Wednesday, November 2, 2016

HƯỚNG DẪN THIỀN NIỆM HƠI THỞ (Buổi thứ 25 – Thứ Tư 04/8/2009) ÂN ĐỨC PHÁP BẢO (HỒNG ÂN PHÁP BẢO) (có 6)



CHÙA TAM BẢO
323 Phan Chu Trinh
Mùa An cư - Phật Lịch 2553 (Dương Lịch 2009)
HƯỚNG DẪN THIỀN NIỆM HƠI THỞ (Buổi thứ 25 – Thứ Tư 04/8/2009)
Do Ngài Hoà Thượng Pháp Sư - Đại Thiền Sư ASHIN KOVIDA
Thiền Lâm Viện Pa-Auk - Tiểu Bang Mon – Mawlamyine – Myanmar.

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa
ÂN ĐỨC PHÁP BẢO (HỒNG ÂN PHÁP BẢO) (có 6)

Svākkhato (1) Bhagavata Dhammo, Saṅdiṭṭhiko (2), Akāliko (3),
Ehipassiko (4), Opaneyyiko (5), Paccattaṃ veditabbo viññūhi (6)

(01)    * ÂN ĐỨC THỨ NHẤT: Svākkhato (KHÉO THUYẾT)

- Bhagavatā: Đức Thế Tôn

- Dhammo: Đạo Tuệ (4), Quả Tuệ (4), Niết Bàn (1), Pháp Học (1): tổng cộng là 10

- Svākkhato: (Pháp) được Đức Thế Tôn Khéo thuyết cho những người mong đạt được sự an lạc tối thượng (Niết Bàn): Khi tín thành lắng nghe Pháp ấy làm tiêu tan những nhiệt não, nếu hành theo thì được an lạc, và khi thực hành xong rồi thì đạt được sự an lạc tối thượng, đó là sự an lạc của Niết Bàn.

- Svākkhato: Thánh Pháp được Đức Thế Tôn khéo thuyết giảng.
- Svākkhato: Pháp được Đức Thế Tôn khéo thuyết giảng toàn hảo cả 3 chặng: chặng đầu - chặng giữa - chặng cuối.
-Svākkhato: Pháp đem lại sự thành tựu những tất cả những Đức Thiện lành, tránh được những lỗi lầm, Pháp rất rõ ràng trong sáng và thanh tịnh.


(02)    * ÂN ĐỨC THỨ HAI: Saṅdiṭṭhiko (TỰ CHỨNG) (THIẾT THỰC HIỆN TIỀN)

- Saṅdiṭṭhiko = saṅ (saṃ): tự mình + diṭṭhiko (thấy):
Giáo Pháp được thuyết giảng bao nhiêu, mỗi khi đã thực hành rồi thì đạt được cho đến Đạo Tuệ, Quả Tuệ của các bậc Thánh nhân. Hành giả phát sinh đức tin vì tự mình thấy được, tự mình chứng ngộ được Pháp một cách rõ ràng chứ không phải vì tin theo lời người khác nói. (Rõ ràng ở đây có nghĩa là biết mình sẽ không còn tái sinh vào 4 ác đạo nữa (quả vị Thánh Nhập lưu), biết  chỉ còn một kiếp duy nhất (Thánh Nhất Lai),…) (Tự Chứng)
- Saṅdiṭṭhiko: Thực hành Tam học (Giới-Định-Tuệ) có thể cho kết quả an lạc ngay trong đời hiện tại. (Thiết Thực Hiện Tiền)

(03) *  ÂN ĐỨC THỨ BA: Akāliko: (PHI THỜI GIAN) (VƯỢT THỜI GIAN)
(a: phi + kāliko: thời gian)
- Khi mà đã cho Quả thì cho lập tức chứ không phải chờ 5 hay 7 ngày sau gì cả. Đạt được Thánh Đạo thì đạt được ngay tức thì, không chậm trể.

- Là khi chứng được Thánh Đạo thì Thánh Quả lập tức trổ liền theo sau. (Ví dụ: trên lộ trình tâm của một vị hành giả tại thời điểm chứng đắc Đạo - Quả Nhập Lưu:
Bha - na – da – ma – pa – u – nu – go – mag pha  pha  - bha
hoặc:
Bha - na – da – ma – pa – u – nu – go – mag pha  pha  pha  - bha)

*** Viết tắt:
1.      Bha - (Bhavangacitta): Hộ kiếp tâm (viết tắt bha)
2.       Na - Bhavaṅgacalana: Hộ kiếp tâm rung động (viết tắt na)
3.       Da - Bhavaṅgupaccheda: Hộ kiếp tâm bị cắt đứt (viết tắt da)
4.       Ma - Manodvāravajjanacitta: Ý môn hướng tâm (viết tắt ma)
5.       Pa - Parikamma: Chuẩn bị Nhập Lưu Thánh Đạo Tâm sẽ phát sinh (viết tắt pari)
6.       U - Upacāra: Cận Nhập Lưu Thánh Đạo Tâm sẽ phát sinh (viết tắt upa)
7.       Nu - Anuloma: Thuận dòng theo 37 pháp để chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo (viết tắt anu)
8.       Go - Gotrabhu: Chuyển dòng từ phàm nhân sang Thánh Nhân (viết tắt got)
9.       Mag - Sotāpattimaggacitta: Nhập Lưu Thánh Đạo Tâm 1 sát-na tâm (viết tắt mag)
10.     Pha- Sotāpattiphalacitta: Nhập Lưu Thánh Quả Tâm 2-3 sát-na tâm (viết tắt pha)
11.     Bhavaṅgacitta: Hộ kiếp tâm, chấm dứt Nhập Lưu Thánh Đạo lộ trình tâm.

Câu hỏi 65:  Bạch Ngài xin cho chúng con biết thế nào là một trú xứ thích hợp đối với một vị Tỷ Kheo và hành giả?  

Trả lời:   
Pāṭirūpadesavāsaliên quan đến nơi cư trú thích hợp của quý vị Phật tử, là những nơi mà quý vị có thể quy y Tam Bảo được phải không? Có Pháp Bảo và có Tăng Bảo. Thêm nữa là nơi mà chúng ta có thể thân cận những bậc Thiện Trí, người có thể hướng dẫn cho chúng ta đến được với Tam Bảo cao quý. Nghĩa là những nơi thích hợp để tạo trữ công đức phước lành.

Còn đối với các vị Tỷ Kheo: nơi thích hợp là nơi có thể khất thực dể dàng, là nơi mà chư Tăng hoà hợp, (hoà hợp giới, hoà hợp kiến). Nơi có vị vua tốt, quan tốt, những vị hiền vương, thánh vương… những vị quan hiền, quan thánh… trị vì.

Trong Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo cuốn 1) có 7 điều thích hợp nữa cho một vị hành giả mà tôi muốn đề cập, đó là:  
  
1.   Āvāsasappāya: Trú xứ thích hợp
2.   Gocarasappāya: khất xứ thích hợp
3.   Bhassasappāya: Ngôn ngữ thích hợp
4.   Puggalasappāya: Người thích hợp
5.   Bhojanasappāya: Vật thực thích hợp
6.   utusappāya: thời tiết thích hợp
7.   iriyāpathasappāya: Oai nghi thích hợp.

+ Sau đây tôi sẽ nói về đề tài: BỐN “TVĀ”:

1.    Buddhaṃ - pasīditvā:      tôn kính Phật
2.    Dhammaṃ - sutvā:         nghe Pháp
3.    Dānaṃ - datvā:               Bố thí
4.    Sīlaṃ - samādiyitvā:        giữ Giới, tu Giới

Tvā trong Pāḷi là vĩ ngữ trạng từ. Bốn Tvā này là bốn điều mà Phật tử chúng ta thường thực hành: Đó là (1) tôn kính Phật, (2) nghe Pháp, (3) Bố thí, và (4) tu Giới. Đây là lời giáo hoá chung cho những Phật tử có khả năng thực hành được. Khi thành tựu đủ 4 điều này thì không cần phải nói làm gì nữa. Trước đây, vào thời Đức Phật, đã có rất nhiều người không thành tựu hết cả 4 điều này, họ chỉ thành tựu 1 hoặc 2 hoặc 3 thôi, mà vẫn có kết quả tái sanh Thiên giới và tại Thiên giới ấy các vị ấy đã chứng ngộ được Niết Bàn.

Sau đây tôi sẽ trích dẫn Kinh điển để làm rõ từng Pháp một:

1/ Buddhaṃ - pasīditvā: Có lòng tôn kính Phật.
Tôn kính Đức Phật có quả lành lớn lao như thế nào quý vị có biết không? Vào thời Đức Phật, tại thành Rājagaha (Vương Xá) có một bà cụ già tên là Caṇḍārī tuổi đã ngoài 80, bà chẳng có lấy một việc Phước Thiện nào: chẳng lễ Phật, chẳng thính Pháp, chẳng bố thí, chẳng tu tập Giới gì cả.

Một ngày kia, vào buổi sáng, sau khi Đức Thế Tôn nhập Đại Bi Định và quan sát thế gian tìm người tế độ, hình ảnh của Bà già Caṇḍarī xuất hiện trong Trí quán của Ngài. Sau khi Ngài quan sát thì được biết rằng vào chính cái ngày hôm ấy bà lão này sẽ chết và đoạ sanh vào địa ngục. Ngài biết rằng Bà già ấy không có lấy một tư lương phước thiện nào nên phổ duyên hoá độ, bằng cách dẫn theo 500 vị Tỳ kheo đi bát ở trong thành Vương xá. Ngài lựa đúng lúc Bà già vừa đi ra khỏi thành thì bắt đầu nhắm đến thành Vương xá khởi hành. Vào lúc Bà già rời khỏi thành vương xá, bà gặp được Đức Thế Tôn. Trước đây bà chưa từng được gặp Đức Thế Tôn, chưa từng nghe Pháp, chưa từng làm phước cúng dường, chưa từng tu trì Giới. Bà muốn tránh đường Đức Thế Tôn cùng 500 vị Tỳ kheo. Đức Thế Tôn biết và dạy trưởng lão Moggallana làm theo lời Ngài, ông đứng trước bà già và nói: “Này bà lão, có Đức Thế Tôn đây, tâm bà có cung kính hay, xong Bà hãy đến đãnh lễ Đức Thế Tôn - Đấng Vô song trong thế gian ấy đi?” Ông khuyên bà lão như thế. Nghe xong bà lão buông gậy xuống rồi 3 lần đảnh lễ Đức Thế Tôn. Đãnh lễ xong, bà lão đi tiếp con đường của mình, còn Đức Thế Tôn thì tiếp tục vào thành Vương Xá khất thực. Không lâu sau đó, có con bò húc chết bà lão. Nhờ nghiệp lành duy nhất đảnh lễ Đức Thế Tôn, Bà được sanh về cõi trời ba mươi ba (Tāvatiṃsa). Đấy, một nghiệp thiện duy nhất trong cuộc đời của Bà là cung kính đảnh lễ Đức Thế Tôn mà có quả lành như vậy đấy, chúng ta nên mang ân Đức Phật, nên tôn kính Đức Thế Tôn phải không?       
      
Những cụ ông, cụ bà chúng ta, đã không biết bao lần cung kính đãnh lễ Đức Thế Tôn, vậy làm sao mà không có được Phước báu sanh về cõi trời phải không? 

2/ Dhammaṃ Sutvā: Thính Pháp.
Một thuở Đức Thế Tôn đương ngự tại Thành Rājagaha (Vương Xá), trong khu rừng trúc. Khi Ngài đang thuyết Pháp, có một trẻ chăn bò đến nghe Pháp của Ngài. Trẻ ấy đứng cạnh một hồ nước, trong hồ có một con ếch. Trẻ ấy nó đứng chống cây gậy xuống rồi nghe Pháp, chẳng may trúng phải mình con ếch trong hồ nước. Con ếch chết. Nó chết trong khi nghe giọng thuyết Pháp của Đức Phật. Pháp của Đức Phật đang thuyết giảng: Thiện hay Bất Thiện nó không hề biết. Nó chỉ nghe âm thanh mà thôi. Rồi nó sanh về Tam Thập Tam thiên (Tāvatiṃsa) là một vị Thiên Nam có 1000 quần hầu xung quanh. Thiên Tử ấy nghỉ ngợi quán sát xem tại sao lại được sanh về thiên giới, tại sao lại có được nhiều người hầu kẻ hạ như vậy. Khi quán sát xong vị Thiên Tử ấy mới biết được rằng: đời sống trước đó, vị ấy đã là một loài súc sanh, một con ếch, nhờ nghe Pháp của Đức Thế Tôn mà được sanh về Thiên Giới. Biết được Giáo Pháp của Đức Phật có Oai lực rất lớn nên vị Thiên Tử muốn cùng với quần hầu của mình đến để tiếp tục thính Pháp do Đức Thế Tôn thuyết giảng. Đức Thế Tôn khi ấy vẫn chưa thuyết xong thời Pháp. Đức Thế Tôn bèn hỏi vị Thiên Tử ấy: “Này Thiên tử, ông từ đâu đến?” Khi được hỏi như thế, vị Thiên tử thuật lại mọi chuyện cho Đức Phật. Đức Phật nghe xong thì tiếp tục thuyết giảng Pháp cho vị Thiên tử ấy nghe. Dứt thời Pháp vị ấy chứng đắc được Đạo Quả Nhập Lưu (Sotāpanna). Giáo Pháp của Đức Thế Tôn có oai lực vô cùng lớn phải vậy không?

Vào thời Đức Phật Kassapa (Cadiếp) cũng vậy, có 500 con dơi, ở trong một hang động. Trong động có các vị Thánh Tăng đang tụng đọc Vi Diệu Pháp (Abhidhamma), tụng về Paṭṭhāna (Phát Thú). Các con dơi ấy một thời gian dài nghe âm thanh rồi chết. Khi chết cả 500 con đều được sanh về cõi Tam Thập Tam Thiên (Tāvatiṃsa) là 500 Thiên nam. Vào thời Đức Phật Thích Ca (Đức Phật Gotama), 500 vị thiên nam lại tái sanh vào trong 500 gia đình giàu có là 500 nam tử, cả 500 nam tử đều xuất gia theo Ngài Sariputta là 500 vị tỳ kheo. Khi Ngài Sariputta (Xá lợi phất) vừa thuyết giảng Vi Diệu Pháp xong, cả 500 vị đều chứng đắc Đạo Quả Alahán. Vi Diệu Pháp mà 500 con dơi đã từng nghe đều giống Vi Diệu Pháp mà 500 vị tỳ kheo được học. Vì thế chúng ta nên tìm hiểu, lắng nghe Vi Diệu Pháp ấy. Vì Pháp Vi Diệu mà Đức Phật đã thuyết giảng suốt 3 tháng tại cõi trời Tāvatiṃsa rất sâu rộng, chúng ta không thể nghe được. Nên khi Đức Phật  thuyết lại cho Ngài Xá Lợi Phất, rồi Đức Xá lợi Phất truyền dạy Vi Diệu Pháp ấy cho đến ngày nay là Vi Diệu Pháp từng giống với Vi Diệu Pháp mà 500 con dơi đã nghe. Chính là nghe Pháp mà lợi ích lớn như vậy đấy. Chúng ta mang ân rất lớn đối với Giáo Pháp của Đức Thế Tôn phải không? Vì thế mỗi lần giáo giới, các vị Hoà thượng thường hay nhắc nhở: “Hãy tôn kính Đức Phật, hãy thường thính Pháp, những thiện nghiệp này thường cho kết quả là lợi ích thiên giới.”   
       
3/ Dānaṃ datvā: Bố thí. Điều này thì rõ ràng rồi phải không? Vào thời Đức Phật những câu chuyện bố thí cúng dường và được sanh thiên rất là nhiều. Sau đây là một câu chuyện trong “Chuyện Thiên Cung - Tiểu Bộ Kinh”:

Tại thành Vương Xá có một bà già rất nghèo. Bà là một nữ nông dân làm đồng. Trong nhà làm bắp rang xong rồi mang đi ra đồng để ăn. Khi mang đi trên đường, bà gặp ngài Mahā Kassapa (Đại Cadiếp) đang khất thực trên đường. Khi gặp Ngài, bà nghĩ: “Ta gặp Bậc Trưởng Thượng trên đường, mà chẳng bố thí được gì. Cũng vì không bố thí được mà ta cứ mãi nghèo đói. Hôm nay ta sẽ dâng cho Ngài mớ bắp rang này.” Nghĩ vậy nên bà dâng cúng mớ bắp rang ấy cho Ngài. Vừa đến đồng ruộng, một con rắn bò ra cắn bà chết. Nhờ thiện nghiệp ấy, bà được sanh về thiên giới là một vị thiên nữ có tên là Lājādevī (Tiên nữ Bắp), có người hầu kẻ hạ rất đông, Thiên cung nguy nga rộng lớn. Trước cảnh ấy, vị thiên nữ quán lại và biết được chuyện dâng bắp trong quá khứ của mình. Nhờ thiện nghiệp ấy mà được quả lành thù thắng như vậy.

Quả lành của Bố thí thật là lớn thay. Ông Cấp-cô-độc (Anāthapiṇḍika), ông Nandiya cũng đã từng dâng cúng đất đai, trú xá. Ngay cả khi những vị ấy chưa qua đời mà tại thiên giới đã có thiên cung đang đón chờ. Đại thần thông lực, Ngài Moggallana, đi dạo chơi thiên giới thì thấy các thiên nữ trong một toà thiên cung nguy nga lộng lẫy, hỏi: “Thiên cung này là thiên cung của ai vậy?” Rồi các thiên nữ ấy nói: “Thiên cung này là của Ông Nandiya, ông ấy vẫn còn trên trần thế đấy. Thiên Cung này là của ông ấy, quần hầu đây là những người đang đợi ông ấy. Ngài có về dưới ấy xin báo dùm ông ấy một tiếng.” Về đến thành Vương Xá, Ngài Moggallana báo cho Ông Nandiya biết. Rồi Ngài Moggallana hỏi Đức Thế Tôn: “Bạch Ngài, một người chưa thân hoại mạng chung sao thiên giới đã có sẵn thiên cung cho vị đó vậy, chuyện ấy có thể nào có chăng?” Đức Thế Tôn nói: “Này Moggallana, không phải chính ông chứng kiến, và tự tai nghe thấy rồi còn hỏi Như Lai làm gì nữa?” Đức Phật xác nhận bằng cách hỏi lại Ngài Moggallana như vậy. Vì thế chúng ta những người đang còn trong thời Giáo Pháp cuả Đức Như Lai, những người đã từng bố thí cúng dường dù, lộng, trú xá, khi chưa thân hoại mạng chung, những thiên cung ấy đã có sẵn cả rồi, quần hầu cũng đã có sẵn và đang chờ trên ấy cả rồi phải không?    

4/ Sīlaṃ samādhi yittvā: Tu trì giới, hành giới. Đó là Giới nào?
Năm giới: (1) không sát sanh, (2) không trộm cắp, (3) không tà dâm, (4) không nói dối, (5) không uống rượu và các chất say. Hay tu trì 8 giới, 10 giới…

Thưở trước tại Kinh thành Mithila, có một vị vua tên là Sādhina, trị vì quốc độ bằng 5 vương pháp (5 giới). Vì trị vì quốc độ bằng 5 vương pháp, nên dân chúng trong quốc độ sống rất thái bình an lạc. Bá tánh trong quốc độ ấy sau khi thân hoại mạng chung đều sinh về cõi trời Tam Thập Tam Thiên. Thiên vương Tam Thập Tam Thiên cứ hỏi hết những người vừa sanh về quốc độ của mình rằng họ từ đâu đến đều được biết họ từ Mithila tới. “Ông từ đâu tới?” “Tôi từ Miṭthila tới.” Hỏi người nào người ấy cũng đều nói rằng mình từ Mithila đến, làm hội chúng chư thiên cõi trời Tāvatiṃsa càng ngày càng tăng thịnh. Tam Thập Tam Thiên Vương biết rằng hiền vương trong quốc độ Mithila đang hộ trì quốc độ bằng vương pháp. Ngài thầm nghĩ: “Ta sẽ mời ông ấy đến đây để ta được nghe Pháp.” Nghĩ rồi Tam Thập Tam Thiên Vương cho thắng cổ thiên xa cùng với các thiên tử đi đến quốc độ Mithila thỉnh mời Hiền Vương Sādhina. Hiền Vương ấy đã thuyết Pháp gì? Ông đã thuyết về 5 giới. Thiên Vương Tam Thập Tam Thiên hết sức cung kính Hiền Vương Sādhina nên muốn chia sẽ cả một nữa thiên châu của mình. Dù là người nhưng Hiền Vương Sādhina vẫn được chia một nữa thiên quốc. Chuyện như vậy trong Kinh chỉ có một mà thôi. Vì sao? Vì Ông trị vì bằng 5 Pháp Giới, ông thuyết bằng 5 Pháp Giới. Vì thế tu trì giới là một trong những huấn từ mà các Bậc trưởng thượng thường hay nhắc nhở đến hàng cận sự.

Catuvinā buddhaṃ passīyitvā, dhammaṃ suttvā,
dānaṃ datvā, sīlaṃ samādhi yittvā
Catu = 4 (tvā), vinā: không ngoài,
Sagamagga phalaṃ lābha: đạt được thiên giới, Đạo Tuệ, Qủa Tuệ và Niết bàn,
Santo: Những bậc hiền nhân, atthi: có,

Dịch nghĩa: Có những bậc Hiền nhân đã đạt được Phúc lạc Thiên Giới, Đạo Tuệ, Quả Tuệ và Niết Bàn không ngoài 4 Pháp ấy.

Trong thời Đức Thế Tôn còn tại thế, số người chỉ thành tựu 1 trong 4 Pháp trên và được sanh Thiên sau khi thân hoại mạng chung thì rất là nhiều. Còn nếu thành tựu cả 4 Pháp trên, thì không cần gì để nói nữa. Chỉ thành tựu một Pháp thôi cũng có thể thành tựu được Niết Bàn. Rất nhiều vị hành giả là Phật tử nơi đây đang thực tập để thành tựu được 1,… 2,… hay 3, hay cả 4.  

Bhāvanā bhāvatvā: Khi đã thực hành 1 trong 4 pháp trên vị ấy thực hành các Pháp tăng thượng tâm, (nỗ lực thực hành các Pháp tiến tâm (bhāvanā)), những người ấy đều thực hành thiền một cách dễ dàng. Những người gặp được Giáo Pháp của Đức Phật hôm nay quả là may mắn. Nguyện cầu cho tất cả hành giả sớm chứng ngộ Niết bàn an lạc tối thượng.

Dānaṃ dadantu saddhāya,
sīlaṃ rakkhantu sabbadā
Bhāvanābhiratā hontu,
tarantu bhava sāgaraṃ.

Dịch nghĩa:
Nguyện cầu cho tất cả chúng sanh,
Có lòng tịnh tín và bố thí,
luôn được hộ trì bằng Giới hạnh,
nổ lực hành Pháp Tăng Thượng Tâm
thực hành Thiền Định và thiền Quán (Samatha-Vipassana),
vượt qua được đại dương sanh hữu,
đến bờ kia Niết Bàn tối thượng
bằng con thuyền bát chánh thù thắng.
         
    
Sādhu!Sādhu!Lành thay.

(Dứt buổi thứ 25)