Tuesday, November 1, 2016

HƯỚNG DẪN THIỀN NIỆM HƠI THỞ (Buổi thứ 24 – Chủ Nhật 02/8/2009) Dâng cúng cốc liêu:



CHÙA TAM BẢO
323 Phan Chu Trinh
Mùa An cư - Phật Lịch 2553 (Dương Lịch 2009)
HƯỚNG DẪN THIỀN NIỆM HƠI THỞ (Buổi thứ 24 – Chủ Nhật 02/8/2009)
Do Ngài Hoà Thượng Pháp Sư - Đại Thiền Sư ASHIN KOVIDA
Thiền Lâm Viện Pa-Auk - Tiểu Bang Mon – Mawlamyine – Myanmar.

Câu hỏi 64:  Bạch Ngài xin cho chúng con biết về Phước báu của những người dâng cúng đất đai, cốc liêu, trú xứ đến cho Tăng chúng có nơi tu hành?  

Trả lời:  

Dâng cúng cốc liêu: “Tena samayena buddho bhagavā rājagahe viharati veḷuvane kalandaka nivāpe” (Cūḷavagga senāsanakkhandhāka)

Một thuở Đức Thế Tôn ngự tại Vương Xá thành, ở khu rừng trúc Veḷuvana, chổ nuôi dưỡng các con sóc, một ông đại phú hộ trong thành Vương Xá đã dâng cúng 60 cái cốc đến cho chư Tăng đang an cư tại đó. Đức Thế Tôn bèn thuyết một thời Pháp để tuỳ hỷ Phước thiện của vị đại phú hộ ấy.

Nên nhớ trước thời điểm đó, Đức Phật vẫn chưa cho phép các vị tỳ kheo ở cốc liêu, trú xá: “Tena kho pana samayena – khi ấy, Bhagavā – Đức Thế Tôn, bhikkhunaṃ đến Chư Tỷ kheo, senasanaṃ - cốc liêu, trú xá, appaññattaṃ - chưa chế định, chưa cho phép, hoti – là. Vì chưa hội đủ nhân duyên (có người thưa thỉnh).

Khi Đức Phật vừa xong Hạ đầu tiên, nhóm 5 vị Tỳ kheo (nhóm Koṇḍaññā), và nhóm vương tử Yasa tất cả là 60 vị Tỷ kheo, đã chia ra khắp các nẻo đường để hoằng dương Chánh Pháp. Nhóm nhóm đạo sĩ Uruvelakassapa gồm 1000 vị muốn xuất gia tỷ kheo được Đức Phật giáo hoá cũng đã đến Vương Xá Thành. Đức vua Bimbisara cùng tuỳ tùng hơn 1000 vị sau khi rời khỏi kinh thành thì gặp được Đức Phật cùng với 1000 vị Tỷ kheo. Đức Phật sau khi thuyết pháp xong, Đức Vua Bimbisara chứng đắc đạo quả đầu tiên, quả vị Thánh Nhập Lưu (Sotapanna). Vua hân hoan phấn khởi dâng cúng vườn ngự uyểnVeḷuvana như một trú xứ đến Đức Phật và Tăng Chúng, đánh dấu “nơi cắm rễ phát triển Giáo Pháp đầu tiên” khiến địa đại phải rúng động chào mừng.

Để nói lời tuỳ hỷ đến Đức Vua nhân sự kiện dâng cúng trú xứ là khu vườn ngự uyểnVeḷuvana của vua, Đức Phật thuyết Bài Pháp gồm 10 bài Kệ. Rồi Đức Phật đã cho phép những vị độc cư thiền định trong khu vườn ấy được ở trong những cốc liêu, trú xá do những nam nữ thí chủ dâng cúng. Còn trước đây thì chưa. Trước đây khi chưa được sự ban hành thành điều luật, các vị Tỷ kheo của chúng ta đã sống như thế nào?


Arañña              = ở rừng rậm
Rukkhamūla       = dưới cội cây
Pabbata             = ở trên núi
Kandara            = ở sườn núi
Girigūha            = ở đỉnh núi
Sussāna            = ở nghĩa địa
Vanapatta          = ở cánh rừng thưa
Ajjhokāsa           = đồng trống
Palālapuñja                = đụn rơm


Các vị Tỷ kheo tuỳ theo đề mục của mỗi vị mà cùng nỗ lực hành thiền với nhau trong an lạc ở những nơi như vậy đấy. Mỗi khi rời khỏi trú xứ để đi vào làng khất thực, các vị đi trong chậm rãi chánh niệm, oai nghi thật là trang nghiêm cung kính, mắt nhìn thẳng, khi đi tới đi lui, khi nhìn trước nhìn sau, nhất cử nhất động, vị ấy đều chánh niệm ghi nhận. Các vị sống trong sự phòng hộ các căn thanh tịnh.

Trong thành Vương Xá bấy giờ có một phú hộ khi đi đến khu vườn Veḷuvana nhìn thấy nơi cư ngụ của các vị Tỷ kheo. Và như vậy chứng kiến được những cử chỉ trang nghiêm thanh tịnh của quý ngài bèn khởi lòng tôn kính. Ông tiến lại gần bạch hỏi:

Sacāhaṃ bhante vihāre kārāpeyyaṃ vaseyyāta me vihāresu.”
Bhante: Bạch quý Ngài – ahaṃ: con – vihāra: cốc liêu – sace kārāpeyyaṃ: thực sự con muốn làm – evaṃsati: nếu làm đem dâng cúng – me: của con – vihāresu: trong các cốc đó – vaseyyātha: (quý ngài) sẽ ở, sẽ ngự.

Dịch nghĩa: “Bạch quý Ngài, nếu con dựng cốc dâng cúng, quý Ngài sẽ ở trong những cốc (con làm) chứ?”

Rồi các vị Tỳ kheo ấy nói: “Này ông thiện nam, Đức Phật chưa cho phép thọ nhận cốc liêu. Ông hãy đến thưa với Đức Phật thử xem!”

Rồi ông thiện nam thưa: “Tenahi bhante bhagavantaṃ paṭipucchitvā mama āroceyyātha.

Bhante:  Bạch quý Ngài – Bhagavantaṃ: Đức Thế Tôn - paṭipucchitvā: sau khi xin phép – mama: con – āroceyyātha: con sẽ thuật lại.

Dịch nghĩa: “Bạch quý Ngài, sau khi Đức Thế Tôn cho phép xong, con sẽ thuật lại cho quý Ngài rõ ạ”.

“Được rồi” - Quý Ngài nói.
Ông Thiện Nam phú hộ ấy đi đến Đức Phật thưa chuyện.

Rồi Đức Thế Tôn Ngài bằng lòng nói: “Anujānāmi, bhikkhave pañca leṇāni vihāraṃ aḍḍhayogaṃ pāsādaṃ hammiyaṃ gūha”nti

Bhikkhave: Này chư Tỳ kheo - vihāraṃ: cốc 2 mái, cốc 4 mái… - aḍḍhuyogaṃ: cốc 1 mái - pāsādaṃ: cốc nhiều mái – hammiyaṃ: cốc mái bằng - gūhaṃ: hang động – iti: như vậy – pañca leṇāni: năm loại cốc liêu để cư ngụ - anujānāmi: Như Lai cho phép.

Dịch nghĩa: Này chư Tỳ Kheo, để các cận sự nam, cận sự nữ có thể tăng trưởng được thiện pháp, và để chư vị Tỷ Kheo có thể ngự trong an lạc, Giáo Pháp được trường thịnh, được cung kính trong tương lai. Như Lai cho phép năm loại trú ngụ: cốc 1 mái, cốc 2 mái, cốc 4 mái, cốc nhiều mái, cốc mái bằng, hang động…

Đó chính là lời ban bố của Đức Thế Tôn đối với các vị Tỷ kheo có thể được thọ nhận cốc liêu dâng cúng và được phép cư ngự ở cốc liêu. Ngài đồng ý cho các vị nam nữ thí chủ dâng cúng cốc liêu đến Tăng Chúng.

Vị Thiện nam phú hộ sau khi được phép của Đức Phật liền thuật lại cho các vị Tỳ kheo ở Rajagaha hay tin. Rồi chỉ trong vòng một ngày, ông lập tức cất 60 cái cốc đến cho các Ngài ấy. Các cốc ấy không lớn lắm, chỉ vừa đủ cho một vị cư ngụ để thực hành các Niệm Xứ. Khi 60 cái cốc ấy vừa cất xong, ông Phú hộ liền thỉnh mời Đức Phật cùng Tăng chúng đến nhà dâng cơm nước.

Sau khi dâng cơm nước xong, ông bạch Đức Phật: “Ete, me, bhante saṭṭhivihārā puññatthikena saggatthikena kārāpitā. Kathāhaṃ, bhante, tesu vihāresu paṭipajjāmi.”

me: con - bhante: Bạch Đức Thế Tôn - Etesaṭṭhivihārā: 60 cái cốc ấy - puññatthikena: con muốn có được Phước Thiện - saggatthikena: con muốn được phúc lạc Thiên Giới - kārāpitā: Đã được xây nên - kathāhaṃ: (kathā + ahaṃ: con) - bhante: Đức Thế tôn - tesu vihāresu: trong 60 cốc đó - kathaṃ paṭipajjāmi: làm như thế nào.

Dịch nghĩa: “Bạch Đức Thế Tôn, nay 60 cái cốc đã làm xong, vì mong muốn phước báu cõi trời, được sinh về cõi trời mà con dâng cúng, con nên làm thế nào để có thể dâng cúng các cốc liêu ấy? Dâng cúng xong con phải tiếp tục làm gì?”

Kathaṃ paṭipajjāmi: Làm như thế nào – (ở đây có nghĩa là con nên nhận trách nhiệm như thế nào? Làm thế nào để thực hành Pháp? Con có lời thỉnh cầu Ngài.” Ông thưa như vậy.

Đức Thế Tôn: “Tena hi, tvaṃ, gahapati te saṭṭhivihāre āgatānāgatassa catuddisassa saṅghassa patiṭṭhāpehi
Tena hi = Nếu những cốc ấy đã xong - tvaṃ = ông - gahapati: này ông phú hộ - tesaṭṭhi vihāre = 60 cái cốc ấy - āgatānāgatassa = đã đến và sẽ đến - catuddisassa = có 4 hướng - saṅghassa = Tăng chúng - patiṭṭhāpehi = nên dâng cúng

Dịch nghĩa: “Những cốc liêu ông đã cất xong, ông nên dâng cúng đến tứ phương Tăng đã đến và sẽ đến (Tăng trong hiện tại và vị lai). Hãy chọn Tăng Chúng mà cúng dường như tài sản của Tăng chúng, không chọn riêng biệt một ai cả.

Rồi Ngài đã thuyết 5 bài kệ nói lời tuỳ hỷ tán dương:

(Kệ số 1) Sītaṃ uṇhaṃ paṭihanti, tato vāḷamigānica
Sarīsapeca makase, Sisire cāpi uṭṭhiyo

Vihāro: Cốc liêu - uṇhaṃ: nóng - Paṭihanti: ngăn che, nóng - Tato: lại nữa - vāḷamigānica: các động vật (cũng như) - sarīsapeca ngăn ngừa rắn - makaseva: muỗi mòng - sisire va: sương, tuyết, lạnh, mưa.

Cốc liêu là nơi ngăn che nóng lạnh, nơi ngăn chặn những loại nguy hiểm từ thú dữ, trùng độc, muỗi mòng. Ngăn che thời tiết khắc nghiệt. Những kết quả tốt đẹp, những vị tỷ kheo được lợi ích rồi, sadisaṃ pākaṃ janeti  - thì các vị thí chủ cúng dường cũng có được quả lành tương tự: Tránh được những hiểm nguy từ thời tiết, mưa, gió, từ các loài trùng độc, rắn, hổ…, những quấy rầy từ các loài muỗi mòng… những nguy hiểm từ thiên nhiên….

(Kệ số 2) Tato vātātapo ghore, sañjāto paṭihaññati
leṇatthañca sukhatthañca jhāyituṃca vipassituṃ


Tato: bên ngoài - Vātātapo: nắng to, gió lớn - ghoro: thô tháo - sañjāto: xảy ra, xuất hiện - paṭihaññati: ngăn cản - leṇatthañca: đi vào, xâm nhập - sukhatthañca: để thân tâm được thoải mái - jhāyituṃca: hầu để Nhập được thiền - vipassituṃ: có thể hành pháp quán minh.


Dịch nghĩa: Ngăn chặn được sự xâm nhập của sức nóng mặt trời, những cơn gió lớn. Cốc liêu là nơi để đem lại sự an lạc thân tâm, cho sự an lành và yên tỉnh để thực hành Thiền Định - Thiền Tuệ.


Về phía Chư Tăng an trú, càng nhiều vị có thể nhập thiền, hành các nghiệp xứ, Thiền Định, thiền Tuệ và chứng đắc Đạo Tuệ và Quả Tuệ chừng nào thì về phía những nam nữ thí chủ có thể dễ dàng, an lạc, nhanh chóng chứng đạt thiền, Định-Tuệ, Đạo Tuệ-Quả Tuệ và Niết Bàn chừng ấy.

Điều nầy rất quan trọng. Đây được gọi là “sukhapaṭipadā khippābhiññā” (đạt được an lạc nhanh chóng). Người nghe xong một thời Pháp thì chứng đắc những Pháp đặc biệt, có những vị chỉ đắc Đạo Quả Alahán trong khi mới có 7 tuổi, vị ấy không phải nổ lực hành một cách mệt mỏi, khó khăn gì cả. Vị ấy đạt được Đạo Quả một cách dễ dàng, nhanh chóng. Đấy là lợi ích thù thắng của việc bố thí cốc liêu đến Tăng chúng vậy.

(Kệ số 3) “Vihāradānaṃ saṅghassa, aggaṃ bhuddhena vaṇṇitaṃ,
 tasmāhi paṇḍito poso sampassaṃ attamattano.”

Vihāradānaṃ: Cúng dường cốc liêu - saṅghassa: đến Tăng chúng - aggaṃ: thù thắng nhất - bhuddhena: Bởi Như Lai -vaṇṇitaṃ: sự tán dương - tasmāhi: vì thế là loại cúng dường thù thắng nhất - paṇḍito: người trí, là người có tuệ quán được nhân duyên - poso: những người (chủ ngữ) - sampassaṃ: mong đợi, mong muốn - attamattano: của mình - atthi: quả - Ramme: tâm tư an lạc - Vihāre: các cốc liêu - Kāraye: cất, dựng cúng dường.

Dịch nghĩa: Việc cúng dường liêu thất đến Tăng chúng là sự cúng dường thù thắng được Như Lai tán dương. Vì sự cúng dường thù thắng mà những thí chủ, những người trí, đạt được kết quả là sự an lạc mong muốn.

Điều này chính Đức Phật ngài động viên, khuyến khích vì cúng dường trú xứ, cốc liêu là bố thí cúng dường rất thù thắng nên Đức Phật tán dương khuyến khích vậy.

Đức Phật đã thuyết trong bài kinh Kiṃ dadasutta (Bài Kinh Cho Gì – kèm dưới đây)  
‘‘So ca sabbadado hoti, yo dadāti upassayaṃ;
Amataṃ dado ca so hoti, yo dhammamanusāsatī’’ti.
Yo: Người nào - Upassayaṃ: người đang nương nhờ ở những trú xứ, cốc liêu - Dadāti: Dâng cúng - So ca: Những người ấy - Sabbadado: gọi là cho tất cả.

Nếu Bố thí cơm nước, nghĩa là cho sức khoẻ
Nếu Bố thí y phục, nghĩa là cho hình sắc, dung mạo
Nếu Bố thí phương tiện (dép, sự đi lại bằng xe…) nghĩa là cho sự an vui
Nếu Bố thí đèn đuốc, nghĩa là cho mắt.
Nếu Bố thí trú xá, cốc liêu, nghĩa là bố thí tất cả thứ trên.

Vì thế gọi bố thí cốc liêu là bố thí tất cả (sabbadada).

II. Cho Gì? Một vị Thiên đến hỏi Đức Thế Tôn: (Tạp 36.6 Vân hà đại đắc, Ðại 2,261b) (Biệt Tạp 8.4, Ðại 2,526b) (S.i,32)

Cho gì là cho lực?
Cho gì là cho sắc?
Cho gì là cho lạc?
Cho gì là cho mắt?
Cho gì cho tất cả?
Xin đáp điều con hỏi?




(Thế Tôn):
Cho ăn là cho lực,
Cho mặc là cho sắc,
Cho xe là cho lạc,
Cho đèn là cho mắt.
Ai cho chỗ trú xứ,
Vị ấy cho tất cả,
Ai giảng dạy Chánh pháp,
Vị ấy cho bất tử.

                                                                (HT Thích Minh Châu dịch Việt)

Dâng cúng trú xá xong rồi, Đức Thế Tôn còn hướng dẫn những nhiệm vụ cần phải được thực hiện:

(Kệ số 4) Vihāre kāraye ramme, Vasayatte bahussute
Tesaṃ annañca pānañca, Vattasenāsanānica
Dadeyya ujubhūtesu, Vippassannena cetasā

Ettha: những cốc liêu đã được hoàn thành này - Vihāre kāraye ramme - Vasayatte (vāsaye: có thể cư ngụ) - Bahussute: Những vị tỳ kheo có sự nghe nhiều thấy nhiều (vị có Tuệ) - Tesaṃ: Những vị ngự trong các cốc đó - Annañca: cơm (và) - Pānañca: nước (và) - Vattasenāsanānica: vật dụng như y phục, chỗ ngủ, tấm trãi - Dadeyya: nên cúng dường - Ujubhūtesu: những vị ngay thẳng, chân thực thiện tâm - Vippassannena: những vị đáng cung kính, những vị đã thanh tịnh - Cetasā: với tâm ý.

Sau khi đã dâng cúng cốc liêu xong:
1.   Mời những vị Tỷ kheo có trí tuệ, học nhiều hiểu rộng (có Pháp học, pháp Hành, có giới hạnh) đến ngự trong cốc đó.

2.   Cơm, nước, y phục, cốc liêu, thuốc men:
Cần hổ trợ hộ độ bố thí 4 món vật dụng.

3.   Dâng cúng bằng tín tâm trong sạch, và niềm hoan hỷ. Khi đã dâng cúng xong, vị ấy không phải thành người thí chủ một lần, mà nên thành người hộ độ cho trú xá đó.

Mời những vị Tỷ kheo có trí tuệ, học nhiều hiểu rộng (có Pháp học, pháp Hành, có giới hạnh) đến ngự trong cốc đó. Những vị ấy sẽ thuyết Pháp đoạn diệt tất cả những khổ đau. Nghe những Pháp ấy xong vị ấy biết được tất cả lậu hoặc chấm dứt, ngay trong kiếp hiện tại, vị ấy biết rõ tất cả những khổ đau đã chấm dứt. Đây là quả báu của việc dâng cúng trú xá:
   

(Kệ số 5) Te tassa dhammaṃ desenti, Sabbadukkhāpanūdanaṃ
    Yaṃ so dhammaṃ idhaññāya, Parinibbāti anāsavo

Te: Những vị Tỷ kheo ngự tại cốc đó - Tassa: Những vị thí chủ cốc ấy - dhammaṃ: Pháp - desenti: sẽ thuyết - Sabbadukkhāpanūdanaṃ: đoạn diệt tất cả khổ đau - Yaṃ: Pháp ấy - Sutvā: được lắng nghe xong - So: Vị thí chủ ấy - dhammaṃ: Tứ Diệu đế - idhaññāya: (idha:trong kiếp hiện tại + aññāya: biết) - Parinibbāti: tất cả khổ đau đều chấm dứt - Anāsavo: Thoát khỏi mọi lậu hoặc.


Chúng ngăn ngừa nóng lạnh
và các loài thú dữ,
các loài rắn, muỗi mòng,
luôn các cơn mưa lạnh (từ nơi ấy).
Cơn gió nóng dữ dội
sanh lên bị dội lại (từ nơi ấy).
Sự bố thí trú xá
đến hội chúng để hành
thiền định và minh sát
đem lại sự nương náu
đem lại sự an lạc
đã được chư Phật Đà
ngợi khen là tối thắng.
Vì thế người trí tuệ
thấy lợi ích cho mình
cho xây trú xá đẹp
để các bậc đa văn
có thể ngụ nơi ấy.
Nên cúng dường cơm nước
y áo, chỗ trú ngụ
đến các chân tu ấy
có tâm tư thanh tịnh.
Đến người, các vị thuyết
pháp xua mọi khổ đau
người thấy pháp đời này
không còn ô nhiễm nữa
và chứng ngộ Niết Bàn.


Sau khi tùy hỷ bằng những lời kệ ấy, đức Thế Tôn đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.

                (Đoạn 5 bài kệ trên - Tỳ Kheo Nguyệt Thiên dịch từ Pāḷi – Tiểu Phẩm)

Phước báu của việc dâng cúng trú xứ, cốc liêu,
Tránh được nguy hiểm thiên nhiên: nóng, lạnh, côn trùng, thú dữ
Được ở trú xứ an lạc, vị ấy nhập thiền dễ dàng,
và đạt được các Đạo Tuệ - Quả Tuệ
Bố thí cốc liêu quả thù thắng,
Đức Thế Tôn Ngài hằng tán dương
    Người thí trú xá, cốc liêu là bố thí tất cả
Phước lành hằng sanh trưởng ngày đêm
Khi lắng nghe Pháp thì tất cả những khổ đau đều yên lặng
Nhờ thấy được Pháp mà tất cả sầu bi khổ ưu não đều tiêu tan.
Người ấy chứng ngộ Pháp thù thắng là Niết Bàn an lạc tối thượng.

(Ngài Mahasi đã ghi lai thành kệ - dịch ý)

+ Thêm nữa, việc cúng dường cốc liêu có 10 quả lành:

- Được thọ hưởng đền đài, cung điện bằng vàng ở trong thiên giới.
- Không có sự lo âu, sợ hãi giật mình.
- Tránh được nhiều rủi ro và tai hại, không thấy ác mộng, chỉ có những mộng lành.
- Sinh về kiếp sau có trí nhớ biết được kiếp trước.
- Được sinh luân lưu trong hai cõi trời người.
- Được thọ hưởng nhiều phước lành như ý muốn.
- Những loại thú dữ: Sư tử, cọp beo, ma quái… không hãm hại được.
- Những loại rồng, dạ xoa, những chư thần xấu không hãm hại được.
- Người luôn có tâm trí tỉnh giác sáng suốt không bao giờ điên loạn.
- Kiếp cuối cùng chứng đắc đạo quả A la hán.
Tóm tắt lại thành kệ dễ ghi nhớ về 10 Phước Báu:

Người được hưởng cung vàng thiên giới
Không lo âu hay sợ hãi giật mình
có trí nhớ biết được các tiền kiếp
có phước lành trong hai cõi Nhân Thiên
Có phước báu trổ sanh như ý nguyện
Không bị hại bởi beo cọp, yêu ma
các loài rồng, chư thần không hãm hại
Niệm tỉnh giác bén nhạy không điên loạn
Phước lành cuối chứng quả Alahán.

+Mức độ thù thắng của việc bố thí cốc liêu trú xứ còn được đề cập trong bài kinh Dakkhiṇavibhaṅgasutta (Kinh Phân Tích Cúng Dường) 
        Chúng ta có rất nhiều loại bố thí (dāna). Liên quan đến vấn đề các loại bố thí, Đức Phật cũng đã thuyết giảng về quả lành của bố thí theo từng bước. Trong bài kinh Dakkhiṇāvibhaṅgasutta, (Bài kinh Phân tích cúng dường):

+ Nếu bố thí cho 1 con vật, có quả lành trong 100 kiếp,
+ Nếu bố thí cho 1 người không có giới, 5 giới không đầy đủ, được kết quả trong 1000 kiếp.
+ Nếu bố thí cho 1 người có giới (sīlavanta), được kết quả trong 100.000 kiếp.
+ Vào thời có hay không có giáo Pháp thịnh hành, Nếu bố thí cho 1 người đã đắc Thiền có thần thông (nghĩa là người ấy vừa có giới hạnh thanh tịnh lại đắc thiền cùng thần thông), được kết quả 1 A-tăng-kỳ kiếp).

Trong thời Giáo Pháp được lưu truyền, những người thọ trì Tam Quy, những người thọ trì 5 giới, những vị Tỳ kheo đang nỗ lực hành thiền, quả lành về mức độ là khác nhau theo thứ tự tăng dần: thánh Sotapanna, Sakadagamī, Anāgamī, Arahanta, Paccekabuddha, Buddha, Chư Tăng.  

+ Bố thí 100 vị Thánh Dự Lưu (Sotapanna) không bằng 1 vị Thánh Nhất Lai (Sakadagami)
+ Bố thí 100 vị Thánh Nhất Lai không bằng bố thí 1 vị Thánh Bất Lai (Anagami)
+ Bố thí 100 vị Thánh Bất Lai không bằng bố thí 1 vị Thánh Alahán (Arahanta)
+ Bố thí 100 vị Alahán không bằng bố thí 1 vị Phật Độc Giác (Paccekabuddha)
+ Bố thí 100 vị Độc Giác Phật không bằng bố thí 1 vị Phật Toàn Giác (Sammāsambuddha)

+ Bố thí 1 vị Phật Toàn Giác không bằng bố thí đến Tăng Chúng và Đức Phật.
+ Bố thí đến Tăng Chúng có Đức Phật không bằng bố thí một trú xá (1 cốc liêu) đến Tăng chúng (tài sản thuộc Tăng Chúng Saṅghikapaccaya)

Vì thế: Trong các sự Bố thí trên, bố thí cốc liêu, trú xứ đến Tăng Chúng như tài sản của Tăng Chúng là sự bố thí có lợi ích lớn nhất, có quả lành thù thắng nhất.

Sādhu!Sādhu!Lành thay.

(Dứt buổi thứ 24)


(Bố thí có liên quan đến VI DIỆU PHÁP xin được trình bày ở bài sau)