. Ước muốn thụ hưởng sắc, thinh, hương, vị, xúc, gọi là tham dục. Đây là ước muốn thấp kém nhất, thuộc về bất thiện. Kāmachanda: THAM MUỐN () LÀ LÒNG ƯA THÍCH QUYẾN LUYẾN THEO NGŨ DỤC (SẮC, THANH, HƯƠNG, VỊ, XÚC).


TRỪ THAM MUỐN, có 6 phép:
    1) Học phép Thiền định về bất tịnh (asubhanimitta uggaho),
    2) Chăm chỉ niệm vật bất tịnh (Asubhabhāvanānuyogo);
    3) Thu thúc lục căn (indriyesu guttad vāratā);
    4) Tiết chế sự ăn uống (bhojanemattannuttā);
    5) Năng thân cận cùng bậc thiện trí thức (kalyānamittatā)
    6) Hằng nói lời dịu ngọt (sappāyakathā).


Trong Tương Ưng Kinh (Samyutta Nikāya) Đức Phật có đưa ra một ảnh dụ để minh hoạ tham dục như sau:
‘Nếu nước trong một cái lu bị hoà lẫn với màu đỏ, màu vàng, màu xanh, hay màu cam, một người với thị lực bình thường, nhìn vào nước ấy, không thể nào nhận ra và thấy được hình ảnh của mặt mình. Cũng vậy, khi tâm một người bị tham dục ám ảnh, bị tham dục áp đảo, người ấy không thể nào thấy đúng được lối thoát khỏi tham dục đã khởi lên; do vậy người đó không hiểu và thấy đúng lợi ích của mình, không hiểu và thấy đúng lợi ích của người, không hiểu và thấy đúng lợi ích của cả hai; cũng thế, những bài pháp đã thuộc lòng trước đây không còn đi vào tâm người ấy (không còn nhớ được), nói gì đến những bài pháp không thuộc.’


  Thường thường tâm của người mới bước đầu hành thiền bị tham dục gây phiền nhiễu rất nhiều. Tại sao? Bởi vì tâm họ không quen sống không có những dục lạc. Trước khi đến với thiền, tâm họ không ngừng tiếp xúc với các loại dục trần khác nhau, như phim ảnh, ca nhạc, thức ăn ngon, và cuộc sống giao du thú vị. Nói chung tâm họ có được sự thích thú lớn trong những thứ ấy. Nhưng bây giờ không có phim ảnh, không có ca nhạc, v.v... để làm thoả mãn mắt, tai… của họ, và vì thế tâm họ chẳng khác một con cá bị vớt ra khỏi nước bỏ trên đất khô, vẫy vùng trong khốn khổ và thèm khát nước. Ở đây, hơi thở vô-và-ra cũng giống như đất khô; nó qúa đơn điệu và không làm thoả mãn cái tâm vốn luôn luôn khao khát các dục lạc của họ. Trong khi ngồi, thay vì tập trung vào hơi thở, họ dành hầu hết thì giờ của họ để sống với các dục lạc quá khứ mà họ đã hưởng thụ, hay trong các dục lạc tương lai mà họ mong đợi sẽ được hưởng thụ. Nhưng làm vậy chỉ phí thì giờ và chẳng ích lợi gì cho việc trau dồi tâm. Cho dù họ có hành như thế suốt cả cuộc đời thì cũng sẽ chẳng có sự cải thiện nào đối với họ. Như vậy để vượt qua nó họ phải tránh những nguyên nhân làm phát sanh tham dục, và tu tập những gì đưa đến sự đoạn giảm của tham dục.


Trong Tăng Chi Kinh Đức Phật có nói như vầy:
‘Này các Tỳ-kheo, Như lai không thấy một pháp nào khác có sức mạnh khiến cho tham dục chưa sanh, sanh khởi, hay, khiến cho tham dục nếu đã sanh được vững mạnh và tăng trưởng, như tịnh tướng (nét đẹp).

‘Nơi người nào phi lý tác ý đến tịnh tướng, tham dục, nếu chưa sanh sẽ sanh khởi, hay, nếu đã sanh có khả năng vững mạnh và tăng trưởng.’
‘Này các Tỳ-kheo, Như lai không thấy một pháp nào khác có sức mạnh ngăn ngừa tham dục, nếu chưa sanh, không sanh khởi, hay, nếu đã sanh, khiến cho được đoạn trừ, như bất tịnh tướng (nét bất tịnh).

‘Này các Tỳ-kheo, Như lai không thấy một pháp nào khác có sức mạnh ngăn ngừa sự sanh khởi của tham dục, nếu chưa sanh, hay, nếu đã sanh, khiến cho được đoạn trừ, như nét bất tịnh.
‘Nơi người nào như lý tác ý đến nét bất tịnh, tham dục nếu chưa sanh, sẽ không sanh, hay nếu đã sanh, được đoạn trừ.’

Ở đây, phi lý tác ý là tác ý không thích hợp, tác ý sai lối. Hay nói đúng hơn đó là sự tác ý vốn xem vô thường là thường, khổ là lạc, vô ngã là ngã, và bất tịnh là tịnh (đẹp). Như lý tác ý chỉ là đối nghịch của phi lý tác ý.

Trong Paṭhamasekha Sutta của bộ Itivuttaka Đức Phật có nói:
‘Này các Tỳ-kheo, đối với một vị Tỳ-kheo là bậc hữu học, chưa đạt đến sự hoàn thiện nhưng đang sống cần cầu sự an ổn tối thượng khỏi các trói buộc, liên quan đến các yếu tố bên trong (nội phần), Ta không thấy một yếu tố nào khác có nhiều lợi ích như Như Lý Tác Ý. Này các Tỳ-kheo, vị Tỳ-kheo (hữu học) như lý tác ý từ bỏ những bất thiện pháp và tu tập những thiện pháp.’

Vị Tỳ-kheo hữu học,
Không pháp nào lợi hơn,
Để đạt đích tối thượng
Như như lý tác ý.
Vị Tỳ-kheo tinh tấn
Với như lý tác ý
Sẽ đoạn mọi khổ đau.


Thêm nữa, chú giải bài kinh Đại Niệm Xứ nói rằng có sáu pháp đưa đến sự đoạn trừ tham dục, đó là:
1.học cách  hành thiền bất tịnh;
2.dành hết nỗ lực cho việc hành thiền bất tịnh;
3.phòng hộ các căn;
4.tiết độ trong ăn uống;
5.thiện bạn hữu;
6.nói chuyện thích hợp.


1. Học Cách Hành Thiền Bất Tịnh.
2.Dành Hết Nỗ Lực Cho Việc hành Thiền Bất Tịnh.

Về hai pháp đầu, có hai loại thiền bất tịnh: một thuộc thiền chỉ (samātha), và loại kia thuộc thiền Minh-sát (Vipassana). Thiền chỉ về bất tịnh còn được chia thêm thành hai loại: thiền trên tính chất bất tịnh của thân hữu thức hay thân sống (saviññāna-asubha), và thiền trên tính chất bất tịnh của thân vô thức hay tử thi (aviññāna-asubha). 

Saviññāna-asubha là thiền trên tính chất bất tịnh của ba mươi hai thân phần bên trong và bên ngoài. Pháp hành này có thể loại trừ tham dục đối với các hữu tình chúng sinh.

Aviññāna-asubha là thiền trên tính chất bất tịnh của tử thi. Trước tiên bạn nên thiền trên xác chết bên ngoài cho tới khi sự tập trung hay định của bạn  sâu lắng và năm thiền chi (tầm, tứ, hỷ, lạc và định) được rõ ràng. Sau khi đã thành công trong sự phân biệt (tử thi) bên ngoài, bạn có thể phân biệt thân của chính bạn và suy xét như vầy: ‘Một ngày nào đó Ta chắc chắn sẽ chết. Khi ta chết thân của ta cũng sẽ bất tịnh như tử thi ấy.’ Khi định của bạn sâu hơn có thể bạn sẽ thấy chính bạn như một tử thi. Sau khi đã thành công trong sự phân biệt các tử thi bên ngoài và bên trong, bây giờ bạn có thể lấy người mà bạn ham muốn (dục) làm đối tượng, và phân biệt xác chết (tương lai) của anh ta hay cô ta. Nhờ thực hành theo cách này bạn có thể loại trừ được lòng ham muốn hay tham dục của bạn đối với anh hay cô ta.


Riêng thiền minh sát (Vipassana) trên tính chất bất tịnh, trước tiên quý vị phải phân biệt danh và sắc cùng tột, và rồi suy xét trên tính chất đáng nhờm gớm liên hệ đến các màu sắc, âm thinh, mùi, v.v... bất tịnh của chúng, quý vị cũng nên suy xét rằng thân này đầy các loài sâu bọ, và rằng nó (thân) chính là hố phân, bệnh viện, và nghĩa địa của các loài sâu bọ ấy. Sau khi đã phân biệt tính chất bất tịnh bên trong và bên ngoài như vậy, tham dục của quý vị đối với các chúng sinh được loại trừ.

Để có thể tu tập thiền định, điều dĩ nhiên là ta phải tự biết giải quyết các trở lực tinh thần một cách hữu hiệu. Theo kinh điển Phật Giáo nguyên thủy, thì bản chất thâm tâm mỗi người giống như một đầm nước và tâm điểm của thiền định là nhìn ngắm xuyên suốt đáy sâu của đầm nước. Tham dục tức những ham muốn dục lạc, khoái cảm xuất hiện trong nội tâm ta như một chất phẩm nhuộm đẹp mắt được đổ xuống đầm nước, làm mất đi cái trong suốt mà ta cần đến để nhìn sâu vào đầm nước. Lòng Sân hận, dù ở hình thức nào, cũng chẳng khác một đầm nước ngay dòng phún của một suối nước nóng: sục sôi, cuồn cuộn. Nó cũng làm hạn chế tầm nhìn của chúng ta. Hôn thụy thì được ví dụ như một lớp rong dày phủ đầy đầm nước. Phóng dật được ví dụ bằng hình ảnh những cơn gió lốc xoáy, làm xao động mặt nước trên đầm và Hoài nghi thì giống như chất bùn bị khuấy lên trong đầm nước. Với những tình trạng đó của nội tâm, đầm nước thực tại coi như không thể được nhìn thấy tận đáy.


Phương thức trực diện, xử lý các trở lực tinh thần ở đây, trước mắt, vẫn trên tinh thần nền tảng là một sự tỉnh thức và hiểu biết kịp thời ngay khi chúng vừa lộ diện. Nhưng bằng cách nào để thực hiện điều này? Vấn đề thực ra không đơn giản, dễ dàng. Điều tất nhiên là hành giả không nên đối diện chúng bằng một tâm thái đè nén khiêm cưỡng hay lo toan chật vật, bởi không khéo đó lại là một hình thức ngụy trang khác của sân hận! Nhưng nếu vậy thì coi như chúng ta bó tay bất lực trước chúng hay sao? Tuyệt nhiên không phải thế! Chúng ta không phải vật lộn xuẩn động đối với các trở lực đó, nhưng lại tỉnh thức chuyển hóa chúng thành những mảnh vụn thực tại để có thể nhìn ngắm kiểm soát.


 Chúng thường mạnh lắm, nhưng điều đó chẳng sao, thậm chí chúng càng mãnh liệt thì khuôn mặt thực tại càng rõ nét thêm thôi, và như đã nói, càng có nhiều dịp trực diện thực tại thì ta càng có nhiều cơ hội tuyệt vời để có nhiều bài học sinh động và quí giá về các qui luật nhân quả, tam tướng trong mỗi hình thái vận động của thực tại. Chỉ với một năng lực chánh niệm đúng mức ta sẽ thấy tất cả phiền não chỉ là một vấn đề đơn giản. Hãy nhớ kỹ kinh nghiệm quan trọng này là đừng nông nổi đối đầu các trở lực bằng thái độ xung đột. Nên hết sức bình đạm, tỉnh thức để lắng nghe và học hỏi ở chúng. Sức mạnh ở các phiền não trở lực lúc này là thành ra một lợi thế cho ta trong công phu thiền định và đồng thời ta cũng có luôn một lớp học nội tại vô cùng quí báu trong cả đời sống thường nhật.

Phương án thứ hai để xử lý các phiền não trở lực, đặc biệt và vào lúc chúng đang trở nên quá mãnh liệt thì chúng ta lập tức huy động và vận dụng các thiện tâm vốn mang thuộc tính đối lập với chúng như là một cách xử lý tương ứng. Nhờ vậy ta có thể làm yếu đi sức mạnh của chúng, đồng thời tự tìm lấy cho mình một tâm thái tự do thông qua sự độc lập đối với chúng. Chúng càng yếu dần thì khả năng tỉnh thức của chúng ta cũng theo đó mà được trưởng dưỡng.


Phương án thứ ba, thường chỉ có thể được thực hiện ở các thiền sinh già dặn, là đơn giản hóa tất cả, mọi sự coi như pha. Với một trình độ định tỉnh kiên cố, khi các phiền não trở lực xuất hiện, một chánh niệm hùng hậu sẽ xô đuổi chúng một cách nhẹ nhàng, tế nhị như đối với những người khách mà mình không muốn tiếp. Thái độ xử lý này tuyệt nhiên không hề mang một ý nghĩa ác cảm bồng bột nào mà chỉ là một chút công việc thu vén, sửa sang để dọn chỗ cho một nội tâm thiền định. Trình độ tự tại đó luôn được gắn liền với một khả năng thiền định cao cấp tương ứng và ở đây những thiền sinh lão luyện không cần thiết có một lưu tâm cảnh giác nào đối với các phiền não mà chỉ thản nhiên nhìn ngắm khi chúng đến. Thái độ xử lý này không thể đem áp dụng ở một thiền sinh sơ cơ, bởi vì với trình độ non kém của họ, tâm phong có vẻ thoải mái rất dễ dàng trở thành tình trạng bỏ ngõ nội tâm hoặc một hình thức tâm lý nào đó bất lợi cho một chánh niệm nhìn ngắm.


Bây giờ thì chúng ta hãy quay lại với những trình độ thiền định bình thường và phổ cập hơn. Trước hết, bằng cách nào ta có thể thực hiện tốt những phương thức xử lý phiền não như vừa trình bày trên đây, chẳng hạn chúng ta phải làm gì khi một lòng ham muốn, Tham Dục, vừa xuất hiện? Chúng ta chỉ việc nhìn thẳng vào nội tâm mình và đưa lòng ham muốn đó vào trong nhãn trường tỉnh thức, rồi đơn giản ghi nhận nó "ham muốn, ham muốn!". Chúng ta có thể nhìn ngắm nó ngay trong lúc đang quan sát hơi thở hoặc một cảm năng nào đó trong cơ thể mình. Nếu nó bất chợt vùng dậy mãnh liệt thì hãy lập tức ra sức chú ý, nhìn ngắm nó kỹ lưỡng hơn: Nó đang muốn gì? Nó có tác động gì đối với cảm giác sinh lý ta (nội tạng, hơi thở, đôi mắt...)? Tác động cảm giác của nó đối với sinh lý ta có giống như đối với nội tâm hay không? Ta bây giờ đang ra sao, ta đang phơi mở thoải mái hay đang bị khép kín, buộc ràng?... Đại khái cứ liên tục ghi nhận kịp thời mà cũng thật đơn giản về từng phút giây có mặt của lòng ham muốn đó.


Bằng vào cái nhìn chú mục và chuyên biệt này, ta sẽ học được rất nhiều về ảnh hưởng nguy hiểm của lòng ham muốn ngay trong chính đời sống của mình cũng như thế giới xung quanh. Chính nó đã tạo ra các cuộc chiến tranh đẫm máu, những thành kiến xung đột nghiêm trọng trong xả hội đồng thời đọa đày chúng ta hầu như trọn cả kiếp sống. Chúng ta có bao giờ biết ngồi lại để kiểm tra, trực nghiệm, quan sát một cách sáng suốt về lòng ham muốn hay không? Chỉ cần có được những giây phút đó, chúng ta sẽ thấy ngay rằng nó chính là cội nguồn cho tất cả những bức xúc trầm thống, đau khổ của mình. Chúng ta có thể nhìn ngắm nó một cách vô hại và độc lập khi nhận ra rằng thật sự nó luôn vô thường, rỗng tuếch. Lòng ham muốn cũng giống như các phiền não khác ở chỗ là có lúc thô thiển, có khi tế vi nhỏ nhiệm. Và sự nhìn ngắm của ta kỹ lưỡng bao nhiêu thì nó cũng càng rõ nét bấy nhiêu. Càng nhìn ngắm nó, ta sẽ càng thấy nó phù du, chợt đến chợt đi chứ không còn là một tường lũy trở lực như bấy lâu vẫn nghĩ nữa.
Công phu quan sát lòng ham muốn sẽ càng dễ dàng hơn khi ta biết tự đặt nội tâm mình ở một vị trí khách quan, mặc dù thường thì nó có vẻ dễ nhận diện lắm. Một người như Oscard Wilder cũng còn phải tự thú nhận: "Cái gì con cũng không sợ, chỉ trừ ra sự cám dỗ".


Lòng ham muốn có một năng lực rất lớn, học được cách nhìn ngắm tinh tường điều này coi như ta đã đi được một đoạn đường thiền định. Hầu hết trường hợp, chúng ta bị lòng ham muốn chi phối một cách dễ dàng như như vẫn tuân theo một lực quán tính hữu cơ. Những hình thái biến tướng mang tính tập quán của chúng ta luôn được hình thành từ nhiều con đường và sức tác động của chúng đối với đời sống mỗi người luôn rất lớn. Nhưng có điều cần nhớ là chánh niệm về lòng ham muốn không hề là một thái độ tâm lý ghét bỏ, ác cảm mà ngược lại chánh niệm ở đây là một thái độ tỉnh thức để nhìn ngắm từng phút giây đến và đi của nó một cách bình thản và trong sáng.


KĀMADHĀTUPARIYĀPANNĀ: quan hệ trong dục giới có nghĩa là được quan hệ nơi dục giới thuộc dục giới, tuỳ thuộc vào, nằm bên trong đó; ý nghĩa ở đây chính là giới này chỉ được coi như là dục giới. Cũng như vậy đối với các từ còn lại.


KĀMADHĀTUYĀ PAÑCAKKHANDHĀ: trong dục giới có ngũ uẩn v.v... Được đề cập đến kể cả những pháp nổi lên với chúng sanh được tạo ra do dục giới nơi dục hữu, cho dù những pháp này có được gộp vào dục giới hay không, và kể cả trong trường hợp rūpadhātu: sắc giới v.v... Cũng vậy. Đây lại là phương pháp. Nhưng vì do vô tỉ xứ v.v... Nơi chúng sanh được gộp lại trong sắc giới, thế nên khí xứ v.v... Không thể thực hiện nhiệm vụ của xứ v.v... Được. Chính vì thế rūpadhātuyā cha āyatanā nava dhātuyo: trong sắc giới có sáu xứ, chín giới v.v... Cũng đã được nhắc đến.


KĀMĀDĪNAVA KATHĀ: đề tài sự nguy hiểm dục lạc ), là thuyết về nỗi khổ lụy của sự mê luyến dục trần. Nói lên sự nguy hại, hạ liệt, nhiễm ô của các dục lạc.
KĀMAGOTTA: dục chủng.

KĀMAGUNA: Những khoái cảm thọ quan. Dục trưởng dưỡng - tức là ngũ trần, hay thường được gọi chính xác là những tuyến phát triển của dục, bởi lẽ các dục đều tập trung vào những đối tượng ấy, và tâm dĩ nhiên bị cột chung với chúng. Ngũ trần này là năm đối tác ngoại giới của năm căn nội giới - sắc, thanh, hương, vị và xúc. Đức Phật đã mô tả chính xác các dục trưởng dưỡng này, ví dụ, các sắc nào 'có thể nhận thức được bằng nhãn thức tâm là hấp dẫn, quyến rũ, khả ái, đáng thèm muốn, kết hợp với dục và tạo ra tham dục.


' Tương tự như thế đối với các thanh, hương, vị, xúc v.v... Con mắt, như một căn thuộc nội phần, phản ảnh các sắc như cách tấm gương làm nó không thể nhận thức. Sự nhận thức là phận sự của tâm do nhãn thức tâm thực hiện. Do đó, Kinh mới nói là có thể nhận thức được bằng nhãn thức tâm và có vẻ như hấp dẫn (khả ái) v.v... Tại sao một cảnh sắc khi được nhận thức theo cách nào đó lại tạo ra tham dục hay trở thành đáng thèm muốn, hoặc được kết hợp với dục và quyến rũ v.v..., là một điểm có thể gây ra tranh luận mà chúng ta sẽ bàn đến sau. Tóm lại, chính do sự nhận thức được xem là có khuynh hướng thiên về dục này mà toàn bộ tiến trình, như đã chỉ rõ bằng năm từ khác, đưa đến hệ luỵ và khổ đau.

Dục trưởng dưỡng, năm món vật chất làm tăng trưởng phiền não dục, ngũ trần: sắc (rūpa), là bất cứ cảnh sắc gì khả ái mà mắt thấy được, thinh (sadda), là bất cứ âm thanh gì khả ái mà tai nghe được, hương (gandha), là bất cứ mùi thơm nào khả ái mà mũi ngửi được, vị (rasa), là bất cứ chất gì khả ái mà lưỡi nếm được, xúc (phoṭṭhabba), là bất cứ vật gì khả ái mà thân xúc chạm được, năm cảnh dục này nếu là cảnh tốt hấp dẫn thì mới gọi là cảnh dục trưởng dưỡng, nếu là cảnh xấu không hấp dẫn được lòng tham thì đó chỉ là cảnh đối tượng của ngũ quan mà thôi. Được gọi là tốt hay xấu tùy theo môi trường, sở thích, hay tùy sự nhận thức của số đông.


KĀMAMUCCHĀ: say mê dục lạc. Dục lạc là Ðạo Binh của Ma Vương. Nhờ ở các hành động thiện đã làm ở cõi dục giới trong các kiếp trước, chúng ta tái sanh vào thế giới này. Ở đây, trong một cõi dục giới khác, chúng sanh phải đương đầu với nhiều loại dục lạc có sức lôi cuốn mạnh mẽ: âm thanh ngọt ngào, hương vị đậm đà, những ý tưởng đẹp đẽ và những đối tượng vừa ý khác tiếp xúc với sáu giác quan của chúng ta. Kết quả tự nhiên khi tiếp xúc với sáu đối tượng này là ham muốn phát sinh. Ðối tượng ưa thích và tâm tham muốn là hai điều cần yếu để tạo nên dục lạc.

Sự dính mắc vào gia đình, tài sản, việc làm ăn và bạn bè cũng tạo nên đạo binh dục lạc. Thông thường, đối với chúng sanh hữu tình rất khó chinh phục loại ma chướng này. Nhiều người chống lại chúng bằng cách trở thành một nhà sư hay sư cô vất bỏ gia đình và mọi lưu luyến dính mắc khác. Thiền sinh trong khóa thiền tạm thời bỏ lại đàng sau tất cả gia đình, bạn bè, việc làm, để chiến đấu với lực lượng luyến ái đang cột chúng ta vào sáu loại đối tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp).

Mỗi khi bạn hành thiền, nhất là trong một khóa thiền, bạn để lại sau lưng biết bao lạc thú. Thế nhưng, ngay trong khu vực giới hạn của một nơi hành thiền, đối với những vật chung quanh bạn cũng còn luyến ái vật này hơn vật kia. Vào lúc có tư tưởng như thế, bạn nên nhận ra rằng mình đang đương đầu với ma vương, kẻ thù tước đoạt tự do của bạn.


Một lần nọ đức Vua Udena của xứ Kosambi hỏi Tôn-giả Pindola-Bhāradvaja: ‘Thưa Bhāradvaja, do nhân gì, do duyên gì, Những Tỳ-kheo trẻ tuổi này, còn non trẻ, tóc đen nhánh, với vẻ tươi tắn của tuổi trẻ, đang tuổi thanh xuân của cuộc đời, đã không thọ hưởng những dục lạc, có thể thực hành phạm hạnh một cách trọn vẹn và hoàn mãn cho đến cuối cuộc đời của họ?’

‘Thưa Đại Vương, điều này đã được đức Thế Tôn bậc biết và thấy, bậc Alahán, Chánh Đẳng Giác nói: “Hãy đến này các Tỳ-kheo, với người nữ nào là mẹ, hãy nghĩ về họ chỉ như một người mẹ, người nữ nào là người chị, hãy nghĩ về họ chỉ như một người chị, và người nữ nào là con gái, hãy nghĩ về họ chỉ như người con gái.” Đó là lý do vì sao những Tỳ-kheo trẻ này, còn non trẻ, tóc đen nhánh, với vẻ tươi tắn của tuổi trẻ, đang tuổi thanh xuân của cuộc đời, đã không thọ hưởng những dục lạc, có thể thực hành phạm hạnh một cách trọn vẹn và hoàn mãn cho đến cuối cuộc đời của họ?’

 ‘Nhưng này Bhāradvaja, tâm thường hay thay đổi. Đôi khi những ý nghĩ tham dục có thể khởi lên đối với những người họ nghĩ chỉ là mẹ, chỉ là chị, chỉ là con gái. Có nhân nào khác, có lý do nào khác nhờ đó những Tỳ-kheo trẻ này, còn non trẻ, tóc đen nhánh, với vẻ tươi tắn của tuổi trẻ,
đang tuổi thanh xuân của cuộc đời, đã không thọ hưởng những dục lạc, có thể thực hành phạm hạnh một cách trọn vẹn và hoàn mãn cho đến cuối cuộc đời của họ không?’

‘Thưa Đại Vương, điều này đã được đức Thế Tôn bậc biết và thấy, bậc Alahán, Chánh Đẳng Giác nói: “Hãy đến, này các Tỳ-kheo, hãy quán thân này từ lòng bàn chân đổ lên, từ đỉnh đầu đổ xuống, bao bọc bởi da, chứa đầy những vật bất tịnh. Trong thân này có: tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tuỷ, thận, tim, gan, hoành cách mô (màng treo), lá lách, phổi, ruột, bao tử, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, nước mỡ, nước miếng, nước hoạt dịch, nước tiểu”. Thưa Đại Vương đó là lý do vì sao những Tỳ-kheo trẻ này, còn non trẻ, tóc đen nhánh, với vẻ tươi tắn của tuổi trẻ, đang tuổi thanh xuân của cuộc đời, đã không thọ hưởng những dục lạc, có thể thực hành phạm hạnh một cách trọn vẹn và hoàn mãn cho đến cuối cuộc đời của họ?’

‘Vâng, thưa Bhāradvaja, đối với những Tỳ-kheo nào có tu tập về thân, tu tập về về giới, tu tập về tâm và  tuệ, thì điều đó dễ rồi, nhưng đối với những người không tu tập, thời lại là chuyện khó. Đôi khi, có người nghĩ, “ta sẽ xem điều này là bất tịnh”, nhưng họ lại đi đến chỗ  nghĩ về nó như là hấp dẫn (tịnh). Có nhân nào khác, có lý do nào khác, nhờ đó những vị Tỳ-kheo trẻ này, còn non trẻ, tóc đen nhánh, với vẻ tươi tắn của tuổi trẻ, đang tuổi thanh xuân của cuộc đời, đã không thọ hưởng những dục lạc, có thể thực hành phạm hạnh một cách trọn vẹn và hoàn mãn cho đến cuối cuộc đời của họ không?’

‘Thưa Đại Vương, điều này đã được đức Thế Tôn bậc biết và thấy, bậc Alahán, Chánh Đẳng Giác nói: “Hãy đến, này các Tỳ-kheo, hãy phòng hộ các căn của các ông,khi mắt thấy săc, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng (chi tiết) của nó. Bởi vì những ai sống không kiểm soát nhãn căn, tham, ưu và những ác bất thiện pháp khác sẽ tuôn chảy vào trong họ. Do đó để kiểm soát nó hãy thực hành  phòng hộ nhãn căn, luôn luôn phòng hộ nhãn căn.

Khi nghe một âm thanh…ngửi một mùi…nếm một vị…cảm giác một sự xúc chạm…nhận thức một pháp trần, chớ có nắm giữ tướng chung, chớ có nắm giữ tướng riêng. Bởi vì những ai sống với nhĩ căn…tỷ căn…thiệt căn…thân căn…ý căn không kiểm soát, tham, ưu và những ác bất thiện pháp khác sẽ tuôn chảy vào trong họ. Do đó để kiểm soát nó hãy thực hành  phòng hộ nhĩ căn…ý căn, luôn luôn phòng hộ nhĩ căn…ý căn.” Đó là lý do vì sao những Tỳ-kheo trẻ này còn non trẻ, tóc đen nhánh, với vẻ tươi tắn của tuổi trẻ, đang tuổi thanh xuân của cuộc đời, đã không thọ hưởng những dục lạc, có thể thực hành phạm hạnh một cách trọn vẹn và hoàn mãn cho đến cuối cuộc đời của họ?’

Đây là cách phòng hộ các căn đã được Đức Phật dạy trong rất nhiều bài Kinh. Các vị Tỳ-kheo phải phòng hộ các căn của mình theo cách này, và các nữ nhân tất nhiên cũng phải phòng hộ các căn của mình theo cách như vậy.
Để chỉ thêm cho quý vị thấy tầm quan trọng của việc phòng hộ các căn, tôi sẽ trích dẫn ra đây bài kinh thứ nhất của bộ Aṅguttara Nikāya (Tăng Chi Bộ Kinh), trong kinh Đức Phật nói như sau:
‘Này các Tỳ-kheo, ta không biết một sắc nào khác qua đó tâm của người đàn ông bị biến thành nô lệ như sắc của người đàn bà như thế. Này các Tỳ-kheo, sắc của người đàn bà ám ảnh tâm của người đàn ông không ngừng. Này các Tỳ-kheo, Ta không biết một tiếng nào khác biến tâm của người đàn ông thành nô lệ như tiếng nói của người đàn bà như thế. Này các Tỳ-kheo, tiếng nói của người đàn bà ám ảnh tâm của người đàn ông không ngừng.

Này các Tỳ-kheo, Ta không biết một mùi nào khác…một vị nào khác…một sự xúc chạm nào khác qua đó tâm của người đàn ông bị biến thành nô lệ như mùi, vị, sự xúc chạm của người đàn bà như thế.
Này các Tỳ-kheo, Ta không biết một sắc nào khác…một tiếng nào khác…một mùi nào khác…một vị nào khác…một sự xúc chạm nào khác qua đó tâm của người đàn bà bị biến thành nô lệ như sắc, tiếng nói, mùi, vị, sự xúc chạm của người đàn ông như thế. Này các Tỳ-kheo, tâm của người đàn bà bị ám ảnh bởi những thứ ấy không ngừng.

Như vậy quý vị phải phòng hộ các căn của mình với chánh niệm lớn. Nếu quý vị có thể chánh niệm về đề mục thiền của mình trong mọi lúc thì thật là tốt, vì như thế các căn của quý vị cũng sẽ được khéo phòng hộ. Nếu quý vị đang thực hành niệm hơi thở quý vị phải làm sao không để bị nhàm chán với hơi thở, vì nó cũng giống như người bạn tốt giúp quý vị loại trừ phiền não vậy. Do đó quý vị phải tác ý đến hơi thở với sự kính trọng. Nếu quý vị làm được như thế là quý vị đã kính trọng Pháp (Dhamma), và như vậy quý vị là những đệ tử có lòng tin của Đức Phật.

LỜI HỒI HƯỚNG
Pháp thí có quả báo thắng tất cả sự thí, tôi xin thành tâm hồi hướng đến các bậc ân nhân nhất là:
Cha mẹ - Thầy tổ - Chúng sanh.
Đồng tâm hoan hỷ, thọ hưởng phước báu nầy.
Mong thay!