Friday, June 20, 2014

CATUDHĀTUVAVATTHĀNA: đề mục phân biệt cái tướng của tứ đại.



Tứ đại là: đất (pathavī), nước (āpo), lửa (tejo), gió (vāyo). Tứ đại đó, nếu thuyết cho rộng ra, thì có 42 thể là: đất có 20 thể, nước có 12 thể, có giải trong đề mục niệm theo thân thể, 4 thể trong yếu tố lửa, khiến cho: 1.- cả châu thân nóng đều (santappati) - thân thể già yếu (jariyati) - thân thể ấm áp (pariṇayhati)
4.- thực phẩm tiêu hóa phải lẽ (sammāparināmaṃgacchati). Sáu thể trong yếu tố gió 1.- gió quạt lên phía trên (uddhangama vātā) - gió quạt xuống phía dưới (adhogama vātā) - gió quạt vận ở phía ngoài dạ dày (kacchitayā vātā) 4.- gió quạt trong dạ dày (katthasaya vātā) Gió quạt đều trong châu thân (angamamgangusarino vātā) 6.- hơi gió thở ra, hít vô (assasapassasa). Cái tướng của tứ đại đó như vầy: yếu tố đất có tướng cứng thô thiển; yếu tố nước có tướng ướt, thấm để kết hợp thân thể; yếu tố lửa có tướng nóng để nấu thân thể; yếu tố gió có tướng phất phơ để quạt thân thể. Hành giả muốn niệm pháp này, nên tìm ngụ trong nơi vắng vẻ, rồi quán tưởng ghi nhớ trong tâm theo phương pháp sẽ giải sau. Phép niệm này có 2 cách, tùy theo trí tuệ nhiều hay ít của hành giả. Nếu hành giả có nhiều trí tuệ, thì nên tìm xét cả thân thể của mình, ghi nhớ thường thường cho thấy là tứ đại chẳng phải là người, thú, tóm tắt như vầy: trong thân thể này, cái gì có tướng cứng thô thiển thì khép vào yếu tố đất; có tướng lỏng ẩm thấp để kết hợp thân thể cho liền với nhau khép vào yếu tố nước; có tướng nấu thân thể, có chất nóng, khép vào yếu tố lửa; có tướng quạt thân thể, khép vào yếu tố gió. Hành giả chỉ có tinh tấn ghi nhớ bấy nhiêu thì cận định ắt phát sanh; song không nhập định được, vì phép niệm này chỉ có thắng lực đến đó thôi. Nếu hành giả ít trí tuệ, cần học tứ đại cho rộng nơi vị thiền sư, theo 42 thể như đã giải phía trước rồi, quán tưởng theo 13 thể như vầy: 1.- vacanatthato: phải ghi nhớ trong tâm do cách giải thích của "tiếng" rằng: "tứ đại có nghĩa khác với nhau là có trạng thái dày rộng gọi là đất (pathavī); có trạng thái ẩm thấp gọi là nước (āpo); có trạng thái nóng gọi là lửa (tejo); có trạng thái quạt hơi gọi là gió (vāyo). Trạng thái duy trì cái tướng của mình, tạo tác sự luân hồi khổ não, hoặc làm cho khổ chảy vào vô ngằn, nên gọi là yếu tố (dhāta), phải chú tâm bằng cách giải thích của "tiếng" như vầy. - kalāpato: phải ghi nhớ trong tâm do kalāpa rằng: tất cả thể có tên gọi là: tóc, lông, móng... Toàn là cái chỉ danh, do sự hội hợp của pháp; sắc, hương, vị, phần tư tưởng (nuôi thân tâm cho có sức mạnh) và tứ đại, đều giống nhau cả song cái thể nào mà người đặt tên do sự hội hợp 10 pháp là: 8 pháp trước thêm jīvitindriya (sanh mạng) và tính (nam, nữ) nửa thành 10, gọi là yếu tố đất, nước, lửa gió... Đó là do yếu tố nào có phần nhiều hơn. Phải ghi để trong tâm theo kalāpa như thế đó. - cunnato: phải ghi để trong tâm do vi trần rằng: "yếu tố đất trong thân thể này, có yếu tố nước, lối nửa cân, yếu tố lửa duy trì, yếu tố gió quạt hộ không cho rời rã. Yếu tố nước, lửa, gió hòa trong yếu tố đất, hộ gôm, giữ, quạt duy trì lẫn nhau không cho tan rã, chảy lọt được, giúp đỡ, nấu, quạt thân không cho rã được. Phải ghi nhớ trong tâm theo trạng thái tinh vi như vầy. 4.- lakkhanadito. - phải ghi nhớ trong tâm theo một lakkhana nào rằng: yếu tố có tướng thô thiển là tướng (lakkhana), có trạng thái hằng phụ trợ là sự (kicca), có sự nâng đỡ là quả (phala), có sự tăng trưởng các pháp là (kicca), có sự kết hợp các pháp là (phala) - yếu tố lửa có trạng thái nóng là (lakkhana), có sự nóng, giữ các pháp là (kicca), có sự làm cho mềm dịu các pháp là (phala). Yếu tố gió có trạng thái phất phơ là (lakkhana) có sự quạt hơi là (kicca), có sự đem các pháp đi là (phala). Phải ghi nhớ trong tâm theo lakkhana như thế đó. 5.- samuṭṭhanato. - phải ghi nhớ trong tâm do samuṭṭhanato rằng: "trong 42 thể, nhất là tóc, thực phẩm mới, thực phẩm cũ, nước mũi, nước tiểu có thời hạn phát sanh, nước mắt, mồ hôi, nướng miếng, có thời hạn phát sanh, có khi do tâm mà sanh. Yếu tố lửa nấu thực phẩm mà người ăn vào, có nghiệp là giới hạn sanh. Hơi gió thở ra hít vô có tâm là giới hạn sanh. Còn lại 32 thể: thời, tâm, nghiệp, thực phẩm (đủ cả 4) là giới hạn sanh. Phải ghi nhớ trong tâm như thế đó. 6.- nānattekattato. - phải ghi nhớ trong tâm do trạng thái khác nhau và giống nhau rằng: cả tứ đại đó có lakkhana, kicca và phala khác nhau thật, song đền có tên là śắc" giống nhau, vì không qua khỏi cái tướng (lakkhana) phải hư hoại, cho nên gọi là tứ đại giống nhau, vì to lớn rõ rệt gọi là dhātu) giống nhau, vì qua khỏi dhādū lakkhana, duy trì lakkhana của mình và tạo tác sự luân hồi, hoặc chảy đến điều khổ, không có thể tưởng tượng được, gọi là Dhamma giống nhau, do sự duy trì cái tướng của mình, đều là không thường giống nhau; vì hằng tiêu diệt, mục, thúi, là khổ giống nhau, hằng có sự kinh sợ, không phải của ta giống nhau, không vững chắc chi cả. Phải ghi nhớ trong tâm theo trạng thái giống nhau và khác nhau như thế đó. 7.- vinibbhogavinibbhogato: phải ghi nhớ trong tâm do trạng thái phân ly và không chia lìa nhau rằng: "cả tứ đại đó, khi sanh thì sanh đồng thời cùng nhau, lúc trụ cũng trụ cùng nhau, không từng tan lìa nhau trong một kalãpa nào. Song dầu là như vậy, cũng chia rẽ nhau do tướng giống nhau. Phải ghi nhớ trong tâm theo trạng thái tan rã và không chia lìa nhau như thế đó. - sabhāgavi sabhāgato: phải ghi nhớ trong tâm do trạng thái có phần đồng nhau và không đồng nhau rằng: trong tứ đại, 2 đại đầu và 2 đại sau, có phần không đồng nhau, vì 2 đại đầu có trạng thái nặng, 2 đại sau có trạng thái nhẹ. Phải ghi nhớ trong tâm theo trạng thái có phần đồng nhau và không đồng nhau như thế đó. - ajjhattikabāhivisesato: phải ghi nhớ trong tâm do trạng thái khác nhau của tứ đại phía trong và tứ đại phía ngoài rằng: tứ đại phía trong là nơi nương dựa của 6 thức, 2 viññatti (vīññātti: cử động) là thân cử động kāyaviññatti và khẩu cử động vacīvinnatti, 2 tính nam nữ và sanh mạng (jīvitindriya) cả và oai nghi. Về tứ đại phía ngoài không phải như vậy. Phải ghi nhớ trong tâm theo trạng thái khác nhau của tứ đại phía trong và phía ngoài như thế đó. - sangahato: phải ghi nhớ trong tâm do sự "khép vào" rằng: "yếu tố nào có nghiệp là giới hạn phát sanh, nên kép vào cùng nhau". Yếu tố nào có tâm là giới hạng phát sanh cũng khép vào với nhau. Phải ghi nhớ trong tâm như thế đó. 11.- pacacayato: phải ghi nhớ trong tâm do paccaya rằng: yếu tố đất có nước kết hộ, lửa giữ hộ, gió quạt hộ, là duyên nương dựa của 3 đại khác. Yếu tố nước, lửa, gió, trụ trong yếu tố đất hộ kết hợp duy trì, quạt gió hộ lẫn nhau và là duyên giúp đỡ; nóng giữ, quạt cả ba đại khác. Phải ghi nhớ trong tâm theo duyên như thế đó. 1- asamannāhārato: phải ghi nhớ trong tâm do trạng thái không biết nhau rằng: "yếu tố đất không được biết: "ta là đất, là duyên, là nơi nương dựa của 3 đại khác". Ba đại kia cũng không rõ ràng: "yếu tố đất là duyên, là nơi nương dựa của ta". Phải ghi nhớ trong tâm theo trạng thái không biết nhau như thế đó. 1- paccayaribhāgato: phải ghi nhớ trong sự chia duyên rằng: "duyên của yếu tố có 4 là: - nghiệp (kamma - nghiệp là nơi về thiện ác nghiệp khiến cho sanh sắc), - tâm (citta - tâm là nói về tâm làm cho sanh sắc),
- thực phẩm (ahāra - thực phẩm là nói về thực phẩm phía trong làm cho sanh sắc), - thời (utu - thời, chỉ nói về yếu tố lửa). Chỉ có nghiệp, là duyên đến yếu tố, có nghiệp là giới hạn sanh; chỉ có tâm là duyên đến yếu tố, có tâm là giới hạn sanh; chỉ là nghiệp, tâm, thực phẩm thôi là cái duyên nhân sanh các yếu tố đó. Khi hành giả niệm trong tâm thường thường theo 13 thể như đã giải trên thì tứ đại cũng sẽ rõ rệt không sai. Tiếp theo, cận định cũng phát sanh, nhưng chỉ có đến đến cận định thôi. Tứ đại tứ đại là: đất, nước, lửa, gió mà gọi là sắc giống nhau, do 5 nhân: 1.- mahāntapātubhūtto: gọi là tứ đại vì lẽ to lớn rõ rệt; - mahābhūtasāmannato: gọi là tứ đại vì lẽ giống nhau như ma quỷ; - mahāpariharato: gọi là tứ đại vì lẽ cần phải gìn giữ cho nhiều; 4.- mahāvikārato: gọi là tứ đại vì lẽ có nhiều sự biến đổi; 5.- mahāttabhūttatā: gọi là tứ đại vì lẽ cần phải phân biệt cho nhiều. Giải rằng: tiếng gọi tứ đại vì lẽ to lớn rõ rệt đó, là sanh lên rõ rệt trong hai sắc (sankhāra) là: - vô tình sắc (anupādinnasankhāra - cũng gọi là tứ đại hữu thức.) - hữu tình sắc (upādinnasankhāra - cũng gọi là tứ đại vô thức.) 1.- tiếng nói: to lớn rõ rệt trong vô tình sắc, là nói về đất, nước, lửa, gió: đất dày 240.000 do tuần (yojana); nước nâng đỡ đất, dày... 480.000 do tuần; gió đỡ nâng nước dày 960.000 do tuần. Nói về bề rộng của đất, nước, gió thì chẳng có thể đo lường được. Về phần lửa tức là mặt nhật (suriyadevaputta) và chất lửa trong cả thế giới cũng là vô lượng giống nhau. Đó là nói về tứ đại vô thức có tánh cách vô lượng khác nhau. Còn nói về tứ đại hữu tình thì ám chỉ vào chúng sanh, như các loài thủy tộc trong đại hải. Có loài cá lớn dài từ 100 đến 1000 do tuần. Chẳng phải chỉ có thế thôi, các hạng quỷ la sát (yakkha), càn thát bà (gangbhaba), long vương (nāga), chư thiên (devatā), phạm thiên (brahmā), đều có hình thể to lớn, khó đo lường được. Hình thể của loài thủy tộc, hàng phi nhân, chư thiên đều cũng là tứ đại giống nhau, không ngoài tứ đại, vì lẽ đó nên gọi tứ đại là to lớn rõ rệt. - tiếng gọi tứ đại vì lẽ giống nhau như ma quỷ là ṁāyākāro amanīyeva udakam manī katvā": loài ma quỷ hằng dối gạt, xúi giục cho mọi người hiểu lầm rằng: nước trong sạch đó là ngọc pha-li; vật không phải ngọc, dối là ngọc, không phải vàng, gạt là vàng... Ma quỷ có cơ mưu khéo léo phỉnh gạt mọi người cho lầm lạc thế nào, tứ đại cũng lừa đảo chúng sanh làm cho mê muội, như thế ấy. Anīlānevahutvā: thật vậy, tứ đại chính mình không phải là xanh, lại đem sự chấp sắc ra chỉ cho thấy là xanh; chính mình không phải là vàng, mà đem sự chấp sắc ra chỉ cho thấy là vàng; chính mình chẳng phải là đỏ, mà đem sự chấp sắc ra chỉ cho thấy là đỏ v.v... Dối gạt chúng sanh làm cho lầm tưởng là đẹp, là tốt. Các tứ đại và lối dối gạt của ma quỷ đó. Tương tợ giống nhau. Cho nên, đức đại bi hằng giảng thuyết cho danh hiệu tứ đại là mahābhūta. "yam ganhanti neva tesam tassa anto na bahi". Lại nữa, ngài có thí dụ nữa rằng: ma quỷ, khi nương trong thân người đồng cốt, mà nói ở phía trong thân của người đồng cốt cũng không được, nói ở phía ngoài thân của người đồng cốt cũng không được. Nếu chỉ nói ma quỷ nương theo thân hình người đồng cốt thì phải. Thế nào, tứ đại cũng nương lẫn nhau thôi, chớ nói tứ đại ở phía ngoài hoặc ở phía trong thân cũng không được. Ví như cách tứ đại hợp nhau, nương nhau, giống như cử chỉ của ma quỷ vào thân người đồng cốt vậy; vì lẽ đó đức Phật mới gọi tứ đại là mahābhūta. Lại nữa, quỷ la sát (yakkhinī) mong ăn thịt người, nên hằng biến làm phụ nữ có sắc đẹp giống như ngọc nữ. Người nam vô trí tuệ, không quan sát chu đáo, mê sắc, ắt phải bị la sát dùng làm thực phẩm, không sao trốn tránh khỏi được. Yakkhinī gạt người nam phải mắc trong quyền lực nó, thế nào, tứ đại (paticchādetvā) cũng ngăn che trí tuệ con người không cho thấy rõ thân thể toàn là dơ nhớp, đáng gớm ghê, lại tưởng là đẹp đẽ, tỷ như quỷ la sát biến hình để dối gạt người vậy. Nhân đó, đức chánh biến tri mới gọi tứ đại mahābhūta. - tiếng gọi tứ đại, "vì lẽ cần phải có nhiều sự gìn giữ chăm nom" là tứ đại hòa hợp cùng nhau gọi là sắc, là thân, là gái, là trai, là thú, là người, đó làm cho chúng ta phải chú tâm săn sóc tắm gội hằng ngày, phải tìm vật ăn thức uống, y mặc chỗ ở, quạt nồng, đắp lạnh, mới được nhẹ nhàng, bằng không thì thân thể hôi hám, xấu xa, đáng gớm và hổ thẹn với kẻ khác, vì lẽ cần phải có sự chăm nom săn sóc, cho nên đức thế tôn mới gọi là mahābhūta. 4.- tiếng gọi là tứ đại, "vì lẽ có nhiều sự biến đổi không thường" là nói về phần tứ đại "vô tình sắc" như tất cả đất, núi, biển v.v.. Các con sông lớn nhỏ cũng đều biến đổi, vì lửa, nước, hoặc gió phá hoại đại kiếp (cả thải 1.000.000 triệu thế giới ta bà (cakkavāla) cũng chẳng bền vững được. Vì lẽ đó, nên đức thế tôn gọi là mahàbhùta. 5.- còn tiếng gọi tứ đại là mahābhūta "vì lẽ hành giả cần phải phân biệt cho nhiều", bởi tiếng mahābhūta đó phổ thông đến cả thảy tứ đại: đất, nước, lửa, gió, có sự giống nhau không khác cũng đều là vô thường khổ não giống nhau. Hành giả phân biệt thấy rõ tứ đại có tướng (lakkhana), có sự (kicca), có quả (phala) và nhân sanh (samutthāna) khác nhau, song cũng đều gọi tứ đại là pháp hành giống nhau, là không thường, là khổ, là chẳng phải của ta, như nhau không khác. Catudhātuvavaṭṭhāna: Đề mục phân định bốn chất, là xác định trong thân này có bốn đại, cái gì thuộc về đất, cái gì thuộc về nước, cái gì thuộc về lửa, cái gì thuộc về gió. Thiền tứ đại, sự xác định bốn chất.

Tôn Giả Āciṇṇa, Dhammācariya – Pháp Sư
Aggamahākammaṭṭhānācariya – Đệ Nhất Đại Thiền Sư
Trưởng Ban Thiền Sư và Cố Vấn Thiền
Trung Tâm Rừng Thiền Phật Học Quốc Tế Pa-Auk, Myanmar

Sống Không Làm Khổ Mình



 Đời sống đạo đức là đời sống không làm khổ mình, khổ người và khổ các loài vạn vật khác

Nói đến sống không làm khổ mình thì dễ, nhưng thực chất con người ít khi để ý đến, khi gặp chuyện xảy ra rồi thì đổ lỗi cho người khác, cho hoàn cảnh hoặc cho trời đất thượng đế.  Chúng ta hãy cùng xem có phải những hành động dưới đây có làm khổ chúng ta không?  Người sống không làm khổ mình là người:

        Tôn trọng và tuân thủ theo đúng pháp luật. Tất cả những điều cấm trong pháp luật, nếu ai vi phạm thì người đó sẽ tự làm khổ mình. Bởi vì khi vi phạm pháp luật thì chính người đó sẽ bị pháp luật trừng trị như bị phạt, bị lao động công ích, bị ở tù, bị tử hình,…Ví dụ như: đánh giết người, trộm cắp, tham ô, nhận hối lộ, hối lộ, hãm hiếp, lừa gạt, uống rượu quá mức cho phép lái xe, trốn thuế, vi phạm luật lệ an toàn giao thông,…kể cả lấy của người giàu chia cho người nghèo, giết kẻ ác,...
        Tòa án tối cao và công bằng nhất chính là lương tâm của mỗi người. Có thể chúng ta làm chuyện gì đó mờ ám, ác, xấu không ai biết, nhưng chính lương tâm của mỗi người  sẽ phán xử công bằng không tha một ai (cắn rứt và hối hận).
        Luôn trau dồi đạo đức cho bản thân. Suy nghĩ trước khi nói và làm việc, để sống không làm khổ mình, khổ người và khổ muôn loài vạn vật khác.
        Giữ gìn sức khỏe tập thể dục đều đặn nhẹ nhàng, không làm việc quá sức; nhấc vật nặng không nên khom lưng, mà nên ngồi xuống nhấc lên; ngồi ngay thẳng, đầu không quẹo qua bên; xem phim không nên ngồi gần TV quá; tâm sân giận, lo lắng buồn phiền và sợ hãi cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
        Luôn bình tĩnh, giữ tâm bất động trước mọi việc xảy đến.
        Luôn cẩn thận. Không cẩn thận khi làm bất cứ việc gì đều có thể gây hại đến chính mình như không cẩn thận để búa đóng vào ngón tay, không cẩn thận đeo kính khi cưa để mạc cưa văng vào mắt, không cẩn thật xắt rau lỡ  cắt vào tay, không cẩn thận lái xe để bị tai nạn hoặc va vào người khác, không cẩn thận lái xe vi phạm luật lệ giao thông, không cẩn thận khám bệnh cho thuốc sai dẫn đến bị mang tiếng, không cẩn thận sửa đồ cho người khác làm cho máy móc của họ bị hư cháy dẫn đến bị mất uy tín, không cẩn thận khi đi đường bị vấp té trật chân, không cẩn thận nấu ăn để bị khét cháy hoặc quên tắt bếp,…
        Sống biết nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng để người vui, mình vui.
        Ở đâu có dục vọng, ở đó có đau khổ.
        Từ tốn không hấp tấp vội vã.
        Luôn thành thật, không nói dối, nói lời nói không thật thà, hay phóng đại, bóp méo sự thật, gây chia rẻ, chuyện có nói không, chuyện không nói có, sẽ bị mất uy tín, không còn ai tín nhiệm nữa, dẫn đến mất lòng người, làm ăn thua lỗ và mọi người xa lánh.
        Không nên tự lừa dối bản thân.
        Dũng khí nói thật không có, không dám đối diện với thực tế, lỗi lầm, sai phạm của mình thì không khác gì rác rưởi, người đời chê cười khinh rẻ.
        Không giận dữ, nóng tín vì chúng sẽ làm cho con người mất tự chủ, mất minh mẫn sáng suốt, bị hao năng lượng dẫn đến bệnh tật như đau tim, nhức đầu, chóng mặt, đói bụng lã người, ngất xỉu, stress,.... Thường thì mọi người đều xa lánh những người hay giận dữ nóng tín. Do vậy những người hay giận dữ nóng tính thì ít bạn bè.
        Đừng để tâm nóng giận, hãy luôn tìm cách hóa giải bằng lòng thương yêu và tha thứ hoặc nhìn lỗi mình, hoặc nên nói ra kẻo tổn hại sức khỏe.
        Nếu mình nghĩ đến một người và giận họ thì tâm trạng sẽ không bao giờ được vui, còn nhìn từ mặt trái thì bản thân mình cũng đáng ghét hơn.
        Lúc người ta vui vẻ nhất, không tùy tiện hứa hẹn, không làm được sẽ hại người hại mình. Lúc người ta nổi nóng không được nói bậy bạ, nói ra rồi không thu lại được đâu.
        Không nói xấu, nói cái sai, cái lỗi, vu oan, hay chê trách người khác. Những người như vậy cũng bị cho là người xấu, do vậy bị cô lập với mọi người và ít bạn bè thân cậy.
        Khi nghe người ta nói xấu người khác thì không nên a dua theo, bởi vì người nói xấu người khác cũng bị cho là người xấu.
        Không nên tài lanh dạy đời người khác. Người hay có chủ kiến coi thường sự hiểu biết của người khác thường dễ làm người ta ghét và bị xa lánh.
        Luôn giữ đúng lời hứa, đến hẹn đúng giờ.
        Không nghi ngờ bất kỳ ai. Người hay nghi ngờ người khác là người xấu, người ác, người tham, người lừa gạt là tự làm khổ mình. Họ luôn sống trong lo lắng và sợ người khác hại mình, sợ người khác ăn cắp lừa gạt mình, tâm luôn bất an,…Ngược lại, chúng ta nên tin tưởng mọi người là người tốt, người thiện, người đang thương yêu ta, đang giúp ta, đang tạo cho ta cơ hội trưởng thành,…
        Không kiêu mạn xem thường người khác. Quá tự cao tự đại chỉ hại mình mà thôi, mọi người sẽ xa lánh mình. Nên nghĩ rằng: "Núi này cao có núi khác cao hơn". Sống khiêm tốn khoan dung và độ lượng.
        Sống biết thương yêu và tha thứ. Người sống không biết thương yêu và tha thứ thì tự mình nuôi sự hận thù trong lòng qua năm tháng đến suốt đời. Có dịp hay cơ hội được nghĩ, thấy hoặc nghe đến tên người mình không thích thì lòng thù hận và ghen ghét trỗi dậy sôi lên và có thể trào ra ngoài bằng những lời ác ngôn, đánh mất đi sự bình tĩnh và những đức hạnh tốt đẹp xưa nay.
        Khi chúng ta làm người khác đau khổ thì chính chúng ta cũng sẽ bị lương tâm cắn rứt, do vậy chớ sống làm người khác buồn khổ. Ví dụ con cái không hiếu thảo với cha mẹ, sau này sẽ thấy hối hận.
        Cha mẹ thường phản đối con cái chuyện này chuyện nọ, coi chừng kết cục đến già con cái tạo phản, không còn ai chăm sóc, phải vào viện dưỡng lão một mình đó.
        Con cái không nên bỏ rơi cha mẹ, kẻo sau này hối hận.
        Sống biết lễ độ, kính trên nhường dưới, nói lời nói ái ngữ, lịch sự, ôn tồn nhã nhặn… Nếu không sẽ bị người đời chê bai.
        Sống biết giúp đỡ, bố thí, chia sẻ với mọi người, không bủn xỉn keo kiệt. Nếu không sẽ bị mọi người tránh xa và chê bai.
        Không làm biếng, nên siêng năng học hỏi và làm việc. Không nên dựa vào người khác.
        Có tinh thần cầu tiến và học hỏi. Sống không chăm lo học hành, trau dồi kiến thức thì cuộc sống sau này sẽ khổ. Học phải sâu chứ không học qua loa cho biết, không chạy theo bằng cấp, chức vị. Học nhiều mà không sâu thì cũng không thể phát triển tài năng và làm việc lớn được.
        Học hành, làm việc và nghỉ ngơi phải thích hợp để cân bằng tâm sinh lý. Có thời khóa biểu rõ ràng. Làm chủ được giờ giấc thì sẽ từ từ làm được những việc khó khác.
        Học hành cũng phải đến nơi đến chốn, không bỏ dở nữa chừng, đến lúc muốn quay lại thì không còn nhớ gì hoặc đã thối chí. Người như vậy mãi mãi sẽ thất bại. Học môn gì thì phải học cho giỏi, cho sâu. Thà học một môn giỏi còn hơn là biết nhiều môn mà không sâu. Khi giỏi một môn rồi thì học những môn khác sẽ nhanh hơn và có chất lượng hơn.
        Làm việc cũng vậy, đến nơi đến chốn. Không bỏ dở giữa chừng, gặp thất bại không nản chí, tìm cách giải quyết và vượt qua, chưa đến phút cuối cùng thì chưa bỏ cuộc.
        Sống biết hòa đồng với bạn bè và mọi người xung quanh. Người không biết hòa đồng thì bị mọi người xa lánh, ít bạn bè, không có tự tin, sống tiêu cực,…có thể dẫn đến tự tử.
        Luôn tư duy tích cực. Luôn nghĩ mọi người là người tốt, người thiện, người lành. Ý kiến, lời nói và việc làm của mọi người đều có những lý do chính đáng có lợi cho họ hoặc cho người khác chứ không có ý hại ai,… Người luôn có những suy nghĩ tiêu cực, không tự tin, trốn tránh sự thật, không biết đương đầu với sự thật, không biết chấp nhận sự thật. Khi gặp khó khăn không tìm cách giải quyết vấn đề mà chỉ biết trốn tránh, để cho lãng quên, bỏ đi, thối chí, rút lui, không tìm cách vượt qua. Người như vậy là người luôn bị thất bại trong mọi việc.
        Có câu: "Thay đổi cách nhìn, thay đổi cuộc đời". Không cần biết trong đầu ta xuất hiện tư tưởng hay suy nghĩ gì, mắt thấy gì, tai nghe gì. Bộ não của ta luôn phải tư duy chuyển hóa tất cả những ý nghĩ xấu ác thành tốt và thiện, tiêu cực thành tích cực, người xấu ác thành người tốt thiện, bi quan thành lạc quan, nghi ngờ thành tin tưởng, sân giận thành thương yêu và tha thứ, khinh bỉ thành tôn trọng, buồn khổ thành an vui, thất bại thành những bài học kinh nghiệm sống,... Biết tư duy chuyển hóa là biết thay đổi cách nhìn thì cuộc đời sẽ thay đổi và luôn mỉm cười với ta.
        Có câu “Lùi một bước, trời cao đất rộng”. Không nên cố chấp vào những định kiến hay thành kiến, nên khéo léo uyển chuyển tùy thời gian và không gian. Ví dụ như đang thất nghiệp cần việc làm, nếu không kiếm được việc đúng nghề thì vẫn nên nhận làm những việc khác để qua ngày, không nên cương quyết phải đúng nghề, đúng lương mới làm.
        Không hoài niệm quá khứ. Chuyện đã qua rồi, đừng nhớ nữa, nhớ cũng vô ích thôi. Đối diện với thực tế và tiến về phía trước.
        Người có trí khi gặp mọi việc khó khăn không tìm lý do để đổ lỗi cho người hoặc cho hoàn cảnh mà chỉ tìm cách giải quyết vấn đề. Người đó sẽ được mọi người trọng dụng và tin tưởng.
        Luôn sống yêu thương mọi người. Hại người sẽ bị người hại lại.
        Sống biết thương yêu các loài động vật. Người không thích, ghét, giết hoặc làm hại các loài động vật sẽ có ngày bị động vật cắn hoặc hại lại. Do vậy hãy sống thương yêu các loài động vật, quý trọng sự sống của chúng. Đối xử với chúng như những người thân trong gia đình.
        Không Mê tín. Tin vào những lời thầy bói nói hoặc tin vào những chuyện tâm linh ma quỷ, tin có thế giới siêu hình, tin vào thần thánh sẽ làm cho con người mất tự tin, không có ý chí phấn đấu vươn lên, thiếu sáng suốt dễ bị lừa gạt, tiền mất tật mang, …
        Không làm những nghề lừa gạt người như nghề xem bói, xem tướng, xem tử vi, thầy lang không giấy phép. Có ngày sẽ vào tù vì những lời nói thiếu căn cứ của mình.
        Làm việc gì phải tính trước, làm cho chắc, kỹ lưỡng, không nên hấp tấp, vội vã, làm qua loa, thiếu cẩn thận sẽ dẫn đến sau này phải làm lại, mất thêm thời gian và công sức. Chú trọng đến chất lượng hơn là số lượng. Tất cả mọi việc trên thế gian này không có gì tự nhiên mà có, không giống như ăn mì ăn liền. Tất cả đều phải trải qua một giai đoạn dài, chuẩn bị, o bế, rèn luyện, trau dồi, chỉnh sửa rồi mới đến một kết quả tốt đẹp. Ví dụ muốn sơn lại một căn nhà củ, người thợ đầu tiên phải rửa sạch bụi bên ngoài, cạo bỏ lớp sơn cũ, trét lại những lỗ hỏng, đánh giấy nhám, thổi hết bụi, sơn lót. Tất cả những giai đoạn chuẩn bị sơn ở trên mất khoản 1 tháng, cuối cùng là sơn lớp mới lên chỉ mất 1 ngày. Học hành cũng vậy, phải tu luyện nhiều tháng, nhiều năm, rồi mới có một ngày cuối cùng đi thi để thành tài. Nếu chúng ta hiểu được quy tắc này thì khi làm bất cứ việc gì, giai đoạn chuẩn bị là giai đoạn quan trọng nhất. Nếu chuẩn bị tốt thì kết quả tốt, chuẩn bị qua loa, hấp tấp vội vã thì kết quả sẽ xấu và thất bại.
        Luôn có lòng tốt thích làm từ thiện, giúp đỡ, chia sẻ những gì mình có với tất cả mọi người từ thời gian, công sức, tiền của, vật chất, lời nói ái ngữ, sự hiểu biết,…
        Không nên đùa giỡn với tình yêu, đùa giỡn với tình yêu sẽ có ngày bị tình yêu đùa giỡn lại. Nhân quả vay trả thì phải trả vay thôi.
        Biết yêu là khổ thì không nên nhảy vào. Đến khi biết rõ khổ là gì thì hối hận không còn kịp nữa, rút ra đã muộn.
        Người muốn vượt qua sự thất tình nên tìm không gian yên tĩnh tư duy lại tất cả mọi việc, chỉ thấy lỗi mình, không tìm lỗi người. Phải thấy được sự thay đổi của mọi việc sẽ đem đến kết cục không tốt thì mới quên được người kia. Ví dụ: có thể bây giờ người kia còn trẻ đẹp nhưng sau này thì nhan sắc sẽ phai tàn, da nhăn nheo, mọi thứ nhũn ra, xệ xuống, thô kệch,... Xét lại những điều tiếp dưới.
        Trong tình yêu không nên trở thành kẻ thứ ba, tìm hiểu kỹ người mình thích trước khi đi sâu thêm. Không nên phá hoại hạnh phúc gia đình người khác, coi chừng bị đánh ghen. Có gia đình rồi thì không gian díu với người khác. Người phá hoại hạnh phúc của người khác không bao giờ tìm được hạnh phúc chân thật, đó chỉ là sự ích kỷ cá nhân, thỏa mãn dục vọng của mình. Người đó sẽ luôn bị người đời chê bai trách móc, không ngẫng đầu lên được, luôn phải trốn tránh vì xấu hổ, …
        Tình bạn, tình anh em, tình đại ca sư muội luôn vô tư, hồn nhiên và vui vẻ. Muốn biến tình bạn, tình anh em thành tình yêu thì coi chừng sự vô tư, hồn nhiên và vui vẻ biến mất.
        Tình yêu phải đến từ hai phía, không quá miễn cưỡng yêu đơn phương, kẻo tự làm khổ mình.
        Có nhiều sự khác biệt trong quan hệ sẽ dẫn đến tình cảm không vững bền: không hợp tính nhau, sở thích, thái độ, quan niệm sống, sự hiểu biết, trình độ học thức, kinh nghiệm sống khác nhau,.... Có thể một người thì quá xung động bồng bột, một người thì quá trầm lặng; một người thì hướng ngoại, một người thì hướng nội; một người thì bảo thủ, một người thì quá cởi mở; một người thì thích yên tĩnh, một người thì thích ồn ào náo nhiệt, một người thì thích vẽ, có năng khiếu về nghệ thuật, còn một người thì không thích; một người thì thích chơi thể thao còn một người thì không thích vận động; một người quá quan tâm, còn một người thì quá hờ hững vô tâm; một người quá chú trọng đến sự thành thật thẳng thắn, còn một người thì luôn dối trá; … Càng tư duy về những sự khác biệt nhau thì sẽ thấy được hai người không thể miễn cưỡng đến với nhau được, chi bằng hãy từ bỏ sớm, cả hai sẽ tốt hơn.
       
        Nên tính toán đến khả năng kinh tế tài chánh của mình trước khi có kế hoạch lập gia đình và sinh con.
        Không nên mê cờ bạc, cá độ, chơi đề, cho vay nặng lãi, chơi cổ phiếu,…
        Không nên uống rượu bia, hút thuốc hoặc dùng những chất kích thích khác. Không lui tới những nơi không trong sáng như quán bia ôm, karaoke ôm, café đèn mờ, massage,... Rượu không thể giải sầu, càng uống càng sầu. Sầu khổ vì sống không có lòng yêu thương, tha thứ và buông xả. Người có lòng thương yêu và tha thứ không bao giờ sầu khổ và không bao giờ mượn rượu để giải sầu …
        Làm việc gì sai thì phải biết tha lỗi cho mình và sửa sai ngay. Tự nhắc nhở mình không tái phạm nữa.
        Không su nịnh ai, luôn thành thật, thẳng thắn, coi thường danh lợi. "Vàng tốt không sợ lửa". Người tốt không sợ có người không dùng. Luôn tự trọng.
        Sống có mục tiêu, mục đích. Người thất bại là người sống không có mục tiêu hoặc mục đích. Mục tiêu và mục đích sẽ làm cho con người không bao giờ ngã quỵ, biết đứng dậy đi tiếp, không từ bỏ ước mơ hoặc lý tưởng. Người sống không mục tiêu hay mục đích là người đã đầu hàng số phận. Số phận nằm trong tay chúng ta chứ không phải là đã được định sẵn, trên đời này không có định mệnh mà chỉ có nhân quả. Gieo nhân thiện sẽ được quả thiện, gieo nhân ác sẽ gặp quả báo ác. Gieo nhân siêng năng học hành sẽ có ngày thành tài; gieo nhân sống không tham lam trộm cắp, bủn xỉn keo kiệt sẽ có ngày được giàu sang đầy đủ; gieo nhân biết quý trọng sự sống của mọi người và muôn loài vật thì sự sống của mình sẽ được đảm bảo tránh được nhiều tai nạn, ít bệnh tật, sống lâu; gieo nhân hay nghi ngờ người thì sẽ bị chia ly phân tán,…
        Thất bại không chán nản, tự tử mà phải biết lấy đó làm bài học xương máu, kinh nghiệm sống để trưởng thành hơn, để bước tới trước và vượt qua.
        Chỉ kết bạn với người tốt. “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” .
        Không xài tiền hoang phí xả láng, nên tính toán cẩn thận để tránh thiếu hụt trước sau.
        Không mua đồ, nhận quà trộm cắp, cướp giật và không trong sạch.
        Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, rửa tay thường xuyên sau khi tiếp xúc với mọi vật,…Nơi ở hoặc phòng làm việc luôn ngăn nắp, sạch sẽ sẽ giúp cho đầu óc tâm trạng thoải mái và sáng suốt.
        Tính cách của một con người cũng được đánh giá qua cách ăn mặc, do vậy nên ăn mặc sạch sẽ gọn gàng, đầu tóc chải chuốt ngay thẳng. Tránh ăn mặt không bày da hở thịt, xộc xệch, dơ bẩn, nhăn nhúa,...
        Đi đứng ngay thẳng ung dung, không vội vã hấp tấp, không chạy hoặc bước nhanh.
        Giữ gìn an toàn cho chính mình khi làm việc như đeo khẩu trang, mang bao tay, mắt kính, nón bảo hộ, giày lao động, khi ra ngoài cũng vậy mang giày dép, đội nón, đeo khẩu trang, mắt kính, áo quần che thân đầy đủ… Phòng bệnh hơn chữa bệnh, trời lạnh mặc áo ấm, trời mưa thì mặc áo mưa hoặc che dù, không làm việc quá sức, thư giản đứng dậy vài phút mỗi khoảng 30’ khi ngồi làm việc trước máy computer, …. Đi xe thì nên kiểm tra máy móc, nhớt, xăng, thắng, đèn, kính có đủ và đúng quy định không?, …Về tài chánh nên có một quỹ dự phòng, khi có chuyện gấp cần đến như bệnh tật, sửa sang nhà cửa hoặc máy móc, đi du lịch, đi chơi, thất nghiệp,…Nhà cửa khóa chốt cẩn thận, có hệ thống báo trộm, tường cao hoặc có song sắt ở cửa sổ,…
        Không nên đi chơi hoặc ra ngoài phố về khuya trễ. Nên rũ ai đó đi cùng mình cho an toàn.
        Làm việc không nên mất lòng ai, kính trên nhường dưới, không chạy theo danh lợi làm mất thanh danh và danh dự, nói chung là giữ gìn đạo đức nghề nghiệp.
        Ra ngoài làm ăn, tự mở doanh nghiệp công ty nên tính toán kỹ lưỡng trước sau, kiểm tra mọi yếu tố phát sinh cần giải quyết, không nên chỉ tin một chiều, phải có kiến thức sâu chuyên môn, hiểu biết thị trường, biết sử dụng nhân lực, tiền bạc đầy đủ, và v.v… vô số các điều kiện khác. Không vì ham lợi, chỉ nghĩ đến chuyện sinh lãi mà quên đi những chuyện khác.
        Làm việc gì phải rõ ràng, tính toán kỹ lưỡng cẩn thận, nên thảo hợp đồng hai bên để không mất lòng ai.
        Trong kinh doanh không tránh được sự cạnh tranh, nhưng phải có tình người, đừng dồn người khác vào đường cùng phá sản. Phải biết nhường nhịn, chia sẻ giúp đỡ nhau khi khó khăn, không lợi dụng cơ hội để bóp chết người khác. Hại người chỉ mang đến tai họa cho chính mình mà thôi.
        Không nên vì chuyện kiếm tiền mà làm ngày làm đêm, làm sáng làm tối, đem công việc về nhà, bỏ ăn bỏ ngủ, ăn uống không điều độ, làm việc suốt tuần không ngày nào nghỉ, …
        Đeo đuổi thành công, bất chấp thủ đoạn, mất đạo đức, không để ý đến cảm nhận của người khác. Trước tiên là hại người, sau là hại mình. Những người như vậy cần kiểm tra lại nhân sinh quan của mình.
        Không nên đeo đồ nữ trang, trang sức mắc tiền ra ngoài phố gây chú ý cho mọi người, tạo cơ hội cho kẻ cướp phạm tội và gây thương tích cho chính mình và người khác. Nên sống khiêm tốn tự nhiên.
        Không nên khoe khoang với người khác mình có đồ gì vật gì quý, hiếm, lạ, có một không hai,... tạo lòng tham ở người khác dẫn đến hại mình đồ mất tật mang.
        Dù thấy bất kỳ vật gì có giá trị ở bất cứ nơi đâu cũng nên tránh xa. Chúng là rắn độc, thuốc độc sẽ hại mình. Ví dụ: khi thấy vàng, tiền, kim cương ở dưới đất thì tránh xa, chớ ham lượm lên.
        Cho người khác mượn tiền thì phải tính đến khả năng mất trắng khi người đó không có tiền trả. Coi như cho luôn. Chứ không vì đồng tiền mà mất luôn tình bạn hoặc tình cảm gia đình người thân. Vẫn vô tư, vui vẻ và lạc quan coi như không có chuyện gì xảy ra. Không buồn giận ai, không trách móc ai, bỏ qua và tha thứ tất cả. Tự an ủi mình rằng "Chắc số mình chưa được hưởng phước sớm như vậy, phải trễ hơn một chút".
        Thiếu nợ một đồng, ăn ngủ không ngon; không trả, suốt đời sẽ không vui. Do vậy chớ để thiếu tiền người khác.
        Không nên ham thích thức ăn rẻ, đồ vật rẻ tiền, hàng giá khuyến mãi mà quên đi chất lượng, coi chừng đồ rẻ là đồ gần hết hạn, lỗi thời, kém phẩm chất, hoặc có chất độc hại,…
        Không thức suốt đêm chơi game, coi phim, nghe nhạc,… hoặc làm việc quá sức.
        Ăn uống no vừa phải, không ăn quá no, không ăn uống phi thời (thấy gì ăn đó, ăn không giờ giấc). Ngủ vừa phải, không ngủ nhiều đâm ra lười biếng, ngủ đúng giờ, dậy đúng giờ. Làm chủ cái ăn, cái ngủ là có thể làm chủ tâm tham của mình.
        Không ăn chơi trác tán, đam mê tửu sắc quá độ dẫn đến sức khỏe hao tàn, thần khí suy nhược, tinh thần giảm sút.
        Hãy đối xử với người khác cách mà mình muốn người khác đối xử với mình. Mình muốn người khác yêu thương, tôn trọng, thành thật, bình đẳng, chia sẻ…với mình, thì mình hãy sống biết yêu thương, tôn trọng, thành thật, bình đẳng, chia sẻ… đối với mọi người.
        Chỉ nhìn thấy lỗi mình, không nhìn lỗi người. Đổ lỗi cho người, nếu người ta đúng thì họ sẽ bị tự ái, nếu họ sai thì họ sẽ giận dữ và dẫn đến nhiều chuyện tệ hại khác. Nói chung đổ lỗi cho người chỉ gây thêm hận thù mà thôi. Người biết nhìn lỗi mình là người có trí tuệ.
        Ai làm gì thì làm, nói gì thay kệ chớ nên tài lanh nhiều chuyện thích nhận xét, phê bình, phê phán, tranh luận đúng sai, phải trái, hơn thua, để tránh gây ra hiểu lầm, oán hận, giận dữ trong mọi chuyện về tôn giáo, chính trị, kinh tế,... biến bạn bè, người thân thành kẻ thù, đánh mất bạn bè và người thân quen biết.
        Coi nặng thắng thua, ganh tị sẽ tự mang đau khổ đến cho mình trước. Coi thường thắng thua, nhẫn nhục, giữ hòa khí, luôn tìm tòi học hỏi. Lúc nào chưa thành tài thì vẫn là kẻ thua, kẻ thất bại. Càng giỏi càng khiêm tốn, càng giỏi càng nhường nhịn, càng giỏi càng khoan dung độ lượng mới đáng quý. Nên nhớ: "Núi này cao, có núi khác cao hơn".
        Biết an phận, không tranh giành với ai làm người giỏi nhất, làm lảnh đạo hay người đứng đầu,...Càng tranh giành thì càng gây thêm kẻ thù và càng làm cho nhiều người cảm thấy không an toàn, không yên tâm,... Khôn ngoan an phận, không trèo cao, không cần chứng minh cho người khác thấy mình giỏi, tài là cách bảo vệ mình an toàn nhất.
        Không tạo thói quen xấu: nhiều chuyện, mỗi bữa ăn phải có rượu, thích châm biếm người khác, uống cafe mỗi sáng, hôm nào không uống cafe thì đầu nhức, mắt hoa, làm việc không tập trung; ăn khuya, hôm nào không ăn thì ngủ không được; ...
        Người sống không biết thương yêu, giúp đỡ, nhường nhịn, biết ơn, bố thí, chia sẻ, hy sinh,... cho người khác cũng sẽ không được người thương yêu, giúp đỡ, nhường nhịn, biết ơn, bố thí, chia sẻ, hy sinh,....
        Người luôn nhẫn tâm, đánh đập, giết hại, lường gạt, chê bai, nói xấu, chia rẻ,... người khác cũng sẽ bị người đối xử nhẫn tâm, đánh đập, giết hại, lường gạt, chê bai, nói xấu, chia rẻ,...lại.
        Dù cho cuộc sống có éo le, bị người đời hãm hại khinh thường hoặc bị lừa gạt đến đâu, cũng không nên giữ trong lòng mà bị ức chế. Sự kiềm nén lòng sân giận, hận thù chỉ làm tổn hại đến mình. Sự trả thù chỉ đem lại ân oán chồng chất, dẫn đến thưa kiện và vào tù. Chỉ có lòng thương yêu, tha thứ và bỏ qua mọi lỗi lầm của người khác mới giúp cho tâm trí mình tỉnh táo và sáng suốt, tâm thanh thản thì thân sẽ tráng kiện và khỏe mạnh.
        Cuộc sống tuy khó khăn éo le và đầy thử thách. Những vui buồn, sướng khổ, tích cực hay tiêu cực, lạc quan hay bi quan, thanh thản hay bận rộn, thiện hay ác trong cuộc sống đều do tâm mà ra. Không ai làm khổ ai ngoại trừ chính mình. Không ai có thể đem hạnh phúc đến cho chính mình ngoài mình ra. Người biết cách sống đạo đức thương yêu và tha thứ, chấp nhận tất cả mọi việc đến với mình với cái nhìn lạc quan yêu đời. Luôn mong mỏi mọi điều tốt lành cho người khác, thấy người vui thì mình vui, tư duy tích cực, không bắt buộc ai sống theo ý của mình, ngược lại, biết sống tùy thuận theo ý người thì cuộc đời này chính là thiên đàng.
        Không nên nản chí, hãy luôn kiên trì và bền chí.
        Không nên tìm hiểu, moi móc chuyện quá khứ, không nên cố tìm đáp án cho những câu hỏi "có" hay "không", "thật" hay "giả", "đúng" hay "sai", "phải" hay "trái" . Dù là chuyện tốt hay xấu, hãy để quá khứ trôi đi. Chỉ cần sống trong hiện tại và chú trọng mục tiêu của mình. Biết buông xuống hết thì tìm thấy sự thanh thản trong tâm hồn.
        Dù ai nói gì, làm gì, chuyện của người khác để người khác lo, họ có lý do chính đáng để làm việc hay nói điều đó, ta không nên đứng trên lập trường của mình mà phán xét ai đúng sai, phải trái. Việc ta nên làm là luôn tư duy thiện, tư duy tốt và tích cực về những điều họ nói và làm. Biết buông xuống hết thì sẽ tìm thấy sự thanh thản trong tâm hồn.
        Dù có nghe được điều gì về bất kỳ ai, cũng mặc kệ, không nên dính mắc vào, dính mắc vào cố gắng tìm hiểu thì sẽ làm tâm thêm động mà thôi.
        V.v…

Tóm lại, mỗi người có một hoàn cảnh sống gia đình và xã hội khác nhau sẽ còn có nhiều cách sống không làm khổ mình rất hay. Chúng ta hãy chia sẻ với nhau những kiến thức đạo đức và kinh nghiệm sống hay để cùng học hỏi và tiến bộ, giúp cho cuộc sống của mình và mọi người luôn đầy ắp những niềm vui, tiếng cười và hạnh phúc.

Theo luật nhân quả, gieo nhân nào gặt quả đó, do vậy nếu chúng ta sống làm khổ người khác, làm khổ các loài vật khác thì chính chúng ta sẽ bị người khác, bị các loài vật làm khổ lại. Do vậy sống không làm khổ người và không làm khổ các loài động vật cũng rất quan trọng.
st

Căn Bản Cho Việc Thực Hành



MỘT TÓM TẮT VỀ GIÁO PHÁP CỦA ĐỨC PHẬT

Trước tiên chúng ta phải học “giới học” để thực hành. Nếu không biết giới học, chúng ta không thể nào tịnh hóa những hành vi cư xử của mình. Rồi chúng ta phải học thêm chỉ (samatha) để kiểm soát và tập trung tâm ý. Nếu không biết về thiền chỉ, chúng ta sẽ trau dồi định như thế nào? Nếu không hành định, làm sao chúng ta có thể kiểm soát được tâm mình? Sau đó, chúng ta phải học cách làm thế nào để trau dồi trí tuệ. Nếu không biết về tuệ học, chúng ta trau dồi trí tuệ ra sao?

Vì thế, để thanh tịnh giới hạnh, để kiểm soát tâm và tu tập tuệ của mình, trước hết chúng ta phải thấu rõ Pháp (dhamma). Thứ đến, chúng ta phải trau dồi và tu tập pháp ấy cho đến A-la-hán Thánh quả.

Trong Kinh Đại Niết-bàn, đức Phật đã khích lệ hàng đệ tử của Ngài nhiều lần:

“Iti silaṃ, iti samādhi, iti paññā
Sīlaparibhāvito samādhi mahapphalo hoti mahānisaṃso,
Samādhiparibhāvitā paññā mahapphalā hoti mahānisaṃsā,
Paññāparibhāvitaṃ cittam sammadeva āsavehi vimuccati,
Seyyathidaṃ kāmāsavā bhavāsavā diṭṭhāsavā avijjāsavā.“

(Đây là giới, đây là định, đây là tuệ.
Định khi được tu tập viên mãn dựa trên giới sẽ đem lại quả lớn, lợi ích lớn.
Tuệ khi được tu tập viên mãn dựa trên định sẽ đem lại quả lớn, lợi ích lớn.
Tâm khi được tu tập viên mãn với trí tuệ sẽ hoàn toàn giải thoát khỏi dục lậu, hữu lậu, kiến lậu và vô minh lậu.)

Tất cả chúng ta ai cũng có tâm. Nếu chúng ta có thể kiểm soát được tâm mình, dựa trên giới, thì sức mạnh của tâm có định ấy sẽ vô cùng kỳ diệu. Tâm có thể thâm nhập vào sắc chân đế. Sắc phát sinh dưới dạng các tổng hợp sắc (rūpa kalāpa). Những tổng hợp này nhỏ hơn các nguyên tử (atoms). Thân chúng ta do những rūpa kalāpa này làm thành và tâm có định có thể phân tích được các tổng hợp sắc đó. Tâm định còn có thể thâm nhập vào thực tại cùng tột của danh (danh chân đế), vào các nhân của chúng và vào tính chất sanh diệt của danh-sắc cũng như các nhân ấy. Minh sát trí thâm nhập vào các hiện tượng này gọi là trí tuệ. Tuệ ấy tiến triển nhờ định dựa trên giới. Tâm định và trí tuệ tạo thành năng lực. Năng lực này có thể dẫn đến sự chứng đắc Niết-bàn, diệt tận mọi tham đắm, phiền não và khổ đau.

Mọi người đều có tâm. Khi tâm được tu tập sung mãn nhờ định thì minh sát trí (tuệ) có thể giải phóng con người ra khỏi các cấu uế của dục tham và vòng luân hồi một cách hoàn toàn. Song định đó phải dựa trên giới. Đối với hàng tại gia thì ngũ giới là cần thiết. Đó là:

    - Không sát sanh
    - Không trộm cắp
    - Không tà dâm
    - Không nói dối
    - Không uống rượu và các chất say

Năm giới này đối với những Phật tử tại gia là cần thiết. Nếu người nào phạm vào một trong năm điều này, tự nhiên họ không còn là một Phật tử chân chánh nữa. Pháp quy Tam bảo của người ấy cũng không còn giá trị. Ngoài ra, người Phật tử còn phải tránh những cách sinh nhai không chân chánh (tà mạng), tức là không sử dụng những tài sản có được do sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói đâm thọc, nói lời thô ác hoặc nói chuyện vô ích. Người Phật tử cũng không can dự vào năm loại nghề bất chánh là mua bán vũ khí, người, súc vật để mổ thịt, các chất say và các chất độc.

Như vậy, đối với người Phật tử, giới rất quan trọng. Ngoài sự hỗ trợ cho việc chứng đắc Niết-bàn, giới giúp người Phật tử có được trạng thái an vui lúc cận tử – nhân tố cần thiết cho cảnh giới tái sanh. Nếu hành nghiệp của một người không trong sạch thì không dễ gì có được một thú tướng tốt đẹp, bởi vì vào lúc lâm chung, những bất thiện nghiệp ấy thường bám vào tâm họ, xuất hiện trong tâm họ. Và do bắt lấy một trong những bất thiện nghiệp đó làm đối tượng của tâm, họ thường đi đến những khổ cảnh sau khi chết.

Giới cũng quan trọng không kém trong việc mưu tìm hạnh phúc và an lạc trong kiếp hiện tại. Không trong sạch giới hạnh, con người không thể tìm thấy hạnh phúc và an lạc. Thông thường, một người có nhiều ác nghiệp, tự nhiên sẽ ít có thiện hữu. Mà người ít có bạn tốt thì khó có được an vui hạnh phúc trong cuộc đời.

Thiền Chỉ Và Thiền Quán

Trong Kinh Pháp Cú, đức Phật dạy:

    “Yo ca vassasataṃ jīve, dussilo asamāhito,
    Ekāhaṃ jīvitaṃ seyyo, sīlavantassa jhāyino.”

    (Dầu sống cả trăm năm
    Không giới, không thiền định,
    Cuộc đời người như vậy
    Không có gì đáng khen.
    Tốt hơn sống chỉ một ngày
    Mà biết hành giới, tu thiền định tâm.)

Vì sao? Vì tâm khi được tu tập sung mãn qua thiền định có thể phát sinh trí tuệ thâm sâu, tức có thể thấy Niết-bàn, chấm dứt vòng sanh tử luân hồi, hủy diệt mọi phiền não và khổ đau.

Vì thế chúng ta phải hành thiền chỉ và thiền quán dựa trên giới. Khi chúng ta hành Chỉ-Quán, chúng ta phải hành Tứ Niệm Xứ (Cattaro satipaṭṭhāna):

    - Niệm thân (Kāyānupassanā satipaṭṭhāna)
    - Niệm thọ (Vedanānupassanā satipaṭṭhāna)
    - Niệm tâm (Cittānupassanā satipaṭṭhāna)
    - Niệm pháp (Dhammānupassanā satipaṭṭhāna)

Cái gì là “thân” (kāya)? Trong thiền minh sát có hai loại thân: sắc thân (rūpakāya) và danh thân (nāmakāya). Sắc thân là một tổng hợp hai mươi tám loại sắc. Danh thân là một nhóm các tâm và tâm sở của chúng. Nói cách khác, hai thân ở đây là năm uẩn (khandha) – sắc, thọ, tưởng, hành và thức.

Nhưng những đối tượng của thiền chỉ (samatha) như là hơi thỏ, ba mươi hai thể trược (asubha) và tứ đại cũng được gọi là thân. Vì sao? Chúng cũng là nguyên khối sắc. Chẳng hạn, hơi thở là một nhóm các tổng hợp sắc do tâm tạo. Nếu chúng ta phân tích các tổng hợp sắc ấy, chúng ta sẽ thấy có chín loại sắc trong mỗi tổng hợp: đất, nước, lửa, gió, màu, mùi, vị, dưỡng chất và (âm) thanh (sắc cảnh thinh). Bộ xương cũng là nguyên khối của các tổng hợp sắc. Nếu là một cơ thể sống thì có tổng cộng năm loại tổng hợp sắc. Nếu phân tích các tổng hợp sắc ấy, chúng ta thấy có bốn mươi bốn loại sắc.

Trong phần niệm thân, đức Phật dạy hai loại thiền: chỉ và quán. Trong mục quán thân, Ngài gồm luôn niệm hơi thở (ānāpānasati) và ba mươi hai thể trược v.v… Vì thế, nếu hành giả đang hành niệm hơi thở, hành giả cũng đang hành quán thân. Tất cả những pháp thiền chỉ ấy đều đi vào phần quán thân. Sau khi hành giả đã thành công trong việc hành thiền chỉ, hành giả chuyển sang thiền minh sát và thấy hai mươi tám loại sắc. Như thế cũng là đang hành quán thân. Vào lúc hành phân biệt danh (nāmakammaṭṭhāna), khi hành giả phân biệt các cảm thọ, thì đó là quán thọ; khi phân biệt tâm, là quán tâm; khi phân biệt xúc, là quán pháp. Nhưng chỉ phân biệt thọ, tâm và xúc thôi thì chưa đủ để đắc các tuệ minh sát. Vì thế, chúng ta phải phân biệt các tâm sở còn lại. Sau khi đã phân biệt xong danh và sắc, chúng ta còn phải phân biệt các nhân của chúng trong quá khứ, hiện tại và vị lai. Đây là tuệ phân biệt Nhân Duyên (paccaya pariggaha ñāṇa). Sau tuệ phân biệt Nhân Duyên, tức là khi hành giả đã đạt đến giai đoạn minh sát (vipassanā), hành giả có thể nhấn mạnh vào sắc, hoặc thọ, tâm hay xúc. “Nhấn mạnh” ở đây không có nghĩa là hành giả chỉ phân biệt duy nhất một trạng thái. Hành giả có thể nhấn mạnh sắc nhưng cũng không bỏ quên danh. Tức là, hành giả cũng phải phân biệt thọ, tâm và pháp nữa[6].

Hành giả có thể nhấn mạnh các cảm thọ. Nhưng các cảm thọ thôi chưa đủ. Hành giả còn phải phân biệt các tâm hành đồng sanh với chúng, các căn của chúng và các đối tượng của chúng. Năm căn và các đối tượng của chúng là sắc. Đối với các tâm và pháp cũng như vậy[7].

Vì thế ở đây, vipassanā là quán tính vô thường, khổ và vô ngã của danh-sắc và các nhân của chúng. Các pháp ấy diệt ngay khi chúng vừa sanh lên, đó là vô thường. Chúng bị đàn áp với bởi sự sanh diệt liên tục, đó là khổ. Trong các pháp ấy không có tự ngã, không có gì bền vững, thường hằng và bất tử, đó là vô ngã. Sự phân biệt tính vô thường, khổ và vô ngã của danh-sắc và các nhân, các quả của chúng được gọi là thiền minh sát. Khi một hành giả hành thiền chỉ và quán, có thể nói là hành giả ấy đang hành Tứ Niệm Xứ.

Khi hành giả hành Tứ Niệm Xứ, hành giả phải đề khởi đủ Tứ Chánh Cần. Đó là:

    - Tinh tấn ngăn không cho những bất thiện pháp khởi sanh
    - Tinh tấn trừ diệt các bất thiện pháp đã sanh
    - Tinh tấn phát khởi những thiện pháp chưa sanh (định thiện pháp, minh sát thiện pháp, Thánh đạo thiện pháp v.v…)
    - Tinh tấn tu tập các thiện pháp cho đến A-la-hán Thánh quả.

Hành giả phải hành như thế nào? Hành giả phải hành theo Tứ Niệm Xứ . Khi hành cần phải đề khởi đủ bốn loại tinh tấn vừa đề cập, “dù cho thịt và máu ta có khô cạn chỉ còn lại xương và gân, ta cũng không từ bỏ thiền này.”

Khi hành, hành giả phải có Tứ Thần Túc:

    - Dục (chanda): lòng mong mỏi kiên trì và mãnh liệt muốn đạt đến Niết-bàn.
    - Cần (vīriya): tinh tấn kiên trì và mãnh liệt để đạt đến Niết-bàn.
    - Tâm (citta): tâm kiên trì và mãnh liệt để đạt đến Niết-bàn.
    - Thẩm (vimaṃsa): minh sát tuệ kiên trì và mãnh liệt để đạt đến Niết-bàn.

Nếu có lòng mong mỏi mạnh mẽ như vậy, chúng ta sẽ đạt đến mục đích. Không có điều gì không thể thành tựu nếu có đủ hoài bão. Với tinh tấn, tâm và thẩm, không có gì không thể thành tựu.

Khi hành chỉ và quán dựa trên giới, chúng ta cũng phải có ngũ căn. Đó là:

    - Tín (saddha): niềm tin kiên cố nơi đức Phật và những lời dạy của Ngài.
    - Tấn (vīriya): vận dụng tinh tấn đủ mạnh.
    - Niệm (sati): phải có niệm đủ mạnh trên đối tượng thiền. Nếu là thiền chỉ, nó phải là một đối tượng như tướng hơi thở (ānāpāna nimitta) hoặc tướng kasiṇa (kasiṇa nimitta). Nếu là minh sát (quán), nó phải là danh, sắc và các nhân của chúng.
    - Định (samādhi): phải có định đủ mạnh trên các đối tượng chỉ và minh sát.
    - Tuệ (paññāṇa): phải có sự hiểu biết đầy đủ về các đối tượng thiền chỉ và thiền minh sát.

Năm căn tinh thần này sẽ kiểm soát tâm của hành giả, nhờ vậy nó không đi chệch ra khỏi con đường Bát Chánh, đưa đến Niết-bàn. Nếu hành giả không có một trong những căn này, hành giả không thể đạt đến mục tiêu của mình được. Hành giả không thể kiểm soát được tâm của mình. Năm căn này có sức mạnh kiểm soát được tâm hành giả, nhờ vậy nó không rời khỏi đối tượng thiền của hành giả. Sức mạnh này cũng được gọi là ý lực (bala). Trên ý nghĩa của ý lực, năm căn tinh thần được gọi là ngũ lực (pañcabalāni).

Ngoài Tứ Niệm Xứ ra, Thất Giác Chi (satta bojjhaga) cũng rất quan trọng. Đó là:

    - Niệm (sati)
    - Trạch pháp (dhammavicaya). Đây là minh sát tuệ.
    - Tinh tấn (vīriya)
    - Hỷ (pīti)
    - An tịnh (passadhi)
    - Định (samādhi)
    - Xả (upekkhā)

Cuối cùng, có Bát Chánh Đạo (Ariyo aṭṭhangiko maggo):

    - Chánh Kiến (sammā diṭṭhi)
    - Chánh Tư Duy (sammā sankappa)
    - Chánh Ngữ (sammā vācā)
    - Chánh Nghiệp (sammā kammanta)
    - Chánh Mạng (sammā ājīva)
    - Chánh Tinh Tấn (sammā vāyāma)
    - Chánh Niệm (sammā sati)
    - Chánh Định (sammā samādhi).

Nói cách khác, đó là Giới, Định và Tuệ – Tam Học. Chúng ta phải hành Tam Học này một cách hệ thống.

Tất cả có 37 Pháp Trợ Giác Ngộ. Ước nguyện của đức Phật là các đệ tử của Ngài phải nắm vững 37 Pháp này và thực hành các pháp ấy cho đến quả vị A-la-hán. Nếu làm được điều đó, chúng ta có thể truyền trao cho các thế hệ tương lai di sản này. Như vậy, chúng ta và các thế hệ tương lai sẽ nhận được những lợi ích trong đời này cho đến khi chứng đắc Niết-bàn.

Tôn Giả Āciṇṇa, Dhammācariya – Pháp Sư
Aggamahākammaṭṭhānācariya – Đệ Nhất Đại Thiền Sư
Trưởng Ban Thiền Sư và Cố Vấn Thiền
Trung Tâm Rừng Thiền Phật Học Quốc Tế Pa-Auk, Myanmar

Trích từ “Biết và Thấy” của Pa Auk Sayadaw

Bản Việt dịch của Tì kheo Pháp Thông