Sunday, May 14, 2023

TỪ, BI, HỶ, XẢ.

 



TỪ, BI, HỶ, XẢ.

 

Hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu về cách tu tập bốn Phạm trú:

 

1. Từ (mettā)

2. Bi (Karuṇā)

3. Hỷ (muditā)

4. Xả (upekkhā)

 

TỨ VÔ LƯỢNG TÂM, là "bốn trạng thái tâm thức vô lượng", còn được gọi là Tứ phạm trú, "bốn cách an trú trong cõi Phạm" hay gọi là Tứ vô lượng tâm và gọi tắt là Từ, bi, hỷ, xả. Là thuật ngữ chỉ một phép thiền định, trong đó hành giả tạo điều kiện cho bốn tâm thức cao thượng phát sinh. Bốn tâm vô lượng là:

 

Từ vô lượng

Bi vô lượng

Hỉ vô lượng

Xả vô lượng

Bốn tâm này đối trị bốn phiền não là sân hận, ganh tị, buồn bực và tham muốn. Thực hành Tứ vô lượng, thiền giả sẽ tái sinh tại cõi Thiên (deva).

 

Phật Thích-Ca Mâu-Ni giảng về phép thiền định này như sau:

 

"Có bốn vô lượng. Hỡi các, một người tràn đầy tâm từ (bi, hỉ, xả) sẽ phóng tâm đó đi một phương, hai phương, ba phương, bốn phương, rồi phía trên, phía dưới, xung quanh mình. Người đó phóng tâm đi khắp thế giới, chiếu rọi khắp nơi với tâm từ (bi, hỉ, xả), tâm thức vô lượng vắng bóng sân hận và phiền não."

 

TỪ VÔ LƯỢNG

Còn gọi là Tâm từ, từ tâm, lòng từ trầm tĩnh trìu mến dễ chịu phản nghĩa là sân hận. Tình yêu vô bờ bến nhưng không phải là tình yêu trai gái mà lại to lớn đồng đều dành cho tất cả chúng sinh vạn vật chứ không vị kỷ đối tượng, là cái gì làm cho lòng ta êm dịu mát hay tâm trạng của người bạn tốt, là chân thành ước mong tất cả bá tánh đều sống thật sự an lành hạnh phúc. " Chân Thiện Mỹ " "thiện" là thiện cảm thiện chí thành ý đối cả ác cảm ác ý thành kiến.

 

Tu tập tâm từ

Như vậy, để đồng hóa mình với mọi người theo cách này, và làm cho tâm dịu dàng, thân ái, trước tiên hành giả phải tu tập tâm từ đối với chính mình với ý nghĩ như sau:

 

1. Cầu mong cho tôi thoát khỏi hiểm nguy

2. Cầu mong cho tôi thoát khỏi khổ tâm

3. Cầu mong cho tôi thoát khỏi khổ thân

4. Cầu mong cho tôi được an vui, hạnh phúc

 

Khởi đầu bằng việc tu tập tâm từ cho chính mình? Thực sự nó không đắc được dù chỉ là cận định, nhưng vì khi hành giả đã tu tập tâm từ cho bản thân mình, với ý nghĩ "Cầu mong cho tôi được an vui", rồi hành giả mới có thể đồng hóa mình với mọi người; để thấy rằng nếu ta muốn được an vui, không muốn đau khổ, muốn được sống lâu, không muốn chết như thế nào, thì những người khác cũng muốn được an vui, không muốn khổ, muốn được sống lâu, không muốn chết như thế ấy.

 

Nếu tâm chúng ta dịu dàng, nhân ái, hiểu biết, và có sự đồng cảm đối với tha nhân, chúng ta sẽ tu tập tâm từ đến người khác không mấy khó khăn. Vì vậy, tâm từ mà hành giả tu tập cho bản thân mình được mạnh mẽ và có năng lực thật là quan trọng. Một khi tâm hành giả đã trở nên dịu dàng, nhân ái, hiểu biết và có sự đồng cảm đối với tha nhân, lúc ấy hành giả có thể tu tập tâm từ đối với họ.

 

Làm thế nào để phá bỏ ranh giới

 

Khi hành giả tu tập tâm từ liên tục như vậy, hành giả sẽ thấy rằng tâm từ của mình đối với những người mình kính mến, và những người thân thiết trở nên bằng nhau, và hành giả có thể xem họ như một, tức như chỉ là người mình thích. Lúc đó hành giả sẽ chỉ còn bốn loại người này:

 

1. Bản thân.

2. Người hành giả thích.

3. Người hành giả không ưa không ghét.

4. Người hành giả oán ghét.

 

Hành giả cần tu tập tâm từ liên tục đối với bốn loại người này, cho tới khi tâm từ đối với họ trở nên quân bình, không có sự phân biệt. Mặc dù hành giả không thể đắc thiền tâm từ với chính bản thân mình làm đối tượng, song vẫn cần phải kể chung vào đấy để quân bình bốn loại.

 

"Này các Thiền giả, khi từ tâm giải thoát được trau dồi, được tu tập, được thực hành, được làm thành cỗ xe, được làm thành nền tảng, đựơc an trú, được củng cố, và thọ trì đúng cách, thời mười một lợi ích có thể trông đợi. Thế nào là mười một? (1) Người ấy ngủ an lạc; (2) thức an lạc; (3) không ác mộng; (4) được loài người thân ái (5); các hàng phi nhân thân ái; (6) chư thiên bảo hộ; (7) không bị lửa, thuốc độc, binh khí xúc chạm; (8) tâm dễ đắc định; (9) sắc mặt trong sáng; (10) lúc chết không rối loạn; và (11) nếu không đắc cao hơn, người ấy sẽ tái sanh Phạm Thiên giới."

 

BI VÔ LƯỢNG

 

Bi là sự thương xót cảm thông vô hạn là liều thuốc chữa chứng bệnh hung bạo độc ác. Định nghĩa là động lực làm cho tâm người tốt rung động trước sự đau khổ của kẻ khác, hay là cái gì thoa dịu niềm khổ đau của người khác, là hy vọng sẽ giúp chúng sinh thoát khỏi đau khổ.

 

Tu tập tâm bi

Một khi hành giả đã tu tập tâm từ như vừa mô tả ở trên được rồi thì việc tu tập phạm trú Bi vô lượng sẽ không khó. Để tu tập tâm bi, trước hết hành giả phải chọn một người cùng phái với mình đang chịu đau khổ. Hành giả phải làm khơi dậy lòng bi mẫn đối với họ bằng cách suy xét đến nỗi khổ đau mà họ đang gánh chịu.

 

Hành giả tu tập tâm bi đối với người đang đau khổ đó với ý nghĩ:  

"Cầu mong con người hiền thiện này thoát khỏi khổ đau".

Đọc trong tâm vậy nhiều lần, lập đi lập lại cho tới khi hành giả thuần thục.

 

Sau đó, hành giả sẽ tu tập tâm bi như đã làm với tâm từ, đó là, tu tập cho bản thân, cho một người hành giả thích, một người hành giả không thích cũng không ghét, và một người hành giả oán ghét, cho tới khi các ranh giới được phá bỏ.

 

Muốn tu tập tâm bi đối với những chúng sanh không có phương diện đau khổ nào rõ ràng cả, hành giả phải suy tư trên sự kiện rằng mọi chúng sanh chưa giác ngộ đều phải cảm thọ những kết quả của điều ác mà họ đã làm trong quá trình lang thang qua vòng từ sanh luân hồi, vì vậy có lúc phải tái sanh trong bốn ác đạo (địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh và atula). Hơn nữa, mọi chúng sanh đều đáng thương tâm, vì họ chắc chắn không thoát khỏi cái khổ của già, đau và chết.

 

Sau khi suy xét như vậy, hành giả cũng tu tập tâm bi như đã tu tập tâm từ, tức là tu tập tâm bi đối với chính bản thân mình và hai loại người thông thường cho tới khi các ranh giới được phá bỏ.

 

HỈ VÔ LƯỢNG

 

Là tâm hoan hỷ, vui thích với hạnh phúc của người khác, trước sự thành công của một chúng sinh. Là một trạng thái bình tĩnh và hạnh phúc của tâm. Tâm Hỷ đối nghịch ưu phiền não có chiều hướng loại trừ lòng ganh tỵ, đố kỵ.

 

Tu tập tâm hỷ

Muốn tu tập tâm Hỷ vô lượng hay Hỷ phạm trú, hành giả phải chọn một người cùng phái với mình và đang hạnh phúc, người mà hình ảnh của họ làm cho hành giả sung sướng, và người mà hành giả rất thích được thân thiện với họ.

 

Và tu tập tâm hỷ đến người đang hạnh phúc ấy với ý nghĩ:

"Cầu mong con người hiền thiện này không phải xa lìa những thành công y đã đạt được".

Lập đi lập lại như vậy nhiều lần cho đến hành giả thuần thục.

Kế tiếp hành giả tu tập thiền tâm hỷ cho chính bản thân mình và ba loại người thông thường cho tới khi các ranh giới đã được phá bỏ. Cuối cùng hành giả tu tập tâm hỷ đối với tất cả chúng sanh trong vũ trụ vô biên.

 

XẢ VÔ LƯỢNG

Lòng buông xả, không câu chấp bám chặt vào bắt cứ điều gì. Là từ bỏ tham lam ích kỷ, vị kỷ, coi mình là trung tâm. Tâm xả bình thản trước sự coi thường, phỉ báng, nguyền rủa là có chánh niệm và chánh định, thản nhiên trước sự tráo trở của tình người vì biết vọng tâm này luôn biến đổi, đời là bể khổ mà vẫn ung dung không bận lòng trước hoàn cảnh thuận nghịch vì biết mọi hiện tượng luôn chuyển biến theo quá trình hoạn diệt hoặc suy luận vô tư, tức không luyến ái cũng không lãnh đạm không ưa thích cũng không bất mãn không vui quá mà cũng không u sầu, vinh nhục tim không động.

 

Tu tập tâm xả

Sau đó chọn một người cùng phái với hành giả và còn sống, đối với người này hành giả không thương cũng không ghét (có thái độ dửng dưng), và tu tập tâm từ, bi và hỷ đến họ. Rồi suy xét đến những bất lợi của ba phạm trú (từ, bi, hỷ) đó, nghĩa là thấy chúng gần với lòng thương yêu, với ưa và ghét, với hãnh diện và mừng vui. Sau đó suy xét đến y cứ trên xả là an tịnh hơn. Rồi hành giả tu tập tâm xả đối với người mình không ưa không ghét ấy với ý nghĩ:

 "Con người hiền thiện này là kẻ thừa tự của nghiệp riêng của y.

Lập đi lập lại điều này nhiều lần cho tới khi hành giả thuần thục.

Cuối cùng tu tập tâm xả vô lượng này tới tất cả chúng sanh trong vũ trụ vô biên.

 

Đến đây hoàn tất việc tu tập Bốn phạm trú hay Tứ Vô Lượng Tâm.

Sở dĩ gọi là "Bốn Thiền Bảo Hộ" vì chúng bảo vệ cho người hành thiền (thiền giả) khỏi các loại hiểm nguy.

Chính vì lý do này mà việc học và tu tập chúng trước khi tiến hành tu tập thiền Minh Sát (vipassanā) là điều đáng phải làm.

 

Khi các chúng sanh ấy được thấy rõ ràng rồi, hành giả có thể tu tập tâm từ đến họ theo năm phạm trù không nêu rõ, và bảy phạm trù có nêu rõ, tổng cộng là mười hai. Ở mỗi phạm trù hành giả nên rải tâm từ theo bốn cách:

 

1. Cầu mong họ thoát khỏi hiểm nguy

2. Cầu mong họ thoát khỏi khổ tâm

3. Cầu mong họ thoát khỏi khổ thân

4. Cầu mong họ được an vui, hạnh phúc...

 

"Họ" ở đây là một trong mười hai phạm trù đã kể, như tất cả chúng sanh, tất cả chư thiên v... Như vậy hành giả sẽ rải tâm từ tổng cộng bốn mươi tám cách [(7+5)4)=48].

 

Nếu thiền giả muốn tu tập đầy đủ niệm tâm từ khi thành thạo rồi, hành giả có thể tiến hành sang phạm trù mười hướng.

 

Tu tập Phạm Trù Theo Mười Hướng

 

Các phạm trù rải tâm từ theo mười hướng bao gồm bốn mươi tám phạm trù đã bàn đến trước đó ở mỗi trong mười hướng.

Hành giả phải thấy tất cả chúng sanh trong toàn thể vũ trụ vô biên theo hướng Đông của hành giả, và mở rộng tâm từ đến họ theo bốn mươi tám cách. Rồi cũng làm y vậy đối với hướng Tây của hành giả và các hướng khác.

 

Điều này đưa tổng số lên bốn trăm tám mươi cách mở rộng tâm từ (10x48=480). Nếu thêm bốn mươi tám phạm trù biến mãn tâm từ ban đầu vào, chúng ta có năm trăm hai mươi tám cách mở rộng tâm từ (480+48=528).

 

Khi hành giả thuần thục năm trăm hai mươi tám cách rải tâm từ này, hành giả sẽ kinh nghiệm mười một lợi ích của việc hành tâm từ mà đức Phật đã dạy trong Kinh Tăng Chi (Anguttara Nikāya).

 

Cầu mong cho người hiền thiện được an vui hạnh phúc.

 

Sư tóm tắt lại những gì ngài Thiền sư Pa-Auk Tawya Sayadaw (U Acinna) hướng dẫn, nếu thực tập đầy đủ có 528 đề mục nên sư chỉ hướng dẫn quý vị vài đề mục vừa đủ dùng cho việc hỗ trợ thiền minh sát.