Thursday, April 18, 2024

Phép Quán Thân (Thân Hành Niệm) – Kāyagatāsati Sutta, Majjhima Nikāya MN119

 


 

Chú Thích:  Kinh Phép Quán Thân (Thân Hành Niệm) nói đầy đủ về phần Quán Thân trong Kinh Niệm Xứ. Thêm vào đó là bốn cấp Thiền- từ Nhất Thiền đến Tứ Thiền. Trong khi thực tập, hành giả có thể lướt qua phần ví dụ và chỉ chú tâm vào những phần căn bản.
Sau hết, Đức Phật cũng có phần Khuyến Tấn cho người tu tập và Mười Điều Thành Tựu giúp hành giả vượt qua những chướng ngại tai ương trong đời sống thường nhật cho đến có thể đạt đến những phép thần thông này khác. 
Dưới bản kinh này cũng có thêm bài kinh ngắn “Một Pháp/16 phép quán hơi thở”, mà hành giả có thể dễ dàng tập thêm để làm quen với “hơi thở” trước khi bước vào kinh Thân hành Niệm. 


MN119: Kinh Phép Quán Thân (Thân Hành Niệm) –
Kāyagatāsati Sutta

(Phần Kinh thu gọn, hành giả có thể nhớ thuộc lòng để thực tập) 

** Sáu chi phần quán thân 

(1) Chú tâm hít vô chú tâm thở ra.
*Hít vô hơi dài- biết rõ, thở ra hơi dài- biết rõ.
*Hít vô hơi ngắn- biết rõ, thở ra hơi ngắn- biết rõ.
*Toàn thân cảm giác- thực tập hít vô, toàn thân cảm giác- thực tập thở ra.
*Tĩnh lặng thân hành- thực tập hít vô, tĩnh lặng thân hành- thực tập thở ra. 

(2) Quán 4 tư thế
Khi đi chỉ biết đang đi, khi đứng chỉ biết đang đứng, khi ngồi chỉ biết đang ngồi, khi nằm chỉ biết đang nằm.
Hoặc giả khi thân đang hoạt dụng ở tư thế nào thì luôn biết rõ như vậy. 

(3) Biết rõ – Tỉnh giác  
Khi đi tới đi lui- rõ ràng thường biết. Nhìn tới nhìn quanh- rõ ràng thường biết. Co duỗi tay chân – rõ ràng thường biết.
Khoát cà sa, bưng bát, mặc y- rõ ràng thường biết. Ăn, uống, nhai, nếm- rõ ràng thường biết. Đại tiện, tiểu tiện- rõ ràng
thường biết. Đi, đứng, ngồi, ngủ nghỉ, thức giấc, nói chuyện, im lặng- rõ ràng thường biết. 

(4) Thân ô trược  
Xem xét thân này từ đáy chân trở lên và từ đỉnh tóc trở xuống, như một bọc da, tích chứa đầy những loại vật thể dơ bẩn khác nhau. Nơi thân này là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, cách mô, lá sách, phổi, ruột, màng ruột, dạ dày, phân, mật, đờm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, chất dầu, nước miếng, nước mũi, dịch khớp xương, nước tiểu (1*)

(5) Thân bốn yếu tố
Qua tư thế hoặc qua sự hoạt dụng của thân, nơi thân đây gồm các yếu
tố: Đất/chất đặc, Nước/chất lỏng, Lửa/chất nóng, Gió/chất hơi. 

(6) Chín giai đọan mục nát của tử thi
* Giai đoạn 1: xét thấy một tử thi bị vứt bỏ ở nghĩa địa, một ngày, hai ngày hoặc ba ngày, trương sình, xanh xám, rã thối.
* Giai đoạn 2: bị qụa, diều hâu, kên kên, chim diệc đến rỉa thịt; hay bị chó, cọp, beo, chó rừng và hàng loạt các loài sinh vật khác đến xơi thịt.
* Giai đoạn 3: với bộ xương còn nguyên, dính liền thịt và máu, nối lại với gân.
* Giai đoạn 4: với bộ xương còn nguyên, không còn thịt nhưng còn dính máu, nối lại với gân.
* Giai đoạn 5: với bộ xương còn nguyên, không còn thịt không còn máu, nối lại với gân.
* Giai đoạn 6: với bộ xương không còn dính lại nhau, mà rải rác nơi này nơi khác. Đây là xương tay, xương chân, xương mắt cá, xương ống quyển, xương đùi, xương hông, xương sườn, xương sống, xương vai, xương cổ, xương hàm, răng, xương sọ.
* Giai đoạn 7: chỉ còn là xương đã biến thành màu trắng bạc vỏ ốc.
* Giai đoạn 8: chỉ còn trơ trọi một đống xương tàn sau một năm.
* Giai đoạn 9: chỉ còn là xương rã nát thành bột.
Rồi ngay chính bản thân đây cũng được quán xét tương tự: bản chất của thân là như vậy, sẽ trở thành như vậy và không trốn thoát đâu được.
Trong khi sống chuyên cần, nỗ lực và quyết tâm; những ưu tư thế sự dứt trừ. Do được dứt trừ, nội tâm tĩnh lặng, ngồi thiền nhất tâm nhập định. Và như vậy các Tỳ Khưu, là luyện tập phát triển Thân hành niệm. 

** Bốn cấp thiền
* Nhất thiền: Ly dục ly bất thiện pháp (2*), với tầm (3*) (ý nghĩ, tư tưởng) với tứ (suy ngẫm, suy diễn) cùng nguồn hỷ lạc (4*) phát sinh từ sự cách ly, nhập trú Nhất thiền.
* Nhị thiền: Từ bỏ tầm và tứ, với nội tĩnh và nhất tâm, không còn tầm-tứ, với nguồn hỉ lạc khác phát sinh từ thiền định, nhập trú Nhị thiền.
* Tam thiền: Từ bỏ hỉ, sống buông xả, giữ chánh niệm tỉnh giác, nguồn an lạc được cảm thọ qua thân như Thánh nhân tuyên bố: “Sống buông xả- chánh niệm- an lạc”, nhập trú tam thiền.
* Tứ thiền: Từ bỏ lạc- từ bỏ khổ, cùng với sự đoạn diệt những vui buồn từ trước, dứt khổ- dứt lạc, buông xả- chánh niệm- thanh tịnh, trú nhập tứ thiền.
—————————————————————— 

(1*) Thân ô nhiễm hay bất tịnh gồm có 32 món: 20 món đặc và 12 món lỏng, nhưng trong nguyên văn Pāli chỉ có 19 món đặc, nếu muốn người đọc có thể thêm vào như bàng quang, hậu môn, etc…

(2*) Bất thiện pháp có thể hiểu như 5 Chướng ngại (Triền cái) trong phần Quán Pháp – Kinh Tứ Niệm Xứ. Đó là Tham, Sân, Buồn ngủ/Dã dượi, Xao lãng/Hối tiếc, Nghi ngờ. 
(3*) Tầm và Tứ: tầm cũng có thể hiểu là tìm kiếm và tứ là quan sát. Ví như khi tập Nhất thiền, hành giả tìm kiếm (tầm) một đề mục/đối tượng như hơi thở để
quán, rồi chú tâm quan sát (tứ) hơi thở ra/vô một cách liên tục miên mật. 
(4*) Hỷ để chỉ cho sự hoan hỷ thuộc về tâm, Lạc chỉ sự an lạc của thân.

————————————————————————-

(Bản Kinh Chính Văn) 

Tôi (Thị giả Ānanda) nghe như vầy: một thời Đức Phật ngụ tại Savatthi (Xá Vệ) trong Jetavane (rừng Kỳ Đà), nơi khuôn viên cư sĩ Anathapindika (Cấp Cô Độc). Rồi phần đông Tỳ Khưu sau lúc đi khất thực và ăn xong, ngồi tụ tập trong phòng họp và diễn ra sự bàn luận này: thật kỳ diệu chư huynh, thật phi thường chư huynh! Như Đức Phật, bậc tri thức, tri kiến, A la hán và Chánh đẳng Chánh giác đã từng giảng thuyết: “Luyện tập phát triển đầy đủ Thân Hành Thưa Đức Phật, trong khi cuộc bàn luận chưa xong thì Ngài đến đây. 

  • Vậy này chư Tăng, luyện tập phát triển đầy đủ Thân Hành Niệm như thế nào để đạt nhiều qủa lành và thành tựu lớn lao?

(Niệm Hơi Thở Vô Ra) 
– Này chư Tăng, Tỳ khưu tìm đến cụm rừng, đến gốc cây hay phòng nhà trống vắng, ngồi xếp bằng tréo chân, giữ thân ngay thẳng và hướng chánh niệm phía trước mặt.
Như vậy chú tâm hít vô chú tâm thở ra. Hít vô hơi dài- biết rõ, thở ra hơi dài- biết rõ. Hít vô hơi ngắn- biết rõ, thở ra hơi ngắn- biết rõ. Toàn thân cảm giác- thực tập hít vô, toàn thân cảm giác- thực tập thở ra. Tĩnh lặng thân hành- thực tập hít vô, tĩnh lặng thân hành- thực tập thở ra.
Trong khi sống chuyên cần, nổ lực và quyết tâm; những ưu tư thế sự dứt trừ. Do được dứt trừ, nội tâm tĩnh lặng, ngồi thiền nhất tâm nhập định. Và như vậy các Tỳ Khưu, là luyện tập phát triển Thân hành niệm. Niệm sẽ đạt nhiều qủa lành và thành tựu lớn lao”.

Trong lúc sự đàm luận giữa chư Tăng chưa xong thì Đức Phật đứng dậy từ nơi tịnh cư vào lúc xế chiều, bước đến phòng họp ngồi vào nơi đã được dọn sẵn. Ngồi xuống, Đức Phật nói với chúng Tăng:

 

  • Này chư Tăng, các thầy đang ngồi đàm luận chuyện gì mà chưa xong như vậy?
  • Thưa Đức Phật, chúng Tăng sau lúc đi khất thực và ăn xong, ngồi tụ tập trong phòng họp và đã diễn ra sự bàn luận này: thật kỳ diệu chư huynh, thật phi thưòng chư huynh; như Đức Phật, bậc tri thức, tri kiến, A la hán và Chánh đẳng Chánh giác đã từng giảng thuyết: “luyện tập phát triển đầy đủ Thân Hành Niệm sẽ đạt nhiều qủa lành và thành tựu lớn lao.” 

(Bốn Tư Thế: Đi Đứng Ngối Nằm)
– Này nữa chư tăng, Tỳ khưu khi đi chỉ biết đang đi, khi đứng chỉ biết đang đứng, khi ngồi chỉ biết đang ngồi, khi nằm chỉ biết đang nằm. Hoặc giả khi thân đang hoạt dụng ở tư thế nào thì luôn biết rõ như vậy.
Trong khi sống chuyên cần, nổ lực và quyết tâm; những ưu tư thế sự dứt trừ. Do được dứt trừ, nội tâm tĩnh lặng, ngồi thiền nhất tâm nhập định. Và như vậy các Tỳ Khưu, là luyện tập phát triển Thân hành niệm. 

(Biết Rõ – Tỉnh Giác)  
– Này nữa chư tăng, Tỳ khưu đi tới đi lui- rõ ràng thường biết. Nhìn tới nhìn quanh- rõ ràng thường biết. Co duỗi tay chân – rõ ràng thường biết. Khoát cà sa, bưng bát, mặc y- rõ ràng thường biết. Ăn, uống, nhai, nếm- rõ ràng thường biết. Đại tiện, tiểu tiện- rõ ràng thường biết. Đi, đứng, ngồi, ngủ, thức giấc, nói chuyện, im lặng- rõ ràng thường biết.
Trong khi sống chuyên cần, nổ lực và quyết tâm; những ưu tư thế sự dứt trừ. Do được dứt trừ, nội tâm tĩnh lặng, ngồi thiền nhất tâm nhập định. Và như vậy các Tỳ Khưu, là luyện tập phát triển Thân hành niệm. 

(Thân Ô Trược)  
– Này nữa chư tăng, Tỳ khưu xem xét thân này từ đáy chân trở lên và từ đỉnh tóc trở xuống, như một bọc da, tích chứa đầy những loại vật thể dơ bẩn khác nhau. Nơi thân này là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, cách mô, lá sách, phổi, ruột, màng ruột, dạ dày, phân, mật, đờm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, chất dầu, nước miếng, nước mũi, dịch khớp xương, nước tiểu.
Này chúng tăng, tỉ dụ như một cái tuí với hai đầu trống, chứa đầy các loại hột khác nhau: lúa đồi, lúa đồng, đậu xanh, đậu thận, mè, gạo trấu. Một người mắt sáng tháo túi này ra để quan sát: đây là lúa đồi, là lúa đồng, là đậu xanh, là đậu thận, là mè, là gạo trấu. Cũng như vậy chúng tăng, Tỳ khưu xem xét thân này từ đáy chân trở lên và từ đỉnh tóc trở xuống, như một bọc da, tích chứa đầy những loại vật thể dơ bẩn khác nhau. Nơi thân này là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, cách mô, lá sách, phổi, ruột, màng ruột, dạ dày, phân, mật, đờm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, chất dầu, nước miếng, nước mũi, dịch khớp xương, nước tiểu (1*).
Trong khi sống chuyên cần, nổ lực và quyết tâm; những ưu tư thế sự dứt trừ. Do được dứt trừ, nội tâm tĩnh lặng, ngồi thiền nhất tâm nhập định. Và như vậy các Tỳ Khưu, là luyện tập phát triển Thân hành niệm. 

(Thân Bốn Yếu Tố)
– Này nữa chư Tăng, Tỳ khưu xem xét thân này hoặc qua tư thế hoặc qua sự hoạt dụng của các yếu tố. Nơi thân đây là các yếu tố Đất, Nước, Lửa, Gió.
Này chúng tăng, tỉ dụ như có người hàng thịt khéo tay hay người tập sự của ông ta làm thịt một con bò, ngồi tại ngã tư đường phân cắt ra thành những phần nhỏ.
Cũng như vậy chúng Tăng, Tỳ khưu xem xét các yếu tố của thân này hoặc qua tư thế hoặc qua sự hoạt dụng. Nơi thân đây là các yếu tố đất, nước, lửa, gió.
Trong khi sống chuyên cần, nổ lực và quyết tâm; những ưu tư thế sự dứt trừ. Do được dứt trừ, nội tâm tĩnh lặng, ngồi thiền nhất tâm nhập định. Và như vậy các Tỳ Khưu, là luyện tập phát triển Thân hành niệm. 

(Chín Giai Đọan Mục Nát Của Tử Thi)
Giai đoạn 1Này nữa chư Tăng, Tỳ Khưu như khi xét thấy một tử thi bị vứt bỏ ở nghĩa địa, một ngày, hai ngày hoặc ba ngày, trươg sình, xanh xám, rã thối. Rồi ngay chính bản thân đây cũng được quán xét tương tự: bản chất của thân là như vậy, sẽ trở thành như vậy và không trốn thoát đâu được.
Trong khi sống chuyên cần, nỗ lực và quyết tâm; những ưu tư thế sự dứt trừ. Do được dứt trừ, nội tâm tĩnh lặng, ngồi thiền nhất tâm nhập định. Và như vậy các Tỳ Khưu, là luyện tập phát triển Thân hành niệm.
Giai đoạn 2Này nữa chư Tăng, Tỳ Khưu như khi xét thấy một tử thi bị vứt bỏ ở nghĩa địa, bị qụa, diều hâu, kên kên, chim diệc đến rỉa thịt; hay bị chó, cọp, beo, chó rừng và hàng loạt các loài sinh vật khác đến xơi thịt. Rồi ngay chính bản thân đây cũng được quán xét tương tự: bản chất của thân là như vậy, sẽ trở thành như vậy và không trốn thoát đâu được.
Trong khi sống chuyên cần, nỗ lực và quyết tâm; những ưu tư thế sự dứt trừ. Do được dứt trừ, nội tâm tĩnh lặng, ngồi thiền nhất tâm nhập định. Và như vậy các Tỳ Khưu, là luyện tập phát triển Thân hành niệm.
Giai đoạn 3Này nữa chư Tăng, Tỳ Khưu như khi xét thấy một tử thi bị vứt bỏ ở nghĩa địa, với bộ xương còn nguyên, dính liền thịt và máu, nối lại với gân. Rồi ngay chính bản thân đây cũng được quán xét tương tự: bản chất của thân là như vậy, sẽ trở thành như vậy và không trốn thoát đâu được.
Trong khi sống chuyên cần, nỗ lực và quyết tâm; những ưu tư thế sự dứt trừ. Do được dứt trừ, nội tâm tĩnh lặng, ngồi thiền nhất tâm nhập định. Và như vậy các Tỳ Khưu, là luyện tập phát triển Thân hành niệm.
Giai đoạn 4Này nữa chư Tăng, Tỳ Khưu như khi xét thấy một tử thi bị vứt bỏ ở nghĩa địa, với bộ xương còn nguyên, không còn thịt nhưng còn dính máu, nối lại với gân. Rồi ngay chính bản thân đây cũng được quán xét tương tự: bản chất của thân là như vậy, sẽ trở thành như vậy và không trốn thoát đâu được.
Trong khi sống chuyên cần, nỗ lực và quyết tâm; những ưu tư thế sự dứt trừ. Do được dứt trừ, nội tâm tĩnh lặng, ngồi thiền nhất tâm nhập định. Và như vậy các Tỳ Khưu, là luyện tập phát triển Thân hành niệm.
Giai đoạn 5: Này nữa chư Tăng, Tỳ Khưu như khi xét thấy một tử thi bị vứt bỏ ở nghĩa địa, với bộ xương còn nguyên, không còn thịt không còn máu, nối lại với gân. Rồi ngay chính bản thân đây cũng được quán xét tương tự: bản chất của thân là như vậy, sẽ trở thành như vậy và không trốn thoát đâu được.
Trong khi sống chuyên cần, nỗ lực và quyết tâm; những ưu tư thế sự dứt trừ. Do được dứt trừ, nội tâm tĩnh lặng, ngồi thiền nhất tâm nhập định. Và như vậy các Tỳ Khưu, là luyện tập phát triển Thân hành niệm.
Giai đoạn 6Này nữa chư Tăng, Tỳ Khưu như khi xét thấy một tử thi bị vứt bỏ ở nghĩa địa, với bộ xương không còn dính lại nhau, mà rải rác nơi này nơi khác. Đây là xương tay, xương chân, xương mắt cá, xương ống quyển, xương đùi, xương hông, xương sườn, xương sống, xương vai, xương cổ, xương hàm, răng, xương sọ. Rồi ngay chính bản thân đây cũng được quán xét tương tự: bản chất của thân là như vậy, sẽ trở thành như vậy và không trốn thoát đâu được.
Trong khi sống chuyên cần, nỗ lực và quyết tâm; những ưu tư thế sự dứt trừ. Do được dứt trừ, nội tâm tĩnh lặng, ngồi thiền nhất tâm nhập định. Và như vậy các Tỳ Khưu, là luyện tập phát triển Thân hành niệm.
Giai đoạn 7Này nữa chư Tăng, Tỳ Khưu như khi xét thấy một tử thi bị vứt bỏ ở nghĩa địa, chỉ còn là xương đã biến thành màu trắng bạc vỏ ốc. Rồi ngay chính bản thân đây cũng được quán xét tương tự: bản chất của thân là như vậy, sẽ trở thành như vậy và không trốn thoát đâu được.
Trong khi sống chuyên cần, nỗ lực và quyết tâm; những ưu tư thế sự dứt trừ. Do được dứt trừ, nội tâm tĩnh lặng, ngồi thiền nhất tâm nhập định. Và như vậy các Tỳ Khưu, là luyện tập phát triển Thân hành niệm.
Giai đoạn 8Này nữa chư Tăng, Tỳ Khưu như khi xét thấy một tử thi bị vứt bỏ ở nghĩa địa, chỉ còn trơ trọi một đống xương tàn sau một năm. Rồi ngay chính bản thân đây cũng được quán xét tương tự: bản chất của thân là như vậy, sẽ trở thành như vậy và không trốn thoát đâu được.
Trong khi sống chuyên cần, nỗ lực và quyết tâm; những ưu tư thế sự dứt trừ. Do được dứt trừ, nội tâm tĩnh lặng, ngồi thiền nhất tâm nhập định. Và như vậy các Tỳ Khưu, là luyện tập phát triển Thân hành niệm.
Giai đoạn 9: Này nữa chư Tăng, Tỳ Khưu như khi xét thấy một tử thi bị vứt bỏ ở nghĩa địa, chỉ còn là xương rã nát thành bột. Rồi ngay chính bản thân đây cũng được quán xét tương tự: bản chất của thân là như vậy, sẽ trở thành như vậy và không trốn thoát đâu được.
Trong khi sống chuyên cần, nỗ lực và quyết tâm; những ưu tư thế sự dứt trừ. Do được dứt trừ, nội tâm tĩnh lặng, ngồi thiền nhất tâm nhập định. Và như vậy các Tỳ Khưu, là luyện tập phát triển Thân hành niệm. 

(Bốn Cấp Thiền)
Nhất thiền: 

  • Chư Tăng! Tỳ khưu ly dục ly bất thiện pháp (2*), với tầm (3*) (ý nghĩ, tư tưởng ) với tứ (suy ngẫm, suy diễn) cùng nguồn hỷ lạc (4*) phát sinh từ sự cách ly, nhập trú Nhất thiền. Ngay chính thân đây được nguồn hỉ lạc thấm nhập- thấm khắp- tràn ngập- lan tỏa, không sót nơi nào toàn châu thân mà không được thấm nhuần nguồn hỉ lạc từ sự cách ly.

Này chúng Tăng, tỉ dụ như một người chuyên việc tắm rửa hay người phụ tá rải bột tắm vào một dĩa đồng rồi nhồi trộn với nước làm cho thấm đi thấm lại, cho đến khi viên bột tắm, có đặc tính xà bông và mỡ trơn, được bảo hòa bên trong lẫn ngoài mà chất xà bông không rò rỉ nhỏ giọt.
Cũng vậy chúng Tăng, Tỳ khưu- ngay chính thân đây được nguồn hỉ lạc thấm nhập- thấm khắp- tràn ngập- lan tỏa, không sót nơi nào toàn châu thân mà không được thấm nhuần nguồn hỉ lạc từ sự cách ly.
Trong khi sống chuyên cần, nỗ lực và quyết tâm, những ưu tư thế sự dứt trừ. Do được dứt trừ, nội tâm tĩnh lặng, ngồi thiền nhất tâm nhập định. Và như vậy các Tỳ Khưu, là luyện tập phát triển Thân hành niệm. Lại nữa chư Tăng, Tỳ khưu cách ly tham và pháp bất thiện, với tầm với tứ, cùng nguồn hỉ lạc phát sinh từ sự cách ly, nhập trú Nhất thiền. 

Nhị thiền:

  • Lại nữa chư Tăng, Tỳ Khưu từ bỏ tầm và tứ, với nội tĩnh và nhất tâm, không còn tầm-tứ, với nguồn hỉ lạc khác phát sinh từ thiền định, nhập trú Nhị thiền. Ngay chính thân đây được nguồn hỉ lạc thấm nhập- thấm khắp- tràn ngập- lan tỏa, không sót nơi nào toàn châu thân mà không được thấm nhuần nguồn hỉ lạc từ thiền định.
    Này chúng Tăng, tỉ dụ như một hồ nước với suối nuớc ngầm lộ thiên làm cho nước cứ trào lên theo chiều cao; hoàn toàn không có nguồn nước nào khác chảy vào từ các phương Đông, Tây, Bắc, Nam; lại nữa không phải lúc nào cũng có trời mưa lớn. Và rồi nguồn nước suối ngầm tươi mát trong hồ cứ tự nhiên tuôn trào lên làm cho hồ nước được thấm nhập- thấm khắp- tràn ngập- lan tỏa bởi nước mát, không sót nơi nào khắp hồ nước mà không được thẩm nhuần nguồn nước tươi mát này.
    Cũng vậy chúng Tăng, Tỳ khưu- ngay chính thân đây được nguồn hỉ lạc thấm nhập- thấm khắp- tràn ngập- lan tỏa, không sót nơi nào toàn châu thân mà không được thẩm nhuần nguồn hỉ lạc từ thiền định.
    Trong khi sống chuyên cần, nỗ lực và quyết tâm, những ưu tư thế sự dứt trừ. Do được dứt trừ, nội tâm tĩnh lặng, ngồi thiền nhất tâm nhập định. Và như vậy các Tỳ Khưu, là luyện tập phát triển Thân hành niệm. 

Tam thiền:

  • Lại nữa chư Tăng, Tỳ khưu từ bỏ hỉ, sống buông xả, giữ chánh niệm tỉnh giác, nguồn an lạc được cảm thọ qua thân như Thánh nhân tuyên bố “Sống buông xả- chánh niệm- an lạc”, nhập trú tam thiền. Ngay chính thân đây được nguồn an lạc thấm nhập- thấm khắp- tràn ngập- lan tỏa, không sót nơi nào toàn châu thân mà không được thẩm nhuần nguồn an lạc- không còn hỉ này.
    Này chúng Tăng, tỉ dụ như có hồ đầy súng, có hồ đầy sen, có hồ đầy sen trắng. Một số súng, sen hay sen trắng sinh ra trong nước, phát triển trong nước, không trồi lên khỏi nước, chỉ được nuôi dưỡng trong chiều sâu của nước; từ ngọn đến gốc được nước mát thấm nhập- thấm khắp- tràn ngập- lan tỏa, không sót cây súng hay sen hoặc sen trắng nào mà không được thẩm nhuần với nước tươi mát này.
    Cũng vậy chúng Tăng, Tỳ khưu- ngay chính thân đây được nguồn an lạc thấm nhập- thấm khắp- tràn ngập- lan tỏa, không sót nơi nào toàn châu thân mà không được thấm nhuần nguồn an lạc- không còn hỉ này.
    Trong khi sống chuyên cần, nỗ lực và quyết tâm, những ưu tư thế sự dứt trừ. Do được dứt trừ, nội tâm tĩnh lặng, ngồi thiền nhất tâm nhập định. Và như vậy các Tỳ Khưu, là luyện tập phát triển Thân hành niệm.

Tứ thiền:

  • Lại nữa chúng Tăng, Tỳ khưu từ bỏ lạc- từ bỏ khổ, cùng với sự đoạn diệt những vui buồn từ trước, dứt khổ- dứt lạc, buông xả- chánh niệm- thanh tịnh, trú nhập tứ thiền. Ngay chính thân đây lúc ngồi thiền được lan tỏa bởi nguồn tâm thuần khiết- thanh tịnh, không sót một nơi nào toàn châu thân mà không thấm nhuần nguồn tâm thuần khiết- thanh tịnh này.
    Này chúng Tăng, tỉ dụ như có một người ngồi phủ trùm lên tận đầu một tấm vải trắng, mà không để sót một phần nào toàn châu thân là không được phủ kín tấm vải trắng này.
    Cũng vậy chúng Tăng, Tỳ khưu- ngay chính thân đây lúc ngồi thiền được lan tỏa bởi nguồn tâm thuần khiết- thanh tịnh, không sót một nơi nào toàn châu thân mà không thấm nhuần nguồn tâm thuần khiết- thanh tịnh này.
    Trong khi sống chuyên cần, nỗ lực và quyết tâm, những ưu tư thế sự dứt trừ. Do được dứt trừ, nội tâm tĩnh lặng, ngồi thiền nhất tâm nhập định. Và như vậy các Tỳ Khưu, là luyện tập phát triển Thân hành niệm.

(Khuyến Tấn)
Bất cứ ai, này chúng Tăng, mà Thân Hành Niệm được luyện tập phát triển đầy đủ,
sẽ gom thu bất cứ thiện pháp nào thiên về sự thông hiểu cao cả (vijjābhāgiyā).
* Này chúng Tăng, tỉ dụ như bất cứ ai với đại dương thấm nhập vào tâm, sẽ gom thu bất cứ sông ngòi nào đều chảy về biển cả.
Cũng vậy, này chúng Tăng, bất cứ ai mà Thân Hành Niệm được luyện tập phát triển đầy đủ, sẽ gom thu bất cứ thiện pháp nào thiên về sự thông hiểu cao cả.
* Này chúng Tăng, bất cứ ai mà Thân hành niệm không được luyện tập, phát triển không đầy đủ, Thiên ma có cơ hội với y, Thiên ma sẽ ảnh hưởng đến các căn trần của y.
* Này chúng Tăng, tỉ dụ như có người ném một viên đá nặng xuống một khối đất sét ướt mềm, chúng Tỳ khưu nghĩ sao? Viên đá nặng có chìm xuống trong đất sét ướt mềm không? “Thưa có Đức Phật”.
Cũng vậy, chúng Tăng, bất cứ ai mà Thân hành niệm không được luyện tập, phát triển không đầy đủ, Thiên ma có cơ hội với y, Thiên ma sẽ ảnh hưởng đến các căn trần của y.
* Này chúng Tăng, tỉ dụ như có một thanh gỗ khô từ một cây đã chết, rồi một người đi đến và cầm theo que chà lửa: “Mình sẽ thắp ra ngọn lửa, sẽ biểu hiện ra nhiệt”. Các Tỳ khưu nghĩ sao? Sau khi người ấy đến cầm theo que chà lửa và chà xát vào thanh gỗ khô từ cây đã chết thì có thể tạo ra ngọn lửa và có phát nhiệt không?
“Thưa có Đức Phật”.
Cũng vậy, chúng Tăng; bất cứ ai mà Thân hành niệm không được luyện tập, phát triển không đầy đủ, Thiên ma có cơ hội với y, Thiên ma sẽ ảnh hưởng đến các căn trần của y.
* Này chúng Tăng, tỉ dụ như có một bình nước trống không được đặt trên cái kệ, rồi một người đi đến mang theo một lô nước. Các Tỳ khưu nghĩ thế nào? Người ấy có thể đổ thêm nước vào bình không?
“Thưa có thể, Đức Phật”.
Cũng vậy thôi, chúng Tăng; bất cứ ai mà Thân hành niệm không được luyện tập, phát triển không đầy đủ, Thiên ma có cơ hội với y, Thiên ma sẽ ảnh hưởng đến các căn trần của y.
* Này chúng Tăng, bất kỳ ai luyện tập phát triển Thân hành niệm đầy đủ , Thiên ma không có cơ hội với y, không ảnh hưởng các căn trần của y.
* Này chúng Tăng, tỉ dụ như có người ném một trái banh dây rất nhẹ vào tấm cửa làm bằng gỗ cứng. Các Tỳ khưu nghĩ thế nào? Người ném trái banh dây nhẹ có làm gì đựợc tấm cửa gỗ cứng không?
“Chắc chắn là không, thưa Đức Phật”.
Cũng như vậy chúng Tăng, bất kỳ ai luyện tập phát triển Thân hành niệm đầy đủ , Thiên ma không có cơ hội với y, không ảnh hưởng các căn trần của y.
* Này chúng Tăng, tỉ dụ như có một thanh gỗ ướt còn chất nhựa, rồi có người đi đến và cầm theo que chà lửa: “mình sẽ thắp ra ngọn lửa, sẽ biểu hiện ra nhiệt”. Các Tỳ khưu nghĩ sao? Sau khi người ấy đến cầm theo que chà lửa và chà xát vào thanh gỗ ướt còn chất nhựa thì có thể tạo ra ngọn lửa và có phát nhiệt không?
“Chắc chắn là không, thưa Đức Phật”.
Cũng như vậy chúng Tăng, bất kỳ ai luyện tập phát triển Thân hành niệm đầy đủ, Thiên ma không có cơ hội với y, không ảnh hưởng các căn trần của y.
* Này chúng tăng, tỉ dụ như có một bình đầy nước lên tận rìa mà con qụa có thể uống được, đặt trên một cái kệ; rồi có người mang đến một lô nước. Các Tỳ khưu nghĩ sao? Người đó có thể đổ thêm nước vào bình không?
“Không thể được, thưa Đức Phật”.
Cũng như vậy chúng Tăng, bất kỳ ai luyện tập phát triển Thân hành niệm đầy đủ , Thiên ma không có cơ hội với y, không ảnh hưởng các căn trần của y.
Bất cứ ai, chư Tăng, luyện tập phát triển Thân hành niệm đầy đủ; bất cứ thánh trí (abhinnā) nào liên hệ với những pháp có thể được chứng đạt, người ấy nhắm tâm vào chứng đạt thánh trí đó. Ngay đó người ấy trực diện chứng đắc, thấy biết cảnh giới chứng đắc.
* Này chúng tăng, tỉ dụ như có một bình đầy nước lên tận rìa mà con qụa có thể uống được, đặt trên một cái kệ. Rồi một người lực lưỡng khuấy động qua lại thì nước ấy có thể tuôn ra ngoài không?
“ Có thể, thưa Đức Phật”.
Cũng như vậy chúng Tăng, bất kỳ ai luyện tập phát triển Thân hành niệm đầy đủ; bất cứ thánh trí nào liên hệ với những pháp có thể được chứng đạt, người ấy nhắm tâm vào chứng đạt thánh trí đó. Ngay đó người ấy trực diện chứng đắc, thấy biết cảnh giới chứng đắc.
* Này chúng tăng, tỉ dụ như trên một khoảnh đất bằng hình chữ nhật có một cái ao bao quanh bởi bờ đê đầy nước mà con qụa có thể uống được. Rồi một người lực lưỡng tháo bờ đê ra tại nơi nào đó thì nước có tuôn ra ngoài không?
“ Thưa có, Đức Phật”.
Cũng như vậy chúng Tăng, bất kỳ ai luyện tập phát triển Thân hành niệm đầy đủ; bất cứ thánh trí nào liên hệ với những pháp có thể được chứng đạt, người ấy nhắm tâm vào chứng đạt thánh trí đó. Ngay đó người ấy trực diện chứng đắc, thấy biết cảnh giới chứng đắc.
* Này chúng tăng, tỉ dụ như tại một ngả tư đường nơi khoảnh đất tốt, một chiếc xe ngựa dừng lại với roi vọt được chuẩn bị sẵn sàng. Rồi một người điều khiển xe giỏi- người chuyên huấn luyện ngựa, leo lên xe nắm lấy cương với tay trái và cầm roi bằng tay mặt, điều khiển xe ngựa chạy tới chạy lui bất cứ theo lối nào tùy thích hoặc như ý muốn của mình.
Cũng như vậy chúng Tăng, bất kỳ ai luyện tập phát triển Thân hành niệm đầy đủ; bất cứ thánh trí nào liên hệ với những pháp có thể được chứng đạt, người ấy nhắm tâm vào chứng đạt thánh trí đó. Ngay đó người ấy trực diện chứng đắc, thấy biết cảnh giới chứng đắc.

(Mười Điều Thành Tựu)
Phép quán thân, này chư Tăng, khi được thực hành luyện tập phát triển đầy đủ, thành thục, vững chắc, hoàn tất, quen thuộc, thông suốt; thì mười thành tựu này được kỳ vọng.
Mười thành tựu như thế nào?
1. Trấn áp những điều thích hay không thích, không bị trấn áp bởi những điều không thích. Luôn luôn sống khống chế được những điều không thích xảy đến.
2. Trấn áp được sợ hãi khiếp nhựơc, không bị sợ hãi khiếp nhược khống chế.
3. Chịu đựng được lạnh, nóng, đói, khát, ruồi, muỗi, gió, nắng, rắn rít, nói xấu, lời mích lòng, cảm thọ và khổ từ thân, châm chọc, hiểm ác, cay đắng, bất bình, không thích, đe dọa mạng sống.
4. Đối với bốn thiền, tâm ý thanh tịnh, sống tự tại an lạc, chứng đạt theo ý muốn, không có gì khó khăn, không có gì cản ngăn.
5. Chứng nghiệm hàng loạt các loại thần thông: từ một biến thành nhiều, từ nhiều biến thành một, tự hiện ra và biến mất (tàn hình), di chuyển không ngăn ngại qua tường qua rào qua núi dễ dàng như đi trong không gian. Độn thổ và trồi lên dễ dàng như đi trong nước. Băng qua nước không chìm dễ dàng như đi trên đất liền. Di chuyển trong không gian với tư thế ngồi thiền dễ dàng như chim cất cánh bay.
6. Đối với mặt trăng mặt trời (5*), quyền năng và vĩ đại, có thể tiếp xúc sờ mó bằng tay. Dùng thần thông phi thân đến khung trời Phạm thiên Brahma. Với thiên nhỉ thanh tịnh và siêu phàm có thể nghe thấu hai loại âm thanh của trời và người dù ở xa hay gần.
7. Biết rõ với tâm của mình có thể đọc được tâm của chúng sanh khác hay tâm người khác: khi tâm có tham biết tâm đang tham, tâm không tham biết tâm không tham, tâm có sân biết tâm đang sân, tâm không sân biết tâm không sân, tâm có si biết tâm đang si, tâm không si biết tâm không si, tâm tập trung biết tâm đang tập trung, tâm lang thang biết tâm đang lang thang, tâm phóng khoáng biết có tâm phóng khoáng, tâm không phóng khoáng biết tâm không phóng khoáng, tâm không vô thượng biết tâm không vô thượng, tâm vô thượng biết có tâm vô thượng, tâm tĩnh định biết tâm đang tĩnh định, tâm không tĩnh định biết tâm không tĩnh định. Tâm giải thoát biết có tâm giải thoát, tâm không giải thoát biết tâm không giải thoát.
8. Nhớ lại những tiền kiếp như: một kiếp, hai kiếp, ba kiếp, bốn kiếp, năm kiếp, mười kiếp, hai mươi kiếp, ba mươi kiếp, bốn mươi kiếp, năm mươi kiếp, trăm kiếp, ngàn kiếp, trăm ngàn kiếp, vô số kỉ nguyên biến hoại, vô số kỉ nguyên biến hoá, vô sô kỉ nguyên biến hoại và biến hóa. Ở nơi này nơi kia có tên này, gia đình này, giai cấp này, thực phẩm này, từng trải vui khổ này, nếp sống này, chết nơi kia sinh lại nơi đây. Với mọi đặc điểm mọi chi tiết, nhớ lại những tiền kiếp khác xưa của mình.
9. Với thiên nhãn thanh tịnh và siêu phàm, thấy được sự chết và tái sinh của các chúng sanh khác: thấp kém, sang trọng, xinh đẹp, xấu xí, vận may, vận rủi, biết đươc chúng sinh ra đời tùy theo duyên nghiệp của mình.
10. Dứt sạch mọi ô nhiễm, không còn nhiễm ô, tâm khai phóng, trí tuệ khai phóng,
sống tự tại chứng đắc thánh trí ngay trong đời này.
Khi Thân hành niệm được thực hành luyện tập phát triển đầy đủ, thành thục, vững chắc, hoàn tất, quen thuộc, thông suốt; thì mười thành tựu này được kỳ vọng.
Đức Phật thuyết pháp xong, các Tỳ Khưu hoan hỉ đón nhận lời dạy của Ngài. 


(1*) Thân ô nhiễm hay bất tịnh gồm có 32 món: 20 món đặc và 12 món lỏng, nhưng trong nguyên văn Pāli chỉ có 19 món đặc, nếu muốn người đọc có thể thêm vào như bàng quang, hậu môn, etc…

(2*) Bất thiện pháp có thể hiểu như 5 Chướng ngại (Triền cái) trong phần Quán Pháp – Kinh Tứ Niệm Xứ. Đó là Tham, Sân, Buồn ngủ/Dã dượi, Xao lãng/Hối tiếc, Nghi ngờ. 

(3*) Tầm và Tứ: tầm cũng có thể hiểu là tìm kiếm và tứ là quan sát. Ví như khi tập Nhất thiền, hành giả tìm kiếm (tầm) một đề mục/đối tượng như hơi thở để quán, rồi chú tâm quan sát (tứ) hơi thở ra/vô một cách liên tục miên mật. 

(4*) Hỷ để chỉ cho sự hoan hỷ thuộc về tâm, Lạc chỉ sự an lạc của thân.

(5*) Đức Phật có nói qúa về loại thần thông này không? Các phi hành gia Mỹ đã bay và cắm cờ Mỹ trên mặt trăng năm 1969. Còn mặt trời qúa nóng sẽ đốt cháy mọi thứ, nhưng người đã chứng được loại thần thông này thì đâu có sao. Người viết có một người bạn được một vị Phật Bích Chi đang tại thế dạy cho nhiều loại thần thông và đã tận mắt được chứng kiến.

=================================================

Để bổ túc cho kinh trên, sau đây là bản kinh “16 phép quán niệm hơi thở”. 

ĐiềnTrungMinh dịch từ Pāli 05/02/2021 

Saṃyutta nikāya – Tương Ưng Kinh
SN54.1: Kinh Một Pháp (16 Phép Quán Hơi Thở) – Ekadhamma Sutta
ĐiềnTrungMinh dịch từ Pāli 05/02/2021

Chú thích: Bản kinh này được trích ra phần căn bản từ Kinh Trung Bộ MN118 Chánh Niệm Hơi Thở – Ānāpānassati Sutta

Tại Sāvatthi.
Nơi đây, Đức Phật thuyết giảng:
– Chư Tỳ khưu, khi một pháp này được tu tập và phát triển, sẽ đem lại kết qủa và hữu ích.
Một pháp như thế nào? Đó là chánh niệm hơi thở.
Vậy chư tăng, tu tập như thế nào, phát triển thế nào chánh niệm hơi thở để có kết quả và hữu ích?
Đó là, chúng tăng, một hành giả đi đến cụm rừng, gốc cây, chòi nhà trống vắng, ngồi xếp bằng tréo chân, giữ thân ngay thẳng, và hướng chánh niệm trước mặt.
Và rồi, chánh niệm hít vô, chánh niệm thở ra.
(Liên hệ về thân)
1/ Hơi dài hít vô – biết rõ hơi dài đang hít vô. Hơi dài thở ra – biết rõ hơi dài đang thở ra.
2/ Hơi ngắn hít vô – biết rõ hơi ngắn đang hít vô. Hơi ngắn thở ra – biết rõ hơi ngắn đang thở ra.
3/ Cảm nghiệm toàn thân, hít vô thực tập. Cảm nghiệm toàn thân, thở ra thực tập.
4/ An tịnh thân hành, hít vô thực tập. An tịnh thân hành, thở ra thực tập.
(Liên hệ về thọ)
5/ Cảm nghiệm hỷ, hít vô thực tập. Cảm nghiệm hỷ, thở ra thực tập.
6/ Cảm nghiệm lạc, hít vô thực tập. Cảm nghiệm lạc, thở ra thực tập.
7/ Cảm nghiệm tâm hành, hít vô thực tập. Cảm nghiệm tâm hành, thở ra thực tập.
8/ An tịnh tâm hành, hít vô thực tập. An tịnh tâm hành, thở ra thực tập.
(Liên hệ về tâm)
9/ Cảm nghiệm tâm, hít vô thực tập. Cảm nghiệm tâm, thở ra thực tập.
10/ Tâm phấn chấn, hít vô thực tập.Tâm phấn chấn, thở ra thực tập.
11/ Tâm định, hít vô thực tập. Tâm định, thở ra thực tập.
12/ Tâm giải thoát (không tham-sân-si), hít vô thực tập. Tâm giải thoát, thở ra thực tập.
(Liên hệ về pháp)
13/ Quán vô thường, hít vô thực tập. Quán vô thường, thở ra thực tập.
14/ Quán ly tham, hít vô thực tập. Quán ly tham, thở ra thực tập.
15/ Quán ngưng diệt (vô vi), hít vô thực tập. Quán ngưng diệt, thở ra thực tập.
16/ Quán buông xả, hít vô thực tập. Quán buông xả, thở ra thực tập.

Chúng tăng, như thế đó là tu tập và phát triển chánh niệm hơi thở thật có kết qủa và hữu ích.