Wednesday, November 12, 2014

Hãy thay đổi lối nhìn… hiện nay thế kỷ của thời hiện đại.




Giao thừa 

Lẽ trời đất có khởi thuỷ phải có tận cùng, một năm có bắt đầu ắt phải có kết thúc, bắt đầu vào lúc giao thừa, cũng lại kết thúc vào lúc giao thừa. Giao thừa là gì? nghĩa là cũ giao lại, mới đón lấy. Chính vì ý nghĩa ấy, nên hàng năm vào lúc giao tiếp giữa hai năm cũ, mới này, có lễ trừ tịch * Lễ trừ tịch Trừ tịch là giờ phút cuối cùng của năm cũ sắp bắt đầu qua năm mới. Vào lúc này, dân chúng Việt nam theo cổ lệ có làm lễ Trừ tịch. Ý nghĩa của lê này là đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ sắp qua để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến. Lễ trừ tịch còn là lễ để " khu trừ ma quỷ", do đó có từ "trừ tịch". Lễ trừ tịch cử hành vào lúc giao thừa nên còn mang tên là lễ giao thừa. * Cúng ai trong lễ giao thừa Tục ta tin rằng mỗi năm có một ông hành khiển coi việc nhân gian, hết năm thì thần nọ bàn giao công việc cho thần kia, cho nên cúng tế để tiễn ông cũ và đón ông mới. Lễ giao thừa được cúng ở ngoài trời là bởi vì các cụ xưa hình dung trong phút cựu vương hành khiển bàn giao công việc cho tân vương luôn có quân đi, quân về đầy không trung tấp nập, vội vã (nhưng mắt trần ta không nhìn thấy được), thậm chí có quan quân còn chưa kịp ăn uống gì. Những phút ấy, các gia đình đưa xôi gà, bánh trái, hoa quả, toàn đồ ăn nguội ra ngoài trời cúng, với lòng thành tiễn đưa người nhà trời đã cai quản mình năm cũ và đón người nhà trời mới xuống làm nhiệm vụ cai quản hạ giới năm tới. Vì việc bàn giao, tiếp quản công việc hết sức khẩn trương nên các vị không thể vào trong nhà khề khà mâm bát mà chỉ có thể dừng vài giây ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của chủ nhà.
 Sau khi làm lễ giao thừa, các cụ ta có những tục lệ riêng mà cho đến nay, từ thôn quê đến thành thị, vẫn còn nhiều người tôn trọng thực hiện. Lễ chùa, đình, đền: Lễ giao thừa ở nhà xong, người ta kéo nhau đi lễ các đình, chùa, miếu, điện để cầu phúc, cầu may, để xin Phật, Thần phù hộ độ trì cho bản thân và gia đình và nhân dịp này người ta thường xin quẻ thẻ đầu năm. Kén hướng xuất hành: Khi đi lễ, người ta kén giờ và hướng xuất hành, đi đúng hướng đúng giờ để gặp may mắn quanh năm. Hái lộc: Ði lễ đình, chùa, miếu, điện xong người ta có tục hái trước cửa đình, cửa đền một cành cây gọi là cành lộc mang về ngụ ý là "lấy lộc" của Trời đất Thần Phật ban cho. Cành lộc này được mang về cắm trước bàn thờ cho đến khi tàn khô. Hương lộc: Có nhiều người thay vì hái cành lộc lại xin lộc tại các đình, đền, chùa, miếu bằng cách đốt một nắm hương, đứng khấn vái trước bàn thờ, rồi mang hương đó về cắm và bình hương bàn thờ nhà mình. Ngọn lửa tượng trưng cho sự phát đạt được lấy từ nơi thờ tự về tức là xin Phật ,Thánh phù hộ cho được phát đạt quanh năm. Xông nhà: Thường người ta kén một người "dễ vía" trong gia đình ra đi từ trước giờ trừ tịch, rồi sau lễ trừ tịch thì xin hương lộc hoặc hái cành lộc ở đình chùa mang về. Lúc trở về đã sang năm mới và người này sẽ tự "xông nhà" cho gia đình mình, mang sự tốt đẹp quanh năm về cho gia đình. Nếu không có người nhà dễ vía người ta phải nhờ người khác tốt vía để sớm ngày mồng một đến xông nhà trước khi có khách tới chúc tết, để người này đem lại sự may mắn dễ dãi.
Đi lễ chùa đêm ba mươi

Ngoài kia, vạn vật như đang chuyển động tiến về phút giao thời giữa hai năm... Trong khói hương mờ mịt, giữa màn đêm bao la, ngọn đèn dầu cháy lên ánh sáng huyền hoặc, hư ảo. Tiếng đọc kinh lúc bổng lúc trầm hoà vào thinh không. Tất cả cứ như thực như hư...

Không như nhiều nơi ở miền Trung, miền Nam, nhiều người thờ Phật tại gia, đi lễ chùa đôi khi chỉ là vãn cảnh - đa số những làng quê miền Bắc, chùa chiền lại thực sự là bàn thờ chung của tăng ni phật tử. Ngày rằm, mồng một - người ta đi chùa như một thông lệ. Trang trọng và linh thiêng, đêm ba mươi tết trước giờ lễ giao thừa ở gia tiên, những người già đã đến thắp hương nơi tam bảo, với tát cả lòng thành kính.

Sau khi vãn bữa cơm chiều tất niên, những người phụ nữ trong gia đình đã tất tả sắm lễ đi chùa. Nải chuối, một lễ trầu cau (một, ba, năm, bảy quả cau lá giầu), thêm mấy đồng tiền mới - nhà nào tươm hơn thì có xôi, có oản - tất cả được bày lên mâm sẵn sàng. Các cụ, các bà khăn áo tươm tất đi trước, dâu, con đi sau bê lễ.

Đêm ba mươi, khí lạnh như mỗi lúc một ngưng lại. Ra khỏi quần sáng của ngọn đèn dầu thắp trên ban thờ, đám người đi lễ chùa như lội qua màn đêm đen quánh để bước vào một thế giới nào đó xa xôi, huyền bí. Mới qua hoàng hôn một chốc mà đêm như đã sâu lắm rồi. Tôi đã đi lễ chùa một đêm ba mươi như thế ở một làng quê miền Bắc. Mẹ chồng tôi ngày thường vốn đã chăm đi lễ. Tết đến, dù đã quá yếu vẫn không chịu ngồi bái vọng ở nhà. Cầm trên tay nắm hương, bà dò dẫm từng bước...

Người đi chùa mỗi lúc một đông, những ngõ nhỏ như rộn lên tiếng người lúc xa, lúc gần vọng qua màn đêm, những ngọn đèn nhỏ soi đường như những hạt đỗ màu hồng chuyễn động lấp loá. Cửa chùa là nơi đón bước chân những con người đến gửi gắm khát vọng đơn sơ, bình dị. Hoặc giả chỉ là một lần đến chùa nghe đọc kinh Phật cuối năm. Bởi 12 tháng - nào đã có mấy lúc thật sự bình tâm rảnh rỗi để mà thong dong ngồi nghe kinh, đọc kinh nơi Tam bảo như đêm tất niên này.

Mọi người đến đặt lễ lên từng ban, rồi chào hỏi nhau. Có cả những người đi làm ăn xa, ngày Tết mới về ra lễ chùa. Câu chuyện râm ran như chợ phiên, các bà hỏi han nhau về chuyện nhà, chuyện chòm xóm - họ hàng - ngày tết ai về ai không. Hẹn hò ra giêng đi lễ. Rồi khen nhau chiếc áo dài đi lễ mới sắm; chiếc áo mà hoạ hoằn mỗi năm họ giở ra đôi ba bận. Nghe thì biết, nơi làng quê - nhà chùa cũng là nơi hội của các bà, các cô. Nhìn chị dâu vui chuyện như ngô rang với mấy bà đi buôn chuyến ở Hà Nội lâu lâu mới về, bỗng dưng tôi thấy nao nao. Cuộc sống lam lũ quanh năm làm chị tôi lầm lũi, lặng lẽ quá. Nơi đây, chỉ cách Hà Nội có 30 cây số mà nhiều sinh hoạt vốn là thường nhật ở phố phường cứ như xa lắc tận nơi nào.

Chùa quê làm lễ không to bằng ngày rằm, mồng một của chùa Hà Nội. ở đây, sư thầy chỉ gõ mõ, tụng kinh. Mọi người rì rầm đọc theo rồi khấn, vái. Trong khói hương mờ mịt, giữa màn đêm bao la, những ngọn đèn cháy lên ánh sáng huyền hoặc hư ảo. Tiếng đọc kinh lúc bổng, lúc trầm. Tất cả cứ thực thực - hư hư... Ngoài kia, vạn vật như đang đần dần chuyển động tiến về phút giao thời giữa hai năm. Tôi đặt tay lên ngực mình và thì thầm lời nguyện cầu năm mới. Thiêng liêng - khói nhang chùa lan trong đêm 30.

Hoàng Nguyên Linh

P/s: Nhận xét cứ đến những ngày lễ là mọi gia đình hoặc đoàn thể chuẩn bị sát sanh giết gà, vịt, heo, bò… để cúng kiếng tế thần… quý vị có thể cúng bông hoa, một mân trái cây tượng trưng với lòng thành kính là đủ rồi còn đa số nhân dịp lễ lấy cớ giết chóc để sáng xỉn chiều say, hãy quan sát những ngày lễ xảy ra bao nhiêu tai nạn làm khổ biết bao nhiêu người vào nhà thương hoặc bỏ xác, một thí dụ nhỏ ngày lễ tạ ơn có bao nhiêu con gà tây bị tàn sát? Hãy nghĩ đến có ai đó lấy một cái kim khâu đâm vào da thịt của cái thân hơn 40 ký này, quý vị cảm nhận như thế nào? Vậy mà có kẻ can đảm cầm dao cắt cổ gà… Cho nên cuộc sống hiện tại nhiều điều không may mắn xẩy đến cho quý vị như gia đình không hòa thuận dở dang, còn lúc sắp đến cửa tử tâm trạng đầy kinh hoàng và hoảng sợ, đó là cái giá phải trả cho tội sát sanh.
Khi con vật sắp chết tâm tiết ra sự sợ hãi thấm vào thân thành chất độc, chúng sanh ăn vào lâu ngày trở thành bịnh hoạn. Gần nhất đó là ăn miếng thịt bò uống tí rượu đỏ là thèm phụ nữ. Đúng là ma sống nhâm nhi chứ nào thấy ma chết ăn bao giờ.
Có bao giờ quý vị thấy làm nhang chưa? Phơi ngoài trời chim ỉa, bụi bay rồi được đưa lên bàn thờ vậy thì có gì linh thiêng, còn mua tiền, nhà giấy, xe cộ đốt khói bay mịt mù ô nhiễm không khí làm sao mà người thân ở cõi nào đó nhận được thật là mê tín, dị đoan thiếu thông tin đúng nếu có chút trí tuệ xin hãy tạm dừng…
Tệ hại nhất là tin thầy bói nhiều kẻ có bằng tiến sĩ đời mà không có một tí trí tuệ, rất nhiều thầy bói nổi tiếng nếu biết được tương lai thì năm 1975 đã không phải đi ở tù…
Hay hiện tại biết được thị trường chứng khoán lên xuống thì khỏi phải làm thầy bói.
Những ngày giỗ là để nhớ tới công ơn của cha mẹ ông bà và những người đã mất, điều tốt nhất nên làm đó là bố thí cho những kẻ khuyến tật nghèo khổ. Rồi hồi hướng phước đã làm đến những người đã mất.

Hãy thay đổi lối nhìn… hiện nay thế kỷ của thời hiện đại.