Thân Hành Niệm là TrungKinh Kāyagatāsati Sutta- tiếng Pāli, nội dung tương đối dễ hiểu và đơn giản để thực tập. Đây là kinh cùng với kinh NiệmXứ là 2 bản kinh quan trọng nhất để tu tập hướng đến giải thoát. Kinh này đã được Đức Phật Thích Ca Gotama giảng thuyết tại Savatthi (XáVệ)- ẤnĐộ cách cách nay 2600 năm, trước các tỳ khưu của Ngài. Đây là phần đầu QuánThân trong 4 phép quán Thân-Thọ-Tâm-Pháp trong Kinh NiệmXứ (Satipaṭṭhāna Sutta) và ĐạiNiệmXứ (Mahāsatipaṭṭhāna Sutta). Đức Phật thêm bốn bậc thiền (NhấtThiền, NhịThiền, TamThiền, TứThiền) vào phần Quán Thân để tạo thành kinh này.
Trong TrungKinh Mahāsaccaka Sutta-MN36, Đức Phật thuyết cho học giả Saccaka Nigantha- là con trai của một lãnh tụ giáo phái nổi tiếng thời đó, nói về hành trình chứng đắc của Ngài- từ khi rời bỏ hoàng cung ra đi, rồi tìm đến tu tập các bậc thiền vô sắc với 2 thiền sư Alāra Kālāma và Uddaka Rama. Không cảm nhận được giải thoát nên Ngài lại ra đi tu khổ hạnh 6 năm cùng với 5 anh em KiềuTrầnNhư. Vì cứ lầm tưởng rằng khổ đau là do từ cái thân này nên phải hành hạ thân xác cho tàn lụi để đạt giải thoát, nhưng đến khi chỉ còn da bọc xương, sờ tay vào bụng thấy xương sống và sờ tay vào xương sống thấy bụng thì Ngài tỉnh ngộ- từ bỏ khổ hạnh. Trong một đêm, ngồi tĩnh lặng dưới cội cây: ta nhớ lại khi phụ thân ta dòng họ Thích ca (Sakka) đang bận việc thì ta ngồi dưới bóng cây mát mẻ, ly dục- ly pháp bất thiện, với tầm (ý tưởng/truy tầm) với tứ (suy ngẫm/quan sát ý tứ), với hỷ lạc từ ly dục, ta nhập trú vào NhấtThiền. Vậy lộ trình này có dẫn đến giác ngộ không? Rồi ta có nhận thức này: “đó là lộ trình dẫn đến giác ngộ”. Rồi Ngài tiếp tục với NhịThiền, TamThiền và TứThiền. Lúc tâm định tĩnh, trong sáng, tinh khiết, không luyến đắm, dứt sạch ham muốn, nhu nhuyễn, khả dụng, ổn định, tĩnh tịch; ta hướng tâm tới TúcMạngMinh- nhớ lại đủ loại đời sống đã qua… Rồi ta hướng tâm tới ThiênNhãnMinh- thấy được chúng sanh chết đi và tái sinh… Rồi ta hướng tâm tới Lậu tận minh- biết rõ như thật đây là khổ, đây là khổ tập, đây là khổ diệt, đây là lộ trình dẫn đến diệt khổ… Ta biết rõ như thật đây là uế nhiễm- phiền não, đây là uế nhiễm tập khởi, đây là uế nhiễm hoại diệt, đây là lộ trình dẫn đến đoạn diệt uế nhiễm.
Thấy và biết như vậy, dục lậu- hữu lậu được khai phóng khỏi tâm, vô minh lậu được khai phóng khỏi tâm. Trong sự khai phóng, khởi lên trí tuệ giải thoát: “Sanh chấm dứt, sống thánh thiện, việc cần làm đã xong, không còn gì trở lại trạng huống hiện hữu (phiền não-khổ đau) này nữa”.
Trong phần khuyến tấn, Đức Phật nêu rõ: hành giả chí thú nỗ lực tu tập kinh này sẽ hưởng được 10 thành tựu như sức khỏe tốt lành, đạt những ý nguyện, chứng đắc các loại thần thông như ThầnTúcTHông, ThiênNhĩThông, ThaTâmThông, TúcMạngMinh, ThiênNhãnMinh, và LậuTậnMinh, tiến đến giác ngộ giải thoát.
Hãy chọn một nơi thanh vắng, trong tư thế ngồi thiền, quán tưởng- tác ý bản kinh này mỗi lần ít nhất 30 phút, tùy theo khả năng thực tập càng nhiều lần càng tốt trong ngày, tinh tấn-nỗ lực-quyết tâm sẽ thực chứng thành quả.
PHẦN TU TẬP- THỰC HÀNH
Này chư tỳ khưu, hành giả tìm đến khu rừng, gốc cây, nơi trú trống vắng, ngồi xếp bằng tréo chân, thân thẳng đứng, hướng chánh niệm trước mặt.
(Quán Niệm Hơi Thở)
– Hít vô dài, biết rõ đang hít vô dài; thở ra dài, biết rõ đang thở ra dài.
– Hít vô ngắn, biết rõ đang hít vô vô ngắn; thở ra ngắn, biết rõ đang thở ra ngắn.
– Toàn thân cảm giác (hơi thở) hít vô, thực tập! Toàn thân cảm giác thở ra, thực tập!
– Tĩnh lặng thân hành hít vô, thực tập! Tĩnh lặng thân hành thở ra, thực tập!
(Bốn Tư Thế: Đi Đứng Ngồi Nằm)
– Khi đi chỉ biết đang đi, khi đứng chỉ biết đang đứng, khi ngồi chỉ biết đang ngồi, khi nằm chỉ biết đang nằm. Hoặc thân đang hoạt dụng ở tư thế nào thì luôn biết rõ như vậy.
Trong khi sống chuyên cần, nỗ lực và quyết tâm; vui buồn- thế sự dứt trừ. Do được dứt trừ, nội tâm tĩnh lặng, hành thiền nhất tâm nhập định. Và như vậy là hành giả luyện tập- phát triển ThânHànhNiệm.
(Chánh Niệm- Tỉnh Giác)
– Hành giả đi tới đi lui- rõ ràng thường biết. Nhìn tới nhìn quanh- rõ ràng thường biết. Co duỗi tay chân – rõ ràng thường biết. Khoác cà sa, bưng bát, mặc y- rõ ràng thường biết. Ăn, uống, nhai, nếm- rõ ràng thường biết. Đại tiện, tiểu tiện- rõ ràng thường biết. Đi, đứng, ngồi, ngủ nghỉ, thức giấc, nói chuyện, im lặng- rõ ràng thường biết. Thân đang làm việc gì luôn biết rõ như vậy.
(Thân Ô Trược- Bất Tịnh)
– Hành giả quán xét thân này từ đáy chân trở lên và từ đỉnh tóc trở xuống, được da bọc lại, tích chứa đầy những loại vật thể dơ bẩn khác nhau. Nơi thân này là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, dạ dày, phân, mật, đờm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, chất dầu, nước miếng, nước mũi, dịch khớp xương, nước tiểu.
(Thân Bốn Yếu Tố- Tứ Đại)
– Này nữa chư Tăng, hành giả quán xét thân này hoặc qua tư thế hoặc qua sự vận hành của các yếu tố. Nơi thân đây là các yếu tố Đất, Nước, Gió, Lửa (chất đặc, chất lỏng, chất hơi, nhiệt độ nóng lạnh).
(Chín Giai Đoạn Mục Nát Của Tử Thi)
*Giai đoạn 1: Hành giả quán như khi nhìn thấy một tử thi bị vứt bỏ ở nghĩa địa, một ngày, hai ngày hoặc ba ngày, trương sình, tái xám, rã thối.
*Giai đoạn 2: Rồi bị chim qụa, diều hâu, kên kên, cọp, beo, chó, chồn và hàng loạt các loài sinh vật khác đến tranh giành xơi thịt.
*Giai đoạn 3: Với bộ xương còn nguyên, dính liền thịt và máu, nối lại với gân.
*Giai đoạn 4: Với bộ xương còn nguyên, không còn thịt nhưng còn dính máu, nối lại với gân.
*Giai đoạn 5: Với bộ xương còn nguyên, không còn thịt không còn máu, nối lại với gân.
*Giai đoạn 6: Với bộ xương không còn dính lại nhau, rải rác nơi này nơi khác, đây là xương tay, xương chân, xương mắt cá, xương ống quyển, xương đùi, xương mông, xương sườn, xương sống, xương vai, xương cổ, xương cằm, răng, xương sọ.
*Giai đoạn 7: Chỉ còn là đống xương đã biến thành màu trắng vỏ ốc.
*Giai đoạn 8: Chỉ còn trơ trọi một mớ xương tàn rụi- vỡ vụn sau một năm.
*Giai đoạn 9: Chỉ còn là mớ xương rã nát thành bột.
Rồi ngay chính bản thân đây cũng được quán xét tương tự: bản chất của thân là như vậy, sẽ trở thành như vậy, không trốn thoát đâu được.
Trong khi sống chuyên cần, nỗ lực- quyết tâm; vui buồn- thế sự dứt trừ. Do được dứt trừ, nội tâm tĩnh lặng, hành thiền nhất tâm nhập định. Và như vậy là hành gỉa tu tập phát triển ThânHànhNiệm.
(Bốn Cấp Thiền Hữu Sắc)
Đây là 4 bậc thiền hữu sắc mà Đức Phật ThíchCa Gotama đã thiền định, saư đó hướng đến TamMinh và đạt giác ngộ giải thoát như Ngài đã thuật lại trong TrungKinh Mahāsaccaka Sutta-MN36.
*Nhất thiền :
Hành gỉa ly dục- ly bất thiện pháp, với tầm với tứ (hơi thở- hít vào thở ra) cùng nguồn hỷ lạc từ ly dục, nhập trú trong Nhất thiền. Cảm nhận nguồn hỉ lạc từ ly dục thấm nhập- lan tỏa- tràn đầy khắp châu thân.
Ví như có người nhồi bột giặt với nước, thấm nhuấn với nước, trộn đều với nước, lấp đầy, lan tỏa với nước. Tương tự, hành giả thấm nhuần, tẩm ướt, lấp đầy, lan tỏa khắp thân thể với niềm hỷ và lạc từ ly dục qua Nhất thiền chánh định.
*Nhị thiền::
Hành giả từ bỏ tầm và tứ, nội tĩnh- nhất tâm, không tầm không tứ, với nguồn hỷ lạc từ thiền định thấm nhập- lan tỏa- tràn đầy khắp châu thân.
Giả sử có một hồ nước trong xanh được cung cấp từ giếng suối phun từ bên trong, nước trong mát phun ra thấm nhuần, trộn đều, lấp đầy, lan tỏa khắp hồ nước. Cũng như vậy, hành giả thấm nhuần, tẩm ướt, lấp đầy, lan tỏa khắp thân thể với nguòn hỷ và lạc từ thiền định qua Nhị thiền chánh định.
*Tam thiền:
Hành giả từ bỏ hỉ, sống buông xả, chánh niệm tỉnh giác, nguồn an lạc được cảm thọ qua thân như Thánh nhân tuyên bố “Sống buông xả- chánh niệm- an lạc”, nhập trú trong Tam thiền. Nguồn an lạc thấm nhập- lan tỏa- tràn đầy khắp châu thân.
Ví như các loại cây sen súng sinh sống trong đầm nước tươi mát, từ rễ đến ngọn đều được thấm nhuần, tẩm uớt, lấp đầy, lan tỏa với nước tươi mát. Tương tự, hành giả thấm nhuần, tẩm ướt, lấp đầy, lan tỏa khắp thân thể với nguồn an lạc (không còn hỳ) qua Tam thiền chánh định.
*Tứ thiền :
Hành giả từ bỏ lạc- từ bỏ khổ, cùng với đoạn diệt những vui buồn từ trước, dứt khổ- dứt lạc, buông xả- chánh niệm- thanh tịnh, trú nhập trong Tứ thiền. Nguồn tâm trong sáng-thuần khiết-thanh tịnh thấm nhập- lan tỏa- tràn đầy khắp châu thân.
Giả sử như có người trùm khắp- che kín thân từ đầu đến chân mốt tấm vải trắng. Tương tự như vậy, hành giả thấm nhuần- lan tỏa- tràn đầy khắp thân thể với nguồn tâm trong sáng- thuần khiết- thanh tịnh qua Tứ thiền chánh định.
Sống chuyên cần, nỗ lực, quyết tâm, mọi vui buồn- thế sự được dứt trừ. Do được dứt trừ, nội tâm tĩnh lặng, hành thiền nhất tâm nhập định. Và như thế là hành giả tu tập phát triển ThânHànhNiệm.
** (Để đơn giản hóa việc thực tập, các phần ví dụ được lướt qua ở đây)
PHẦN KHUYẾT TẤN- THÀNH TỰU
(Khuyến Tấn)
Bất cứ ai, này chúng Tăng, mà ThânHànhNiệm được luyện tập- phát triển đầy đủ, sẽ gom thu bất cứ thiện pháp nào hướng về sự thông hiểu cao cả nhất (vijjābhāgiyā).
- Tỉ dụ như bất cứ ai với đại dương thấm nhập vào tâm, sẽ gom thu bất cứ sông ngòi nào đều chảy về biển cả.
Cũng vậy, này chúng Tăng, bất cứ ai có ThânHànhNiệm được luyện tập- phát triển đầy đủ, sẽ gom thu bất cứ thiện pháp nào hướng về sự thông hiểu cao cả nhất. - Bất cứ ai mà ThânHànhNiệm không được luyện tập- phát triển không đầy đủ, Thiên ma có cơ hội với y, Thiên ma sẽ thâm nhập đến các căn trần của y.
- Bất cứ ai luyện tập- phát triển ThânHànhNiệm đầy đủ; bất cứ thánh trí (abhinnā) nào liên hệ với các pháp có thể được chứng đạt, người ấy nhắm tâm vào chứng đạt thánh trí đó. Ngay đó, người ấy trực diện chứng đắc, thấy biết cảnh giới chứng đắc của chính mình.
(Mười Điều Thành Tựu)
ThânHànhNiệm, này chư Tăng, khi được thực hành luyện tập- phát triển đầy đủ, thành thục, vững chắc, hoàn tất, quen thuộc, thông suốt, thì mười thành tựu này được kỳ vọng.
Mười thành tựu như thế nào?
1. Trấn áp những điều thích hay không thích, không bị trấn áp bởi những điều không thích. Luôn luôn sống- khống chế được những điều không thích xảy đến.
2. Trấn áp được sợ hãi khiếp nhược, không bị sợ hãi khiếp nhược khống chế.
3. Chịu đựng được lạnh, nóng, đói, khát, ruồi muỗi, gió, nắng, rắn rít, nói xấu, lời mích lòng, cảm thọ- khổ từ thân, lời châm chọc, hiểm ác, cay đắng, bất bình, không thích, đe dọa mạng sống.
4. Đối với bốn thiền, tâm ý thanh tịnh, sống tự tại an lạc, chứng đạt theo ý muốn, không có gì khó khăn, không có gì cản ngăn.
5. Chứng nghiệm hàng loạt các loại thần thông (1. ThầnTúcThông): từ một biến thành nhiều, từ nhiều biến thành một, tự hiện ra và biến mất (tàn hình), di chuyển không ngăn ngại qua tường- qua rào- qua núi dễ dàng như xuyên thấu trong không gian. Độn thổ và trồi lên dễ dàng như xuyên thấu trong nước. Băng qua nước không chìm- dễ dàng như đi trên đất liền. Di chuyển trong không gian với tư thế ngồi thiền dễ dàng như chim tung cánh bay.
6. Đối với mặt trăng mặt trời, quyền năng và vĩ đại, có thể tiếp xúc sờ mó bằng tay. Dùng thần thông phi thân đến cõi trời Phạm thiên Brahma. Với thiên nhĩ thanh tịnh và siêu phàm có thể nghe thấu hai loại âm thanh của trời và người dù ở xa hay gần (2. ThiênNhĩThông).
7. Biết rõ với tâm của mình có thể đọc được tâm của chúng sanh khác hay tâm người khác (3. ThaTâmThông). Đây cũng là phần QúanTâm trong KinhNiệmXứ, chuyên chú thực tập phần này sẽ có khả năng siêu phàm ThaTâmThông- biết được tâm của ngưòi khác: (1) khi tâm có tham biết tâm đang tham, tâm không tham biết tâm không tham, (2) tâm có sân biết tâm đang sân, tâm không sân biết tâm không sân, (3) tâm có si biết tâm đang si, tâm không si biết tâm không si, (4) tâm tập trung biết tâm đang tập trung, tâm lang thang biết tâm đang lang thang, (5) tâm rộng lượng biết có tâm rộng lượng, tâm không độ lượng biết tâm không độ lượng, (6) tâm vượt thượng biết tâm vượt thượng, tâm vô thượng biết có tâm vô thượng, (7) tâm tĩnh định biết tâm đang tĩnh định, tâm không định biết tâm không định, (8) tâm giải thoát biết có tâm giải thoát, tâm không giải thoát biết tâm không giải thoát.
8. Nhớ lại những tiền kiếp (4. TúcMạngMinh) như : một đời, 2 đời, 3 đời, 4 đời, 5 đời… 10 đời, 20 đời, 30 đời, 40 đời, 50 đời, 100 đời, 1000 đời, trăm ngàn đời, vô số vĩnh kiếp (kappa- aeon) biến hoại, vô số vĩnh kiếp biến hóa, vô sô vĩnh kiếp biến hoại và biến hóa. Ở nơi này nơi kia có tên này, gia đình này, giai cấp này, thực phẩm này, từng trải vui khổ này, nếp sống này, chết nơi kia sinh lại nơi đây. Với mọi đặc điểm mọi chi tiết, nhớ lại những tiền kiếp xa xưa của mình.
9. Với thiên nhãn thanh tịnh và siêu phàm (5. ThiênNhãnMinh), thấy được sự chết và tái sinh của các chúng sanh khác: thấp kém, sang trọng, xinh đẹp, xấu xí, vận may, vận rủi, biết rõ chúng sinh ra đời tùy theo duyên nghiệp của mình.
10. Dứt sạch mọi ô nhiễm (6. LậuTậnMinh), không còn nhiễm ô, tâm khai phóng, trí tuệ khai phóng, sống tự tại chứng đắc thánh trí (ALaHán) ngay trong đời này.
Khi ThânHànhNiệm được thực hành- luyện tập phát triển đầy đủ, thành thục, vững chắc, hoàn tất, quen thuộc, thông suốt, thì mười thành tựu này được kỳ vọng.
Đức Phật thuyết pháp xong, các Tỳ Khưu hoan hỷ đón nhận lời dạy của Ngài.