Sunday, May 14, 2023

16 TRẠNG THÁI TÂM

 


16 TRẠNG THÁI TÂM

 

Hôm nay sư giới thiệu đến quý vị bài nói đến 16 trạng thái tâm khác nhau chúng ta cùng học tập.

 

Trong Kinh Tứ Niệm Xứ này nói đến 16 trạng thái tâm khác nhau mà người Niệm Tâm nên biết như sau:

“Này các tỳ kheo, thế nào là tỳ kheo sống quán tâm trên tâm. Này các tỳ kheo ở đây với

 

Tâm có tham biết rõ tâm có tham, hay với

 

Tâm không tham, biết rõ tâm không tham.

 

Tâm có sân biết rõ tâm có sân.

 

Tâm không sân biết rõ tâm không sân.

 

Tâm có si biết rõ tâm có si.

 

Tâm không si biết rõ tâm không si.

 

Tâm thâu nhiếp biết rõ tâm được thâu nhiếp.

 

Tâm không thâu nhiếp biết rõ không thâu nhiếp.

 

Tâm tán loạn biết rõ tâm bị tán loạn.

 

Tâm quảng đại biết tâm quảng đại.

 

Tâm không quản đại biết tâm không quảng đại.

 

Tâm có hữu hạn biết tâm có hữu hạn.

 

Tâm vô thường biết tâm vô thường.

 

Tâm có định biết tâm có định. Tâm không định biết tâm không định.

 

Tâm giải thoát biết rõ tâm có giải thoát.

 

Tâm không giải thoát biết rõ tâm không giải thoát.

 

Như vậy vị ấy sống quán tâm trên nội tâm, quán tâm trên ngoại tâm hay sống quán tánh sanh khởi trên tâm. Sống quán tánh diệt tận trên tâm. Sống quán tánh sanh diệt trên tâm. Có tâm đây vị ấy sống an trú tỉnh thức như vậy với hy vọng hướng đến chánh trí, tỉnh thức. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các tỳ kheo, vậy các vị tỳ kheo sống quán tâm trên tâm.”

 

Vậy trong bài kinh này nói đến 16 loại tâm. Tâm có tham, tâm không tham, tâm có sân, tâm không sân, tâm có si, tâm không si, tâm thâu nhiếp, tâm không thâu nhiếp, tâm tán loạn, tâm quảng đại, tâm không quảng đại, tâm hữu hạn, tâm vô thường, tâm có định, tâm không có định, tâm giải thoát, và tâm không giải thoát. Như vậy trong phần niệm tâm này, có 16 tâm được nhắc đến. Khi chúng ta nhìn vào tâm của mình, quan sát tâm của mình. Mình tham thì biết tham.

Khi có tham, chỉ cần biết là tâm có tham. Mình không cần phải chỉ trích gì hết. Khi mình tự chỉ trích tại sao tôi lại có tham như thế này thì đã có sân rồi. Như vậy là đổi tham lấy sân. Như vậy có đáng để mình đổi chác không? Không đáng chút nào. Người có tu sẽ không đổi tham lấy sân. Không đổi cái này lấy cái kia. Mà có cái gì thì biết cái đó. Cái đó là thực tế. Họ biết thực tế cái gì đang hiện diện là cái đó đang hiện diện.

 

Khi quan sát tâm thì nên có lối nhìn trung dung.

Vì nếu không có một cái nhìn trung dung, cái nhìn bình thản như thế với mọi hiện tượng đang sanh khởi thì chúng ta không có trí tuệ được. Chúng ta bị cuốn vào đó thì không thể có trí tuệ được. Chúng ta phản ứng với nó thì chúng ta không có trí tuệ được. Có tham thì biết là có tham. Không tham thì biết là không tham. Đừng tự lừa dối mình khi đang có lại nói không, không lại nói có. Như vậy là không có tuệ tri, không có hiểu rõ.

Có tham thì biết mình có tham, có sân thì biết mình có sân. Chỉ đơn giản như vậy thôi. Một con người mạnh mẽ là con người biết sống thật với cảm xúc của mình, biết sống thật với những cái mà mình đang có.

 

Bây giờ chúng ta phải biết có tham thì biết tâm có tham, tâm có sân thì biết tâm có sân.

 

Rồi khi tâm không sân thì biết tâm không sân. Tâm không sân thì nó mát mẻ, nguội lạnh, dễ chịu hơn. Khi tâm có sân nó không dễ chịu một chút nào hết. Tâm có sân thường đi với thọ khổ còn tâm có tham thường đi với thọ lạc. Nó nguy hiểm là như vậy. Nó là thọ lạc nên mình cứ thích thú chìm đắm trong nó, ít khi mình đi ra được. Thọ lạc này đôi khi chỉ là nhận thức đảo ngược.

 

Đến phần quán tâm này, mình chỉ cần có cái gì mình biết cái đó và mình chỉ dừng lại ở cái biết đó thôi. Không đi xa hơn cái biết đó. Không cố gắng làm gì hết. Chỉ biết mà thôi. Tâm không sân biết tâm không sân. Tâm có si biết tâm có si. Tâm si thì khó nhận biết. Vì si thường là chả biết gì hết. Chỉ khi có thực tập rồi thì mới biết tâm có si hay không có si. Còn người không thực tập thì không thể nào biết được.

 

Tâm si là tâm không biết sự thật như nó đang là mà đắm chìm vào sự thật mà nó tưởng tượng ra.

 

Tâm không si thì biết tâm không si. Khi chúng ta thấy khổ và biết nguyên nhân của khổ, khổ có thể được chấm dứt. Và khi ta thấy con đường để chấm dứt khổ thì đó gọi là tâm không có si.

 

Sau tâm si là tâm thâu nhiếp. Tâm thâu nhiếp thì biết tâm thâu nhiếp. Ở đây chữ thâu nhiếp nghĩa là tâm co lại. Do sợ hãi. Do không dám tìm hiểu thêm đến những cái mà nó chưa biết. Không dám khám phá. Nó giới hạn nó trong một mặt nào đó. Nó không dám đi xa ra khỏi những gì nằm trong phạm vi của nó.

 

Tiếp theo là tâm bị giới hạn và tâm bị phân tán. Tâm phân tán thì dễ biết vì thời đại của chúng ta bây giờ dễ bị phân tán tâm lắm. Còn bây giờ có quá nhiều trò chơi không ai thích nghe pháp nữa vì để tâm phân tán. Họ thích tâm bị phân tán vì tâm phân tán này làm cho họ cảm thấy không phải đối diện với sự thật. Vì đối diện với sự thật không dễ chịu lắm, họ cảm thấy không dễ chịu. Cho nên họ không thích đối diện với sự thật. Họ thích sự phân tán này.

 

Tiếp theo là những tâm thiền. Là tâm rộng lớn. Thường tâm có thiền tập, đạt đến định rồi thì mới đi đến chỗ rộng lớn. Tâm có thiền tập thì được gọi là tâm có phát triển, tâm đã phát triển.

 

Có một tâm mình biết nữa là tâm có cao thượng. Tâm có cao thượng thì biết là mình có tâm cao thượng. Tâm như thế nào thì được gọi là cao thượng và không? Tâm không cao thượng là tâm bám chấp vào những cái gì của mình. Tâm ở trong từ, bi, hỉ, xả thì gọi là tâm cao thượng. Thường tình thương bình thường là tình thương có điều kiện. Còn tình thương trong tâm từ là tình thương vô điều kiện. Họ như thế nào thì mình thương họ như vậy. Mình không có phân biệt nữa thì đó là tâm cao thượng. Còn mình có phân biệt thì là tâm không cao thượng.

 

Và đó là tâm cao thượng thì biết tâm cao thượng. Tâm vượt trội thì biết là tâm vượt trội.

 

Thỉnh thoảng tâm có định, mình biết tâm có định. Khi không có định mình biết tâm không có định. Chỉ cần biết như vậy là đủ rồi. Tâm giải thoát thì biết tâm giải thoát, tâm không giải thoát thì biết là không giải thoát. Và đó là 16 tâm thông dụng nhất hay biểu hiện nhất. Thỉnh thoảng chúng ta vẫn có tâm giải thoát. Nhờ thiền tập tâm có những giây bình an, tĩnh lặng từng chút một hãy tiếp tục phát triển, chúng ta có sự giải thoát chứ không hoàn toàn bị đắm chìm trong sanh tử luân hồi. Phải nhận ra điều đó và để cho điều đó được kinh nghiệm thường xuyên hơn. Và nhiều giây giải thoát hơn thì cuộc đời của chúng ta an lạc, nhẹ nhàng hơn. Không thực tập nên tâm không bình an thì cuộc đời ta nặng nề, khổ sở hơn. Chất lượng cuộc sống của chúng ta phụ thuộc vào bao nhiêu tâm giải thoát mà chúng ta có, bao nhiêu tâm cao thượng mà chúng ta có, bao nhiêu tâm định tĩnh mà chúng ta có, hay bao nhiêu tâm tham, tâm sân, tâm si mà chúng ta có.

 

Vậy chính 16 tâm này là những đầu mối của cuộc sống đã sanh nghiệp. Mà cuộc đời của chúng ta được sanh ra bị ảnh hưởng bởi nghiệp rất lớn và chính 16 tâm này sanh thêm nghiệp. Những yếu tố này tạo ra nghiệp thường xuyên trong tâm mà chúng ta không hề nhận biết cái tạo ra nghiệp nằm ở đâu.

 

Cho nên thiền tập trong đạo Phật, điều đầu tiên phải là nhận biết tâm. Việc thứ hai là phải thay đổi những tương tác, những pháp để tạo ra những tâm khác nhau thì mình mới thay đổi được cái dòng của tâm.

 

Thay đổi được dòng tâm thì mới thay đổi được dòng nghiệp lực. Giờ ta đã biết nguyên tắc căn bản của tu tâm dưỡng tánh rồi. Tánh chỉ là sản phẩm của tâm. Tâm được huân tập theo kiểu nào thì tánh sẽ biểu hiện ra kiểu đó. Muốn thay đổi tánh thì ta phải quay lại tâm, xem xét tâm mình đang hướng về phía nào, có gì trong đó, thành phần là như thế nào.

Bây giờ mình nhận biết tâm của mình có những thành phần, biểu hiện, như vậy mà không tìm cách thay đổi, trốn tránh nó. Chỉ đối diện với nó như nó đang là. Và để có khả năng nhận biết, đối diện với nó thì cũng phải có thực hành rồi mới làm được chuyện này.

 

Đó là lý do vì sao thiền giả nên trau dồi kiến thức trong 37 phẩm trợ đạo hay những yếu tố để giác ngộ, tứ niệm xứ là một trong những pháp đầu tiên – những pháp căn bản nhất. Đây là những viên gạch nền tảng để trí tuệ sanh khởi. Không có nó trí tuệ không sanh khởi được. Nó cực kỳ quan trọng. Có được nó, ta mới vững vàng. Không có nó ta không vững vàng.

 

 CHÚ TÂM VÀO TÂM THỨC

 

            "Vậy người thiền giả phải làm thế nào để chú tâm vào tâm thức bên trong tâm thức? Đấy là trường hợp khi tâm thức có một dục vọng (passion/sự đam mê, thèm khát, ham muốn) thì người thiền giả ý thức minh bạch là trong tâm thức có một dục vọng. Khi tâm thức không có dục vọng nào thì người tỳ kheo cũng ý thức minh bạch là trong tâm thức không có dục vọng nào. Khi tâm thức có sự ghét bỏ (thù ghét, ác cảm) thì người tỳ kheo ý thức minh bạch là trong tâm thức có sự ghét bỏ. Khi tâm thức không có sự ghét bỏ nào thì người thiền giả cũng ý thức minh bạch là trong tâm thức không có sự ghét bỏ nào. Khi tâm thức có một ảo tưởng (ảo giác, ảo ảnh, sự tưởng tượng) thì người thiền giả ý thức minh bạch là trong tâm thức có một ảo tưởng. Khi tâm thức không có ảo tưởng nào thì người thiền giả cũng ý thức minh bạch là trong tâm thức không có ảo tưởng nào (đó là cách ý thức được hai khía cạnh "tinh khiết" và "ô nhiễm" của tâm thức).

 

            "Khi tâm thức bực bội (gò bó, khó chịu, bứt rứt,) thì người thiền giả ý thức minh bạch là tâm thức bực bội. Khi tâm thức phân tán (bung ra, phân tán hay trải rộng) thì người thiền giả ý thức minh bạch là tâm thức phân tán. Khi tâm thức không phân tán thì người thiền giả cũng ý thức minh bạch là tâm thức không phân tán. Khi tâm thức bị tràn ngập (choáng ngợp, mất định hướng,) thì người thiền giả ý thức minh bạch là tâm thức bị tràn ngập. Khi tâm thức tập trung (giữ được sự chú tâm, vững chắc, vững vàng) thì người thiền giả ý thức minh bạch là tâm thức giữ được sự tập trung. Khi tâm thức không tập trung thì người tỳ kheo cũng ý thức minh bạch là tâm thức không giữ được sự tập trung. Khi tâm thức cởi mở (không vướng mắc, có nghĩa là thoát khỏi các ý nghĩ chật hẹp) thì người tỳ kheo ý thức được tâm thức cởi mở. Khi tâm thức không cởi mở thì người tỳ kheo cũng ý thức minh bạch là tâm thức không cởi mở.

 

            "Đấy là cách mà người tỳ kheo chú tâm vào tâm thức bên trong tâm thức, hoặc các thể dạng bên ngoài tâm thức (chẳng hạn như các thể dạng: bực bội, mở rộng, khép kín, v.v., không phải là tâm thức nhưng vẫn là tâm thức thuộc vào tâm thức) nhưng vẫn thuộc vào tâm thức bên trong tâm thức, hoặc cả hai tức vừa bên trong và cả các thể dạng bên ngoài tâm thức nhưng vẫn thuộc vào tâm thức từ bên trong tâm thức. Hoặc người thiền giả cũng có thể chú tâm vào các hiện tượng phát sinh liên quan đến tâm thức, hoặc các hiện tượng tan biến liên quan đến tâm thức, hoặc cả hai tức vừa là các hiện tượng phát sinh vừa là các hiện tượng tan biến liên quan đến tâm thức (ý thức được bản chất vô thường của những gì hiện lên trong tâm thức). Hoặc người thiền giả cũng có thể duy trì sự chú tâm tỉnh giác là 'Có một tâm thức' cho đến khi nào đạt đưọc sự hiểu biết và ghi nhận được điều đó (ý thức minh bạch quả đúng là "có" một tâm thức, nhưng không cảm nhận tâm thức ấy là "tôi" hay "của tôi", hay "cái ngã" cùa mình). Và người thiền giả luôn giữ được sự tự do (trong lãnh vực tâm thức), không dựa vào (nắm bắt hay căn cứ vào) bất cứ gì trong thế giới. Đấy là cách mà người thiền giả chú tâm vào tâm thức bên trong tâm thức.  

 

(Trên đây cho thấy tâm thức là một giác quan, và các đối tượng cảm nhận của nó là: dục vọng, sự ghét bỏ, các ảo tưởng, sự bực bội, cởi mở, tập trung, xao lãng, hoang mang... Tâm thức cảm nhận được những thứ ấy qua sự tiếp xúc giữa nó và các đối tượng của nó, nhưng nó cũng có thể nhận biết được các đối tượng ấy của nó hiện ra như thế nào và sau đó sẽ tan biến như thế nào. Thí dụ đối với các cảm giác khác: nếu chạm tay vào một vật gì đó thì đấy là một sự cảm nhận của xúc giác, thế nhưng khi co tay lại thì sự cảm nhận đó chấm dứt, khi một âm thanh lọt vào tai thì đó là một sự cảm nhận thính giác, nếu sau âm thanh là sự im lặng thì đấy là sự chấm dứt của cảm nhận thính giác.

 

Phần trên chỉ là lý thuyết và giờ đây hãy săn tay áo lên bước vào phần thực tập.

 

Bất cứ khi nào tiếp xúc với đối tượng, việc đầu tiên cần làm là kiểm tra tỉnh thức đã có mặt hay chưa. Trong việc quan sát, chánh tư duy hay thái độ chân chánh cần phải đi đầu. Hãy học cách duy trì tỉnh thức và sự ổn định của tâm trong cuộc sống thường ngày.

Nếu thấy được rõ ràng sự khác biệt to lớn phẩm chất tâm khi có tỉnh thức và khi không có tỉnh thức, bạn tự động muốn duy trì tỉnh thức ngày càng nhiều hơn.

Hãy ghi nhớ mục đích của thiền minh sát không phải là để giải thoát bạn khỏi những gì đang xảy ra mà để giúp bạn hiểu được cái đang xảy ra.

Trong suốt cả ngày cho dù có ở công sở hay không, hãy tạo thói quen kiểm tra loại cảm xúc phản ứng nào có mặt trong tâm mình khi tiếp xúc với mọi người.

Mỗi khi thích hay không thích khởi sinh tâm sẽ không chỉ đơn thuần ghi nhận mà nó cần tự hỏi tại sao thích hoặc không thích khởi sinh. Nó sẽ nhận thấy rằng tự bản thân đối tượng không phải là xấu hay đẹp, tích cực hay tiêu cực mà do sự đánh giá hay định kiến tạo ra đối tượng như vậy.

Khi phát hiện thấy có sự đánh giá, bạn cần phải tìm hiểu xem: việc đánh giá này dựa trên trí tuệ hay tâm si. Nếu do tâm si, tâm sẽ phản ứng cùng với tham hoặc sân. Nếu do trí tuệ, tâm sẽ quan sát đối tượng như nó đang hiện có và sẽ không có phản ứng, không có việc thích hay không thích.

 

Hãy duy trì việc quan sát tiến trình, khi bị mất hoặc khi thiết lập được tỉnh thức và học hỏi từ đó.

Đối tượng quan sát có thể rất đơn giản và trực tiếp, nhưng tuệ giác có được từ sự quan sát đó thì có thể rất sâu.

Chức năng của tỉnh thức là ghi nhận mọi hiện tượng xảy ra trong tâm. Trí tuệ sẽ quyết định các vấn đề cần được xử lý.

Bạn cần quan sát lập đi lập lại nhiều lần cùng một vấn đề nhưng dưới nhiều góc độ, khía cạnh khác nhau.

Hiểu biết cái gì đang xảy ra sẽ đem lại sự bình an tĩnh lặng cho tâm.

Hãy cố gắng ghi nhận sự khác biệt về mức độ tinh tấn cần thiết để duy trì tỉnh thức trong các tư thế khác nhau. Khi bạn đi thiền hành, tâm khá bận rộn và ghi nhận nhiều đối tượng khác nhau. Khi ngồi thiền tâm ít phải làm việc hơn, do vậy bạn cần học cách điều chỉnh để duy trì sự tỉnh thức trong tư thế này.

Thực hành giống như một người bệnh không phải là đi thật chậm, mà tâm lúc này không còn muốn làm bất kỳ điều gì, chỉ quan sát một cách thụ động và chấp nhận mọi thứ xảy ra.

Tâm bị buồn ngủ do không có sự thích thú quan sát.

Phẩm chất tâm khi bạn rơi vào giấc ngủ cũng là phẩm chất tâm khi bạn thức dậy. Hãy duy trì phẩm chất tâm của bạn trong suốt cả ngày.

Không có gì cũ cả, mọi khoảnh khắc đều hoàn toàn tươi mới. Cái bạn ghi nhận ngay bây giờ cũng chính là sự ghi nhận lần đầu tiên.

Lui lại quan sát bạn sẽ thấy tiến trình ghi nhận đang thực sự xảy ra một cách tự nhiên.

 

Đừng quan sát đối tượng hay kinh nghiệm đang xảy ra, HÃY QUAN SÁT CÁI TÂM ĐANG GHI NHẬN ĐỐI TƯỢNG HAY KINH NGHIỆM ĐÓ.

Có một sự khác biệt giữa việc hoàn toàn chú tâm vào một hoạt động và việc thoải mái ghi nhận hành động đang xảy ra.

 

Liệu bạn có nhận thấy mình có thể nghe mặc dù không cần lắng nghe và thấy cái đang xảy ra mặc dù không cần chú tâm nhìn? Chỉ khi không làm bất kỳ hành động nào chúng ta mới thấy được sự thay đổi, và không làm chủ được. Với việc luôn kiểm tra thái độ của mình, bạn sẽ tạo được thói quen cho phép mình ghi nhận trạng thái tâm mà bạn đang có. Khi thành thục quan sát tâm, bạn sẽ thấy toàn bộ bức tranh, chẳng hạn như các thái độ, đối tượng, cảm xúc và bất kỳ những thay đổi nào xảy ra.

 

Tỉnh thức thấy được các khái niệm, còn sự hiểu biết hay trí tuệ sẽ biết được thực tại. Khi tỉnh thức đã thuần thục bạn không cần làm bất kỳ điều gì cả. Tâm biết cái gì cần phải làm. Khi có tỉnh thức liên tục đi cùng với thái độ chân chánh thì định sẽ phát triển một cách tự nhiên.

 

Một suy nghĩ biến đi mất do bạn tập trung quan sát quá mức thì sẽ không có sự hiểu biết. Suy nghĩ chỉ dừng lại nhưng bạn không thấy được lý do tại sao, khi trí tuệ hiểu vấn đề nó sẽ nói cho bạn biết.

Đừng cố gắng làm bất kỳ điều gì cả, thậm chí cũng đừng cố gắng hành thiền.

Đừng cố gắng loại bỏ ham muốn hãy ghi nhận sự có mặt của nó.

Hãy ghi nhận tiến trình của cảm thọ mà không quá tập trung vào cảm giác khổ, lạc hay trung tính.

Cảm giác thoái mái là khi không còn kỳ vọng và lo âu.

Khi không có sự hiểu biết thì luôn có kháng cự hay đối kháng đối với sự khó chịu.

Nếu phát hiện đang sân, đừng suy nghĩ thêm về bất kỳ điều gì khác (nếu không nó chỉ liên quan tới đối tượng sân mà thôi). Hãy nhẹ nhàng quan sát cơn sân một cách liên tục. Khi xử lý cảm xúc bạn có thể tự hỏi mình bốn câu hỏi: Khi có cảm xúc này, nó làm cho thân và tâm tôi tốt lên hay xấu đi? Nó làm cho tôi thoái mái hay khó chịu?

 “Cảm xúc này ra làm sao, nó tiến triển thế nào?”

 “Tại sao tôi có cảm xúc này?”

Nếu bạn thấy mình phản ứng quá mạnh, hãy ghi nhận nó và chuyển sang một đối tượng trung lập, ví dụ như hơi thở hay cảm thọ trên thân. Khi tâm trở nên định tĩnh, hãy trở lại quan sát kinh nghiệm xảy ra.

 

Đăng Tịnh viết:

“Một con người mạnh mẽ là con người biết sống thật với cảm xúc của mình, biết sống thật với những cái mà mình đang có…. Mỗi khi thích hay không thích khởi sinh tâm sẽ không chỉ đơn thuần ghi nhận mà nó cần tự hỏi tại sao thích hoặc không thích khởi sinh. Nó sẽ nhận thấy rằng tự bản thân đối tượng không phải là xấu hay đẹp, tích cực hay tiêu cực mà do sự đánh giá hay định kiến tạo ra đối tượng như vậy.

Khi phát hiện thấy có sự đánh giá, bạn cần phải tìm hiểu xem: việc đánh giá này dựa trên trí tuệ hay tâm si. Nếu do tâm si, tâm sẽ phản ứng cùng với tham hoặc sân. Nếu do trí tuệ, tâm sẽ quan sát đối tượng như nó đang hiện có và sẽ không có phản ứng, không có việc thích hay không thích…. Đừng cố gắng làm bất kỳ điều gì cả, thậm chí cũng đừng cố gắng hành thiền.”