Như Lai Thiền Tương
Ưng V.54.8
Giới thiệu: Ðức Phật
tóm tắt pháp hành thiền niệm hơi thở để nhập tám tầng thiền-na, và thực chứng
tính vô thường của mọi cảm thọ.
Tương Ưng V.54.8
Ngọn Ðèn
-- Ðịnh niệm hơi thở
vô, hơi thở ra, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn thời có quả
lớn, có lợi ích lớn. Và này các Tỷ-kheo, tu tập định niệm hơi thở vô, hơi thở
ra như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào thời có quả lớn, có lợi ích lớn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo,
Tỷ-kheo đi đến khu rừng, hay đi đến gốc cây, hay đi đến căn nhà trống, ngồi kiết-già,
lưng thẳng, đặt niệm trước mặt; vị ấy chánh niệm thở vô, chánh niệm thở ra...
"Quán từ bỏ,
tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Quán từ bỏ, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập.
Ðịnh niệm hơi thở
vô, hơi thở ra, này các Tỷ-kheo, tu tập như vậy, làm cho sung mãn như vậy thời
có quả lớn, có lợi ích lớn.
Này các Tỷ-kheo, Ta
trước khi giác ngộ, chưa chứng Chánh Ðẳng Giác, khi còn là Bồ-tát, Ta trú nhiều
với trú này. Này các Tỷ-kheo, do Ta trú nhiều với trú này, thân Ta và con mắt
không có mệt nhọc; và tâm Ta được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp
thủ.
Do vậy, này các Tỷ-kheo,
nếu Tỷ-kheo ước muốn rằng: "Mong rằng thân và mắt khỏi bị mệt mỏi, và mong
rằng tâm tôi được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ", thời định
niệm hơi thở vô và hơi thở ra này cần phải khéo tác ý.
Do vậy, này các Tỷ-kheo,
nếu Tỷ-kheo ước muốn rằng: "Mong rằng các niệm, các tư duy của ta được đoạn
tận", thời định niệm hơi thở vô, hơi thở ra này phải được khéo tác ý.
Do vậy, này các Tỷ-kheo,
nếu Tỷ-kheo ước muốn rằng: "Mong rằng ta sẽ trú với tưởng nhàm chán đối với
các pháp không nhàm chán", thời định niệm hơi thở vô, hơi thở ra này cần
phải được khéo tác ý.
Do vậy, này các Tỷ-kheo,
nếu Tỷ-kheo ước muốn rằng: "Mong rằng ta sẽ trú với tưởng không nhàm chán
đối với các pháp nhàm chán", thời định niệm hơi thở vô, hơi thở ra này cần
phải được khéo tác ý.
Do vậy, này các Tỷ-kheo,
nếu Tỷ-kheo ước muốn rằng: "Tôi sẽ trú với tưởng nhàm chán đối với các
pháp không nhàm chán và nhàm chán", thời định niệm hơi thở vô, hơi thở ra
này cần phải được khéo tác ý.
Do vậy, này các Tỷ-kheo,
nếu Tỷ-kheo ước muốn rằng: "Tôi sẽ trú với tưởng không nhàm chán đối với
các pháp nhàm chán và không nhàm chán", thời định niệm hơi thở vô, hơi thở
ra này cần phải được khéo tác ý.
Do vậy, này các Tỷ-kheo,
nếu Tỷ-kheo ước muốn rằng: "Mong rằng sau khi từ bỏ cả hai không nhàm chán
và nhàm chán, tôi sẽ trú xả, chánh niệm, tỉnh giác", thời định niệm hơi thở
vô, hơi thở ra này cần phải được khéo tác ý.
Do vậy, này các Tỷ-kheo,
nếu Tỷ-kheo ước muốn rằng: "Mong rằng ly dục, ly pháp bất thiện, tôi sẽ chứng
đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có
tứ", thời định niệm hơi thở vô, hơi thở ra này cần phải được khéo tác ý.
Do vậy, này các Tỷ-kheo,
nếu Tỷ-kheo ước muốn rằng: "Mong rằng làm cho tịnh chỉ tầm và tứ, tôi sẽ
chứng đạt và an trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm,
không tứ, nội tĩnh, nhất tâm", thời định niệm hơi thở vô, hơi thở ra này cần
phải được khéo tác ý.
Do vậy, này các Tỷ-kheo,
nếu Tỷ-kheo ước muốn rằng: "Mong rằng ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh
giác,thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, tôi sẽ chứng
đạt và an trú Thiền thứ ba", thời định niệm hơi thở vô, hơi thở ra này cần
phải được khéo tác ý.
Do vậy, này các Tỷ-kheo,
nếu Tỷ-kheo ước muốn rằng: "Mong rằng đoạn lạc, đoạn khổ, chấm dứt hỷ ưu
đã cảm thọ trước, tôi chứng đạt và an trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả
niệm thanh tịnh", thời định niệm hơi thở vô, hơi thở ra này cần phải được
khéo tác ý.
Do vậy, này các Tỷ-kheo,
nếu Tỷ-kheo ước muốn rằng: "Vượt qua sắc tưởng một cách hoàn toàn, chấm dứt
đối ngại tưởng, không tác ý các tưởng sai biệt, nghĩ rằng: ‘Hư không là vô
biên", chứng đạt và an trú Không vô biên xứ", thời định niệm hơi thở
vô, hơi thở ra này cần phải được khéo tác ý.
Do vậy, này các Tỷ-kheo,
nếu Tỷ-kheo ước muốn rằng: "Vượt qua Không vô biên xứ một cách hoàn toàn,
nghĩ rằng: ‘Thức là vô biên", tôi có thể chứng đạt và an trú Thức vô biên
xứ", thời định niệm hơi thở vô, hơi thở ra này cần phải được khéo tác ý.
Do vậy, này các Tỷ-kheo,
nếu Tỷ-kheo ước muốn rằng: "Vượt qua Thức vô biên xứ một cách hoàn toàn,
nghĩ rằng: ‘Không có vật gì’, tôi sẽ chứng đạt và an trú Vô sở hữu xứ", thời
định niệm hơi thở vô, hơi thở ra này cần phải được khéo tác ý.
Do vậy, này các Tỷ-kheo,
nếu Tỷ-kheo ước muốn rằng: "Vượt qua Vô sở hữu xứ một cách hoàn toàn, tôi
sẽ chứng đạt và an trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ", thời định niệm hơi thở
vô, hơi thở ra này cần phải được khéo tác ý.
Do vậy, này các Tỷ-kheo,
nếu Tỷ-kheo ước muốn rằng: "Vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ một cách
hoàn toàn, tôi sẽ chứng đạt và an trú Diệt thọ tưởng định", thời định niệm
hơi thở vô, hơi thở ra này cần phải được khéo tác ý.
Trong khi tu tập định
niệm hơi thở vô, hơi thở ra như vậy, này các Tỷ-kheo, trong khi làm cho sung
mãn như vậy, vị ấy cảm giác lạc thọ. Vị ấy rõ biết: "Thọ ấy là vô thường".
Vị ấy rõ biết: "Không có chấp trước thọ ấy". Vị ấy rõ biết:
"Không có hoan duyệt thọ ấy". Nếu vị ấy cảm giác khổ thọ, vị ấy rõ biết:
"Thọ ấy là vô thường". Vị ấy rõ biết: "Không chấp trước thọ ấy".
Vị ấy rõ biết không hoan duyệt thọ ấy". Nếu vị ấy cảm giác bất khổ bất lạc
thọ. Vị ấy rõ biết: "Thọ ấy là vô thường". Vị ấy rõ biết: "Không
có chấp trước thọ ấy". Vị ấy rõ biết: "Không có hoan duyệt thọ ấy".
Nếu vị ấy cảm giác lạc
thọ, thọ ấy được cảm thọ không bị trói buộc. Nếu vị ấy cảm giác khổ thọ, thọ ấy
được cảm thọ không bị trói buộc. Nếu vị ấy cảm giác bất khổ bất lạc thọ, thọ ấy
được cảm thọ không bị trói buộc. Khi vị ấy đang cảm giác một cảm thọ tận cùng sức
chịu đựng của thân, vị ấy rõ biết: "Tôi cảm giác một cảm thọ tận cùng sức
chịu đựng của thân". Khi vị ấy cảm giác một cảm thọ tận cùng sức chịu đựng
của sinh mạng, vị ấy rõ biết: "Tôi cảm giác một cảm thọ tận cùng sức chịu
đựng của sinh mạng". Khi thân hoại mạng chung, vị ấy rõ biết: "Ở đây,
tất cả mọi cảm thọ đều không có gì được hân hoan, và sẽ trở thành mát lạnh".
Ví như, này các Tỷ-kheo,
do duyên dầu, duyên tim, một cây đèn dầu được cháy sáng. Nếu dầu và tim của ngọn
đèn ấy đi đến tiêu diệt, nhiên liệu không được mang đến, thời ngọn đèn sẽ tắt.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi Tỷ-kheo cảm giác một cảm thọ tận cùng sức chịu đựng
của thân, vị ấy rõ biết: "Tôi cảm giác một cảm thọ tận cùng sức chịu đựng
của thân". Khi Tỷ-kheo cảm giác một cảm thọ tận cùng sức chịu đựng của
sinh mạng, vị ấy rõ biết: "Tôi cảm giác một cảm thọ tận cùng sức chịu đựng
của sinh mạng". Khi thân hoại mạng chung, vị ấy rõ biết: "Ở đây, tất
cả những gì được cảm thọ đều không có gì được hân hoan, và sẽ trở thành mát lạnh".
Samyutta Nikaya
V.54.8
(Hòa thượng Thích
Minh Châu dịch Việt)