Sunday, May 14, 2023

TỨ NIỆM XỨ.

 


TỨ NIỆM XỨ.

 

Có bốn đối tượng của Niệm: Thân, Thọ (cảm giác), Tâm (ý tưởng), và Pháp (đối tượng của ý), và đối với mỗi đối tượng ấy, ta phải hành Niệm một cách khách quan. Bất cứ là đối tượng nào của Niệm, quý vị phải nhìn chỉ đối tượng ấy mà thôi.

 

"Khi trông thấy vật gì, chỉ nên thấy vật ấy mà thôi.

Khi nghe tiếng gì, chỉ nên nghe tiếng ấy mà thôi.

Khi có một ý tưởng nào, chỉ nên nhận thức ý tưởng ấy mà thôi.

Khi có sự hiểu biết nào, chỉ nên nhận thức sự hiểu biết ấy mà thôi".

 

Khi đối tượng của Niệm là một tiếng động thì phải chỉ có tiếng động ấy mà thôi, chứ không nên có những ý nghĩ và cảm kích nào tạo ra. Khi ta nghe một việc gì cũng vậy, chỉ nên nghe việc ấy mà thôi. Ðối với ba cách Niệm kia quý vị cũng nên giữ một thái độ tinh thần như thế.

 

Giờ đây ta mới thấy sự quan trọng của lối nhìn sự vật một cách khách quan. Mỗi khi cái gì đến ta, ta không nên để nó ảnh hưởng đến ta. Ta chỉ nhìn nó một cách thật khách quan. Cái gì đến ta có thể là thấy, hoặc nghe, hoặc mùi, hoặc vị, hoặc cảm giác, hoặc một ý tưởng.

 

Khi một "đối tượng" phát sinh. Đó là những gì đến với ta trên đường đời và nếu ta nhìn những việc ấy một cách khách quan, thay vì để nó chế ngự ta, thì ta sẽ trải qua cuộc đời đúng đắn, không lầm lạc. Hiện nay thế gian đang khổ vì không quan sát đúng những "sự việc gặp gỡ" ấy. Trước những "sự việc gặp gỡ" ấy ta hồi tưởng lại bao nhiêu là phản ứng của ta đối với nó trong quá khứ, bao nhiêu là khuynh hướng của ta trong hiện tại, rồi ta vội vàng hành động. Như vậy là điên cuồng. Ta cứ để cho hình ảnh thật tự nó in vào đầy đủ trong tâm thức ta. Trái lại, hiện nay ta không chịu chờ có một hiểu biết đầy đủ nào về "sự việc gặp gỡ" đó. Những nét sơ thiển của nó đủ ảnh hưởng ta và khiến ta vội vàng hành động.

 

Thí dụ, quý vị thử xem một điều gọi là ác. Quý vị nên nhìn nó một cách khách quan, thay vì để những phản ứng thường tình do nó gây nên xen vào trong tâm thức quý vị. Quý vị hãy cố gắng đạt hết ý nghĩa của cảnh tượng ấy. Hãy vô tư, hãy thành thật, hãy bình tĩnh xem. Hãy nhìn nó cho lâu, đừng để cho những dục vọng, những cảm kích, những quan niệm mà cảnh tượng ấy có thể gợi lên trong tâm thức quý vị, làm xao xuyến quý vị. Ðừng kết luận, cũng đừng ước đoán. Cứ chỉ nhìn, nhìn một cách khách quan, thì chắc chắn rằng bộ mặt giả dối bên ngoài của điều xấu sẽ mất đi và quý vị sẽ không bị sai lầm. Cái bề ngoài dễ thương của mọi điều ác quyến rũ một số không ít những người nhẹ dạ, không nghi ngờ gì cả, nhưng sẽ biến mất trước cái nhìn chăm chăm, không lay chuyển của người quan sát khách quan. Và người này sẽ thấy vạn vật dưới ánh sáng thật của nó. Quý vị sẽ thấy vạn vật đúng chân tướng của nó và một khi quý vị thấy vạn vật đúng theo chân tướng của nó thì quý vị không còn là nạn nhân của si mê nữa.

 

Trong đời sống hàng ngày ở thế giới bận rộn ngày nay cũng còn có cơ hội cho quý vị trở về với sự yên lặng của Tâm và hành "Niệm" đôi chút.

 

Có người cho rằng ngồi yên, không động đậy tay chân đến cả nửa giờ, dù có ngồi trên một chiếc ghế êm đi nữa, cũng rất là khó.

 

Quý vị hãy nhìn chung quanh quý vị mà xem. Quý vị sẽ thấy toàn là sự động cả; và sự động sẽ đem ta đến náo động. Tất cả những cảm giác về yên tĩnh đều mất hết, và khi sự yên tĩnh mất đi rồi thì Tâm ta mất hẳn quân bình của nó. Sự yên tĩnh là bước đầu trên con đường đi đến tâm thần thanh tịnh và tráng kiện. Rõ ràng hiện nay con người thiếu hẳn sự yên tĩnh. Một bữa nào đó quý vị thử làm một lần xem: Quý vị bỏ chỗ náo nhiệt, đi tìm một nơi nào yên tĩnh đoạn ngồi lại đó. Trong lúc Tâm đang bị chao, ngồi yên như vậy quý vị sẽ cảm thấy nó được vô cùng thơ thới. Như thế không những làm cho thân quý vị được an mà Tâm quý vị cũng nhờ đó mà lắng xuống, yên tĩnh, vững vàng. Tịnh được như vậy không khác nào Tâm ta được một liều thuốc bổ và chỉ trong một phút yên tĩnh ngắn ngủi như vậy, quý vị cũng đủ cảm thấy phần nào như quý vị thức tỉnh trong tâm trạng an lành và vững chắc.

Ðời sống hiện tại làm cho ta hàng phút phải động luôn luôn, muôn nghìn hoạt động tấp nập xoay chuyển chúng ta, chúng ta sống trong hoàn cảnh lo âu bấn loạn, căng thẳng: Ðó là bao nhiêu lý do làm cho ta phí sức rất nhiều. Vậy thì, trong một dịp nào đó, quý vị thử ngồi yên, chỉ một chút thôi, quý vị sẽ thấy tâm lực của quý vị được bảo tồn nguyên vẹn.

 

Đó là lý do sư hay khuyến khích quý vị hãy ngồi để nhìn từng đối tượng và chiêm nghiệm nó.

 

Niệm đầu tiên là Niệm Thân chỉ cần biết nó trong oai nghi nào: đi, đứng, ngồi hay nằm.

Niệm thứ nhì, là Niệm Thọ: Ðây cũng thế, hành giả phải nhìn đối tượng một cách khách quan. Hành giả không nên đồng nhất mình với loại Thọ mình cảm nhận. Thọ thì có Lạc Thọ, Khổ Thọ và Xả Thọ, và đối với mỗi loại Thọ ấy ta chỉ nên cảm thấy nó mà thôi. Một người đau đớn về thể xác thường hay đồng nhất mình với cảm giác đau đớn ấy, đồng nhất chặt chẽ đến đổi mình không thể xem nó một cách vô tư. Ta coi sự đau đớn là quan trọng nhất. Ta bị nó đè nén nặng nề. Ðối với một Lạc Thọ cũng thế. Niệm Thọ giúp ta tách ra khỏi thân ta và xem những cảm giác với đôi mắt vô tư của người bàng quan.

Vì hiện tại quý vị đang hành pháp niệm tâm.

Loại niệm thứ ba là Niệm Tâm):. Cũng như hành giả phải khách quan mà xem những tác dụng của Thọ trong thân thể mình, thì đây hành giả cũng phải khách quan mà xem những tác dụng của tư tưởng trong Tâm mình. Ta rất có lợi mà nhìn Tâm một cách khách quan. Có phải là hàng ngày ta luôn luôn tiếp xúc với trăm ngàn "khách khứa" (tư tưởng xảy đến cho ta) không? Ðúng vậy. Mỗi ngày trăm ngàn tư tưởng nhập vào Tâm ta. Ðiều này thành một thường lệ, vì ta xem những tư tưởng đến viếng Tâm ta là một sự kiện dĩ nhiên. Mỗi tư tưởng phát sinh ra đều ảnh hưởng ta hoặc một cách tốt đẹp hoặc một cách xấu xa.

 

Tuy nhiên, tư tưởng sau có thể sửa đổi ảnh hưởng của tư tưởng trước. Một tư tưởng Sân chẳng hạn, có tác dụng tai hại đối với Tâm ta và chí đến Thân ta nữa; nhưng nếu tư tưởng liền kế đó lại là một tư tưởng có tính chất trái ngược hoặc một tư tưởng ăn năn chẳng hạn, biết mình đã làm quấy, thì tác dụng tai hại của tư tưởng Sân có thể được sửa đổi. Nếu ta tập thành thói quen, nhìn một cách khách quan bất cứ một tư tưởng xấu nào nảy sanh ra, thì ta có thể chận đứng được dễ dàng sự tiến triển của tư tưởng xấu ấy.

 

Thực hành Niệm tâm có nghĩa là đào luyện thành thói quen lối nhìn một tư tưởng thật khách quan, chứ không chủ quan, và nhận thức rõ rệt sự hiện diện của nó. Không một tư tưởng nào được vào Tâm ta mà ta không hay biết rõ ràng. Chừng ấy ta mới khỏi bị tư tưởng sai khiến. Khi một tư tưởng Sân nổi lên, ta phải hoàn toàn hay biết và tự nhủ: "Hãy coi chừng, một tư tưởng sân đã vào Tâm ta rồi". Tự quan sát như thế đem lại kết quả tinh vi: Tư tưởng Sân mất tánh cách cưỡng bách của nó. Nó đã kiệt sức và không thể phát biểu ra ngoài bằng một hành động Sân. Phương pháp nhìn một cách khách quan bất cứ tư tưởng nào làm cho hành giả tránh khỏi ảnh hưởng tai hại của nó. Mỗi khi một tư tưởng xấu vào Tâm hành giả thì như người gác cửa soát vé  (niệm) đang canh phòng liền xé vé mà thôi "người khách" đến ấy và báo cho hành giả biết để cảnh giác; chừng ấy hành giả có thể khiến một tư tưởng có tánh chất trái ngược đến làm cho tư tưởng xấu kia vô năng, vô hiệu.

 

Nhìn vào Tâm mình không phải luôn luôn là một chuyện dễ. Con người thường hay tránh việc nhìn thẳng thắn vào Tâm mình bởi vì, nếu nhìn rõ Tâm mà hay biết được tư tưởng xấu xa thầm kín, điều ấy sẽ phá vỡ cái thành kiến tốt đẹp mà mình sẵn có đối với chính mình. Thực hành niệm tâm không gián đoạn sẽ giúp hành giả thấu hiểu rằng những tư tưởng của mình không phải là mình. Hành giả sẽ không đồng nhất mình với tư tưởng. Hành giả sẽ chứng được rằng, cũng như thân này, Tâm đây cũng chẳng phải là một thực thể, mà là một phối hợp tạm thời của những sự vật nhất thời. Sự phối hợp tạm thời ấy cho ta cái ảo tưởng rằng có một thực thể trường tồn. Những thành phần phối hợp là vô thường và phải chịu biến chuyển như thế nào, thì vật được thành phần ấy phối hợp cũng vô thường và cũng phải chịu sự biến chuyển như thế ấy. Cũng như xác thân chỉ là sự phối hợp của tóc, thịt, móng, răng, toàn là những vật phải bị hoại diệt, thì Tâm cũng chỉ là sự phối hợp, hoặc nói cho đúng hơn, là sự kế tiếp của những tư tưởng mà tất cả đều hiện ra chỉ để rồi biến mất.

 

Tâm ví như dòng nước chảy. Dòng tư tưởng tạo ra cái ảo tưởng rằng có thực thể Tâm. Ví như những giọt nước kế tiếp nhau rớt xuống thật nhanh cho ta cảm tưởng rằng có một đường nước chảy. Những tư tưởng cũng thế, nó nối nhau nhanh chóng cho đến đỗi ta lầm tưởng rằng có một thực thể gọi là Tâm. Chỉ nhờ thực hành (niệm tâm), ta mới thấy được rằng bản chất của tư tưởng là vô ngã và tư tưởng đều là những hiện tượng rõ ràng là nhất thời. Nó đến rồi đi, nó hiện ra rồi biến mất. Như thế hành giả đã chứng ngộ sự sinh diệt của tư tưởng. Vậy, đối với tư tưởng, hành giả cũng không thấy có gì làm nền tảng đúng lý cho quan niệm "Tôi" hoặc "Của Tôi". Không thể nói "Tôi Tư Tưởng", nhưng phải nói "Có Sự Tư Tưởng". Trong những sự tiến triển nhất thời ấy, không có một thực thể trường tồn nào có lợi cho ta bám níu hoặc đáng cho ta bám níu. Hành giả không tùy thuộc nơi nào cả, không bám níu gì cả trên thế gian này. Hành giả thấy được sự sinh diệt của vạn vật. Hành giả đã đạt đến một tầng cao hơn, và Niết Bàn nằm trên con đường ấy.

 

* * *

 

Giờ đây chúng ta nói đến loại Niệm cuối cùng, khác hẳn với các loại Niệm đã kể trên, là Niệm Pháp. Danh từ (PHÁP) đây có một nghĩa rất đặc biệt. Nó có nghĩa là "thành phần của tư tưởng" hoặc "đối tượng của Tâm", và nó đặc biệt ám chỉ Năm Chướng Ngại: Tham dục, thù hận, hôn trầm thùy miên, phóng dật hối tiếc và hoài nghi); Ngũ Uẩn; Lục căn; Thất Giác Chi và Tứ Diệu Ðế. Ðó là những (PHÁP) được đề cập trong Tứ Niệm Xứ Kinh.

 

Nhờ sự kinh nghiệm hàng ngày, hành giả biết quan sát những " PHÁP" ấy (đối tượng đặc biệt của Tâm). Hành giả phải chú ý đến những pháp đó nếu nó đã phát sinh trong tâm mình, và nếu nó không có phát sinh trong Tâm mình, hành giả cũng phải hay biết rằng nó không có phát sinh trong Tâm mình. Ðiều quan trọng không phải là sự hiểu biết những " PHÁP" đó bằng lý thuyết. Ta phải "HIỂU" nó và thấu rõ nó khi nó phát sinh.

 

Như về Năm Chướng Ngại chẳng hạn, ta không nên chỉ biết bằng lý thuyết rằng nó là những điều cản trở cho sự tiến bộ của ta trên con đường tu luyện, mà việc chánh yếu là ta phải coi chừng cẩn thận, hễ nó phát sinh trong Tâm ta là ta phải hay biết liền. Cùng thế ấy, mỗi khi một chân lý phát hiện trong Tâm hành giả, như Khổ Ðế chẳng hạn, hành giả phải hay biết nó ngay. Lối hành thiền này vừa là một liều thuốc giải độc cho những tư tưởng xấu, vừa là một sự chuẩn bị đón tiếp những Chân Lý trong Phật Pháp. Như vậy tất cả những kinh nghiệm hàng ngày của hành giả được đem ra đối chiếu và chứng y với những giáo điều trong Phật Pháp ở một điểm nào đó. Quán tưởng như thế về đối tượng của Tâm khi nó phát sinh, hành giả một lần nữa thấy rằng không có một thực thể trường tồn nào có lợi cho ta bám níu hoặc đáng cho ta bám níu. Hành giả không tùy thuộc gì cả, không bám níu gì cả. Lần nữa hành giả đạt đến một tầng cao hơn, và Niết Bàn nằm trên con đường ấy.

 

* * *